Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhi ông Ferdinand Marcos Jr có mặt ở Hà Nội

Khi ông Ferdinand Marcos Jr có mặt ở Hà Nội

Chưa diễn ra, vậy mà truyền thông quốc tế đã “làm rối” lên, thì hẳn sự kiện đó phải quan trọng, đáng quan tâm lắm? Chắc chắn rồi…

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr

Chắc chắn rồi, bởi nhân vật chính của sự kiện này là Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos. Một sự kiện ngoại giao, “chủ tròm” là nguyên thủ quốc gia, thì bao giờ chẳng quan trọng. Quan trọng, nên công tác chuẩn bị được coi trọng hết cỡ, với những là chương trình, lộ trình, an ninh, phát ngôn, họp báo…,tất tật phải chu toàn tới từng chi tiết. Tuy nhiên, nếu điểm đến trong chuyến công du của ông Marcos không phải là Việt Nam, thì dư luận dòm ngó, soi mói cũng chỉ mức độ.

Việt Nam thì sao nào? Việt Nam chưa phải cường quốc toàn cầu. Việt Nam nhanh cũng phải mươi lăm năm nữa mới thành “hổ”, thành “rồng” trong khu vực. Nói cách khác, vị thế của quốc gia hình chữ S ở Đông Nam Á này, tuy cải thiện nhiều trong những năm qua, nhưng chưa thể là một thế lực đặc biệt. Vậy thì tại sao, vì cái gì mà nguyên thủ quốc đảo “đầu sóng ngọn gió” Philippines có mặt ở Hà Nội lúc này lại thành chuyện quan trọng, khiến dư luận hóng hớt?

Hóa ra, thành chuyện là bởi Trung Quốc. Hay nói đúng hơn, cái nước thứ ba, là Trung Quốc, tưởng chẳng liên quan tới chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức của ông Marcos, bỗng thành thứ kết nối, biến hai quốc gia nhỏ trong khu vực Việt Nam và Philippines, vốn đã là đối tác chiến lược của nhau từ hơn 4 năm qua, có thể thành thân thiết hơn trong thời gian tới.

Câu hỏi tiếp theo: Trung Quốc ư? Vậy siêu cường này đã làm gì để khiến Manila xích lại gần Hà Nội?

Câu trả lời là: Bắc Kinh chẳng làm gì cả. Thậm chí, Bắc Kinh còn dèm pha, làm giãn cách quan hệ Việt Nam – Philippines, bởi họ không muốn hai nước này chụm lại với nhau. Có điều, éo le thay, càng thế, Việt Nam và Philippines – hai quốc gia là nạn nhân của những trò chơi bành trướng ngỗ ngược của Trung Quốc trên Biển Đông bấy lâu nay, càng thấy cần phải tương tác và gắn bó nhiều hơn. Trong trường hợp này, nhiều người hay liên hệ tới câu câu tục ngữ cổ đại “Kẻ thù của kẻ thù là bạn”, hàm ý rằng: hai đối tượng có thể cùng nhau và nên làm việc cùng nhau chống lại một kẻ thù chung.

Tất nhiên, thế giới hiện đại, tư duy đối ngoại phải khác. Khác ở chỗ, “thù” hay “bạn” là một khái niệm tương đối trong một thế giới vận động, thay đổi không ngừng. Tùy hoàn cảnh, trước có thể là thù, nhưng sau thành bạn, hoặc ngược lại. Chính thế, Hà Nội từ lâu đã tỏ ra sáng suốt trong quan điểm ngoại giao khi xác định cái gọi là “đối tác, đối tượng”.

Một hai năm nay, Hà Nội còn phát triển lên thành đường lối “ngoại giao cây tre”. Không chỉ lý luận suông, trong năm 2023 vừa qua, Ba Đình còn chứng minh giá trị của “ngoại giao cây tre” qua những thành tựu ngoại giao rực rỡ với nhiều quốc gia, đối tác, tổ chức quốc tế trên toàn cầu, và đặc biệt, khôn khéo, cân bằng nâng cấp bang giao với hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc, – một kỳ tích khiến thế giới phải thừa nhận và ngưỡng mộ.

Chưa phải hồi kết, nhưng sau chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình trung tuần tháng 12 năm ngoái, vẻ như đã dịu bớt đi những hành vi ngổ ngáo, thô thiển, gây hấn của Trung Quốc nhằm vào Việt Nam trên Biển Đông. Trên biển đã vậy, trên đất liền, các cửa khẩu phía bắc Việt Nam thông với Trung Quốc cũng bớt đi những đóng/mở thất thường, giúp hàng nông sản Việt Nam xuất qua cường quốc hơn tỷ dân thông quan thuận lợi hơn.

Trong khi đó, chuyện có vẻ ngược lại với Philippines. Manila vẫn là nạn nhân của những hành vi gây hấn của Trung Quốc, như: thả phao ngăn chặn ngư dân ở bãi cạn Scaborough; liên tục cho tàu hải cảnh ngăn chặn tàu Philippines tiếp tế cho nhóm binh sĩ đồn trú trên con tàu cũ BRP Sierra Madre…Mỉa mai hơn, những vụ gây hấn ngỗ ngược diễn ra trước đã đành, còn diễn ra ngay sau chuyến công du đầu tiên trong cương vị tổng thống của ông Marcos, tới Trung Quốc. Nên nhớ, một trong những kết quả ngay sau đó của chuyến công du này, là hai bên cùng sốt sắng chuẩn bị cho việc ký một thỏa thuận thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa Bộ Ngoại giao hai nước ở các cấp khác nhau về các vấn đề trên Biển Đông, kỳ vọng rằng điều đó giúp cho việc xử lý ổn thỏa những bất đồng…

Vậy mà ngược lại, ổn thỏa đâu chưa thấy, chỉ thấy bất đồng ngày một nhiều hơn. Sự tróe ngoe đó khiến nhiều người không khỏi mủi lòng nhớ lại quan hệ Manila – Bắc Kinh từng mặn mà, nồng ấm trong những năm đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Duterte, để rồi cuối cùng “nát như tương” nhiều toan tính, dự định mà hai bên từng hoan hỷ, trong đó có dự án khai thác chung dầu khí trong khu vực tranh chấp.

Trở lại chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam của ông Marcos dự kiến diễn ra từ ngày 29 đến 30/1, ngoài chuyện gạo thóc (Philippines là quốc gia nhập khẩu gạo nhiều nhất từ Việt Nam); ngoài bàn bạc về hợp tác về an ninh – quốc phòng, giáo dục – đào tạo, văn hóa, lao động, du lịch…, vấn đề Biển Đông hẳn phải được đề cập nhiều nhiều trong các cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo hai bên.

Và không chừng, dù không nói ra, nhưng trong câu chuyện ngoại giao, thể nào nhà lãnh đạo tối cao của Philippines chẳng thiết tha bày tỏ với Hà Nội rằng: nếu như Manila đã nhiệt tình cùng Hà Nội lao vào dự thảo COC và hoàn thành năm 1999, trình ra ASEAN, nhưng vì Trung Quốc, sự hăm hở của hai bên cũng như ASEAN tới lúc này vẫn thành vô nghĩa, thì bây giờ, khi không thể hy vọng mấy vào văn kiện COC kia, một lần nữa, Việt Nam hãy cùng Philippines làm chủ chốt đi trong việc xây dựng một “COC nội bộ” – văn kiện có ý nghĩa như một bộ quy tắc ứng xử của riêng giữa các quốc gia có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, sau đó, mở rộng thêm ra các nước trong ASEAN…

Những nội dung, chương trình nghị sự khác thì chưa biết. Nhưng riêng ý tưởng về “COC nội bộ” này, Hà Nội hẳn là hào hứng lắm, cho dù rất có thể, biết được, Bắc Kinh sẽ lại lồng lên cho xem.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới