“Thêm một Bucha”, câu nói đó đang vang lên thời điểm này, sau khi chiếc máy bay quân sự Il-76 của Nga vận chuyển tù binh Ukraine gặp nạn, rơi ở khu vực Belgorod gần biên giới Ukraine sáng 24/1 khi đang trên đường tới địa điểm trao đổi tù binh, theo lịch trình. Trong số 74 nạn nhân, có 65 tù binh Ukraine.
Ngày 25/1, Nga thận trọng đưa ra thông tin cho biết “chưa rõ lý do” gây nên vụ tai nạn. Ngày 26/1, vẫn với sự thận trọng trên, nhưng thông tin phát ra từ phía Nga dường như đã lộ rõ “khuynh hướng” Ukraine là thủ phạm. Cụ thể, trong tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: Máy bay Nga rơi do trúng 2 tên lửa đất đối không bắn từ lãnh thổ Ukraine.
Ukraine đang là chiến trường. Chiến trường thì việc phóng tên lửa cũng có thể là Nga, chứ không hẳn là Ukraine. Nếu là Nga, chiếc Il-76 nói trên bị rơi coi như là nạn nhân tình huống “quân ta bắn quân mình”. Trong chiến tranh, chả hiếm những trường hợp như thế.
Tuy nhiên, có những chi tiết đáng chú ý. Thứ nhất, theo Đài RT (mạng truyền hình của Nga), truyền thông Ukraine ban đầu đã đưa tin về việc bắn hạ thành công một máy bay quân sự Nga chở tên lửa. Có điều lạ, là những thông tin này nhanh chóng bị “đục” bỏ khi Moscow tiết lộ đó là chuyến bay chở tù binh Ukraine. Phơi ra chi tiết đó, Đài RT rõ là có ý muốn ám chỉ Kiev là kẻ “có tật giật mình”. Nếu không thế, việc gì các cơ quan truyền thông của tổng thống Volodymyr Zelenskiy phải ẩn đi một thông tin lẽ ra phải được coi như một chiến tích, đáng biểu dương để động viên binh sĩ.
Cùng ngày 25/1, hãng tin Reuters dẫn lời nghị sĩ Nga Andrei Kartapolov – nhân vật hiện đứng đầu ủy ban quốc phòng của quốc hội Nga – nói với các đồng nghiệp: “Phía Ukraine chính thức được cảnh báo và 15 phút trước khi máy bay đi vào khu vực, họ đã được cung cấp thông tin đầy đủ. Tổng cục tình báo của Ukraine xác nhận đã nhận được thông tin đó”.
Nếu đây là điều có thể tin, thì tội của Ukraine còn “to” hơn nhiều. To vì biết trước trên máy bay có tù binh Ukraine mà vẫn khai hỏa hai quả tên lửa!
Thứ hai, một thông tin “đắt giá” hơn bởi có nguồn từ cơ quan quân sự Pháp, phát ra từ đài truyền hình nhà nước FranceInfo ngày 25/1, rằng: “Tên lửa bắn hạ máy bay Nga là loại Patriot do Mỹ sản xuất”. Chẳng chỉ thẳng mặt, nhưng chừng ấy đủ rõ phía Pháp có ý quy thủ phạm gây tai nạn cho Ukraine. Là bởi, tên lửa Patriot trên chiến trường Ukraine hiện nay chỉ có quân đội Ukraine sử dụng và được Mỹ viện trợ.
Cái sự phát hiện này khiến Paris lâm vào thế khó. Khó, bởi lâu nay, cùng với các đồng minh trong NATO, Pháp là một trong những nước viện trợ tích cực cho Ukraine thực hiện “cuộc chiến ủy nhiệm” chống lại “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga phát động. Thống kê chưa đầy đủ, trong hơn hai năm qua, Pháp đã cung cấp lượng khí tài trị giá hơn 3,2 tỷ Euro (3,51 tỷ USD) cho Ukraine, bao gồm 30 pháo tự hành Caesar, xe tăng hạng nhẹ và xe bọc thép chở quân, tên lửa chống tăng và phòng không, cũng như hàng chục tên lửa tầm xa Storm Shadow cùng các loại vũ khí khác. Ủng hộ Ukraine, Paris cho là mình “ủng hộ chính nghĩa”. Vậy mà bây giờ, “bên chính nghĩa” kia lại gây nên một vụ “thảm sát” với chính những tù binh Ukraine đang được phía Nga mang đi trao đổi, và phía Ukraine đã được thông báo, thì không khó cho Pháp và đồng minh NATO sao được?
Hiển nhiên bùng nổ một cuộc cãi vã giữa Moscow và Kiev. Trước cuộc “phản pháo” của người phát ngôn tình báo quân đội Ukraine Andriy Yusov ngày 25/1 trên đài phát thanh Svoboda, rằng Kiev “chưa nhận được yêu cầu bằng văn bản hay lời nói nào từ Nga về việc kiềm chế các cuộc tấn công vào khu vực không phận nơi chiếc Ilyushin Il-76 bị bắn hạ”, ngay từ ngày 24/1, đích thân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi làm rõ hơn những gì đã xảy ra, đặc biệt là về những người trên máy bay. Ông cũng cáo buộc Nga “đùa giỡn với mạng sống của các tù binh Ukraine”, đồng thời yêu cầu mở cuộc điều tra quốc tế.
Ai cũng thấy, một “cuộc điều tra quốc tế” – như đòi hỏi của nhà lãnh đạo Ukraine, là chính đáng, cần thiết, trách nhiệm nếu thực sự muốn có một kết luận chính thức vụ tai nạn máy bay thảm khốc này. Tuy nhiên, nhớ lại những gì từng xảy ra liên quan vụ “thảm sát làng Bucha” hồi tháng 3/2022, nhiều người lại lo ngại rằng: yêu cầu của ông Zelenskiy có thể khó thực hiện.
Còn nhớ, “thảm sát ở Bucha” xảy ra, Ukraine cáo buộc Nga là thủ phạm; còn Nga bác bỏ, cho đó là màn kịch của Ukraine. Trong tình thế đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền LHQ, đã cùng khẩn thiết kêu gọi “phải được thực hiện để đảm bảo các cuộc điều tra độc lập, hiệu quả về những gì đã xảy ra ở Bucha, để đảm bảo sự thật, công lý và trách nhiệm giải trình, cũng như các khoản bồi thường và khắc phục hậu quả cho các nạn nhân và gia đình của họ”. Vậy mà cho tới nay, sau gần 2 năm, những lời khẩn thiết đó vẫn đang bị át đi bởi những tiếng gầm của đại bác trên chiến trường đó thôi.
Dấu hiệu cho sự khó khăn đó, là việc Pháp, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã từ chối yêu cầu của Nga về việc tổ chức một phiên họp khẩn cấp về vụ việc. Không họp khẩn thì “quyết” làm sao được?
Một vụ việc gây chết người hại của mà anh cầm trịch cơ quan quan trọng bậc nhất của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh hành xử kiểu đủng đỉnh, thì… quan ngại quá!
T.V