Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiKhai thác Bauxite ở Tây Nguyên bây giờ ra sao?(Phần 2)

Khai thác Bauxite ở Tây Nguyên bây giờ ra sao?(Phần 2)

Tháng 10/2017, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp báo cáo theo nhiệm vụ được phân công. Theo đề nghị của Bộ Công thương, các Bộ, Ngành liên quan tham gia vào hiệu quả dự án là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tin và Truyền thông, hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng các doanh nghiệp gồm Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinalumin) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Báo cáo toàn diện về hiệu quả dự án bao gồm năm phần chính. Trong đó, quan trọng nhất là đánh giá chủ trương thực hiện dự án, hiệu quả sử dụng vốn, công nghệ ứng dụng và thị trường sản phẩm, giá cả sản phẩm của hai dự án nói trên. Đặc biệt, nhiều hạng mục đánh giá hiệu quả dự án được Bộ Công thương yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương báo cáo cụ thể và chịu trách nhiệm chính.

Trong đó, phần đánh giá năng lực của chủ đầu tư, năng lực của nhà thầu, ảnh hưởng đến hiệu quả dự án thuộc về trách nhiệm riêng của Bộ Công thương và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản. Ở khâu công nghệ áp dụng và chuyển giao công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công thương có trách nhiệm báo cáo đánh giá tác động và tính hiệu quả. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản và các tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông được yêu cầu báo cáo về công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho dự án quan trọng này. Đối với hiệu quả dự án của thị trường tiêu thụ sản phẩm và giá cả, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương và Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản phải chịu trách nhiệm báo cáo Chính phủ, Quốc hội, báo cáo tác động xã hội của dự án do các bộ, ngành và hai địa phương có hai dự án nói trên thực hiện.

Về vai trò quản lý nhà nước đối với việc triển khai dự án Bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, Bộ Công thương chịu trách nhiệm báo cáo hiệu quả vai trò, trách nhiệm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò trách nhiệm của các Cơ quan, Bộ, Ngành và của chủ đầu tư dự án, giám sát dự án, kiểm tra bùn thải Bauxit được Fumas nhập khẩu từ Trung Quốc. Sở Tài nguyên Môi trường Hà Tĩnh và các cơ quan chức năng liên quan đã vào cảng Sơn Dương Hà Tĩnh kiểm tra, lấy mẫu bùn thải của Formosa nhập về từ Trung Quốc.

Trước đó, hồi tháng 3, Thanh tra Bộ Tài chính có kết luận thanh tra dự án tổ hợp Bauxite, nhôm Tân Rai Lâm Đồng. Sau ba năm vận hành, tại dự án Tân Rai, mức tổng mức đầu tư cho dự án là 7.787,5 tỷ đồng (khoảng 493,5 triệu đô la), với công suất là 600.000 tấn/năm, thời gian thực hiện là 2006 – 2009, qua bốn lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư cho dự án đã tăng vọt lên đến 15.414,4 tỷ đồng (hơn 800 triệu đô la), thời gian thực hiện dự án bị chậm 4 năm so với nghị quyết, quyết định phê duyệt lần đầu. Sau 3 năm đi vào hoạt động, tháng 10/2013 – 9/2016, đã lỗ 3.696 tỷ đồng.

Còn tại dự án Nhân Cơ, theo quyết định đầu tư ban đầu năm 2007, vốn đầu tư cho dự án này chỉ có 3.285 tỷ đồng. Đến năm 2014, tổng vốn đầu tư đã tăng lên đến 16.824,4 tỷ đồng. Nguyên nhân chính được chỉ ra là do thay đổi công suất của nhà máy từ 300.000 tấn trên năm lên 650.000 tấn trên năm. Dừng thi công 2 năm để đánh giá lại hiệu quả do thay đổi tỉ giá cùng một số thay đổi về chính sách.

Cũng theo đoàn thanh tra, cuối tháng 11/2016, dự án Nhân Cơ đã cơ bản hoàn thành, chạy thử có tải và ra sản phẩm hydrat và urimin.

Bauxite Tây Nguyên ngổn ngang nỗi lo

Dù đã đưa vào vận hành nhiều năm, nhưng hai dự án Bauxite ở Tây Nguyên vẫn còn không ít nỗi lo về công nghệ và môi trường. Bộ Công Thương vừa có báo cáo tổng kết đánh giá tổng thể việc đầu tư thí điểm hai dự án Bauxite Tân Rai và Nhân Cơ ở Tây Nguyên do hai Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư.

Tăng vốn gấp 2 đến 5 lần

Theo Bộ Công thương, công tác chuẩn bị đầu tư hai dự án Bauxite, sản xuất alumin của chủ đầu tư chưa tốt. Cụ thể, lựa chọn quy mô, công suất, công nghệ các dự án chưa phù hợp phải điều chỉnh nhiều lần, làm kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư, tăng chi phí đầu tư, ảnh hưởng đến kế hoạch vốn chung của chủ đầu tư.

Đơn cử, tại dự án Tổ hợp Bauxite, nhôm Lâm Đồng, vốn đầu tư sau ba lần điều chỉnh đã tăng từ 7.700 tỷ lên đến 15.400 tỷ đồng. Nguyên nhân của việc điều chỉnh tổng mức đầu tư chủ yếu do điều chỉnh công nghệ sản xuất alumin, điều chỉnh quy mô công suất từ 600.000 tấn trên năm lên 650.000 tấn trên năm. Bên cạnh đó, do khủng hoảng tài chính khiến giá của máy móc, thiết bị, nguyên liệu tăng, vốn đầu tư tăng còn do bổ sung một số hạng mục chi phí trước đây chưa tính vào chi phí đầu tư do chưa có kinh nghiệm như trạm diezen dự phòng, nguyên vật liệu điền đầy và chạy thử nhà máy alumin, hệ thống phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó còn có các khoản như chi phí thu xếp vốn 300 tỷ đồng, tiền hỗ trợ dự án Quan Trắc Môi trường.

Dự án Tân Rai được bàn giao và đưa vào sản xuất từ tháng 10/2013. Theo quy định, thì phải lập báo cáo quyết toán tháng 10/2014, song đến nay đã bị chậm 5 năm. Trong khi đó, dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ, dự án Nhân Cơ có tổng vốn đầu tư ban đầu là 3.300 tỷ, sau đó tăng lên 16.800 tỷ đồng, điều chỉnh lần ba. Nguyên nhân đội vốn cũng do điều chỉnh quy mô công suất từ 300.000 tấn trên năm lên 650.000 tấn trên năm, cùng với các khoản chi phí trước đây chưa có kinh nghiệm như thuế VAT trong tổng mức đầu tư, xây dựng hồ bùn đỏ, hệ thống cáp điện, chi phí chạy thử. Dự án này được đưa vào sản xuất từ tháng 7/2017- 4/2018 phải hoàn thành lập báo cáo quyết toán, nhưng đến nay đã chậm hơn 1 năm.

Theo đánh giá của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, dự án Tân Rai đi vào hoạt động từ tháng 10/2013, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình Bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án. Tương tự, dự án Nhân Cơ cũng chưa hoàn thành hồ sơ thủ tục đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường. Tại đây, cũng chưa lắp đặt trạm quan trắc tự động liên tục với nguồn nước thải, khí thải theo quy định. Trong quá trình sản xuất, để xảy ra một vài sự cố, mặc dù đã được Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản xử lý, nhưng chưa triệt để. Một số đoạn tấm lót chống thấm bị rách chưa được thay thế kịp thời và nguy cơ không đảm bảo an toàn.

Máy móc hiện đại nhưng vận hành bằng…tay

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau 9 năm triển khai, các thiết bị ở nhà máy alumin và thiết bị tại một số hệ thống xử lý môi trường của dự án Tân Rai đã xuống cấp. Khả năng tuổi thọ của các thiết bị này không được như mong muốn. Trong quá trình sản xuất, dự án vẫn còn gặp một số lỗi kỹ thuật do chất lượng của công trình công nghệ và để xảy ra sự cố ba lần, nhưng được khắc phục kịp thời. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng trong tương lai, dự án vẫn tiềm ẩn nguy cơ về ô nhiễm và sự cố môi trường có thể xảy ra, cần được kiểm tra, giám sát và có biện pháp ngừa kịp thời.

Điều khá hài hước, theo báo cáo, hệ thống thiết bị điều khiển được nhập từ các hãng nổi tiếng thế giới, phần mềm điều khiển do nhà thầu Trung Quốc (Chalco) thiết lập, mặc dù cấu hình mạnh, nhưng không có kinh nghiệm đối với các quặng Bauxite Tây Nguyên, nên điều khiển không tối ưu hóa được các chu trình vận hành. Nhiều chức năng điều khiển phức tạp, chức năng điều khiển tự động liên động nhà thầu không được thực hiện. Vì vậy, thực tế sản xuất hiện nay, các khu vực công nghệ và khu phụ trợ chưa vận hành liên động tự động được, thường xuyên sử dụng chế độ bằng tay dựa theo kinh nghiệm của công nhân, làm tăng số công nhân vận hành.

Công ty Nhôm Lâm Đồng đã nghiên cứu thay thế thiết bị Trung Quốc, đảm bảo vận hành tự động và nâng hiệu suất nhà máy. Tuy nhiên, mức độ tự động hóa của nhà máy còn thấp ở cả dự án Tân Rai lẫn Nhân Cơ, công nghệ thải bùn đỏ vẫn là thải ướt. Hiện các nhà máy alumin trên thế giới dần từ bỏ công nghệ này để chuyển sang thải khô bùn đỏ. Theo Hội đồng giám sát đánh giá kết quả chuyển giao và ứng dụng công nghệ, công nghệ thải ướt bộc lộ một số nhược điểm, cần tiếp tục nghiên cứu chuyển sang phương pháp thải khô hợp lý hơn tiềm ẩn sự cố môi trường, đã nhiều lần có ý kiến cảnh báo về những nguy hại của các dự án Bauxite tại Tây Nguyên.

Những ý kiến trái chiều, phản đối việc triển khai dự án lo ngại đến khả năng khả thi hiệu quả của các dự án, các vấn đề về công nghệ Trung Quốc, môi trường, ảnh hưởng đến văn hóa, xã hội. Công tác an ninh, trật tự được đảm bảo, người nước ngoài làm việc tại dự án tuân thủ pháp luật Việt Nam về đi lại, cư trú và chưa phát hiện có hoạt động nghi vấn xâm phạm đến an ninh quốc gia.

Gỡ vướng về quy hoạch bauxite để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quy hoạch bauxite để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 866 phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, tổng diện tích quy hoạch các dự án khai thác khoáng sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là 92.280 ha. Trong khi đó, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng chỉ tiêu đất phi nông nghiệp quy hoạch đến năm 2030 của Đắk Nông là 62.978 ha. Sau khi trừ chỉ tiêu phân bổ cho đất quốc phòng, đất an ninh, đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, chỉ còn 23.997 ha trong các loại đất khác.

Đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cho rằng, Quyết định số 866 dù có nhiều nội dung mang tính chất tháo gỡ khó khăn, nhưng vẫn còn vướng mắc, cụ thể chưa quy định rõ thu hồi và bảo vệ bauxite như thế nào. Thực tế, việc bảo vệ bauxite tại các công trình này gặp nhiều khó khăn do phải bỏ kinh phí vận chuyển đất chứa bô xít, kinh phí xây dựng bãi thải chứa quặng, kinh phí các công trình hạn chế quặng rửa trôi, thất thoát, kinh phí cho cán bộ quản lý, trông coi, bảo vệ quặng. Trong khi đó, theo Luật Quy hoạch việc lập, thẩm định, phê duyệt danh mục dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt. Từ thực tế đó cho thấy, vừa cho thực hiện dự án nhưng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch thăm dò khai thác bauxite là điều không thể.

Ngoài ra, Quyết định số 866 chưa làm rõ những loại khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường khác như đá bazan, granit, cát, đất làm vật liệu san lấp nằm ở khu vực phân bố dưới tầng bauxite có được xét nằm trong phạm vi ranh giới quy hoạch thăm dò, khai thác bauxite hay không. Nếu không được quy hoạch rõ ràng, thì 5/8 huyện ở Đắk Nông sẽ không có mỏ để phục vụ cho hoạt động xây dựng cơ bản.

Có 10.062 dự án ở địa phương có nhu cầu sử dụng đất phục vụ cho các công trình. Tuy nhiên, có đến 6.692 ha đất xây dựng chồng lấn các quy hoạch bauxite. Hàng loạt dự án trọng điểm của Đắk Nông phải dừng làm các thủ tục đề nghị cấp phép hoặc cấp bản xác nhận đăng ký khu vực, khối lượng, công suất khai thác đất làm vật liệu san lấp vì liên quan đến khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến bauxite. Đây là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công.

Để khai thác hiệu quả hết trữ lượng tài nguyên bauxite cần phải có lộ trình, thời gian rất dài, có thể lên đến hàng chục và hàng trăm năm khi quy hoạch cũng như việc chậm khai thác bauxite theo chủ trương, lộ trình đề ra sẽ tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định, xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đắk Nông. Vì vậy, cần sớm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quy hoạch bauxite để đưa địa phương kịp thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư các vốn đầu tư các công trình dự án cũng như hoàn thành các nhiệm vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra.

Ngày 24/10/2009, Bộ Chính trị đã có kết luận tại Thông báo số 245-TB/TW về quy hoạch, phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015 có xét đến 2025 và triển khai một số dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin, nhôm tại khu vực Tây Nguyên. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 650/TTG-KTN giao cho các bộ, ngành và các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ trên cơ sở cụ thể hóa kết luận của Bộ Chính trị, trong đó tập trung cho việc bảo vệ môi trường, tính hiệu quả kinh tế và sử dụng lao động trong nước. Kết luận của Bộ Chính trị và quyết tâm của Chính phủ thực sự là một luồng gió mới, động viên đồng bào các dân tộc Đăk Nông và Tây Nguyên khai thác tài nguyên thiên nhiên giàu có cho đất nước, quê hương và cuộc sống của người dân địa phương.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, hai dự án thí điểm đầu tư khai thác và chế biến quặng bauxite thành alumin, nguyên liệu chính để luyện nhôm là Tân Rai ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Nhân Cơ ở Đắk Nông được khởi công vào năm 2008 và 2010.

Ngay những năm đầu triển khai, hai dự án này đã có nhiều quan điểm khác nhau về khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên. Cộng thêm việc giá alumin trên thị trường thế giới xuống thấp khiến hai dự án đã có lúc tưởng như không thể tiếp tục khai thác. Từ đó, càng làm cho những thành kiến, luận điệu xấu về môi trường, công nghệ và xây dựng thị trường thêm cực đoan. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công thương, cả hai dự án thí điểm này cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của Bộ Chính trị. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện xong đề án thăm dò quặng bauxite. Cả hai dự án cơ bản thỏa mãn những yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Trong đó, hệ số an toàn hồ bùn đỏ được nâng lên gấp ba lần, việc hoàn thổ và trồng rừng ngay sau khi khai thác được thực hiện đúng yêu cầu. Chủ đầu tư cũng đã xây dựng các nhà máy điện đảm bảo cung cấp điện cho hai nhà máy. Qua hai dự án này, lần đầu tiên Việt Nam cơ bản làm chủ công nghệ sản xuất Alumin với nguồn nhân lực trẻ, đồng thời thu hút được nhà đầu tư để bước đầu hình thành ngành công nghiệp Alumin và luyện nhôm ở Việt Nam.

Một số vấn đề quan trọng nữa là việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên và an ninh quốc gia, an toàn quốc phòng được đảm bảo, thu nhập của người dân địa phương tăng cao, lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành đánh giá qua hơn 15 năm thực hiện thí điểm hai dự án khai thác và chế biến bauxite Tân Rai và Nhân Cơ đã cho thấy đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, mang lại hiệu quả tổng thể về cả về kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần quan trọng vào việc thay đổi bộ mặt của Tây Nguyên theo nguyên tắc khai thác hiệu quả tiềm năng của Tây Nguyên để phát triển Tây Nguyên.

Thành công bước đầu

Sau hơn 15 năm triển khai đầu tư hai dự án bauxite ở khu vực Tây Nguyên, công suất mỗi dự án là 650.000 tấn Alumin/năm, đến nay có thể khẳng định cả hai dự án đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhà máy Alumin Nhân Cơ là một trong hai dự án thí điểm của ngành khai thác chế biến quặng bauxite để sản xuất Alumin, tiến tới sản xuất nhôm. Dự án có quy mô lớn, tác động đến việc thúc đẩy kinh tế xã hội cho địa phương, khu vực và cả quốc gia. Nhà máy hoạt động trên tổng diện tích là 850 ha.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông, diện tích khu vực khai thác của mỏ bauxite Nhân Cơ là 374 ha, trữ lượng địa chất dự tính là 54,8 triệu tấn quặng tinh bauxite , trữ lượng khai thác là 42,5 triệu tấn quặng tinh bauxite . Chỉ tính riêng trong năm 2022, tổng sản phẩm tiêu thụ của Nhà máy Alumina Nhân Cơ đạt trên 765.000 tấn, vượt 15% so với kế hoạch, doanh thu giao khoán đạt trên 3.759 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng/người/tháng. Nhà máy thu về lợi nhuận hơn 100 tỷ đồng, đơn vị đóng góp ngân sách nhà nước hơn 400 tỷ đồng. Điều đáng nói là công suất thiết kế của Nhà máy Alumina Nhân Cơ là 650.000 tấn/năm, nhưng đơn vị đã từng bước tìm cách, giải pháp để nâng cao hiệu quả và hiện đã nâng công suất lên 765.000 tấn/năm, tức là tăng thêm hơn 15% so với công suất thiết kế.

Về kế hoạch sản xuất 2023, Nhà máy Alumina Nhân Cơ phấn đấu đạt 740.000 tấn, doanh thu giao khoán trên 4.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 400 tỷ đồng.

Tương tự, Nhà máy Alumina của Công ty Nhôm Lâm Đồng đạt hiệu quả kinh tế cao. Điểm nhấn của Công ty Nhôm Lâm Đồng trong những năm qua là việc thay đổi, cải tiến các trang thiết bị trong hệ thống công nghệ. Các thiết bị của nhà máy dần thay đổi sang thiết bị của các nước G7. Các công nghệ, thiết bị này đảm bảo cho hoạt động Nhà máy có chất lượng tốt hơn và công suất cao hơn. Việc sản lượng các Nhà máy Alumina tăng trưởng từ 10% đến 15% là minh chứng quan trọng cho việc các trang thiết bị được thay thế, hiện đại hóa giúp hoạt động sản xuất ổn định. Cùng với chủ trương đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia đến năm 2030, những hiệu quả kinh tế cao, vượt mong đợi của hai dự án bauxite Tân Rai Lâm Đồng và bauxite Nhân Cơ Đắk Nông đã tạo đà cho bauxite Tây Nguyên trong thời gian tới.

Đến hiện tại hai dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên đã có những thành công bước đầu. Hiện cả hai Nhà máy đến năm 2023 đã có lãi. Việc đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực có vị trí chiến lược được thắt chặt và đảm bảo. Vấn đề hủy hoại rừng, ô nhiễm môi trường được quan tâm đúng mức và có những biện pháp cụ thể, lồng ghép để đảm bảo không bị ô nhiễm nguồn nước, hạn chế chặt phá rừng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới