Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCampuchia xây dựng kênh đào Phù Nam chia dòng chảy sông Hậu

Campuchia xây dựng kênh đào Phù Nam chia dòng chảy sông Hậu

Bất chấp hậu quả nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra, những năm gần đây kinh tế Campuchia đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng GDP luôn đạt trên 5% mỗi năm. Đây được coi là thành quả của chiến lược “Tứ giác” do ông Hun Sen phát động từ tháng 7/2018 và cũng là kết quả của hàng chục tỷ đô la tiền đầu tư từ Trung Quốc. Từ năm 1992 đến năm 2010, tổng số tiền đầu tư nước ngoài vào Campuchia chỉ khoảng 10 tỷ đô la. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, chỉ riêng Trung Quốc đã đầu tư vào Campuchia số tiền lên tới 9,6 tỷ đô la, chưa kể 7 tỷ đô la nữa đang nằm trên giấy chờ giải ngân.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 ước đạt 5,6%, quy mô nền kinh tế tăng lên 28,5 tỷ đô la, đưa thu nhập bình quân đầu người của Campuchia lên mức 1.800 đô la. Tuy vậy, con số 1.800 đô la vẫn thuộc top 3 nước nghèo nhất Đông Nam Á, cùng với Đông Timor và Myanmar.

Tháng 8/2023, sau 38 năm làm Thủ tướng, ông Hun Sen đã cảm thấy thật sự mệt mỏi. Ông quyết định giao lại quyền điều hành đất nước cho con trai cả của mình là Đại tướng Hun Manet, còn ông thì lui về sau, kiểu như là Thái thượng hoàng vậy. Ông Hun Sen đã từng nói, ông sẽ quay lại chính trường nếu có biến. Việc chuyển giao quyền lực này rất đúng quy trình khi mà Quốc vương Campuchia, ông Norodom Sihamoni, đã triệu tập một cuộc họp Quốc hội bất thường, bỏ phiếu bầu cho ông Hun Manet làm Thủ tướng với sự nhất trí cao. Dù sao Đảng CPP của ông Hun Sen cũng chiếm đến 120 trên 125 ghế tại Quốc hội.

Ngay sau khi lên nắm quyền với khát vọng thể hiện năng lực của mình, ông Hun Manet đã đưa ra một chiến lược mới để phát triển đất nước Campuchia, đó là chiến lược “Ngũ giác”. Chiến lược này dựa trên cơ sở chiến lược “Tứ giác” của Hun Sen. Trong chiến lược này có một kế hoạch đầy tham vọng, đó là kênh đào đế chế Phù Nam (Funan Techo Canal).

Sông Mekong là một trong những con sông lớn nhất thế giới, dài thứ bảy ở Châu Á, bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng, trải qua Vân Nam, Trung Quốc, qua các nước Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam. Khi chảy đến đất Campuchia, sông Mekong chia làm hai nhánh là sông Tiền và sông Hậu.

Sông Hậu được người Campuchia gọi là sông Ba Sắc. Từ xưa, cuộc sống của người dân đồng bằng sông Cửu Long đã phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước của con sông này, nước tưới tiêu đồng ruộng khiến cho đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất của cả nước, với sản lượng 25 triệu tấn trên mỗi năm, chiếm đến 54% sản lượng lúa gạo của cả nước. Nước giúp cho người dân giao thông đi lại, buôn bán, trao đổi hàng hóa khắp vùng, những chợ nổi Cái Bè, Cái Răng cũng tồn tại vì có nước, nước về mang theo tôm cá, làm kế sinh nhai, kiếm sống của hàng triệu người dân, giúp người dân nuôi trồng thủy sản. Nói chung, lợi ích của con sông nhiều lắm kể không hết được.

Tuy nhiên, những năm gần đây, đồng bằng sông Cửu Long thật sự “đói lũ”, không có lũ về thì thiếu phù sa, thiếu phù sa thì sạt lở nghiêm trọng, sạt lở thì người dân mất đất, mất nhà. Không có lũ về tôm cá ít đi, người ngư dân chài lưới ven sông cũng ngày càng khó khăn. Không có lũ về, nước thấp, triều cường lại lên cao, khiến cho tình hình xâm nhập mặn sâu vào trong đất liền hàng trăm km, đồng ruộng nứt toác, lúa cháy xác xơ.

Mùa khô năm 2015-2016, có tới 10/13 tỉnh thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã phải tuyên bố tình trạng thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, tổng thiệt hại lên tới 7.900 tỷ đồng. Đến mùa khô năm 2019-2020, hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử, nó còn gay gắt hơn cả mùa khô 2015-2016. Tổng diện tích lúa bị thiệt hại do hạn mặn là 58.400 ha.

Diện tích cây ăn trái bị thiệt hại là 25.120 ha, 96.000 hộ dân gặp nhiều khó khăn. Đồng bằng sông Cửu Long thật sự đói lũ, lý do thì có nhiều, ví dụ như biến đổi khí hậu, hiện tượng El Niño và hơn 200 đập thủy điện được xây dựng ở Campuchia, Lào, Thái Lan cùng với 13 đập thủy điện siêu lớn ở phần đất Trung Quốc. Hệ thống dày đặc các đập thủy điện trên sông Mekong đã khiến cho lượng nước chảy về hạ lưu trở nên ít đi, lũ cũng vì thế mà không còn.

Tháng 8/2023, ngay sau khi ông Hun Manet lên nắm quyền, Campuchia đã đề xuất với Ủy hội sông Mekong về việc thực hiện một dự án kênh đào trải dài từ sông Ba Sắc đến cảng biển ở tỉnh Kampong, thành phố Kep, gần với Vịnh Thái Lan. Chính phủ Campuchia gọi công trình này là “Funan Techo Canal”, tức là kênh đào đế chế Phù Nam. Ngay từ cái tên của dự án “Đế chế Phù Nam” đây quả thực là một cái tên đầy ẩn ý và khát vọng. Người Campuchia vẫn luôn có một sự hối tiếc lớn lao về những đế chế rộng lớn của mình trong quá khứ, ví dụ như đế chế Phù Nam hay đế chế Khmer.

Kênh đào Phù Nam dài tới 180 km, độ sâu 4.7 m và độ rộng 50 m, sẽ được xây dựng dưới sự giúp sức từ Trung Quốc. Nó đi qua bốn tỉnh là Kandal, Takeo, Kampot và Kep với tổng dân số khoảng 1.6 triệu người sinh sống hai bên ven bờ. Dự án này ước tính tiêu tốn khoảng 1.7 tỷ đô la và mất tới 4 năm để xây dựng, chưa tính đến chậm tiến độ và đội vốn. Nhìn vào tổng thể quy mô của công trình này, đây sẽ là kênh đào lớn nhất Đông Nam Á, dài gấp đôi con kênh dài nhất Việt Nam là kênh Vĩnh Tế, cũng dài gấp đôi kênh đào Panama. Một khi dự án kênh đào Phù Nam được hoàn thành, nó sẽ có tác động rất lớn đến nhiều lĩnh vực của Campuchia nói riêng, cũng như các nước lân cận trong khu vực bán đảo Đông Dương nói chung, nhất là Việt Nam.

Địa hình Campuchia chủ yếu là các đồng bằng bồi tích do sự hoạt động mạnh mẽ của sông Mekong đạng địa hình này có rất nhiều sông suối với lượng nước dồi dào. Với địa hình như vậy, rất thuận lợi để Campuchia phát triển nông nghiệp. Đồng thời, cũng là lợi thế để phát triển công nghiệp trên đất nước này.

Xét về tổng quan cơ cấu của nền kinh tế Campuchia, chỉ có khu vực Thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kamdan là có nhiều nhà máy và khu chế xuất. Tức là lĩnh vực công nghiệp của cả đất nước tập trung hầu hết ở vùng thủ đô, còn các vùng khác của đất nước thì nông nghiệp, thủy sản là những ngành kinh tế chính. Một số thành phố ven biển có thể phát triển thêm du lịch. Như vậy, với địa hình của đất nước, có thể thấy rằng sự phân bố cơ cấu các ngành kinh tế chủ yếu của đất nước vẫn là nông nghiệp. Tất nhiên, để có thể phát triển nông nghiệp các kênh đào dẫn nước đóng một vai trò rất quan trọng. Hiện nay ở Campuchia đang có tổng 7 kênh đào, bao gồm: Stung Sen, Prek Phnov, Chrouy Changvar, Siem Reap, Pursat, Trapeang Thma, Krang Yov. Những kênh đào này được chủ yếu xây dựng từ việc nối liền với Hồ Tôn Lê Sáp, hồ nước ngọt lớn nhất tại Đông Nam Á.

Đây là một trong những hồ nước ngọt quan trọng và đặc biệt với cả khu vực, có ý nghĩa lớn với Campuchia từ nhiều khía cạnh. Các kênh đào hiện có của Campuchia đóng vai trò thiết yếu trong các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ của vương quốc, như vận chuyển hàng hóa, cung cấp nước, phát triển cảng biển, hình thành các cơ sở thủy điện, tạo việc làm bền vững cho người dân, tăng cường khả năng hợp tác quốc tế. Khi kênh đào Phù Nam được xây dựng, nó cũng có chức năng như vậy. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ hơn bản đồ quy mô, vị trí của dự án, có thể phát hiện một số điểm mới từ kênh đào này. Đầu tiên, kênh đào Phù Nam vẫn được nối từ phân lưu của sông Mekong là sông Bassac, nhưng kênh đào Phù Nam sẽ được đào sâu từ tỉnh Takeo, nơi cách thủ đô Phnom Penh chỉ khoảng 30 km. Khác với tất cả các kênh đào khác, Phù Nam được nối dài ra khu vực biển và giáp danh với một số tỉnh của Việt Nam, tạo ra một giải liên kết với thủ đô và các tỉnh có thế mạnh về kinh tế biển. Với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, việc triển khai dự án sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Vương Quốc Campuchia. Vậy đó là những lợi ích nào?

Thứ nhất, kênh đào Phù Nam sẽ giúp gia tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, tạo cơ hội phân phối sản phẩm từ các ngành nông nghiệp, thủy sản đến các khu vực cảng biển, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa như thủy sản, gạo, dệt may, giày dép và nông sản đến các thị trường quốc tế.

Thứ hai, kênh có thể giúp cho Campuchia tiếp nhận các mặt hàng nhập khẩu, nhiều loại hàng hóa bao gồm máy móc thiết bị, nhiên liệu, hàng tiêu dùng. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các tỉnh như Kampod, Kep, không chỉ tận dụng được từ nông nghiệp, du lịch để phát triển kinh tế mà hoàn toàn có thể đẩy mạnh các ngành dịch vụ liên quan đến vận chuyển và phân phối.

Hiện nay, ngoài cảng Sihanoukville ở các tỉnh Kep và Kampod cũng có các cảng biển. Tuy nhiên, với kênh đào Phù Nam, khoảng cách kết nối từ Kep và Kampod tới Phnom Penh sẽ là gần hơn từ Sihanoukville. Từ đó, sẽ tăng được năng lực, hiệu quả làm việc của các cảng biển với các hoạt động xuất nhập khẩu.

Thứ ba, tỉnh Kep và Kampod khi có sự xuất hiện của kênh đào Phù Nam sẽ có tiềm năng trở thành những đặc khu kinh tế như Sihanoukville, tạo ra cơ hội phát triển kinh tế, góp phần thu hút nguồn FDI từ các nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện phát triển cho khu vực nói riêng và cho cả Campuchia.

Dự án kênh đào Phù Nam có khả năng tạo ra việc làm bền vững cho những người dân xung quanh khu vực mà kênh đào sẽ đi qua. Điển hình như các công việc liên quan đến thi công công trình, làm việc trong các khu công nghiệp, các cảng biển, vận hành kênh đào, hoặc cũng có thể là phát triển các dịch vụ liên quan đến du lịch, vận chuyển. Cư dân có thể tiếp tục phát triển thêm về ngành nông nghiệp, thủy hải sản, phục vụ cho xuất khẩu. Kênh Phù Nam là một trong rất nhiều dự án được Trung Quốc đầu tư xây dựng ở Campuchia.

Tuy nhiên, để có thể kết nối các công trình này cần có đường sá. Trung Quốc xây dựng rất nhiều đường ở Campuchia, có cả đường cao tốc to và đẹp. Bộ mặt đô thị thay da đổi thịt, trở nên đẹp hơn, khang trang hơn, có nhiều chỗ chơi hơn, từ đó thu hút được nhiều khách du lịch hơn, giúp cho ngành hàng không, ngành vận tải, ngành du lịch của Campuchia phát triển hơn. Bởi có nhiều khách quốc tế đến đánh bài, đến vui chơi, họ lại thích đi đổi gió chơi mấy chỗ khác ở Campuchia như Angkor hay là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa địa phương. Người Campuchia cũng có thêm nhiều việc làm ở các khu du lịch, khu vui chơi.

Mặc dù không phải là một nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Campuchia vẫn luôn lên tiếng ủng hộ việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo. ASEAN đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông, đang họp để phản đối thì ông Campuchia lên tiếng ủng hộ Trung Quốc. Rất nhiều lần như vậy, đến nỗi là cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore, Balahari Kausikan, đã phải lên tiếng rằng ASEAN nên đuổi Campuchia ra khỏi hiệp hội nếu nước này tiếp tục lựa chọn con đường sai lầm khi chịu ảnh hưởng từ một thế lực bên ngoài. Ăn cây táo mà lại rào cây sung.

Trước đây Việt Nam giúp Campuchia đánh Pol Pot, cứu vớt người Campuchia thoát khỏi cảnh diệt chủng, Thủ tướng Hun Sen cũng được Việt Nam cưu mang và giúp đỡ rất nhiều. Thế nhưng một bộ phận người Campuchia vẫn coi Việt Nam là kẻ chiếm đất, chiếm Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm cả đảo Phú Quốc. Người Việt ở Campuchia là những Việt kiều khổ nhất thế giới. Gần đây Campuchia còn nâng cấp quan hệ quân sự với Trung Quốc, cho Trung Quốc phát triển căn cứ hải quân Ream.

Ngày 8/8/2023, Campuchia đã gửi thông báo tới Ủy ban sông Mekong về dự án kênh đào đế chế Phù Nam. Sau đó thì Cục Quản lý Tài nguyên Nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi Trường Việt Nam đã có công văn yêu cầu các cơ quan và các nhà khoa học tham gia đánh giá tác động của dự án xây dựng tuyến giao thông đường thủy đế chế Phù Nam đến vùng đồng bằng sông Cửu Long của chúng ta.

Đồng bằng sông Cửu Long đang đói lũ, sông Hậu đang đói nước, giờ lại phải chia dòng chảy cho kênh đào này thì tình trạng thiếu lũ sẽ còn trầm trọng hơn rất nhiều. Thiếu lũ thì sẽ kéo theo rất nhiều hậu quả nghiêm trọng: thiếu nước thì xâm nhập mặn, ruộng đồng khô hạn, thiếu tôm cá, thiếu phù sa…. Điều đáng phân tích là tại sao Campuchia lại nảy ra ý tưởng này. Campuchia có biết rằng Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, đang gặp khó khăn về nguồn nước không? Tất nhiên là Campuchia biết, biết mà sao vẫn làm? Ý tưởng này là của Campuchia hay là của Trung Quốc?

Việt Nam là đất nước ở cuối con sông, mấy nước đầu nguồn làm gì thì Hà Nội rất khó can thiệp. Chỉ có thể dựa vào các hiệp định đã ký kết trước đó để ước chế họ. Campuchia phải thông báo dự án kênh đào tới Ủy ban sông Mekong vì họ cùng với Việt Nam, Lào, Thái Lan đã ký kết Hiệp định sông Mekong vào năm 1995. Việc xây dựng kênh đào này không cần phân tích nhiều, rõ ràng là gây thiệt hại nặng nề cho Việt Nam.

Vậy Hà Nội có thể làm gì? Khuyên Campuchia không xây kênh đào nữa ư? Liệu với những lợi ích có được khi xây kênh đào thì Campuchia có từ bỏ việc xây kênh không?

Nếu không thay đổi được người khác thì thay đổi chính mình. Vậy Việt Nam có thể thay đổi giống vật nuôi, cây trồng, chuyển đổi nghề nghiệp, trồng những cây chịu hạn, chịu mặn vẫn cho năng suất cao. Nghiên cứu cho ra những giống cây mới, giống con mới phù hợp với điều kiện mới để tiếp tục phát triển. Như vậy dù Campuchia có xây thêm 10 con kênh nữa, dù đó có là kênh đế chế Phù Nam hay là kênh đế chế Khmer cũng chẳng ảnh hưởng gì. Sức mạnh tuyệt đối có thể đánh tan mọi âm mưu và thủ đoạn, hãy nhớ rằng Israel, Ả Rập Xê Út trên sa mạc quanh năm khô cằn, người ta cũng trồng được rau ăn, đã thế, lại còn trồng được năng suất cao nữa chứ. Tất nhiên là bây giờ trình độ nông nghiệp của Việt Nam vẫn chưa thể so sánh được với Israel, nhưng chúng ta có thể học, Đồng bằng sông Cửu Long dù có thiếu nước như thế nào đi chăng nữa thì cũng không phải là sa mạc. Có lý nào lại không trồng được cây?

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới