Ngày 3/2, Trung Quốc phóng thành công Jielong-3, tên lửa đẩy loại nhỏ nhưng có khả năng tải trọng mạnh mẽ với chi phí cạnh tranh.
Theo China News, Jielong-3 được Trung tâm Phóng Vệ tinh Thái Nguyên phóng ngoài khơi vùng biển Dương Giang (thuộc tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc), để đưa 9 vệ tinh vào quỹ đạo. Đây là lần phóng thứ ba của Jielong-3, sau lần đầu tiên vào tháng 12/2022 và lần thứ 2 cách đây một tháng.
Tên lửa đẩy Jielong-3 được Tập đoàn Khoa học công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) phát triển, có khả năng mang trọng tải 1.500kg vào quỹ đạo 500km, và có thể phóng từ trên biển hoặc mặt đất.
CASC từng tuyên bố rằng Jielong-3 có thể mang theo hơn 20 vệ tinh với chi phí phóng dưới 10.000 USD/kg, một mức giá cạnh tranh trên toàn cầu trong phân khúc tên lửa hạng nhỏ.
Theo Reuters, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi mở rộng các ngành công nghiệp chiến lược, bao gồm cả lĩnh vực không gian thương mại, coi đây là chìa khóa để xây dựng các “chòm sao vệ tinh” phục vụ liên lạc, cảm biến từ xa và định vị.
Đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng mạng lưới vệ tinh thương mại của Trung Quốc là khả năng mở rộng hệ thống phóng, đa dạng hóa các loại tên lửa để phù hợp với kích cỡ hàng hóa khác nhau, giảm chi phí phóng và tăng số lượng địa điểm phóng vệ tinh, bao gồm cả việc xây dựng thêm cảng vũ trụ và sử dụng tàu phóng trên biển.
Ngoài CASC, lĩnh vực phóng vệ tinh thương mại của Trung Quốc còn có sự tham gia của nhiều công ty khác như Công ty Năng lượng Thiên hà (Galactic Energy). Tên lửa Ceres-1 của công ty này thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 11/2020. Điểm nổi bật của Ceres-1 là khả năng mang theo trọng tải 300kg lên quỹ đạo 500km.
Công ty Năng lượng Thiên hà đã thực hiện 7 vụ phóng Ceres-1 trong năm 2023, so với 4 vụ trong giai đoạn năm 2020 – 2022.
Trong cuộc đua không gian thương mại của Trung Quốc, không thể không nhắc đến Landspace. Năm 2023, công ty này đã ghi dấu lịch sử với tên lửa Zhuque-2, thực hiện thành công vụ phóng vệ tinh đầu tiên trên thế giới sử dụng nhiên liệu khí metan và oxy hóa lỏng. Đây được coi là một bước đột phá trong việc sử dụng nhiên liệu giá rẻ cho tên lửa ở Trung Quốc.
Với thị trường tên lửa cỡ lớn, Orienspace được thành lập từ năm 2020, đã thực hiện một bước đột phá vào tháng 1 năm nay với vụ phóng tên lửa Gravity-1 từ con tàu ngoài khơi tỉnh Sơn Đông (phía đông Trung Quốc).
Gravity-1 có khả năng đưa trọng tải lên tới 6.500kg lên quỹ đạo Trái Đất thấp, trở thành phương tiện phóng mạnh mẽ nhất do một doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc phát triển.
Tên lửa hạng nhỏ có thể mang trọng tải 2.000kg, phù hợp với các vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi tên lửa hạng trung có thể mang trọng tải 20.000kg, phù hợp với các vệ tinh quan sát Trái Đất, viễn thông và các nhiệm vụ khoa học.
Cuối cùng là tên lửa hạng nặng có thể mang trọng tải hơn 20.000kg, thường được sử dụng cho các sứ mệnh liên hành tinh, lắp đặt trạm vũ trụ và phóng các vệ tinh lớn. Tên lửa Falcon do SpaceX phát triển có sức trở 64.000kg lên quỹ đạo.