Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTiễn biệt 2023, nhìn lại TQ

Tiễn biệt 2023, nhìn lại TQ

Năm 2023 là năm đầu tiên Trung Quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XX với mục tiêu tổng quát và nhiệm vụ trung tâm là “Xây dựng thành công toàn diện cường quốc XHCN hiện đại, thực hiện mục tiêu phấn đấu 100 năm lần thứ hai, thúc đẩy toàn diện cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa bằng hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”.

Nhìn tổng thể, Trung Quốc đã tận dụng được nhiều lợi thế chiến lược, đã đi qua năm 2023 cơ bản là thành công, để lại nhiều ấn tượng đáng ghi nhận.

Trung Quốc bước vào năm 2023 trong tình hình quốc tế rất phức tạp, khó lường:

Về chính trị – chiến lược: An ninh toàn cầu bị uy hiếp nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh, kể cả uy hiếp hạt nhân. Căng thẳng của cuộc chiến Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, lại bùng phát xung đột Hamas – Israel khó dự báo hơn và dễ trở thành chiến tranh tổng lực hơn, làm cho thế giới càng rối loạn, càng bất an, không có người cầm trịch. Mất an ninh địa chính trị kéo theo mất an ninh kinh tế, khủng hoảng xã hội và các nguy cơ nhân đạo quy mô lớn.

Trật tự thế giới và hệ thống quan hệ quốc tế có nhiều thay đổi lớn: Phân chia hai trận tuyến càng rõ ràng, các dấu hiệu của xu hướng hình thành “cục diện thế giới hai cực mới” (Trung – Mỹ) xuất hiện ngày càng nhiều. Tương quan lực lượng toàn cầu tiếp tục thay đổi theo hướng có lợi cho các lực lượng mới trỗi dậy; vị thế và uy lực của Mỹ giảm sút tương đối, trong khi vị thế của Trung Quốc nhìn chung được nâng cao. Cạnh tranh nước lớn, trước hết là cạnh tranh Trung – Mỹ vẫn quyết liệt và ngày càng tập trung vào “chiếm cao điểm về khoa học công nghệ” và đối lập ý thức hệ.

Kinh tế toàn cầu vẫn trì trệ, chưa tạo ra được sức bật mới sau đại dịch Covid-19, lại chịu tác động tiêu cực của các biến động địa chính trị nên xu hướng trì trệ sẽ còn tiếp tục, chưa thấy lóe lên tia sáng nào ở cuối đường hầm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) coi kinh tế Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc là các “điểm sáng” của kinh tế thế giới nhưng ngay cả những “điểm sáng” này cũng chưa thực sự trở lại quỹ đạo tăng trưởng bình thường.

Các nguy cơ năng lượng, lương thực, lạm phát, biến đổi khí hậu, sự đứt đoạn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gặm nhấm nền kinh tế vốn đã đầy thương tích của thế giới… Các yếu tố bất xác định trong phát triển kinh tế toàn cầu vẫn luôn xuất hiện, gây khó khăn cho các dự báo kinh tế, nguy cơ bất ngờ ập đến, ngoài sự lượng định của các chuyên gia. Trung Quốc chịu ảnh hưởng sâu sắc, phần nào bị chi phối bởi môi trường quốc tế khác thường nói trên. Tuy nhiên, về tổng thể, Trung Quốc đã tận dụng được nhiều lợi thế chiến lược, đã đi qua năm 2023 cơ bản là thành công, để lại nhiều ấn tượng đáng ghi nhận:

1. Về Nội trị

1.1. Trên lĩnh vực kinh tế

Nằm trong bối cảnh trì trệ chung của kinh tế toàn cầu, kinh tế Trung Quốc đang ở vào thời kỳ tăng trưởng thấp nhất kể từ cải cách mở cửa, quá trình đuổi và vượt Mỹ gặp thêm nhiều khó khăn, bất trắc.

Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy cải thiện quá trình “quản trị quốc gia” và tìm kiếm vai trò chủ đạo trong tiến trình cải tạo “quản trị toàn cầu”. Tận dụng thời điểm kỉ niệm 45 năm cải cách mở cửa (1978-2023), tìm cách phô trương, xuất khẩu “nhận thức chung Bắc Kinh”, “mô hình phát triển Trung Quốc”, mô hình “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”…, thông qua đó khuếch trương thanh thế của Trung Quốc trên trường quốc tế; tích cực sử dụng sức mạnh kinh tế để tác động ảnh hưởng đến chính trị chiến lược. Trung Quốc đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế về Vành đai Con đường (BRI) lần thứ ba; có nhiều hoạt động kỉ niệm 45 năm cải cách mở cửa; tiếp tục triển khai BRI chất lượng cao, chiến lược mở cửa mới chất lượng cao, phương thức phát triển mới “Tuần hoàn kép”… qua đó thúc đẩy kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại phát triển.

Trung Quốc đã chủ động mở rộng thị trường và thúc đẩy hiện đại hóa “đại tuần hoàn” trong nước để ứng phó với các thách thức từ “tuần hoàn quốc tế”; địa vị quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu được giữ vững; Trung Quốc vẫn là lực lượng quan trọng dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thúc đẩy phát triển toàn cầu hóa kinh tế. Năm 2023 cũng là 10 năm “Thời đại mới” của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong 10 năm đó, tăng trưởng bình quân GDP của Trung Quốc đạt 6%/năm trở lên; tỉ trọng kinh tế của Trung Quốc trong tổng lượng kinh tế toàn cầu đã tăng từ 12,3% lên 18%; cống hiến của Trung Quốc cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu bình quân đạt 30%/năm, đứng đầu thế giới.

Kinh tế Trung Quốc năm 2023 nhìn chung phát triển theo hướng “tốt lên”: 11 tháng đầu năm, đầu tư vào các ngành then chốt của nền kinh tế đều được nâng cao, vào ngành chế tạo tăng 6,3%, vào ngành kỹ thuật cao tăng 10,5%, đảm bảo cho các ngành mũi nhọn này có tốc độ tăng tương đối nhanh. Sáu tháng đầu năm 2023, GDP tăng 5,5% (quý 1 tăng 4,5%; quý 2 tăng 6,3%), cao hơn 3% so với 2022, tiếp tục xu thế “tốt lên”; CPI tăng 0,7%, giá trị sản lượng công nghiệp tăng 3,8%, nông nghiệp tăng 3,3%, đầu tư tài sản cố định tăng 3,8%… Quý 3/2023, GDP tăng 5,2%, trong khi tăng trưởng bình quân của kinh tế thế giới chỉ từ 2-3%. Mậu dịch đối ngoại vẫn giữ được xu thế tổng thể tốt lên, quy mô và kim ngạch xuất khẩu bình ổn: Xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,7%; nhập khẩu giảm 0,1%; Thu nhập bình quân đầu người tăng 6,5% về danh nghĩa (cao hơn 1,8% so với năm 2022) và tăng thực tế 5,8% (cao hơn 2,8% so với 2022).

Tình hình việc làm về tổng thể là bình ổn, tình hình việc làm của “nông dân công” tiếp tục được cải thiện, 11 tháng đầu năm, tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm 0,4%.

Nhu cầu tiêu dùng của người dân được giải phóng, quy mô tiêu dùng tiếp tục mở rộng. 11 tháng đầu năm, tổng kim ngạch bán lẻ xã hội đạt 42.794,5 tỉ tệ, tăng 7,2%; kim ngạch bán lẻ qua mạng đạt 13.957,1 tỉ tệ, tăng 11%; kim ngạch bán lẻ dịch vụ tăng 19,5% (các số liệu lấy theo công bố của Văn phòng Quốc vụ viện và Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 15/12/2023). Trong điều kiện kinh tế toàn cầu đình trệ, các kết quả kinh tế của Trung Quốc là khá ấn tượng.

Trung Quốc có những tiến bộ vượt bậc trên lĩnh vực khoa học công nghệ, nhất là về lĩnh vực công nghệ mới, mang tính chiến lược nhưng nhìn tổng quát, Trung Quốc vẫn lạc hậu hơn Mỹ và phương Tây về lĩnh vực này, còn cần nhiều thời gian để rượt đuổi.

Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc 2023 cũng đứng trước nhiều khó khăn thách thức nghiêm trọng. Ngoài những khó khăn do môi trường quốc tế gây ra, tự thân kinh tế Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn thách thức mới: ưu thế dân số không còn nữa, đứng trước nguy cơ dân số phát triển âm, tình trạng lão hóa dân số ập đến nhanh hơn dự báo, thiếu hụt lực lượng lao động; các khoản nợ khổng lồ, nhất là của các chính quyền địa phương, hệ thống doanh nghiệp; sự trì trệ trong ngành bất động sản, nguy cơ tài chính tiềm tàng, ảnh hưởng nặng nề của thiên tai bão lụt …

Tại Hội nghị công tác kinh tế trung ương năm 2023 họp từ 11-12/12/2023, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã tổng kết toàn diện công tác kinh tế Trung Quốc năm 2023 và bố trí hệ thống công tác kinh tế năm 2024. Ông Tập nhấn mạnh, kinh tế Trung Quốc năm 2023 “Tổng thể xu thế tăng trưởng tốt trở lại, phát triển chất lượng cao được thúc đẩy một cách thiết thực, toàn diện xây dựng quốc gia hiện đại hóa XHCN có những bước đi chắc chắn”; “có hi vọng hoàn thành tốt đẹp các mục tiêu kinh tế xã hội chủ yếu”. Hội nghị chỉ rõ, năm 2023 Trung Quốc đã “kết hợp một cách hiệu quả hai đại cục bên trong và bên ngoài, giữa phòng chống dịch với phát triển kinh tế xã hội, giữa phát triển với an ninh, nhận thức sâu sắc hơn tính quy luật của công tác kinh tế thời đại mới”. Hội nghị cũng đã rút ra “5 tất yếu” của công tác kinh tế thời đại mới: Tất yếu kiên trì phát triển chất lượng cao, coi đây là “đạo lý cứng của thời đại mới”; tất yếu phải phát triển đồng bộ giữa đi sâu cải cách bên cung với mở rộng nội nhu; tất yếu kiên trì dựa vào cải cách mở cửa để tăng cường động lực nội sinh của phát triển; tất yếu kiên trì sự hỗ trợ hiệu quả lẫn nhau giữa phát triển chất lượng cao với an toàn trình độ cao; tất yếu phải coi trọng cao độ thúc đẩy “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”. Hội nghị cũng cho rằng, các thành tựu của công tác kinh tế năm 2023 cũng xuất phát từ “5 tất yếu” này.

Hội nghị cũng chỉ rõ, năm 2024 là năm thứ 75 Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, làm tốt công tác kinh tế càng có ý nghĩa quan trọng. Cần nhìn rõ các khó khăn thách thức đồng thời phải nhận rõ các ưu thế của Trung Quốc để tận dụng phát triển: Ưu thế của kinh tế thị trường XHCN, ưu thế về nhu cầu của thị trường quy mô siêu lớn, ưu thế bên cung của hệ thống sản nghiệp hoàn chỉnh, ưu thế về đội ngũ lao động có chất lượng và đội ngũ nhân tài hùng hậu…, xác định các nhiệm vụ trọng tâm với phương châm “kết hợp giữa xây dựng kinh tế và phát triển chất lượng cao, củng cố và tăng cường xu thế tốt lên trong khôi phục kinh tế, “ổn trung cầu tiến, dĩ tiến thúc ổn, coi trọng tăng trưởng”. Hội nghị đã đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm của công tác kinh tế năm 2024, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là “lấy sáng tạo khoa học kỹ thuật dẫn dắt việc xây dựng hệ thống sản nghiệp hiện đại hóa”.

1.2. Trên lĩnh vực quản trị quốc gia

Ngoài những vấn đề thường niên như vấn đề Đài Loan (liên quan đến cả đối ngoại), Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng… năm 2023 nội bộ Trung Quốc nổi lên vấn đề biến động nhân sự ở cấp cao:

– Tháng 7/2023, Trung Quốc bãi chức Bộ trưởng Ngoại giao và tháng 10 bãi miễn luôn cả chức Ủy viên Quốc vụ của Tần Cương. Ông Tần Cương được bổ nhiệm hai chức vụ này vào tháng 3 và chưa đầy 4 tháng sau đã mất chức. Tần Cương do đích thân ông Tập Cận Bình đưa lên, đột ngột mất chức làm cho dư luận quốc tế rất chú ý. Đến nay Trung Quốc vẫn chưa công bố lý do ông Tần Cương bị mất chức, càng làm cho dư luận muốn tìm hiểu thêm những bí ẩn của sự kiện này.

– Cũng trong tháng 7/2023, Quân ủy Trung ương Trung Quốc tuyên bố bãi chức của Thượng tướng Lý Ngọc Siêu, Tư lệnh lực lượng tên lửa của quân đội Trung Quốc. Lý Ngọc Siêu được bổ nhiệm Tư lệnh Lực lượng tên lửa vào tháng 1/2022, mới tại chức được một năm rưỡi, lý do bãi miễn cũng không được công bố. Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã thay toàn bộ lãnh đạo của Bộ Tư lệnh lực lượng tên lửa, bổ nhiệm Thượng tướng Vương Hậu Bân làm Tư lệnh và Thượng tướng Từ Tây Thịnh làm Chính ủy lực lượng này. Đáng chú ý là cả Tư lệnh và Chính ủy mới được bổ nhiệm đều chưa hề công tác tại lực lượng tên lửa: Vương Hậu Bân, 62 tuổi, thuộc lực lượng hải quân; Từ Tây Thịnh, 59 tuổi, thuộc lực lượng không quân. Lực lượng tên lửa vốn là “bộ đội pháo binh 2”, trong cuộc cải tổ quân đội năm 2015, ông Tập Cận Bình chuyển “Pháo binh 2” thành Lực lượng tên lửa, là binh chủng thứ 4 (ngoài Lục quân, Hải quân, Không quân) của quân đội Trung Quốc, phụ trách lực lượng tên lửa, hạt nhân, là lực lượng chiến lược then chốt của quân đội Trung Quốc. Việc thay đổi toàn bộ Bộ Tư lệnh lực lượng quan trọng này sẽ có ảnh hưởng đến nội bộ quân đội Trung Quốc.

– Tháng 10/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc kiêm Ủy viên Quốc vụ Lý Thượng Phúc cũng bị bãi miễn vì liên quan đến tham nhũng (tin đồn). Ngày 29/12, Tư lệnh Hải quân Đổng Quân được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng thay ông Lý Thượng Phúc. Vụ bãi miễn Bộ trưởng Quốc phòng (Thượng tướng) và Tư lệnh lực lượng tên lửa đã làm cho số tướng lĩnh Trung Quốc bị mất chức trong năm 2023 lên tới 9 người (trong đó có 3 Thượng tướng, quân hàm cao nhất trong quân đội Trung Quốc hiện nay), đã dẫn đến những hoài nghi về vai trò của quân đội trong tầng quyết sách của Trung Quốc.

Trong năm 2023, ngoài hai Bộ trưởng hàng đầu Ngoại giao và Quốc phòng, một số Bộ trưởng như Thương mại, Khoa học Môi trường… cũng bị thay thế. Ngoài ra có đến 5 Phó Tổng thư ký Quốc vụ viện bị thay thế, một số nguồn cho rằng đây là hành động “chấn chỉnh” Cơ quan Quốc vụ viện. Báo “Hoa Nam buổi sáng” cũng đưa tin theo nguồn của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cho biết năm 2023 Trung Quốc đã có 45 quan chức cấp cao (cán bộ do Trung ương quản lý) bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương điều tra, tăng 40% so với 2022 (32 người). Những biến động nội bộ này có thể đã ảnh hưởng đến việc triệu tập Hội nghị Trung ương 3 khóa XX. Nhiều nguồn cho rằng vì đang có nhiều biến động nhân sự cấp cao và chưa có tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là vấn đề kinh tế nên Hội nghị Trung ương 3 (HNTW 3) phải lùi lại. Theo thông lệ, HNTW3 thường họp vào tháng 10 – tháng 11 năm sau Đại hội và chủ yếu bàn về vấn đề kinh tế, rất được dư luận quốc tế quan tâm nhưng đến nay vẫn chưa có thông báo gì về HNTW3, mặc dù đã có 2 cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 27/11 và ngày 8/12.

2. Về Chính trị, Đối ngoại:

Về cơ bản, Trung Quốc vẫn giữ được tư thế chủ động chiến lược:

– Trung Quốc không bị lôi cuốn trực tiếp vào các nguy cơ Ukraine, Israel; nhìn chung vẫn giữ được ưu thế “người ngoài cuộc”, không phải chịu một trách nhiệm trực tiếp nào về xuất xứ và diễn biến của các cuộc xung đột.

– Không gian chiến lược được củng cố và mở rộng hơn: sự hiện diện của Trung Quốc tại Trung Đông, Trung Á, Mỹ Latinh (khu vực sân sau của Mỹ) càng nổi bật hơn, nhất là vai trò của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh nước lớn tại khu vực Trung Đông. Có thể nói Trung Quốc đã mở ra một “chiến trường ngoại giao” mới tại Trung Đông; tại đó, sự phối hợp chiến lược Trung – Nga, sự hình thành tam giác chiến lược Nga – Trung – Iran, sự nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc – Ả Rập Xê Út, thành công trong việc hòa giải Iran – Ả Rập Xê Út… đã thể hiện nổi bật vị thế mới của Trung Quốc tại khu vực chiến lược này. Trung Quốc đã củng cố và nâng cấp quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện thời đại mới” với Nga, khiến cho tam giác chiến lược Trung – Mỹ – Nga càng có vai trò trong trật tự toàn cầu.

– Thông qua triển khai BRI, thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển với nhiều quốc gia, khu vực, đặc biệt là với ASEAN (kết nối với “Trục hàng hải” của Indonesia; “Hai hành lang một vành đai” của Việt Nam; “Tầm nhìn Brunei 2025”; “Tầm nhìn Philippines 2040”; “Chiến lược 4.0” của Thái Lan; “Chiến lược nối với biển” của Lào”; “Quy hoạch hợp tác Trung Quốc – Malaysia”; “Sáng kiến kết nối chiến lược Singapore – Trung Quốc”…). Điều này rất quan trọng vì Trung Quốc thông qua đó có thể giám sát, thậm chí là chi phối “chiến lược phát triển” của các quốc gia xung quanh, tạo cơ sở để gây ảnh hưởng chính trị. Trên thực tế, Trung Quốc đã chiếm ưu thế tương đối trong cạnh tranh nước lớn tại khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang đối mặt với nhiều thách thức chiến lược lớn: vẫn nằm trong định vị chiến lược “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, là “mối uy hiếp lớn nhất đối với an ninh, lợi ích và sự phồn vinh” của Hoa Kỳ; luôn phải đối phó với “cọ xát thương mại”, với cuộc chiến “tách Trung Quốc”, với “mặt trận kiềm chế Trung Quốc toàn cầu” do Mỹ chủ đạo.

Trên lĩnh vực đối ngoại, vị trí “thống soái” của ông Tập Cận Bình được củng cố và nâng cao gần đến mực tuyệt đối, “Ngoại giao nguyên thủ” đóng vai trò chủ đạo trong tổng thể hệ thống ngoại giao Trung Quốc; “Ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc” được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ, nêu cao tính chủ động chiến lược, tính định hướng và tính mục đích rõ ràng, thực hiện bài bản hơn; vị thế và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc được nâng cao hơn.

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã đưa ra 6 nhiệm vụ cho Ngoại giao Trung Quốc năm 2023:

(i) Phục vụ tốt hơn cho ngoại giao nguyên thủ và các công tác trung tâm (chủ yếu phục vụ hoạt động đối ngoại của ông Tập Cận Bình).

(ii) Triển khai đồng bộ bố cục Ngoại giao toàn phương vị (theo thứ tự Trung Nga – Trung Mỹ – Trung Âu – Trung-Chu biên và Trung-Thế giới đang phát triển).

(iii) Không ngừng hội tụ các nhận thức chung về quản trị toàn cầu (nêu cao vai trò của Trung Quốc trong quản trị toàn cầu).

(iv) Tích cực phục vụ quá trình phát triển chất lượng cao và mở cửa đối ngoại của quốc gia (phục vụ kinh tế).

(v) Tiếp tục củng cố phòng tuyến bảo đảm lợi ích quốc gia (phục vụ an ninh).

(vi) Nâng cao năng lực truyền bá quốc tế và quyền phát ngôn của Trung Quốc (tăng cường ảnh hưởng quốc tế). (Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao tại Hội thảo “Tình hình quốc tế và Ngoại giao Trung Quốc”, ngày 25/12/2022).

Thực tiễn Ngoại giao Trung Quốc năm 2023 nổi lên một số tiêu điểm: quan hệ Trung – Mỹ; quan hệ Trung – Nga, quan hệ Trung – Việt.

Về quan hệ Trung – Mỹ: Từ cuộc gặp nguyên thủ Bali tháng 11/2022 đến cuộc gặp nguyên thủ San Francisco tháng 11/2023, có thể thấy xu hướng “quản lý bất đồng, giảm căng thẳng” trong quan hệ Trung – Mỹ ngày càng thể hiện rõ. Về lý thuyết, Trung Quốc đặt “thực hiện các nhận thức chung giữa nguyên thủ hai nước Trung – Mỹ, tranh thủ quan hệ Trung – Mỹ trở lại quỹ đạo chính xác” vào vị trí thứ hai, sau Nga, nhưng trên thực tế quan hệ Trung – Mỹ vẫn là mối quan tâm hàng đầu, tốn nhiều thời gian, sức lực nhất của Ngoại giao Trung Quốc. Quan điểm xử lý quan hệ với Mỹ của Trung Quốc đã thay đổi: Trung Quốc không còn lấy việc đối phó với các sức ép từ Mỹ làm mối quan tâm chính và thường xuyên trong hoạt động thực tiễn của đối ngoại Trung Quốc nữa. Trung Quốc đối phó với các sức ép của Mỹ theo cách mới, không bị động chạy theo đối phó với vị thế của “kẻ yếu” mà là đối phó sòng phẳng trên cương vị của một đối tác “ngang hàng”. Mặt khác, Trung Quốc sẽ tăng cường thông qua đẩy mạnh hợp tác với Nga để tạo ra đối trọng với “bá quyền” Mỹ, một biện pháp mà lâu nay Trung Quốc còn dè dặt. Không những thế, Trung Quốc còn “thúc đẩy phát triển ổn định, lành mạnh” quan hệ với châu Âu để giãn cách châu Âu với Mỹ; “làm sâu sắc thêm hữu nghị và lòng tin lẫn nhau” với các nước láng giềng và “tăng cường đoàn kết hợp tác” với các nước đang phát triển khác; khiến Mỹ phải đồng thời đối phó với nhiều đối tượng, từ nhiều hướng, vừa tiêu hao lực lượng của Mỹ vừa làm giãn sức ép của Mỹ nhằm vào Trung Quốc. Với sự thay đổi này, Trung Quốc tin rằng không phải sử dụng quá nhiều công sức vào xử lý quan hệ với Mỹ, không bị chi phối quá nhiều bởi các vướng víu thường xuyên nảy sinh từ các sức ép của Mỹ, tạo thêm cơ hội để triển khai chiến lược với các đối tác khác. Và tất cả là để Trung Quốc có thể “chủ động chiến lược”, thậm chí là “tấn công chiến lược”, “tạo đột phá” trong quan hệ với Mỹ, từ đó tạo thế chủ động cho Ngoại giao nước lớn Trung Quốc trong trật tự thế giới mới. Nhìn chung, Quan hệ Trung – Mỹ đang từ đỉnh cao của xung đột chuyển dần sang “vừa cạnh tranh vừa hợp tác”, cạnh tranh từ chủ yếu là “cạnh tranh mang tính bài xích nhau” sang có cả “cạnh tranh mang tính xây dựng”. Có thể nói, quan hệ Trung – Mỹ đang từ “cạnh tranh là thường xuyên, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc” chuyển sang “cạnh tranh và hợp tác, hợp tác và cạnh tranh đan xen; kiểm soát bất đồng, tránh xung đột”. Xu thế cạnh tranh sẽ từ “Mỹ công, Trung thủ” sang “Trung công, Mỹ thủ”; điều này thể hiện khá rõ trong việc chuẩn bị và tiến hành cuộc gặp nguyên thủ Trung – Mỹ mới tại San Francisco 17/11. Trung Quốc đang nỗ lực biến ưu thế chiến lược tương đối thành các ưu thế thực tế trên các lĩnh vực trọng điểm cụ thể, tại các khu vực then chốt; đồng thời thúc đẩy quá trình trả giá cho nhau trên các lĩnh vực hai bên có lợi ích tương đồng. Nhìn xa hơn, sau khi lên đến đỉnh cao của cạnh tranh, xung đột, quan hệ Trung – Mỹ sẽ đi về đâu? Đó là điều được xã hội quốc tế quan tâm hàng đầu. Ngày càng có nhiều dự báo về khả năng hình thành “cục diện quốc tế hai cực mới” do Trung Quốc và Mỹ chủ đạo. Không ít nhà nghiên cứu đang tập trung theo dõi xu hướng này. Dù sao, quan hệ Trung – Mỹ vẫn là trung tâm của chính trị quốc tế một thời gian dài trong tương lai.

Trung Quốc đưa ra mục tiêu “tạo đột phá đối ngoại trong năm 2023” với sự bố trí thứ tự đối ngoại khác với thông lệ: Đặt nhiệm vụ “làm sâu sắc sự tin cậy chiến lược lẫn nhau và hợp tác cùng thắng Trung – Nga” lên đầu tiên, có nghĩa là hiện nay, quan hệ Trung – Nga mới là mối quan hệ song phương quan trọng nhất của Ngoại giao nước lớn Trung Quốc về lý thuyết. Đối với Trung Quốc, hợp tác Trung – Nga có ý nghĩa góp phần kiềm chế bá quyền của Mỹ, cũng là biện pháp hữu hiệu nhất để chống lại hoặc làm giãn bớt sức ép của Mỹ đối với Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay. Trung Quốc sẽ tham gia tiến trình giải quyết cuộc chiến Ukraine với tư cách là “nước lớn có trách nhiệm”, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ tìm kiếm vai trò “trung gian hòa giải” Nga – Ukraine, Nga – Châu Âu; vừa “đỡ đòn” cho Nga, vừa tạo thêm lực lượng cho Trung Quốc trong cuộc tập hợp lực lượng mới nhằm vào Mỹ. Tất nhiên Trung Quốc chỉ có thể đóng vai trò này khi nó phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. Mặc dù quan hệ Trung – Nga còn ẩn chứa nhiều ẩn số do những khác biệt của lợi ích nước lớn và do những ân oán trong lịch sử nhưng trong tương lai có thể nhìn thấy, quan hệ Trung – Nga đang có một mẫu số chung chi phối quan hệ hai nước, đó là phá thế kiềm chế bao vây của siêu cường Mỹ đang nhằm vào hai nước. Mẫu số chung này đang quyết định sự gắn bó của quan hệ hai nước, ít nhất cũng là đến khi cuộc kiềm chế bao vây của Mỹ đối với Trung – Nga vẫn tồn tại. Sự giao lưu cấp cao với mật độ cao chưa từng có giữa Trung Quốc và Nga thời gian qua và sẽ còn tiếp tục trong tương lai, kim ngạch thương mại hai bên đang vượt qua mốc 200 tỉ USD và sẽ còn đi xa hơn, sự phối hợp chiến lược giữa hai bên đang không ngừng được đẩy mạnh… đang chứng minh cho xu thế này.

Trung Quốc sẽ tập trung cho việc thúc đẩy quan hệ Trung Quốc – ASEAN với hai hướng chiến lược chủ yếu là “triển khai BRI chất lượng cao” và “xây dựng cộng đồng chung vận mệnh khu vực”. Việt Nam hầu như liên quan đến toàn bộ các hoạt động triển khai đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội XX. Việt Nam là “hướng ưu tiên trong chính sách láng giềng” của Trung Quốc, là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, là đối tác lớn thứ tư của Trung Quốc trên toàn cầu, Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng, không thể thiếu trong tổng thể đối ngoại của Trung Quốc, đặc biệt là trong chính sách láng giềng.

Tuy nhiên, các yêu sách của Trung Quốc về các “lợi ích cốt lõi” sẽ không có gì thay đổi lớn, đặc biệt là về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trực tiếp liên quan đến lợi ích và an ninh quốc gia của Việt Nam. Trung Quốc sẽ vẫn chủ động thúc đẩy “ba cuộc chiến” trong tranh chấp tại Biển Đông: cuộc chiến tại thực địa nhằm kiểm soát Biển Đông trên thực tế; cuộc chiến pháp lý nhằm xác lập các căn cứ pháp lý cho yêu sách “Đường lưỡi bò” tại Biển Đông và cuộc chiến truyền thông, nhằm tạo ưu thế trong truyền thông quốc tế cho lập trường của Trung Quốc về Biển Đông. Đối phó với các cuộc chiến này của Trung Quốc vẫn là những nhiệm vụ cấp thiết nhất đối với an ninh, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của Việt Nam.

Dù vậy, chuyến thăm Việt Nam từ 12-13/12/2023 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát đi những tín hiệu tích cực mới. Với việc ký Tuyên bố chung về việc “Tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc – Việt Nam”; với phương hướng 6 điểm phát triển quan hệ hai nước trong tương lai (Tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng – an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn và bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn); với 36 văn bản hợp tác mới được ký (4 văn bản về lĩnh vực chính trị – đối ngoại, 4 văn bản hợp tác an ninh – quốc phòng về phòng chống tội phạm, hợp tác trên biển và lĩnh vực tư pháp, 24 văn bản về hợp tác trên các lĩnh vực thực chất cấp chính phủ, cấp bộ và cơ quan ngang Bộ, 4 văn bản hợp tác giữa các địa phương hai nước), có thể nói quan hệ Việt – Trung đã có một định vị mới, một khởi điểm mới, có vai trò mới đối với hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Chuyến đi cũng cho thấy đây là nhu cầu của cả hai nước Trung – Việt. Trung Quốc coi việc ký với Việt Nam cùng xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai” và ký văn bản chính thức kết nối BRI với “Hai hành lang, một vành đai” là hai thành công quan trọng của chuyến đi, cũng là thắng lợi của Ngoại giao nước lớn Trung Quốc thời đại mới. Sau chuyến thăm, quan hệ Việt – Trung có thể bước sang một giai đoạn mới phát triển cao hơn, rộng hơn và thực chất hơn, có thể trở thành khuôn mẫu cho quan hệ giữa Trung Quốc với láng giềng, với thế giới đang phát triển.

Nhìn chung, Trung Quốc đã giành được nhiều thành công về mặt Ngoại giao hơn là về mặt kinh tế. Ngoại giao Trung Quốc đại thể đã hoặc đang đi vào quỹ đạo “trở lại bình thường” hoặc theo xu hướng “tốt lên”, vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế được khẳng định hơn. Các yếu tố tiềm tàng giúp Trung Quốc phát huy cao hơn vai trò “là bên kiến tạo hòa bình, bên thúc đẩy phát triển và là bên bảo đảm an ninh” quốc tế của Trung Quốc càng được tích lũy thêm. Thế giới dường như ngày càng ủng hộ Trung Quốc phát huy vai trò “một nước lớn có trách nhiệm” hơn. Kinh tế Trung Quốc tuy đang trong thời kỳ tăng trưởng thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh nhưng vẫn ở mức cao hơn so với nhiều nền kinh tế chủ yếu khác, hơn nữa sự trì trệ của kinh tế Trung Quốc một phần không nhỏ là do liên lụy từ sự trì trệ của kinh tế toàn cầu, có nghĩa là bản thân Trung Quốc còn có đủ tiềm lực để đi lên phía trước.

Trong lời chúc mừng Năm mới 2024 đêm 31/12, ông Tập Cận Bình gọi năm 2023 là “năm không dễ dàng nhưng cũng tràn đầy niềm tin”. Tiễn biệt 2023, Trung Quốc sẽ đem niềm tin đó đi vào năm 2024, năm thứ 75 của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, từ vị trí hàng đầu trên vạch xuất phát của một khởi điểm mới và người ta có lý do để tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục vượt lên từ khởi điểm mới đó.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới