Wednesday, December 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaỔ tham nhũng lớn nhất của TQ là quân đội

Ổ tham nhũng lớn nhất của TQ là quân đội

Vào ngày 29/12/2023, 9 tướng lĩnh trong quân đội Trung Quốc đã bị hủy tư cách đại biểu Nhân Đại (tức đại biểu Quốc hội). Vào ngày 8/1/2024, khi phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nói rằng “phải có nhận thức thanh tỉnh về tình hình mới và xu hướng mới trong cuộc chiến chống tham nhũng” và yêu cầu phải “chiến thắng trong cuộc chiến công kiên và lâu dài chống tham nhũng”.

Vào ngày 12/3/2023, các đại biểu quân đội tham dự cuộc họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) của Trung Quốc đang đi bộ ở bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

Vậy rốt cuộc trong chi tiêu quân sự khổng lồ của Trung Quốc, có bao nhiêu phần đã bị tham nhũng? Nếu tính sơ thì một người ở cấp Thượng tướng cũng có thể tham nhũng hàng chục tỷ nhân dân tệ (CNY) [Ghi chú: 10 tỷ CNY bằng khoảng 34,4 nghìn tỷ VND hoặc 1,4 tỷ USD].

Chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng vọt – đắc địa của nạn tham nhũng

Các khoản chi tiêu quân sự được Trung Quốc công khai thường nhỏ hơn nhiều so với số liệu thực tế. Dữ liệu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính khá được quốc tế công nhận. Theo dữ liệu của viện này, năm 2003, chi tiêu quân sự của Trung Quốc là khoảng 33,1 tỷ USD; tới năm 2012 đã nhanh chóng tăng lên khoảng 145,1 tỷ USD. Từ năm 2003 đến năm 2012, tổng chi tiêu quân sự của nước này là khoảng 778,8 tỷ USD.

Lùi về 10 năm, từ năm 1993 đến 2002, tổng chi tiêu quân sự của Trung Quốc là khoảng 181,2 tỷ USD. Trong 10 năm từ 2003 đến 2012, chi tiêu quân sự của họ đã tăng vọt lên khoảng 4,3 lần so với 10 năm trước đó. Mà trong 20 năm này, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân là người kiểm soát quân đội, nạn tham nhũng cũng từ đó mà tràn lan.

Nghi phạm tham nhũng lớn đầu tiên bị điều tra trong quân đội Trung Quốc là ông Cốc Tuấn Sơn. Ông Cốc từng giữ chức Cục trưởng Cục Cơ sở hạ tầng và Doanh trại thuộc Tổng cục Hậu cần Quân đội Trung Quốc từ tháng 6/2007 và sau đó được thăng lên làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần từ tháng 12/2009 đến năm 2012. Ông này dính vào một vụ án liên quan đến hơn 30 tỷ CNY (hơn 4 tỷ USD). Trong đó xác minh được ông Cốc đã tham ô và nhận hối lộ hơn 600 triệu CNY (hơn 84 triệu USD), có hơn 300 bất động sản, bao nuôi 23 tình nhân và bị tịch thu 400 kg vàng. Ông Cốc Tuấn Sơn mới chỉ là một Trung tướng.

Ông Từ Tài Hậu, cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, bị điều tra vào năm 2014. Dưới tầng hầm của ngôi biệt thự rộng 2.000 mét vuông của ông này, đã tịch thu được số tiền mặt nặng 1 tấn. Vào thời điểm đó, “giá niêm yết” để thăng chức trong Quân đội Trung Quốc như sau:

– Đại đội trưởng: 200.000 CNY (khoảng 690 triệu VND)

– Tiểu đoàn trưởng: 300.000 CNY (hơn 1 tỷ VND)

– Trung đoàn trưởng: 1 triệu CNY (khoảng 3,4 tỷ VND)

– Cấp sư đoàn: 1 đến 3 triệu CNY (khoảng 3,4 – 10,3 tỷ VND)

– Cấp quân đoàn: 5 triệu CNY (hơn 17,2 tỷ VND)

– Cấp quân khu lớn: 10 triệu CNY (hơn 34,4 tỷ VND)

Sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã tiến hành cuộc thanh trừng lớn trong quân đội và loại bỏ ít nhất 160 tướng lĩnh trên danh nghĩa chống tham nhũng, có thể kể đến các “con hổ” như:

– Ông Từ Tài Hậu và ông Quách Bá Hùng – hai cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương;

– Ông Trương Dương – cựu Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương Trung Quốc;

– Ông Phòng Phong Huy – cựu Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương;

– Ông Vương Kiến Bình – cựu Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương, cựu Tư lệnh Lực lượng Cảnh sát Vũ trang, v.v.

Ông Tập Cận Bình đã đặc cách thăng chức cho một lượng lớn tướng lĩnh để thay thế những người đã ngã ngựa, nhưng đến năm 2023, các vụ án tham nhũng trong quân đội lại đồng thời bùng nổ.

Chi tiêu quân sự tăng gấp đôi trong 10 năm qua – càng thúc đẩy nạn tham nhũng
Năm 2013, chi tiêu quân sự của Trung Quốc là khoảng 166 tỷ USD; trong năm 2022 là khoảng 292 tỷ USD. Theo dữ liệu đánh giá từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, từ năm 2013 đến năm 2022, tổng chi tiêu quân sự của Trung Quốc là khoảng 2.260,4 tỷ USD.

Trong 10 năm từ 2013 đến 2022, chi tiêu quân sự của ĐCSTQ gấp hơn 2,9 lần so với 10 năm trước đó (từ năm 2003 – 2012), và hơn 2,35 lần so với 20 năm trước đó (từ năm 1993 – 2012).

Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc nêu rõ, các khoản chi chính trong chi tiêu quân sự bao gồm chi phí sinh hoạt, chi phí duy trì huấn luyện và chi phí trang bị, mỗi khoản chiếm khoảng 1/3. Trong đó:

– Chi phí sinh hoạt bao gồm tiền lương, bảo hiểm, ăn, mặc, phúc lợi… cho các sĩ quan, cán bộ, binh sĩ và người làm thuê.

– Chi phí duy trì huấn luyện được sử dụng cho việc huấn luyện quân đội, giáo dục đại học, xây dựng và bảo trì cơ sở vật chất kỹ thuật và chi phí tiêu dùng hàng ngày.

– Chi phí trang bị được sử dụng để nghiên cứu, thử nghiệm, mua sắm, bảo trì, vận chuyển và bảo quản vũ khí, trang thiết bị.

Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, một loạt tên lửa, tàu khu trục, hàng không mẫu hạm, chiến cơ… đã được trang bị cho quân đội, có thể kể đến như:

– Lực lượng Tên lửa Trung Quốc: các tên lửa Đông Phong-17, Đông Phong-21D, Đông Phong-26 và Đông Phong-41;

– Hải quân Trung Quốc: 25 tàu khu trục Type 052D, 8 tàu khu trục Type 055, và 24 trong số 40 tàu khu trục Type 054A đều đã lần lượt được đưa vào sử dụng từ năm 2014; Hàng không mẫu hạm Sơn Đông và hàng không mẫu hạm Phúc Kiến lần lượt được hạ thủy vào năm 2019 và năm 2022; Triển khai thêm các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong năm 2012 chỉ có 3 tàu Type 093 thì tới sau năm 2014 đã có thêm 6 tàu Type 093A;

– Không quân Trung Quốc: bắt đầu sử dụng máy bay chiến đấu chủ lực J-16 từ năm 2015 và hiện có ít nhất 262 chiếc; chiến đấu cơ J-20 được bàn giao cho không quân từ năm 2016 và hiện có ít nhất 140 chiếc; còn chiến cơ J-10 đang tiếp tục được tăng cường sản xuất với số lượng lớn.

Với lượng lớn trang thiết bị mới như vậy, quân đội Trung Quốc sẽ cần chi rất nhiều tiền. Đây cũng là cơ hội tham nhũng có một không hai đối với các tướng lĩnh trong quân đội nước này.

Các tướng lĩnh Trung Quốc có thể tham nhũng đến mức nào?

Trong 10 năm từ 2013 – 2022, tổng chi tiêu quân sự của ĐCSTQ là khoảng 2.260,4 tỷ USD, tương đương khoảng 16,49 nghìn tỷ CNY. Nếu ước tính một cách dè dặt nhất thì có khoảng 20% trong số tiền này đã bị tham nhũng, tức là khoảng 3,3 nghìn tỷ CNY.

Ông Tập Cận Bình đã thăng quân hàm Thượng tướng cho ít nhất 74 người trong 10 năm qua, họ đều giữ những vị trí quan trọng trong quân đội, cộng thêm một số Thượng tướng vẫn còn đang công tác và các lãnh đạo đảng, chính phủ trong các doanh nghiệp công nghiệp quân sự, tổng cộng có khoảng 100 người. Nếu 100 người này nắm giữ một nửa số tiền ước tính bị tham nhũng kể trên thì sẽ là 1,65 nghìn tỷ CNY, trung bình mỗi người có khoảng 16,5 tỷ CNY (khoảng 2,3 tỷ USD).

Nói cách khác, ngay cả theo ước tính dè dặt nhất, các Thượng tướng của ĐCSTQ đều có thể là những quan tham chục tỷ tệ; nếu các Trung tướng và Thiếu tướng lại xâu xé 1,65 nghìn tỷ CNY còn lại thì sẽ có thêm rất nhiều quan tham trăm triệu tệ.

Tham nhũng trong quá trình sản xuất tên lửa

Sau khi các cựu tướng lĩnh của Lực lượng Tên lửa bị cách chức, 3 quan chức cấp cao của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) cũng đã ngã ngựa. Họ được cho là nhân vật chính của vụ án tham nhũng liên quan đến quá trình nghiên cứu, phát triển và sản xuất tên lửa.

Trung Quốc có ít nhất 110 tên lửa Đông Phong-26 và ít nhất 134 tên lửa Đông Phong-21. Chi phí sản xuất một tên lửa Đông Phong-26 ước tính là khoảng 250 triệu CNY (hơn 35 triệu USD), ước tính chi phí sản xuất Đông Phong-21D cũng là gần 200 triệu CNY (khoảng 28 triệu USD). Tên lửa hạt nhân chiến lược Đông Phong-41 được cho là có giá ít nhất 600 triệu CNY (khoảng 84,5 triệu USD).

CASC chịu trách nhiệm sản xuất các loại tên lửa, vậy cách thức tham nhũng chính của họ rất có thể là những khoản lại quả khổng lồ khi thu mua nguyên liệu, các linh kiện quan trọng và thiết bị sản xuất những tên lửa này, hoặc qua tay một công ty vỏ bọc nào đó để tăng giá trá hình và đổ đầy túi tiền của mình.

Tên lửa sử dụng vật liệu đặc biệt, đặc biệt là đầu đạn, cần chịu được nhiệt độ cao và áp suất cao; con quay hồi chuyển, chip bán dẫn, cảm biến và các bộ phận liên quan khác đều cần độ chính xác cao; các thiết bị tinh vi, thiết bị kiểm tra cần thiết cho việc sản xuất cũng vậy, hầu như tất cả những thứ này đều cần được nhập khẩu. Chúng thường được thu mua từ các nước phát triển như Hoa Kỳ và trên danh nghĩa dân dụng, sau đó được sang tay bán lại nhiều lần thì mới đến tay các đơn vị sản xuất của quân đội. Theo các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, Bắc Kinh sẽ khó khăn hơn và càng tốn kém hơn nếu muốn có được những con chip cao cấp.

Việc các bộ phận, linh kiện nhập khẩu liên tục bị tăng giá và bán lại chủ yếu do các quan chức cấp cao của CASC kiểm soát, và các lãnh đạo của Lực lượng Tên lửa có lẽ cũng không đứng ngoài cuộc. Theo ước tính thận trọng, trong số hàng trăm triệu CNY chi phí cho một tên lửa, có khoảng 20% đến 30% đã lặng lẽ chảy vào túi của các quan chức cấp cao trong doanh nghiệp công nghiệp quân sự, Lực lượng Tên lửa và Bộ Phát triển Trang bị.

Lực lượng Tên lửa không trực tiếp sản xuất tên lửa nhưng có một viện nghiên cứu, viện này có thể can dự vào việc thiết kế tên lửa và mua sắm các bộ phận quan trọng. Bộ Phát triển Trang bị cũng tham gia vào việc bàn giao và giám định tên lửa. Chỉ cần đều nhận được tiền, cho dù có vấn đề thì cũng là chuyện lớn hóa chuyện nhỏ, chuyện nhỏ hóa không có gì.

Các tướng lĩnh của Lực lượng Tên lửa biết rõ trình độ thực sự của tên lửa do Trung Quốc sản xuất và có thể không cạnh tranh được với quân đội Mỹ; một khi chiến tranh nổ ra, tỷ lệ bắn trúng sẽ rất thấp và vấn đề tham nhũng đằng sau những tên lửa chất lượng kém kia sẽ bị phơi bày ngay lập tức. Lực lượng Tên lửa tự nhiên sẽ không muốn chiến đấu, đây có lẽ là nguyên nhân khiến các tướng lĩnh hỏa tiễn rụt rè.

Tham nhũng trong việc xây dựng căn cứ tên lửa

Trong một thập kỷ qua, số lượng lữ đoàn tên lửa trong Lực lượng Tên lửa đã tăng gấp đôi lên ít nhất 40 và có một lượng lớn các căn cứ tên lửa mới đã được xây dựng thêm. Lực lượng Tên lửa có Viện Nghiên cứu Công trình và Bộ chỉ huy Công trình Tên lửa. Một căn cứ tên lửa sẽ bao gồm gara phóng, kho chứa nhiên liệu và điểm chứa chất nổ, cũng như các tòa nhà trung tâm chỉ huy, trại huấn luyện, doanh trại binh sĩ và nhà ở sĩ quan, v.v., bao phủ trên một khu vực rộng lớn.

Quy mô của một căn cứ ít nhất cũng tương đương với một khu chung cư lớn, nhưng có mức độ quy hoạch cao hơn, phần ngầm có thể càng quan trọng hơn và chi phí chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với việc xây dựng một khu chung cư, có thể lên tới hàng tỷ hoặc hàng chục tỷ CNY. Tiền hoa hồng hoặc rút lõi từ vật liệu xây dựng, thiết bị và nhà thầu khi xây dựng các căn cứ này chỉ cao hơn chứ không có kém so với xây dựng công trình dân dụng, mức độ tham nhũng ở đây có lẽ còn lớn hơn so với việc sản xuất tên lửa.

Chi phí cho các căn cứ tên lửa hạt nhân đắt hơn các tên lửa thông thường, các công trình dưới lòng đất lại càng phức tạp và đồ sộ hơn. Để tồn trữ, bảo trì và kiểm nghiệm định kỳ các đầu đạn hạt nhân thì phải có cơ sở và thiết bị chuyên dụng. Số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc đã tăng lên 500. ĐCSTQ lại đang xây dựng 334 hầm chứa tên lửa hạt nhân ở thành phố Ngọc Môn, thành phố Hami, kỳ Hanggin, thị trấn Cát Lan Thái… ở miền bắc nước này và chi phí xây dựng rất lớn nhưng không ai biết chính xác rốt cuộc chi phí thực sự là bao nhiêu.

Chi phí cho trang thiết bị, bảo trì cơ sở vật chất và huấn luyện hàng ngày của Lực lượng Tên lửa cũng không phải là số tiền nhỏ và chắc chắn là có tham nhũng trong đó. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các lãnh đạo của Lực lượng Tên lửa đồng loạt “gặp nạn”. Lực lượng Tên lửa được ĐCSTQ coi là “át chủ bài”, mức độ tham nhũng có lẽ cũng ở tầm cỡ “át chủ bài”, mỗi ngày đều sống như vậy nên các tướng lĩnh hỏa tiễn đương nhiên không sẵn lòng chiến đấu.

Tham nhũng trong các quân chủng khác

Theo giới quan sát, ước tính chi phí sản xuất một tàu tiếp tế của Trung Quốc là khoảng 2 tỷ CNY (khoảng 281 triệu USD), một tàu hộ vệ Type 054 là hơn 3 tỷ CNY (hơn 422 triệu USD), một tàu khu trục Type 052D là hơn 4 tỷ CNY (hơn 563 triệu USD), một tàu khu trục Type 055 là 6 tỷ CNY (hơn 845 triệu USD) và hàng không mẫu hạm Sơn Đông là từ 21 đến 27 tỷ CNY (từ 3 – 3,8 tỷ USD).

Việc sản xuất những quân hạm này đã tạo cơ hội tham nhũng khổng lồ cho các nhà máy đóng tàu Đại Liên và Giang Nam. Trong đó còn bao gồm hạng mục xây mới và mở rộng các nhà máy, bến tàu, cũng như mua sắm các thiết bị mới. Các bộ phận chính của radar, sonar, cảm biến, thiết bị liên lạc, hệ thống truyền động, hệ thống điều khiển định vị và các loại tên lửa trên tàu cũng đều phải nhập khẩu; về cơ bản, quá trình tham nhũng trong mảng này cũng tương tự như đã trình bày ở trên. Khi Hải quân Trung Quốc và Bộ Phát triển Trang bị tiếp nhận, giám định quân hạm và tàu ngầm, họ đều được hưởng lợi ích.

Hải quân Trung Quốc không ngừng xây dựng các cảng quân sự mới và mở rộng nhân sự, doanh trại, cơ sở huấn luyện, v.v. Trung Quốc có 2 căn cứ huấn luyện máy bay trên hàng không mẫu hạm, một cái ở phía bắc, một cái ở phía nam. Quy mô tham nhũng trong các dự án này có lẽ cũng không nhỏ hơn là bao so với Lực lượng tên lửa. Việc bảo dưỡng và đại tu chiến hạm hàng ngày, cũng như mức tiêu thụ nhiên liệu và vật dụng phục vụ sinh hoạt khi ra khơi là những khoản không hề nhỏ. Nếu một chiến hạm mỗi năm ra khơi vài tháng thì sẽ tiêu tốn hàng nghìn tấn nhiên liệu, tức là hàng triệu CNY, họ cũng rất dễ báo cáo sai số lượng rồi bán lại dầu để trục lợi.

Việc sản xuất các chiến cơ J-16 và J-20 trên quy mô lớn đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các nhà máy sản xuất máy bay ở Thẩm Dương và Thành Đô. Họ có thể biển thủ thông qua việc mua sắm chip bán dẫn, các bộ phận quan trọng cho radar, hệ thống điều khiển bay và thiết bị sản xuất chính xác, v.v. Có thông tin rằng, đơn giá của một chiếc J-16 tương đương với giá một chiếc F-15EX mới nhất của quân đội Mỹ, khoảng 80 triệu USD; đơn giá của J-20 có thể còn vượt cả F-35 của quân đội Mỹ; thậm chí máy bay chiến đấu hạng nhẹ J-10 còn có giá 28 triệu USD. Chi phí nhân công sản xuất máy bay của Trung Quốc sẽ không quá cao nhưng sau khi các bộ phận quan trọng và thiết bị sản xuất nhập khẩu được sang tay nhiều lần, tăng giá, chi chiết khấu…, giá trị của chúng đã tăng lên gấp bội.

Lực lượng Không quân Trung Quốc đang xây dựng một lượng lớn các sân bay và các cơ sở hỗ trợ mới, và tình trạng tham nhũng trong các dự án này cũng vượt xa các sân bay dân dụng. Cựu Tư lệnh Không quân Trung Quốc là ông Đinh Lai Hàng đã ngã ngựa, ông này được cho là đang bị điều tra vì có liên quan đến vụ án tham nhũng trong dự án sân bay Tây Giao Bắc Kinh.

So với các binh chủng trên, Lục quân Trung Quốc có lẽ là nghèo nhất, nhưng với quy mô gần một triệu người, chỉ riêng quân phục đã tiêu tốn một khoản khổng lồ. Ở nhiều nơi tại Trung Quốc, các trường học luôn bị chỉ trích vì phí đồng phục mà nhà trường yêu cầu học sinh phải trả, và số tiền lại quả mà nhà trường nhận được đã nhiều lần bị đặt dấu hỏi; nhưng nếu mang ra so sánh với quân phục của Quân đội Trung Quốc, e rằng chỉ như muối bỏ biển. Ngoài ra, lương thực cần thiết hàng ngày cho gần một triệu người này cũng là một khoản chi khổng lồ. Chưa kể đến quy mô của các cơ sở huấn luyện, doanh trại, nhà ở sĩ quan của Lục quân còn lớn gấp mấy lần các quân chủng khác, rồi thì hạng mục mua sắm, tu sửa các loại vũ khí và xe cộ, nhiên liệu cho xe cộ…, lỗ hổng trục lợi, tham nhũng ở khắp nơi.

Lực lượng Chi viện Chiến lược của Trung Quốc phụ trách tất cả các cơ sở hàng không vũ trụ, vệ tinh, v.v., bao gồm cả chiến tranh mạng, chiến tranh điện tử, căn cứ thử nghiệm hạt nhân, v.v.; họ sử dụng các thiết bị còn cao cấp hơn và không ai có thể nói chính xác giá trị của chúng là bao nhiêu. Vào ngày 31/7/2023, Chỉ huy của lực lượng này là ông Cự Càn Sinh đã vắng mặt trong tiệc chiêu đãi kỷ niệm 96 năm thành lập quân đội Trung Quốc, và sau đó lại vắng mặt trong nhiều dịp quan trọng. Giới quan sát cho rằng ông này đã bị điều tra. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc – người đã bị cách chức và được cho là đang bị điều tra – cũng là Tham mưu trưởng đầu tiên của Lực lượng Chi viện Chiến lược.

Trong 10 năm qua, Quân đội Trung Quốc liên tục kêu gọi hiện đại hóa, các tướng lĩnh cũng lần lượt bày tỏ thái độ trung thành với ông Tập Cận Bình, nhưng cũng chỉ là vì muốn được thăng quan phát tài chứ không ai thực sự sẵn sàng chiến đấu và hy sinh tính mạng. Một cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đã phơi bày trình độ thực sự của quân đội Nga và vũ khí Nga; vậy thì quân đội Trung Quốc, trong tình trạng tham nhũng sâu rộng như vậy, sẽ càng bộc lộ khuyết điểm nhanh hơn khi bước vào thực chiến.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới