Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao Triều Tiên “từ mặt” Hàn Quốc?

Vì sao Triều Tiên “từ mặt” Hàn Quốc?

Những ngày tháng 1/2024 tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến căng thẳng. Không chỉ có cuộc đụng độ kéo dài giữa Nga-Ukraine, Hamas-Israel, tình hình hai miền Triều Tiên đang xấu đi từng ngày.

Đó là những đám mây u ám đe dọa hòa bình thế giới cần hết sức quan tâm, tìm mọi cách ngăn chặn, không để xảy ra hiệu ứng domino. Không để từ những chảo lửa này lan rộng, tạo nên hàng loạt các phản ứng tiêu cực.

Đúng vào ngày cuối cùng của năm 2023, Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tuyên bố từ bỏ chính sách “tái thống nhất” với Hàn Quốc – chính sách này được duy trì từ gần nửa thế kỷ nay. Một tuyên bố lạnh lùng và kiên quyết khiến cho không chỉ Seoul bàng hoàng. Từ đây, Triều Tiên coi Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”, hoàn toàn không cùng một dân tộc (!).

Tuyên bố của ông Kim Jong Un được Hãng tin nhà nước Triều Tiên KCNA công bố hôm 31/12/2023. Gáo nước lạnh, hay là quả bom hẹn giờ tung ra ngay sau cuộc họp kéo dài 5 ngày của Ban lãnh đạo đảng cầm quyền Triều Tiên.

Triều Tiên “kết tội” Hàn Quốc và Mỹ, rằng hai quốc gia này phải chịu trách nhiệm về việc để cho “khủng hoảng kéo dài và vượt vòng kiểm soát”. Nếu như cứ mãi theo đuổi việc hướng đến “hòa giải và thống nhất” với Hàn Quốc sẽ là một “sai lầm” không thể cứu vãn.

Sau Tuyên bố của người đứng đầu Nhà nước Triều Tiên, Bình Nhưỡng lập tức có những hành động đáp trả những gì mà họ gọi là “sự phản bội”, “theo đuôi Mỹ” của Seoul. Sáng 20/01/2024, Triều Tiên bất ngờ phóng nhiều tên lửa hành trình về phía biển Hoàng Hải – thuộc Thái Bình Dương, nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc.

Theo phân tích của Cơ quan tình báo Mỹ và Hàn Quốc, tên lửa hành trình này là loại tên lửa bay ở tầm thấp với quỹ đạo có thể thay đổi. Vì vậy việc phát hiện, truy vết, bắn chặn sẽ rất khó khăn. Đây là loại tên lửa hành trình chiến lược Arrow-1 hoặc 2.

Cùng với vụ phóng tên lửa bội siêu thanh cách đây 10 ngày, vụ phóng mới nhất làm dấy lên mối lo Bình Nhưỡng có thể tấn công hạt nhân toàn bộ bán đảo Triều Tiên và lực lượng Hoa Kỳ ở Nhật Bản. Bởi vì tên lửa hành trình hoặc tên lửa bội siêu thanh có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân chiến thuật.

Bình Nhưỡng quả là ghê gớm! Theo các nhà phân tích, rõ ràng Triều Tiên không chỉ “dọa”. Họ đang đe dọa Hàn Quốc bằng “Chiến thuật xúc xích”. Tức là, “thắng” từng bước một như cắt xúc xích. Dự báo từ nay đến khi Hàn Quốc kết thúc tổng tuyển cử thì “Chiến dịch xúc xích” mới tạm ngưng.

Lẽ dĩ nhiên, Seoul không thể khoanh tay nghe Bình Nhưỡng phán xử. Người phát ngôn đảng Quyền lực Nhân dân Hàn Quốc đanh thép tuyên bố: Chế độ Kim Jong Un sẽ không thể để đạt được bất kỳ mục tiêu gì thông qua các hành động khiêu khích vũ trang. Họ sẽ chỉ chuốc những thất bại cay đắng!

Tuyên bố “từ mặt” người anh em không phải là một điều ngẫu hứng. Sau rất nhiều cuộc đàm phán bất thành, không có bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết, Bình Nhưỡng đi đến một quyết định tiêu cực, nói bài bản là, từ bỏ lập trường “tái thống nhất”.

Hàng chục năm nay Bình Nhưỡng hướng đến xây dựng một “Nhà nước Liên bang Dân chủ Koryo” (Koryo- Cao Ly). Đó là xây dựng một chính quyền “liên bang” với Hàn Quốc, chứ không phải là thống nhất thành một quốc gia như hai miền Bắc-Nam của Việt Nam trước năm 1975.

Chính quyền liên bang sẽ cho phép mỗi bên duy trì chế độ chính trị riêng. Vào thế kỷ thứ 10, cách nay hơn 1000 năm, Cao Ly là tên gọi nhà nước đầu tiên từng thống nhất toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên. Lãnh tụ Kim Nhật Thành, ông nội của Kim Jong Un – Nhà lãnh đạo đầu tiên của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên từ khi thành lập nước này vào năm 1948, cho đến khi ông qua đời vào năm 1994., là người nêu chủ thuyết thành lập “Cộng hòa Liên bang Dân chủ Cao Ly”.

Vậy là, khi Kim Jong Un tuyên bố từ bỏ chủ trương của ông nội, sẽ là một bước ngoặt lớn. Chắc hẳn các nhà bình luận quốc tế còn tốn nhiều thời gian, công sức để phân tích sự kiện này. Bởi ở Triều Tiên, thái độ trung thành với lãnh tụ được coi là một điều kiện căn bản bảo đảm sự ổn định của chế độ.

Không chỉ có tuyên bố sắt máu của ông Kim Jong Un, bà Kim Yo Jong – Phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, đã lên án phát biểu đầu năm mới của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Bà này còn hiếu chiến hơn với lời đe dọa: “Sẽ cùng với Mỹ hoàn thiện hệ thống răn đe mạnh mẽ hơn nhắm vào Bình Nhưỡng”.

Việc từ bỏ tái thống nhất hai miền Triều Tiên còn có điều gì bí ẩn phía sau? Phải chăng khi quyết đoạn tuyệt với “người anh em sinh đôi”, Bình Nhưỡng muốn đẩy mạnh việc phát triển vũ khí hạt nhân? Nước này cũng sẵn sàng cho chiến tranh hạt nhân, chống lại Hàn Quốc và các quốc gia thù địch.

Theo chuyên gia Hàn Quốc Hong Min: Hành động đơn phương của Bình Nhưỡng có thể là “một con bài mặc cả quan trọng” với Mỹ. Mặc cả những gì là cả vấn đề đại sự liên quan đến các cường quốc, liên quan đến cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các “con hổ”.

Thế giới đón nhận tin không vui giữa hai miền Triều Tiên một cách bình tĩnh, tỉnh táo. Đó cũng là thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, nỗ lực phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới