Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiQuân đội Triều Tiên mạnh cỡ nào

Quân đội Triều Tiên mạnh cỡ nào

Như các bạn đã biết, Triều Tiên là một trong những quốc gia bí ẩn nhất thế giới, gần như toàn bộ mọi mặt về đời sống của quốc gia này đều là một dấu hỏi lớn. Thế nhưng, quốc gia này cũng rất biết cách làm cho mình trở thành tâm điểm, đó là khi họ phóng tên lửa hoặc là thử vũ khí hạt nhân. Mặc dù là một quốc gia còn tương đối nghèo nhưng với chính sách ưu tiên hàng đầu cho quốc phòng, Triều Tiên không chỉ sở hữu một đội quân hùng hậu mà họ còn trang bị cho đội quân của mình rất nhiều vũ khí hiện đại. Vậy, hiện nay, quân đội Triều Tiên bao gồm những quân chủng nào? Cùng với đó, là vũ khí hạt nhân của quốc gia này từ đâu mà có?

Năng lực quân sự của Triều Tiên đạt được những tiến bộ vượt bậc.

Đội quân bí ẩn nhất thế giới

Quân đội Nhân dân Triều Tiên hay Triều Tiên Nhân dân quân, còn được gọi tắt là KPA, đây là lực lượng quân sự của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và của Đảng Công nhân Triều Tiên. Nếu như tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, được thành lập ngày 22/12/1944, thì tiền thân của quân đội nhân dân Triều Tiên là lực lượng quân tình nguyện Triều Tiên, các lực lượng du kích chống đế quốc Nhật, cùng những chiến sĩ Triều Tiên phục vụ cho Quân đội Hồng quân Liên Xô và Hồng Quân Công nông của Trung Quốc trong thời Mao Trạch Đông. Một trong những nhà lãnh đạo của lực lượng này là Kim Nhật Thành, chính ông là người đã tập hợp một nhóm khoảng 300 lính du kích Triều Tiên hoạt động chống phát xít Nhật ở Mãn Châu. Ngày thành lập quân đội nhân dân Triều Tiên là ngày 8/2/1948. Đến năm 1978, khi Kim Nhật Thành đã là lãnh đạo tối cao của Triều Tiên, ông đã ra sắc lệnh đổi ngày thành lập quân đội từ ngày 8/2 sang ngày 25/4. Kể từ năm 2018, dưới thời cháu nội của ông là nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ngày thành lập quân đội nhân dân Triều Tiên đã được đổi lại về ngày 8/2. Như vậy hiện nay, ngày thành lập quân đội nhân dân Triều Tiên là ngày 8/2 hàng năm.

Theo trang Global Firepower, trong năm 2023, Triều Tiên đứng thứ 34 trên thế giới về sức mạnh quân sự, tổng quân số của quân đội Triều Tiên là khoảng 2 triệu người, trong đó nhân sự tại ngũ là 1,2 triệu người, nhân sự dự bị là 600.000 người, các lực lượng bán quân sự là khoảng 200.000 người. Cùng với đó, ngân sách quốc phòng của nước này trong năm nay ước tính vào khoảng 4,5 tỷ USD.

Cơ quan chỉ huy cao nhất của Quân đội Nhân dân Triều Tiên là Ủy ban Quốc vụ, đây là cơ quan tối cao về chủ quyền quốc gia, giám sát chính sách quốc phòng tổng thể. Đồng thời, đây cũng là cơ quan lập hiến pháp, thông qua việc sửa đổi Hiến pháp năm 2016. Cơ quan này bao gồm Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Lực lượng vũ trang nhân dân và Bộ Tư lệnh An ninh. Trong đó, Tổng cục Chính trị có nhiệm vụ giám sát các nhiệm vụ chính trị và tư tưởng của quân đội. Bộ Tổng Tham mưu có quyền chỉ huy quân sự, chỉ đạo và giám sát các hoạt động của lục quân, hải quân và không quân.

Mặc dù vị thế và chức năng của Bộ Lực lượng vũ trang nhân dân đã bị suy yếu nhiều do việc sửa đổi Hiến pháp của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Điều này đã dẫn đến hệ thống chỉ huy theo chiều ngang thuộc Ủy ban Quốc vụ. Thế nhưng, lực lượng vũ trang nhân dân vẫn nắm trong tay quyền lực quân sự như hậu cần và tài chính với tư cách là cơ quan đại diện của quân đội. Còn cơ quan An ninh Quốc gia sẽ có nhiệm vụ giám sát các hoạt động phản gián trong quân đội.

Cấp bậc quân hàm của quân đội nhân dân Triều Tiên

Cấp bậc quân sự Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là hệ thống quân hàm của quân đội nhân dân Triều Tiên. Hệ thống này được thành lập chính thức lần đầu tiên bởi Ủy ban Thường vụ Hội đồng Nhân dân Tối cao vào ngày 31/12/1952, hệ thống cấp bậc sau đó đã được cải tiến trong đợt cải cách quân sự năm 1998 và được sử dụng cho đến ngày nay.

Hiện nay, hệ thống quân hàm này đã tham chiếu hầu như toàn bộ hệ thống quân hàm của Hồng quân Liên Xô và có bổ sung thêm cho phù hợp với hoàn cảnh của đất nước.

Ban đầu, nó gồm 5 nhóm với 20 cấp bậc quân hàm và không có quân hàm cấp Soái. Đến tháng 2/1953, Triều Tiên đã đặt thêm hai cấp quân hàm nữa là Nguyên soái và Thứ soái (hay còn gọi là Phó nguyên soái). Khi đó, cấp bậc Nguyên soái Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên phong cho Kim Nhật Thành với vị thế Thống soái của lực lượng vũ trang, giống như Đại Nguyên soái Stalin của Liên Xô. Cấp bậc Thứ soái phong cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó là ông Cho Jong Kun, tương đương với cấp bậc Nguyên soái Liên Xô. Đặc thù hệ thống quân hàm của quân đội nhân dân Triều Tiên không có sự khác biệt về tên gọi giữa các nhánh Lục, Hải, Không quân.

Năm 1992, nhân dịp sinh nhật 80 tuổi của Kim Nhật Thành, một cấp bậc mới đã được đặt ra có tên gọi là Đại nguyên soái Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên để tôn phong cho ông. Đồng thời, con trai của ông là Kim Jong In được tôn phong là Nguyên soái Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lúc bấy giờ là O Jin U cũng được tôn lên cấp bậc Nguyên soái, nhưng với tên gọi là Nguyên soái Quân đội nhân dân Triều Tiên. Như vậy, hiện nay hạng cấp quân hàm của Triều Tiên được chia thành sáu cấp, bao gồm cấp Soái, cấp Tướng, cấp Tá, cấp Úy, cấp Sĩ và cấp Binh. Trong đó, hạng cấp Soái được chia làm bốn bậc, bao gồm Đại nguyên soái Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Nguyên soái Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Nguyên soái Quân đội nhân dân Triều Tiên và Phó nguyên soái Quân đội nhân dân Triều Tiên.

Đại nguyên soái Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là cấp bậc quân sự cao nhất của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Cấp bậc này giữ vai trò là tổng thống lĩnh về chính trị, quân sự và nó luôn được lãnh tụ tối cao nắm giữ. Cấp bậc này về mặt quân sự thì xếp trên cấp bậc Nguyên soái Quân đội nhân dân Triều Tiên, vốn chỉ có thẩm quyền quân sự. Nó mới chỉ được phong và truy phong cho 2 cố lãnh đạo Triều Tiên là ông Kim Nhật Thành và ông Kim Jong In. Còn hiện nay, cấp bậc Nguyên soái Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên chỉ do đương kim lãnh đạo Kim Jong Un nắm giữ.

Giới hạng cấp bậc Đại nguyên soái và Nguyên soái Cộng hòa là Nguyên soái Quân đội và Phó nguyên soái. Trong đó, Nguyên soái Quân đội nhân dân là cấp bậc quân sự cao nhất của Quân đội nhân dân Triều Tiên.

Các quân chủng của Quân đội nhân dân Triều Tiên

Cũng giống như một số quốc gia khác trên thế giới. Quân đội Triều Tiên được chia thành lục quân, hải quân, không quân, lực lượng chiến lược và Lực lượng tác chiến đặc biệt.

Lục quân

Lục quân Triều Tiên có tên gọi đầy đủ là Lực lượng Lục quân Quân đội nhân dân Triều Tiên, được gọi tắt là KPAGF. Lực lượng này được thành lập vào năm 1947, với tiền thân là Đội Cận vệ 38, được thành lập để tiếp quản an ninh phía bắc vĩ tuyến 38 từ Hồng quân Liên Xô. Hiện nay, Lục quân Triều Tiên được cho là một trong những đội quân đông đảo nhất thế giới, ước tính có khoảng gần 1 triệu quân nhân tham dự lực lượng này và chiếm gần 90% nhân lực quân đội của Bình Nhưỡng. Nó được biên chế thành 153 đơn vị cấp Sư đoàn và Lữ đoàn với 4 binh chủng gồm: Binh chủng Bộ binh, Binh chủng Thiết giáp, Binh chủng Pháo binh và Binh chủng Lực lượng đặc biệt. Hiện nay, khoảng 70% quân số của Lục quân Triều Tiên đang được triển khai tại các địa phương gần Khu phi quân sự.

Do thủ đô Seoul của Hàn Quốc cách Khu DMG khoảng 40km, nên đây là mục tiêu lý tưởng cho những cuộc Pháo kích từ phía Triều Tiên. Vì vậy, Pháo binh được quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Theo trang Global Firepower, phía Lục quân Bình Nhưỡng đang sở hữu 5000 khẩu pháo tự hành, 5000 khẩu pháo kéo, khoảng 3000 khẩu pháo phản lực. Cùng với đó là khoảng 6.645 xe tăng và khoảng 38.940 phương tiện cơ giới như xe bọc thép, xe vận tải, bệ phóng rocket… Khu vực cấm giới tuyến phi quân sự cũng là nơi bố trí khoảng 2/3 số pháo phản lực, cùng với phần lớn các pháo kéo và pháo tự hành của Triều Tiên.

Trong trường hợp khẩn cấp, nếu hai miền Triều Tiên nổ ra chiến tranh, với đội pháo binh hùng hậu Triều Tiên có thể nã hàng chục nghìn quả đạn vào lãnh thổ Hàn Quốc trong thời gian chưa đầy 1 phút. Tuy không có độ chính xác cao như pháo thông thường, nhưng với tốc độ bắn cực nhanh kiểu giải trấu, pháo phản lực phóng hàng loạt rất lợi hại khi tấn công mục tiêu trên diện rộng như là đô thị hoặc doanh trại gây sốc và tàn phá diện rộng cho đối phương. Đây được đánh giá là vũ khí được triển khai đầu tiên nếu có chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.

Để phòng tránh việc bị tên lửa hành trình hoặc máy bay ném bom của Mỹ và Hàn Quốc tấn công, tất cả các hệ thống pháo binh, các căn cứ và kho đạn của quốc gia này đều được ngụy trang trong những hầm ngầm kiên cố, rất khó bị phát hiện và luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Kể cả khi bị phát hiện, với độ sâu hàng chục mét tới hàng trăm mét của các hầm ngầm việc tiêu diệt chúng bằng tên lửa hành trình hoặc máy bay ném bom cũng là điều rất khó khăn.

Chưa hết, Lục quân Triều Tiên đã tiếp thu bài học từ chiến tranh Iraq và đang nỗ lực để bảo đảm khả năng sống sót của khu vực hậu phương bằng cách mở rộng lực lượng tác chiến đặc biệt và xây dựng các bãi mìn. Đồng thời, được yêu cầu phải luôn mang theo mặt nạ phòng độc và được huấn luyện cách chạy nước rút khi đeo mặt nạ phòng độc hàng ngày. Lính bắn tỉa cũng được phân công vào các đơn vị bộ binh của lực lượng này.

Hải quân

Lực lượng này có tên gọi đầy đủ là Lực lượng Hải quân Quân đội Nhân dân Triều Tiên, được thành lập vào ngày 28/8/1949. Hiện nay, quân số của hải quân Triều Tiên là khoảng 60.000 người. Do đặc điểm địa chính trị, hải quân Triều Tiên được chia thành hai hạm đội là Hạm đội Biển Đông hoạt động ở vùng biển Nhật Bản và Hạm đội Biển Tây hoạt động trong phạm vi biển Hoàng Hải.

Do lãnh thổ của quốc gia này chỉ kéo dài đến vĩ tuyến 38 nên hạm đội này hoạt động gần như biệt lập và không thể tiếp cận vùng biển phía Nam. Nói một cách đơn giản, ngay cả khi một bên tác chiến thất bại thì hạm đội còn lại cũng không thể hỗ trợ. Đây cũng được cho là điểm yếu cố hữu của hải quân Triều Tiên.

Chính vì vậy mà lực lượng này thường bị lép vế so với lục quân và không quân. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-Un gần đây tuyên bố rằng hải quân sẽ đóng vai trò quan trọng trong lực lượng đe dọa hạt nhân của Triều Tiên. Lực lượng Hải quân Quân đội Nhân dân Triều Tiên có khoảng 470 tàu nổi, bao gồm tàu mang tên lửa dẫn đường, tàu ngư lôi, tàu tuần tra nhỏ và tàu yểm trợ hỏa lực.

Ngoài ra, Triều Tiên có khoảng 70 tàu ngầm bao gồm các tàu lớp Romeo được thiết kế từ thời Liên Xô và các tàu ngầm hạng trung, cùng với đó là khoảng 40 tàu hỗ trợ và 250 tàu đổ bộ. Bên cạnh đó, tháng 3 và tháng 4 năm nay Triều Tiên đã thử nghiệm hệ thống vũ khí không người lái tấn công hạt nhân dưới nước. Phía Bình Nhưỡng cũng tuyên bố vũ khí bí mật của mình có khả năng tạo ra sóng thần phóng xạ và âm thầm tấn công các mục tiêu của đối thủ. Thiết bị mới này có tên gọi là Haeil có nghĩa là sóng thần. Nó được thiết kế để thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ trong vùng biển của đối thủ và tiêu diệt các nhóm tấn công hải quân, cũng như phá hủy các cảng hoạt động chính thông qua một vụ nổ dưới nước. Các nhà phân tích cho rằng, vũ khí này hoạt động tương tự như ngư lôi hạt nhân Poseidon của Nga, một loại vũ khí nhằm tạo ra các vụ nổ phóng xạ có sức tàn phá mạnh ở các khu vực ven biển.

Không quân

Hiện nay không quân Triều Tiên được chia thành hai lực lượng là không quân và phòng không. Trong đó, lực lượng không quân kể từ năm 1990, đã được thống nhất về một mối dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Không quân- trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên và trụ sở chính được đặt tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Theo tổ chức của Quân đội Nhân dân Triều Tiên, tư lệnh Không quân tương đương với cấp tư lệnh quân đoàn Lục quân. Về trang bị, Không quân của Triều Tiên được trang bị tổng cộng 947 máy bay, trong đó máy bay tiêm kích là 458 chiếc, máy bay tấn công các loại là 114 chiếc, máy bay vận chuyển có một chiếc và 225 chiếc trực thăng, bao gồm cả 20 trực thăng tấn công.

Dưới cấp Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân là các sư đoàn Không quân phụ trách theo địa bàn không phận. Hiện nay, không phận Triều Tiên được chia làm 4 khu vực bao gồm: không phận duyên hải phía Tây và thủ đô Bình Nhưỡng, khu vực này do Sư đoàn Không chiến số 1 và Sư đoàn Vận tải số 5 bảo vệ. Không phận DMG do Sư đoàn Công chiến số 3 bảo vệ. Không phận duyên hải phía Đông do Sư đoàn không chiến số 2 và Sư đoàn Vận tải số 6 phụ trách. Cuối cùng, không phận Viễn Đông Bắc, do Sư đoàn Huấn luyện số 8 đảm nhận.

Dưới các sư đoàn là các trung đoàn Không quân, mỗi Trung đoàn gồm có các đơn vị hỗ trợ về biên chế tiểu đoàn như tiểu đoàn Hậu cần, tiểu đoàn Kỹ thuật …và các nhóm phi công chiến đấu với biên chế phi đội. Khi tác chiến phối hợp trên không, các phi công thường triển khai đội hình biên đội, tùy theo yêu cầu tác chiến. Phổ biến nhất là biên đội hai máy bay, số rất hiếm là ba hoặc bốn máy bay.

Còn phòng không, đây được cho là lực lượng chủ chốt trong việc bảo vệ Triều Tiên, vì phía Bình Nhưỡng đã nhận được nhiều bài học trong quá khứ. Cụ thể từ năm 1950 – 1953, Không quân và Hải quân Mỹ đã gần như san phẳng Triều Tiên. Kể từ đó, chính quyền Bình Nhưỡng đã dành ra hàng thập kỷ để tìm ra cách ngăn chặn điều đó lặp lại. Ngoài hệ thống hầm ngầm được gia cố, chính quyền Bình Nhưỡng đã triển khai rất nhiều hệ thống phòng không hiện đại. Dù phần lớn biên chế phòng không của quốc gia này vẫn sử dụng các hệ thống từ thời Liên Xô nhưng họ cũng đang dần trang bị những khí tài nội địa có uy lực đáng sợ.

Lực lượng phòng không Triều Tiên hiện sở hữu nhiều khí tài hiện đại để kiểm soát bầu trời, nhằm ngăn ngừa những hành động xâm nhập của máy bay và tên lửa của đối phương. Chuyên gia quân sự Vasily Kashin khẳng định, Triều Tiên đang vận hành nhiều tổ hợp tên lửa S-75, S-125, S-200 và 2K12 Kub. Trong đó, hệ thống S-75 do nước này tự sản xuất và có đủ khả năng nâng cấp sâu.

Từ đầu thập niên 2010, Bình Nhưỡng đã bắt đầu triển khai hệ thống phòng không nội địa hiện đại, được Mỹ gọi là KN-06. Số lượng KN-06 trong biên chế lực lượng phòng không nước này đã không được công bố, nhưng nó đã được cho là có uy lực tương đương với một số phiên bản S-300 do người Nga chế tạo. Theo các nguồn tin Hàn Quốc cho rằng, KN-06 đã được thử nghiệm thành công với tầm bắn lên tới 150 km. Hệ thống này ít được biết tới vì giới phân tích phương Tây luôn coi thường tiềm lực công nghiệp quốc phòng của Triều Tiên. Nhưng trên thực tế, nước này đã có khả năng sản xuất nhiều máy móc tự động hóa và robot cũng như thiết bị bán dẫn và điện tử.

Lực lượng chiến lược

Lực lượng chiến lược quân đội Nhân dân Triều Tiên trước đây được gọi là Lực lượng tên lửa chiến lược quân đội Nhân dân Triều Tiên, hay Cục Hướng dẫn tên lửa. Đây là đơn vị chuyên vận hành tên lửa chiến lược, quy mô của nó vẫn chưa được xác định, nhưng ước tính có khoảng một quân đoàn và nó đang vận hành bốn nhà máy sản xuất tên lửa cùng 12 căn cứ phóng, giống như Lực lượng tên lửa chiến lược của Liên bang Nga và Đơn vị Pháo binh số hai của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Lực lượng chiến lược của Triều Tiên được tổ chức như một nhánh chuyên biệt, không giống như ba nhánh cơ bản là lục quân, hải quân và không quân. Hiện nay, lực lượng này đang sở hữu rất nhiều khí tài quân sự hiện đại, điển hình như loạt tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong 13, 14, 15 và 17.

Khi nhìn trên bản đồ, chúng ta có thể thấy Triều Tiên nằm cách bờ Tây nước Mỹ hơn 8000 km. Do vậy, loạt tên lửa liên lục địa Hwasong với tầm bắn lên tới 15.000 km, nên nó có thể chạm tới đất Mỹ chỉ trong vòng đầy 30 phút sau khi phóng.

Lượng tác chiến đặc biệt

Với việc luôn phải chuẩn bị tác chiến với một đối thủ mạnh hơn nhiều về trang bị là quân đội Mỹ và quân đội Hàn Quốc nên phía Triều Tiên đặc biệt quan tâm đến phát triển lực lượng đặc nhiệm, nhằm sử dụng ưu thế huấn luyện và kỹ năng tác chiến để bù đắp cho sự yếu thế hơn về trang bị. Cục Huấn luyện Bộ binh hạng nhẹ Triều Tiên đóng vai trò tương tự Bộ Tư lệnh Đặc biệt đặc công của Mỹ. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm phối hợp các đơn vị đặc nhiệm của nước này.

Cho đến nay, theo các ước tính lực lượng đặc công Triều Tiên có hơn 25 lữ đoàn, với hơn 20.000 binh sĩ, chủ yếu bố trí ở gần khu vực phi quân sự. Có thể nói, Triều Tiên có tỉ lệ quân tinh nhuệ và loại cao nhất thế giới. Đội quân này được ví là con dao nhọn của Quân đội Triều Tiên.

Về vũ khí, Lực lượng Đặc biệt này không sánh được so với một số nước phát triển, nhưng vũ khí tinh thần của quân đội này thì rất mạnh, các thành viên của lực lượng đặc biệt Triều Tiên được đào tạo về chính trị rất cao và được huấn luyện những nội dung đặc biệt giúp họ trở thành những người có bản lĩnh kiên cường và có kỹ năng quân sự đặc biệt.

Sức mạnh vũ khí hạt nhân của Triều Tiên

CIA nói riêng và Mỹ nói chung luôn coi Triều Tiên là cái gai trong mắt vì nước này sở hữu một kho báu vũ khí hạt nhân có thể làm nguy hại đến an ninh khu vực và nước Mỹ. Bên cạnh đó, CIA cũng cho rằng phía Bình Nhưỡng còn có một kho vũ khí hóa học đáng kể. Vậy, từ đâu mà một quốc gia nghèo như Triều Tiên lại có được kho vũ khí có thể đe dọa trực tiếp đến an ninh nước Mỹ- điều mà không phải quốc gia nào cũng làm được?

Ngay từ những năm 50, nhận thấy được sức mạnh của vũ khí hạt nhân sẽ là con bài chiến lược trong việc bảo vệ lãnh thổ và gây áp lực đối thủ, nên dưới thời của Chủ tịch Kim Nhật Thành, thì các nhà khoa học Triều Tiên đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu, với sự giúp đỡ của Liên Xô.

Năm 1958, khi Mỹ triển khai tên lửa Honest John mang đầu đạn hạt nhân và lực lượng pháo hạt nhân 280 mm đến Hàn Quốc, lúc này Triều Tiên và Liên Xô lập tức ký một thỏa thuận hợp tác, nội dung hiệp ước quy định, phía Liên Xô sẽ giúp Triều Tiên xây dựng trung tâm hạt nhân Yongbyon. Tới năm 1962, các lò phản ứng đã đạt được công suất 2 MW, rồi đến năm 1974 được nâng lên thành 4 MW.

Từ năm 1970, Triều Tiên đã bắt đầu khai thác quặng urani ở một số mỏ nhỏ gần tỉnh Suyong và tỉnh Pyongsan. Sau khi nắm giữ được những công nghệ cơ bản về chế tạo vũ khí hạt nhân, song song với việc triển khai các lò phản ứng, từ năm 1980 – 1985, Triều Tiên tiến hành xây dựng thêm một nhà máy ở trung tâm hạt nhân Yongbyon để tích lũy urani.

Năm 1985, tuy Triều Tiên đã ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng quốc gia này vẫn lặng lẽ nghiên cứu và hoàn thiện chế tạo loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này, mặc cho nhiều biện pháp ngăn cản, trừng phạt và bao vây cấm vận của Liên Hợp Quốc, cùng một số quốc gia như Mỹ, Anh và Pháp.

Từ đó cho đến năm 2002, quốc gia này vẫn tiếp tục nghiên cứu và chế tạo vũ khí hạt nhân, đồng thời phớt lờ những cảnh báo của tổng thống Mỹ khi đó là ông George Bush. Ngày 13/12/2002, Bình Nhưỡng yêu cầu cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế loại bỏ con dấu niêm phong và tháo gỡ thiết bị giám sát tại cơ sở hạt nhân Yongbyon. Khi mà IAEA từ chối, Triều Tiên đã tự loại bỏ nó, đồng thời tiến hành đưa các thanh nhiên liệu đến nhà máy Yongbyon để phục vụ cho sản xuất urani.

Sau đó, vào ngày 27/12, Bình Nhưỡng ra lệnh trục xuất các thanh tra IAEA, đồng thời chính thức công bố kế hoạch mở lại một nhà máy tái chế để có thể bắt đầu sản xuất bom Yongbyon.

Đến năm 2003, Bình Nhưỡng rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và cho đến nay quốc gia này đã có 6 lần thử hạt nhân. Trong đó, vụ thử gần nhất được thực hiện vào năm 2017 có sức công phá khoảng 100 KT, gấp khoảng 5 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Nagasaki của Nhật Bản năm 1945.

Những đánh giá về năng lực hạt nhân của Triều Tiên

Năm 2017 là năm đánh dấu một bước tiến khác của chương trình hạt nhân Triều Tiên, khi nước này công khai nguyên mẫu đầu đạn hạt nhân có thể tích hợp cho các tên lửa đạn đạo tầm xa. Sau 7 năm, từ thời điểm công bố mẫu đầu đạn hạt nhân đầu tiên hiện nay quốc gia này có thể thu nhỏ và tích hợp vũ khí này lên mọi tên lửa đạn đạo tấn công.

Tháng 9/2022, theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên, trong Hội nghị Nhân dân tối cao khóa 14, phía Bình Nhưỡng đã nhất trí thông qua việc sửa đổi Hiến pháp. Từ đây, quốc gia này đã vĩnh viễn đưa chính sách vũ khí hạt nhân vào luật cơ bản của đất nước mình. Vì vậy, không ai được xem thường luật đã được ban hành này. Đồng thời, Triều Tiên tìm cách để thúc đẩy gia tăng sản lượng vũ khí hạt nhân, tìm cách đa dạng hóa phương pháp tấn công hạt nhân và cần triển khai lực lượng hạt nhân ở các quân chủng khác nhau.

Mới đây, ngày 28/3, Triều Tiên bất ngờ công bố về mẫu đầu đạn hạt nhân chiến thuật mới do nước này phát triển, với kích thước nhỏ hơn nhiều so với các thiết kế trước đây. Các chuyên gia quân sự đều nhận định, đây là bước tiến đáng kể đối với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bởi vì giờ đây, quốc gia này hoàn toàn có thể thực hiện mục tiêu gây dựng hạt nhân thông qua nhiều hệ thống vũ khí khác nhau.

Theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên, mẫu đầu đạn hạt nhân mới có tên là Hwasan- 31 được giới thiệu lần đầu tiên trong chuyến thăm của ông Kim Jong Un đến Viện Vũ khí hạt nhân. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng được các quan chức viên vũ khí hạt nhân giới thiệu về các loại vũ khí có thể mang theo Hwasan- 31, trong đó bao gồm tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, đạn Rocket cho đến phương tiện tấn công không người lái dưới nước.

Trong chuyến thị sát, ông Kim Jong Un cũng nghe báo cáo về hệ thống quản lý vũ khí hạt nhân Hban Katu. Truyền thông Triều Tiên cũng nói rằng, tính chính xác, độ tin cậy và độ an ninh của hệ thống này đã được thẩm định trong các cuộc diễn tập gần đây.

Theo AK News, dựa trên những hình ảnh theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên đăng tải, đầu đạn hạt nhân Hwasan- 31 bước đầu có thể đã được tích hợp cho tên lửa hành trình Hwasan- 32, hệ thống pháo phản lực hạng nặng 600 mm KN-25 và tên lửa đạn đạo chiến thuật KN-23. Các chuyên gia đánh giá, những hình ảnh này cho thấy Triều Tiên đã đạt tiến bộ trong việc thu nhỏ đầu đạn để gắn vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hay bất cứ hệ thống tên lửa nào mà nước này muốn.

Theo báo cáo đánh giá mối đe dọa năm 2023 của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ vào tháng 3, cho biết Triều Tiên có thể đang chuẩn bị thử nghiệm thiết bị hạt nhân để thúc đẩy mục tiêu hiện đại hóa quân đội của nước này. Động thái này được xem là phù hợp nếu Bình Nhưỡng xác định sức mạnh của các mẫu đầu đạn mới trong điều kiện thực tế.

Theo nhiều nguồn tin từ Mỹ và Hàn Quốc, hiện nay phía Triều Tiên có khả năng đang sở hữu tới 65 đầu đạn hạt nhân. Đồng thời, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã coi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo là yếu tố đảm bảo cho sự tồn tại của đất nước và không có ý định từ bỏ các chương trình đó. Ông tin rằng, theo thời gian quốc tế sẽ chấp nhận Triều Tiên với tư cách là một cường quốc hạt nhân.

Nhìn chung, những thông tin cũng như là số liệu mà chúng tôi vừa tổng hợp được chỉ mang tính chất tham khảo. Trên thực tế, nó còn có thể có quy mô lớn hơn rất nhiều. Mặc dù với một đất nước có nền kinh tế còn khó khăn thì việc sở hữu vũ khí hạt nhân đã giúp Triều Tiên trở thành một trong những đối trọng của Mỹ ở Châu Á.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới