Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThủ đoạn chiếm triệu tỷ của bà Trương Mỹ Lan là gì?

Thủ đoạn chiếm triệu tỷ của bà Trương Mỹ Lan là gì?

Cách đây không lâu, chúng ta đã tìm hiểu về cách làm giàu của ông Trịnh Văn Quyết và biết rằng ông ta từng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam trong một thời gian ngắn. Bây giờ, chúng ta đã biết thật nhiều thành tích đó đạt được là nhờ lừa đảo và từ đâu ông Quyết đã vô địch thiên hạ về trình độ lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ cho mình.

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan

Gần đây cả cộng đồng Việt Nam lại tiếp tục bị sốc trước thông tin bà Trương Mỹ Lan, bà chủ của Vạn Thịnh Phát, đã chiếm đoạt tới 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại tới 415.000 tỷ đồng. Và thậm chí, tổng số tiền mà bà này đã rút theo cách phạm pháp ở ngân hàng lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng. Đây là số tiền vô cùng khủng khiếp. Ông Quyết ngày xưa mới có tài sản theo thị trường chứng khoán cỡ 2 tỷ đô mà đã giàu nhất Việt Nam, thế mà số tiền này cũng chỉ là con muỗi với bà Lan.

Bà Lan đã chiếm đoạt ở ngân hàng SCB tới 13 tỷ đô, gây thất thoát tới 18 tỷ đô và nếu tính tổng số tiền bà này đã rút trái phép thì lên tới 40 tỷ đô. Tài sản của 5 người giàu nhất Việt Nam cộng lại cũng không bằng số tiền mà bà Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt. Thậm chí, số tiền của các vị tỷ phú kia cũng chỉ là tính trên giá trị cổ phiếu thôi.

Ví dụ như ông Vượng có 5 tỷ đô cổ phiếu theo giá thị trường, nhưng khi ông Vượng bán tất cả cổ phiếu đó thì làm gì thu về được 5 tỷ đô? Vì bán ào ạt nhiều cổ phiếu như vậy thì giá sẽ bị giảm rất mạnh, nên 5 tỷ đô thực ra nó không thật.

Trong khi tiền mà bà Lan chiếm đoạt là rút thật, là số tiền mặt, nên nó là một số tiền cực kỳ, cực kỳ thật và lớn. Và Việt Nam chưa từng có cá nhân nào sở hữu công khai nhiều tiền đến như vậy. Thế thì bà Lan đã làm thế nào mà chiếm đoạt được nhiều tiền như thế? Thì phải nói rằng bà Lan quá cao tay.

Nếu như chúng ta gọi ông Quyết là “thánh lừa đảo”, thì bà Lan phải được gọi là “bố của thánh”. Bà Lan đã thực hiện như sau, Các bạn hình dung đơn giản rằng, giờ bạn nắm giữ một quỹ từ thiện cỡ 100 tỷ của 100 người quyên góp. Cứ mỗi ngày, bạn rút ra vài tỷ đi làm từ thiện, lại có vài người gửi vào vài tỷ, thế thì bạn lén lút rút vài triệu đi ăn sáng, liệu có ai biết được không? Chắc chắn là không. Vài triệu so với 100 tỷ, nó chẳng đáng bận tâm, nó như con tép dính trên con cá mập thôi. Tương tự, nếu như bạn là chủ một ngân hàng lớn, với số tiền gửi đến hàng triệu tỷ, bạn có rút vài trăm tỷ cũng khó mà ai biết được.

Để chống lại việc đó, Nhà nước đã đưa ra rất nhiều quy định chặt chẽ. Trong đó có một quy định là không cho phép bất cứ ai nắm quá 5% cổ phần của ngân hàng, quy định này có một mục đích rất rõ ràng, đó là không để ai làm chủ lớn của ngân hàng, không ai có quyền thao túng ngân hàng để bòn rút tiền theo ý mình.

Thế nhưng, bà Lan đã lách được cái quy định này bằng cách bà ta đưa tiền cho rất nhiều người để mua rất nhiều cổ phần của ngân hàng mà sau này hợp nhất gọi là SCB. Người thì mua 1-2%, người thì mua 3-4%. Tuy nhiên, dù là ai mua thì cũng chỉ là cái bình phong thôi. Thực ra, toàn bộ cổ phần đó đều do bà Lan định đoạt, quyết định, đội mua kia chỉ có đứng tên, chứ không có quyền. Vì vậy mà lúc ít nhất bà Lan cũng sở hữu tới 85% cổ phần của ngân hàng SCB, còn lúc bị bắt thì bà Lan đã sở hữu tới hơn 90% rồi.

Khi đã sở hữu trong tay một ngân hàng, bà Lan có thể làm gì? Câu trả lời khá đơn giản nhưng lại đầy quyền lực, đó là bà Lan gần như thao túng mọi thứ, tất nhiên là cả ban lãnh đạo của ngân hàng. Bà Lan đã đưa những người thân tín lên nắm giữ vị trí chủ chốt của nhà băng và trả lương cho họ từ 200 triệu đến 500 triệu một tháng. Mặc dù trên giấy tờ bà ta chẳng hề có chức vụ hay quyền hành gì trong ngân hàng SCB, bà Lan chỉ đơn giản là một cổ đông bình thường thôi. Nhưng đứng sau bà Lan thao túng mọi thứ.

Bây giờ, chúng ta hãy cùng xem ngân hàng thì có gì? Đương nhiên là có tiền, rất nhiều tiền. Thế nên, bà Lan đã tìm cách chiếm đoạt số tiền này. Gần như cứ người dân gửi vào là bà Lan lại tìm cách rút ra để dùng cho việc cá nhân.

Thứ nhất là làm sao để rút tiền? Phải chăng bà Lan cứ đến ngân hàng yêu cầu nhân viên rút tiền và đưa cho mình? Đương nhiên là không, ai lại làm như thế, làm thế thì có mà lộ hết.

Để rút tiền thì bà Lan đã làm như sau: Bà này yêu cầu nhân viên dưới danh nghĩa là cá nhân hoặc là công ty của tập đoàn Vạn Thịnh Phát để đến ngân hàng vay tiền. Như các bạn biết rồi, muốn vay ngân hàng bạn phải chứng minh cho ngân hàng thấy mục đích vay của bạn là gì. Nếu vay để đi buôn bột mì thì không ai cho bạn vay. Bạn phải cho họ xem các dự án kinh doanh liệu có khả thi không và ngân hàng sẽ thẩm định mục đích của bạn. Thế nên, các công ty của bà Lan và nhiều cá nhân đã vẽ ra vô vàn các dự án để làm mục đích vay tiền.

Tất nhiên là các dự án này thì dễ dàng được duyệt vì ngân hàng là của bà Lan nên việc bà Lan đi vay tiền thì giống như kiểu là tay trái rút tiền của tay phải thôi. Để không bị lộ, bà Lan đã nhờ hàng nghìn người đứng tên dưới rất nhiều pháp nhân khác nhau để vay tiền. Vì các bạn biết rằng nếu một người cứ vay đi vay lại mà không trả thì sẽ bị nghi là nợ xấu, nếu nợ xấu mà ngân hàng vẫn cho vay thì đó là ngân hàng có vấn đề và sẽ bị cơ quan quản lý của nhà nước để ý và có thể sẽ bị lộ. Cho nên bà Lan phải lập rất nhiều, rất nhiều tài khoản khác nhau, thuê rất nhiều người đứng tên, ký rất nhiều giấy tờ khống, lập nên rất nhiều công ty ma để vẽ dự án ảo. Có tới gần 900 người với 1300 hồ sơ hiện vẫn đang nợ ngân hàng và số tiền nợ lên tới 677 tỷ đồng.

Để vay được tiền, ngân hàng sẽ yêu cầu bên vay phải có tài sản đảm bảo, chứ đến lúc vay mà không trả được thì ngân hàng biết lấy đâu mà bù vào. Các công ty của bà Lan cũng phải có tài sản đảm bảo, có điều là thực tế là bà Lan cho nhân viên kê khai rất nhiều tài sản không được công nhận như là cổ phiếu, trái phiếu không hợp lệ, hay nhiều tài sản được công nhận thì lại bị thổi phồng lên. Ví dụ mảnh đất có giá 1 tỷ mà ngân hàng lại ghi nhận cho tới 5 tỷ.

Nhờ vậy, với số tài sản khá ít nhưng bà Lan lại vay được số tiền rất khổng lồ. Theo thống kê, có tới 93% tổng các khoản vay thực ra là rút tiền cho bà Lan, còn khách thật vay chỉ có 7% thôi.

Khi các khoản vay của các cá nhân và công ty do bà Lan đứng sau đã được ngân hàng duyệt vay, ngân hàng sẽ chuyển vào tài khoản của những người này. Vì các bạn biết rằng mỗi khoản vay có giá trị tới cả trăm tỷ đồng, số tiền lớn như vậy không ai lại đưa tiền mặt. Sau khi tiền đã vào tài khoản của công ty mà bà Lan lập nên, thì bà Lan sẽ rút một phần tiền, vừa chuyển khoản lòng vòng số tiền còn lại vào các công ty khác nhau. Sau đó mới rút tiền mặt, mục đích là để tránh sự giám sát của cơ quan nhà nước.

Sau khi rút được số tiền khổng lồ này, bà Lan sẽ dùng để chi tiêu cá nhân, mua hàng nghìn mảnh đất, hàng nghìn căn nhà, hàng chục chiếc xe siêu sang, du thuyền, những thứ đồ vô cùng xa xỉ. Hãy nhớ rằng, tất cả số tiền đó đều là tiền tiết kiệm của người dân, có những người dành dụm cả đời để tiết kiệm vào ngân hàng SCB và không hề biết rằng tiền đó sẽ không rút được vì bà Lan đã rút ra và chi tiêu hết rồi.

Vậy … bạn có thắc mắc là làm sao mà bà Lan lại bị lộ khi mà bà này nhiều tiền đến nỗi hối lộ cho người đứng đầu cơ quan thanh tra tới 5 triệu đô, tức là hơn 120 tỷ đồng? Số tiền hối lộ cho một người mà nhiều hơn cả vụ án Việt Á hối lộ cho tất cả quan chức. Hối lộ nhiều như vậy thì sao vẫn bị lộ? Cơ bản là do bà Lan chi tiêu quá nhiều, ngân hàng hết tiền, thường thì bà Lan cứ rút và tiêu khi tiêu hết thì lại cho nhân viên lập hồ sơ vay tiền để rút và tiêu tiếp.

Để người ta không thắc mắc rằng, tại sao rất nhiều khoản vay với số tiền khổng lồ vậy mà không thấy ai trả, bà Lan cho luôn những khoản vay đó vào loại khó đòi và bà ta bán lại cho các công ty mua nợ xấu.

Chúng ta cứ hiểu nôm na là nếu dân hỏi tại sao công ty A vay 1000 tỷ mà không trả, thì bà Lan bảo là họ phá sản rồi, khoản nợ đó thành nợ xấu rồi, tôi bán khoản nợ đó cho bên mua nợ xấu thu được 100 tỷ rồi. Nhưng… có một sự thật là công ty mua nợ xấu lại cũng là công ty ma do bà Lan lập nên. Vậy là chả phải làm gì, bà Lan cũng đút túi 900 tỷ. Ngân hàng thì cứ bị rút ruột như vậy, hàng triệu tỷ đồng do người dân gửi vào bà Lan đã rút đến 1 triệu tỷ, tức là khoảng 40 tỷ đô. Trong đó, bà Lan chiếm đoạt 304.000 tỷ và rất nhiều khoản nợ khác cũng không có khả năng thu hồi. Cho nên ngân hàng cạn tiền, người dân đi rút tiền thì ngân hàng bắt đầu mất khả năng chi trả.

Vậy là câu hỏi mới được đặt ra là tại sao ngân hàng lại hết tiền? Ngân hàng quản lý kiểu gì? Và cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra. Đến giờ, lòi ra là bà Lan đã rút và chiếm đoạt đến hàng trăm nghìn tỷ rồi thì lấy đâu ra tiền cho người dân rút nữa? Và bà Lan đang trả giá cho những gì mình gây ra, nhưng có điều là không biết thiệt hại do bà này gây ra sẽ ảnh hưởng như thế nào? Và đó là cách mà bà Lan đã chiếm đoạt tiền, số tiền kỷ lục Việt Nam chưa một cá nhân nào sở hữu nhiều tiền đến như vậy.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới