Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChống “nghiện” game, bài học từ TQ

Chống “nghiện” game, bài học từ TQ

Chất gây nghiện công nghệ cao, thuốc phiện tinh thần, thứ làm suy nhược trí tuệ xã hội, làm ô uế nền văn minh của nhân loại – đây đều là những từ ngữ mà Chính phủ Trung Quốc và các cơ quan liên quan đã dùng để nói về trò chơi điện tử trong thập niên vừa qua.

Ngay khi vừa du nhập vào Trung Quốc lần đầu vào những năm 1980, những chiếc máy chơi game có xuất xứ Nhật Bản đã bị giới lãnh đạo Trung Quốc cho là một mối nguy hiểm và đã bị áp thuế nhập khẩu lên tới 130%. Theo tuyên bố của giới cầm quyền, những sản phẩm độc hại nhập khẩu từ nước ngoài này đang làm nhiễu loạn tâm trí của người dân Trung Quốc.

Năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới đã công nhận chứng nghiện trò chơi điện tử là một tình trạng bệnh lý tâm thần và nó được bổ sung vào danh mục 55.000 bệnh có thể gây tử vong. Trong khi các nước trên thế giới còn đang tranh cãi về cách phân loại này, Trung Quốc đã có những biện pháp cứng rắn từ hơn 10 năm trước. Khi những chiếc điện thoại di động thông minh lần đầu tiên được tung ra thị trường vào năm 2008, Trung Quốc đã coi chứng nghiện internet là một căn bệnh tâm thần và tác nhân lớn nhất là trò chơi điện tử.

Rất nhiều biện pháp hạn chế game đã được thực hiện. Trung Quốc tỏ ra lo lắng về game sớm hơn nhiều so với các quốc gia khác vì có nhiều công dân của nước này bị nghiện game và bị ám ảnh bởi những trò chơi điện tử trước những nước khác. Năm 2002, tại Bắc Kinh sau khi 4 thanh niên thua game, họ đã đốt cháy chính cái quán cà phê internet mà mình chơi, khiến cho 25 người bị thiệt mạng. Từ đó, dư luận Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ việc chơi game. Những báo cáo tương tự về việc có người chết khi chơi game quá lâu hoặc làm bị thương người khác liên tục xuất hiện trên các đầu báo.

Năm 2007, theo một báo cáo của Chính phủ Trung Quốc, có tới 6% thanh thiếu niên của cả nước giành tới hơn 40 giờ một tuần để lên mạng và chủ yếu là để chơi game. Trong hơn 20 năm qua, trò chơi điện tử vẫn luôn phát triển như vũ bão và xu hướng này được thể hiện rõ qua các con số về số lượng người chơi cho đến số tiền mà họ đã chi để chơi game. Xét về tất cả các mặt, hiện nay Trung Quốc được xem là thị trường game lớn nhất thế giới và là quê hương của vô số các công ty game lớn nhất. Quốc gia này có số lượng game thủ lên tới hơn 350 triệu người, khoảng 1/4 dân số chơi game và mức chi tiêu 1 năm vào trò chơi điện tử có thể lên tới 45 tỷ USD, đây cũng là mức cao nhất trên thế giới trong vòng 7 năm liên tiếp Trung Quốc luôn là bá chủ trong ngành game thế giới. Các game thủ Trung Quốc chơi game nhiều hơn 12,4 giờ trên một tuần và con số này lớn hơn so với con số là 7,7 giờ của người Mỹ. Người dân Trung Quốc cũng chịu chi tiền cho việc chơi game hơn hầu hết phần còn lại của thế giới. Tỉ lệ người dân bị cận thị của Trung Quốc gia tăng phần lớn là do họ đã dán mắt vào màn hình quá lâu khi chơi game. Chính phủ cũng đã liệt kê một danh sách dài các tác động ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và game chính là một trong những cái tên nổi bật nhất.

Những con số này cho thấy rất rõ ràng là nhiều người Trung Quốc bị ám ảnh với game và ở một đất nước có lịch sử vô cùng chú trọng đến năng suất và trật tự xã hội, không có gì đáng ngạc nhiên khi họ phải bỏ ra rất nhiều nỗ lực để kìm hãm thói xấu này lại. Trong quá khứ, Chính phủ Trung Quốc đã thử rất nhiều biện pháp, nhưng không có biện pháp nào thực sự hiệu quả.

Đầu tiên là áp thuế nhập khẩu lên tới 130% cho máy chơi game nhập khẩu. Phương pháp này đã thất bại vì thị trường chợ đen và các cửa hàng bán lậu mọc lên như nấm. Những năm 90, thế kỷ XX, Trung Quốc là công xưởng của thế giới và họ đã xây dựng được một đế chế hàng nhái khổng lồ. Trung Quốc dường như có thể làm nhái bất cứ thứ gì. Đã thế, số lượng lại lớn và giá thành rẻ nữa. Máy chơi game cũng nằm trong số đó, đầu điện tử băng “X Bawang Tiểu Bá Vương” là một sản phẩm nhái theo máy chơi game bốn nút của Nintendo, nhưng lại được khéo léo quảng bá là một chiếc máy tính học tập để qua mặt các bậc phụ huynh và các cơ quan quản lý. Đương nhiên, có hàng tá kẻ cũng bắt chước làm cách này. Trớ trêu thay, chính thuế nhập khẩu đã tạo ra nhiều gã khổng lồ ngành phát triển trò chơi thống trị đất nước này.

Từ năm 2000, Trung Quốc không chỉ cấm nhập khẩu mà còn cấm sản xuất, cấm bán máy chơi game video và máy chơi game arcade trong nước. Máy chơi game arcade là những cái hộp chơi game có hai người ở trong các trung tâm thương mại lớn hay là những khu du lịch. Chính phủ đã duy trì lệnh cấm này trong vòng 15 năm và chỉ cho phép một số ngoại lệ không đáng kể. Tuy nhiên, lệnh cấm này cũng phản tác dụng. Nguyên do là người chơi có thể chơi game trên máy tính và điện thoại di động, khiến cho lệnh cấm này về cơ bản là không có hiệu quả. Tệ hơn nữa, lệnh cấm đã tạo ra một lỗ hổng kinh tế rất lớn. Lẽ ra thì các nhà phát triển trò chơi có thể kiếm tiền một cách chính đáng từ việc bán trò chơi hay là bán máy chơi game, nhưng không, Trung Quốc lại tạo ra một khung cảnh hỗn loạn trong ngành game. Bởi nhà nước cấm máy chơi game, nhưng các quán net và các trò chơi lậu thì lại mọc lên như nấm, bởi chúng là game online và chơi trên máy tính và điện thoại.

Trong hoàn cảnh cấm máy chơi game đó, cùng với sự bùng nổ của internet, thì mô hình kinh doanh hiệu quả duy nhất dành cho các công ty trò chơi là tạo ra các trò chơi trả phí, giống như là “World of Warcraft” vậy. Sau khi những game online có trả phí ra đời, theo sau đó là các trò chơi miễn phí trên mạng. Tuy nói là miễn phí, nhưng về cơ bản thì các game thủ sẽ phải dùng tiền thật để mua được các vật phẩm VIP, vật phẩm quý hiếm hoặc là để thăng cấp trong trò chơi. Một số trò chơi khác thì được quảng bá là chơi game cũng có thể kiếm tiền, nhưng nó lại giống như là đánh bạc vậy, càng nạp càng mất mà càng mất thì lại càng ham.

Đây đều là những trò chơi cực kỳ gây nghiện và thế là ngành công nghiệp trò chơi của Trung Quốc đã tập trung vào việc phát triển những loại trò chơi gây nghiện nhất trong một thời gian dài. Thậm chí, 91 trong số 100 trò chơi hàng đầu trong nước hiện nay của Trung Quốc là có liên quan đến đỏ đen, cờ bạc trá hình. Mặc dù quốc gia này đã áp đặt rất nhiều điều luật nhằm hạn chế chúng. Năm 2007, nước này đã ban hành một đạo luật nhằm bổ sung tính năng chống trẻ vị thành niên chơi game. Đó là cơ chế yêu cầu các trò chơi trực tuyến phải bắt buộc người chơi phải cung cấp số căn cước công dân thực tế để xác minh độ tuổi của mình. Từ đó, việc cung cấp số căn cước đã trở thành thông lệ cho tất cả các hoạt động trực tuyến ở Trung Quốc. Nếu các nhà phát triển trò chơi phát hiện số căn cước để lập tài khoản là của trẻ vị thành niên thì tài khoản đó sẽ bị trừng phạt bằng cách giảm một nửa số điểm kinh nghiệm nhận được hay là xóa sạch điểm tích lũy, thậm chí là không cho lập nick ngay từ đầu vì chưa đủ tuổi. Tuy nhiên, luật sẽ luôn có lỗ hổng, trẻ vị thành niên sẽ sử dụng số căn cước của cha mẹ để đăng ký tài khoản hoặc chúng sẽ tìm những trò chơi mà hệ thống tính điểm không quá khắt khe. Về cơ bản, các quy định này vẫn chưa thật sự có hiệu quả.

Bên cạnh những nỗ lực từ chính phủ, các bậc cha mẹ cũng đang giải quyết vấn đề nghiện game của con em mình theo cách riêng của họ. Đó là họ sẽ gửi con em của mình đến các trung tâm cai nghiện game.

Tất cả những điều nêu trên đã chứng minh rằng, Trung Quốc đã thử rất nhiều biện pháp khác nhau. Thật không thể tưởng tượng nổi là tình hình đất nước này sẽ ra sao khi không thực hiện bất kỳ biện pháp nào ở trên nhưng có một điều chắc chắn là không có một biện pháp nào ở trên thật sự có hiệu quả, và tôi nghĩ là có hai nguyên do chính đối với vấn đề này. Thứ nhất, việc hạn chế game bằng các quy định ngặt nghèo là việc cực kỳ khó khăn, vì cả người chơi và các công ty game sẽ luôn tìm cách để lách luật. Thứ hai, xu thế của thời đại là bùng nổ internet, bùng nổ các game online, việc chống lại cả một xu thế của thời đại là điều rất khó khăn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hỗn loạn đó, vẫn có những công ty cực kỳ lớn về game đã xuất hiện, Tencent là một trong số đó. Xuất phát điểm là một trong những công ty trò chơi điện tử mới được thành lập vào năm 2003, đến nay thì nó đã trở thành công ty tư nhân được định giá cao nhất Trung Quốc, với hơn 600 tỷ đô la, hiện đang chiếm lĩnh gần như một nửa thị trường trò chơi điện tử của Trung Quốc.

NetEase cũng là một trong những công ty game của Trung Quốc, doanh nghiệp này hiện được định giá lên tới 66 tỷ đô la, gấp ba lần tập đoàn lớn nhất Việt Nam là Vingroup hay với thành tựu có phần nhỏ hơn là Genshin Impact, cũng là một công ty điện tử có tiếng của Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc đã gặt hái được rất nhiều thành công trong ngành phát triển trò chơi điện tử.

Hiện tại, các công ty Trung Quốc không chỉ thống trị thị trường game nội địa mà còn chiếm tới một phần tư hoạt động kinh doanh trò chơi trên thế giới. Phát triển trò chơi điện tử đã trở thành một trong những ngành kinh doanh có tỉ suất sinh lợi cao nhất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, chính phủ Trung Quốc tiếp tục thắt chặt chính sách chống trẻ em chơi game. Đầu tiên là vào năm 2019, chính phủ Trung Quốc đã ra quy định giới hạn mọi trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi chỉ được chơi game trong vòng 90 phút vào các ngày trong tuần, và cuối tuần thì được chơi game 3 tiếng.

Hai năm sau, năm 2021, Chính phủ nước này bỏ hoàn toàn quy định cho phép chơi game vào các ngày trong tuần, mà thay vào đó là chỉ cho chơi game vào tối thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ Nhật, mỗi tối được chơi 60 phút, đó là một mốc thời gian cực kỳ hạn chế. Bên cạnh đó, luật mới cũng bổ sung điều khoản giới hạn chi tiêu hàng tháng cho trò chơi của trẻ vị thành niên, các trẻ em chỉ được phép nạp tối đa không quá 50 đô la một tháng cho tài khoản game của mình.

Để đảm bảo các quy định mới được thực thi một cách nghiêm túc, Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng hệ thống xác minh tên thật và yêu cầu các công ty game phải tích hợp hệ thống xác minh này vào trò chơi của họ. Với trò chơi trên điện thoại di động, hệ thống này không chỉ yêu cầu xác minh số căn cước công dân mà còn yêu cầu xác minh cả khuôn mặt, lần này thì không thể dùng số căn cước của bố mẹ để lập nick được nữa rồi.

Để chứng minh rằng mình thực sự nghiêm túc trong công tác chống nghiện game cho trẻ em, Chính phủ Trung Quốc còn giới hạn các hoạt động của chính những công ty game nội địa. Việc phát hành trò chơi điện tử mới trong nước đã bị hạn chế rất nhiều, từ 8/2021 đến 3/2022, không một trò chơi nào được cấp phép phát hành. Trong khi đó, Đảng cũng liên tục và công khai chỉ trích ngành công nghiệp game quốc nội vì tội đầu độc giới trẻ đất nước. Còn việc chơi game tại các quán nét đối với trẻ em dưới 18 tuổi cũng bị cấm. Muốn chơi game tại các quán nét, bạn phải trên 18 tuổi và mỗi máy tính đều có camera nhận diện khuôn mặt, chưa đủ 18 tuổi thì không được chơi game. Quả thực là rất nghiêm ngặt, chứ không như Việt Nam, những người vào quán nét chơi game vẫn chủ yếu là các học sinh, sinh viên.

Trung Quốc cho thấy rằng họ cực kỳ nghiêm túc với vấn đề nghiện game. Ngay sau đó, 200 công ty phát triển trò chơi của Trung Quốc đã ký vào một bản cam kết là sẽ nghiêm chỉnh thực thi các quy định mới của Chính phủ và triển khai tất cả các biện pháp kiểm soát được yêu cầu. Lần này quả thực là rất mạnh tay.

Câu hỏi tiếp theo là những biện pháp mới này thật sự có hiệu quả không?

Chúng ta có hai nguồn khác nhau để khẳng định rằng chúng có hiệu quả thật sự. Đầu tiên là kết quả của một nghiên cứu quy mô lớn của Hiệp hội ngành phát triển trò chơi chính thức của Trung Quốc. Hơn 75% người chơi dưới 18 tuổi bị hạn chế thời gian và chỉ được chơi dưới ba tiếng mỗi tuần. Vấn đề nghiện game của người chưa trưởng thành về cơ bản là đã được giải quyết. Cục Xuất bản Báo chí Quốc gia Trung Quốc (NPPA) cơ quan cấp phép cho các game video, triển khai các biện pháp nghiêm khắc nhất để xử lý tình trạng nghiện game ở trẻ em. Theo đó, những người chơi dưới 18 tuổi chỉ được phép chơi từ 20 đến 21 giờ vào các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, cùng với các ngày lễ.

Hơn 85% phụ huynh được khảo sát đã đồng ý với quy định hạn chế chơi game. Khoảng 72% người được khảo sát cho biết rằng game đã không còn ảnh hưởng đến cuộc sống và việc học của con họ nữa. Tuy nhiên, cuộc khảo sát vẫn cho thấy đó là có hơn 15% phụ huynh cho biết rằng con của họ vẫn bí mật nạp tiền vào game vào tài khoản game trực tuyến, nhưng tỷ suất này đã giảm đáng kể so với mức là 28,6% vào năm ngoái. Tổng doanh thu của thị trường game Trung Quốc trong quý 3 năm nay chỉ còn là 59,7 tỷ nhân dân tệ, tương đương với 8,3 tỷ đô la, giảm gần 19,1% so với con số là 73,8 tỷ tệ cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, từ thông tin thu được từ những người Trung Quốc và các diễn đàn game… các ý kiến đều đánh giá là biện pháp mới này của chính phủ Trung Quốc thật sự là tích cực. Chúng ta thấy rõ, rất nhiều trò chơi điện tử được thiết kế với rất nhiều tính năng gây nghiện, bao gồm có cả cơ chế cờ bạc theo nghĩa đen. Trẻ em, đặc biệt là dễ bị ảnh hưởng bởi những trò chơi này và đó là lý do tại sao các bậc cha mẹ trông chờ vào chính phủ đưa ra các biện pháp giải quyết mạnh tay. Tôi rất đồng ý với các quy định liên quan đến việc hạn chế chơi game ở trẻ em của Trung Quốc.

Nhiều quốc gia sẽ xem những gì Trung Quốc đang làm hiện nay như là một loại thử nghiệm để tìm ra những điều phù hợp và không phù hợp với đất nước của mình, sau đó đưa ra các quy định riêng về trò chơi điện tử trong các năm tới hoặc là có thể trong vòng một thập kỷ tới.

Tuy nhiên, có một số vấn đề với cách Trung Quốc đang chọn để thực hiện. Đầu tiên là các quy định của Trung Quốc có phần quá gò bó và có rất ít cơ hội để cha mẹ hoặc trẻ em tự đưa ra quyết định. Thứ hai, vấn đề riêng tư, từ việc bắt buộc tất cả người chơi phải xác thực danh tính, thường là nhận dạng khuôn mặt khi chơi game để báo cáo trực tiếp cho chính phủ, sẽ mở ra cánh cửa cho các hình thức lạm dụng hoặc là lộ thông tin cá nhân, lừa đảo….. Việt Nam nên học hỏi một chút các biện pháp về hạn chế chơi game của Trung Quốc. Hiện tại Nhà nước Việt Nam chưa có bất kỳ một biện pháp hạn chế mạnh tay nào. Chủ yếu vẫn là cha mẹ tự quản lý mà thôi. Trẻ em cấp một đã thấy Liên Quân, PUBG đánh đấm nhau suốt ngày, lớn hơn một chút thì Tài Xỉu, Xóc Đĩa.

Chơi Game không xấu. Nhưng cái gì buông ỏng quá mức, lạm dụng quá mức thì đều có hại.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới