Wednesday, January 8, 2025
Trang chủQuân sựVì sao NATO gọi Borei là lớp tàu ngầm tấn công hạt...

Vì sao NATO gọi Borei là lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân nguy hiểm nhất của Nga?

Bộ Quốc phòng Nga lần đầu tiên tiết lộ về biến thể mới của Borei vào năm 2019, đồng thời đưa ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt cho lớp tàu ngầm hạt nhân này.

Yury Dolgoruky – tàu ngầm hạt nhân lớp Borei đầu tiên của hải quân Nga.


Các tàu ngầm lớp Borei thuộc Đề án 955 của hải quân Nga được phát triển sau khi Liên Xô tan rã và có vai trò thay thế cho các lớp tàu ngầm hạt nhân Delta và Typhoon đã lạc hậu.

Ngay sau khi Nga có ý định chế tạo Borei, NATO đã đặt biệt danh cho lớp tàu ngầm này là Dolgorukiy. Tuy nhiên quá trình đóng Yury Dolgoruky – tàu ngầm Borei đầu tiên của Nga lại kéo dài đến 16 năm từ 1996 đến tận 2012 mới được hạ thủy.

Lý giải cho sự chậm trễ này phần lớn đến từ việc Bộ Quốc phòng Nga khi đó thiếu ngân sách khi Liên Xô vừa tan rã. Bên cạnh đó việc thiết kế một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) hoàn toàn mới cần thời gian để đánh giá và thử nghiệm nhất định.

Sau khi được hạ thủy, Yury Dolgoruky trở thành tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của Nga kể từ thời Liên Xô. Vì lý do này, lớp Borei đại diện cho quá trình hiện đại hóa hải quân Nga.

Theo trang mạng Công nghệ-Hải quân, tổng chi phí cho chiếc tàu ngầm lớp Borei đầu tiên là 713 triệu USD, trong đó việc nghiên cứu và phát triển chiếm 280 triệu USD. Trong khi đó, chi phí của một chiếc tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ khoảng 2 tỷ USD.

Sau Dolgoruky, các tàu lớp Borei tiếp theo đã được đưa vào đóng mới và trang bị cho hải quân Nga như Alexander Nevsky, Vladimir Monomakh và Knyaz Vladimir.

Với lớp tàu ngầm hạt nhân Borei, các thiết kế sư Nga đã giải quyết được vấn đến lớn nhất trên tàu ngầm hạt nhân thế hệ cũ của Liên Xô đó là tiếng ồn.

Để khắc phục điều này, các tàu ngầm Borei khó bị sóng siêu âm phát hiện hơn so với các tàu tiền nhiệm. Mỗi chiếc trong lớp đều được chế tạo với thân tàu hiệu quả về mặt thủy động lực nhằm giảm thiểu tiếng ồn băng thông rộng.

Lớp Borei cũng sử dụng hệ thống bơm đẩy phản lực thay vì dùng chân vịt. Động cơ đẩy phản cho hiệu suất sử dụng cao hơn, sức cản thấp, đặc biệt khi hoạt động ở tốc độ cao, giúp tàu gây ra ít tiếng ồn khi di chuyển, nhờ đó giảm nguy cơ bị máy dò âm của tàu đối phương phát hiện.

Về thiết kế cơ bản lớp tàu ngầm hạt nhân Borei dài 170m, nặng 24.000 tấn khi lặn và 14.720 tấn khi nổi, có thể lặn sâu tới 450m.

Được tích hợp các công nghệ hiện đại và vũ khí tối tân, hạm đội tàu ngầm hạt nhân lớp Borei dự kiến sẽ trở thành một trong bộ ba răn đe hạt nhân chiến lược của Nga.

Vũ khí chính của các tàu ngầm là 16 tên lửa đạn đạo Bulava – phiên bản phóng trên biển của tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M sử dụng nhiên liệu rắn 3 tầng đẩy, có tầm bắn hơn 8.300km. Theo Diplomat, mỗi tên lửa có thể được trang bị từ 6 đến 10 đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ từ 100 đến 150 kiloton, hoặc được gắn từ 10 đến 40 đầu đạn “nhử mồi”.

Uy lực của một tàu ngầm lớp Borei được đánh giá là vượt trội hơn cả một đội quân lớn. Chúng có thể hoạt động cách bờ hàng nghìn km trong bất cứ điều kiện thời tiết nào.

Khả năng tác chiến chống ngầm của Borei cũng rất ấn tượng với 6 ống phóng ngư lôi hoặc 6 tên lửa RPK-2 Viyuga. Tên lửa RPK-2 có thể tấn công tàu ngầm đối phương trong phạm vi 45km trong khi di chuyển với tốc độ Mach 0,9.

Chưa dừng ở đó Bộ Quốc phòng Nga phát triển thêm một biến thể Borei-K mới để mang tên lửa hành trình thay vì tên lửa đạn đạo. Mặc dù thông tin xung quanh biến thể sửa đổi mới này còn hạn chế, các nhà phân tích tin rằng mẫu được đề xuất sẽ hoạt động tương tự như các tàu ngầm mang tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Ohio do Mỹ sản xuất ở chỗ các tàu này sẽ được trang bị tên lửa hành trình thay vì tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm (SLBM).

Để so sánh sức mạnh với SSBN lớp Ohio (Ohio, Michigan, Florida & Georgia) của Mỹ, mỗi tàu ngầm hạt nhân này có khả năng triển khai tới 154 tên lửa hành trình Tomahawk. Đối với Borei-K nó cũng có thể mang theo hơn 100 tên lửa.

Nếu Borei-K được đưa vào sử dụng như dự định, Mỹ sẽ không còn là nhà khai thác SSGN duy nhất trên thế giới.

Hải quân Nga dự kiến tới năm 2028 sẽ khai thác ít nhất 9 tàu ngầm lớp Borei, gồm 3 chiếc nguyên bản và 5 tàu Borei-A.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới