Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBàn về sự được – mất trong tranh chấp tại Biển Đông

Bàn về sự được – mất trong tranh chấp tại Biển Đông

Tham vọng bành trướng, bá quyền vốn là “đặc sản” của người Trung Quốc, mà thực ra nó cũng là bản tính chung của các nước đế quốc. Thế nhưng, thế giới bước sang thế kỷ 21 đã thay đổi rất nhiều. Những cuộc chiến đẫm máu đã dẫn tới xu hướng mới của thời đại, đó là đối thoại thay cho đối đầu. Cứ nhìn vào gương nước Nga khi dùng vũ lực với Ukraine thì sẽ biết, dẫu có đánh được họ đi chăng nữa, thế nhưng cũng đã bị cả thế giới lên án cấm vận, khiến nền kinh tế và vị thế ngoại giao bị suy yếu đi vô cùng.

Ảnh minh họa

Bản thân Việt Nam cũng ý thức được tầm quan trọng của ngoại giao đa phương. Chúng ta nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với những cường quốc hàng đầu thế giới như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Việc gia tăng ngoại giao đa phương giúp Việt Nam có thể tự chủ trong đường lối phát triển, tránh tình trạng trở thành chư hầu của bất kỳ một quốc gia nào và quan trọng hơn, là gắn chặt lợi ích của một số cường quốc vào lợi ích của Việt Nam. Điều này giúp cho Việt Nam giảm thiểu nguy cơ bị kéo vào một cuộc chiến tranh tổng lực bất đối xứng.

Từ ý trên, ta có thể rút ra rằng, trong vấn đề biển đảo hiện nay, chúng ta không thể dùng đơn thuần quân sự hay là cắt đứt quan hệ đối tác với đối thủ phương Bắc được. Phương pháp tốt nhất vẫn là vừa hợp tác vừa đấu tranh. Trong vấn đề đấu tranh ngoại giao nhất định phải luôn kiên trì, bền bỉ, không ngừng nghỉ. Chúng ta vẫn luôn lên tiếng phản đối, không bỏ qua bất kỳ một hành động nào, dù là nhỏ nhất của phía Trung Quốc nếu gây tổn hại tới lợi ích của ta. Trên biển Đông, ta cũng kiên quyết hỗ trợ và bảo vệ cho ngư dân bám biển.

Trong tình thế như hiện nay, chỉ cần ta bỏ qua, ta im lặng trước một số hành động của họ, thì dần dà chúng ta sẽ mất đi lợi ích vĩnh viễn. Thế nhưng, cũng cần phải thực tế, làm sao đừng để lợi bất cập hại. Cơ sở để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là tranh thủ luật pháp quốc tế. Thế giới sẽ ủng hộ chúng ta, không chỉ vì ta mà còn vì lợi ích của chính họ. Chẳng ai muốn một Trung Quốc bành trướng rồi trở thành siêu cường và có thể tùy tiện áp đặt mọi sở thích cũng như tham vọng của họ lên toàn thế giới.

Năm 1956, khi Pháp buộc phải rút khỏi Việt Nam theo Hiệp định Genève 1954, trong bối cảnh ta chưa củng cố và quản lý tốt các vùng biển đảo, Trung Quốc đã tranh thủ chiếm cụm đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa. Tới năm 1974, được sự thỏa hiệp của Mỹ, Trung Quốc đã khiêu khích, dẫn tới sự manh động nổ súng trước của quân Việt Nam Cộng hòa, rồi lấy cớ mạnh tay đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa. Đối với Trường Sa, chúng ta là nước đầu tiên làm chủ cả một vùng biển đảo rộng lớn, nhưng chúng ta cũng chỉ đóng giữ được một số đảo nổi.

Không chỉ Trung Quốc, năm 1971 Philippines, cũng đã lấn chiếm 5 đảo phía đông Trường Sa. Rồi tới năm 1973, họ lấn tiếp hai đảo ở phía bắc. Với Malaysia, năm 1979, họ đã chiếm được bảy đảo của phía nam Trường Sa. Đặc biệt, năm 1988, nhân cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam, ta đang tập trung vào việc rút quân khỏi Campuchia, Trung Quốc đã tranh thủ đánh chiếm thêm 7 bãi đá ngầm ở Trường Sa. Bắt đầu là bãi đá Chữ Thập, mà ngày nay họ đã cải tạo thành một pháo đài.

Như vậy, hậu quả của các cuộc xung khắc thực là tai hại nhất là khi có các nước lớn sát vách như Trung Quốc. Họ luôn tranh thủ cơ hội để xâm lấn đất của ta. Rồi dù có bình thường hóa trở lại thì việc đòi lại những gì đã mất là rất khó. Nhất là những vùng hải đảo xa xôi, họ hoàn toàn có thể bịa ra căn cứ pháp lý chủ quyền như hiện nay mọi người vẫn thấy về cái “đường lưỡi bò”.

Việt Nam có sợ Trung Quốc không?

Câu trả lời đương nhiên là không! Chúng ta đã chiến đấu với họ cả nghìn năm nay và chưa bao giờ chúng ta chịu khuất phục họ hoàn toàn. Thế nhưng, với tương quan tiềm lực hiện nay giữa hai nước, nếu phải bước vào một cuộc chiến, dù là tổng thể hay xé lẻ ra là điều nên tránh. Chắc tất cả chúng ta đều chưa quên cuộc chiến 10 năm dài đằng đẵng ở biên giới phía Bắc đã khiến đất nước khó khăn thế nào.

Mặc dù, tháng 3/1979, Trung Quốc đã rút hết quân khỏi lãnh thổ Việt Nam, thế nhưng tiếng súng tại mặt trận biên giới vẫn chưa hề ngưng trong 10 năm tiếp theo. Việt Nam phải căng mình trên hai mặt trận là Campuchia và biên giới phía bắc, phải tiêu tốn nhân lực, vật lực vô cùng cho quân đội. Phải duy trì một đội quân khổng lồ và chịu nhiều thiệt hại to lớn về kinh tế trong suốt 10 năm trời đen tối.

Vì lẽ đó, mục tiêu duy trì sự ổn định, hòa bình trong khu vực là yếu tố tiên quyết trong cuộc chiến này. Đứng từ góc nhìn của Việt Nam, càng bất ổn, càng xung đột, nước yếu hơn sẽ càng thiệt hại so với nước lớn.

Với bộ máy tuyên truyền khổng lồ và đồ sộ, bất cứ một hành động thiếu cẩn trọng nào của phía Việt Nam cũng sẽ trở thành một sơ hở để Trung Quốc khai thác triệt để. Chính vì vậy, việc những thế lực chống phá hải ngoại thường xuyên kích động, chửi bới rồi chê bai chính quyền trong nước cũng chỉ nhằm một mục đích là kích động tâm lý của người dân, hướng tới những cục diện hỗn loạn hơn là đúng với ý đồ của phía Trung Quốc.

Chúng ta liên tục và thường xuyên phản đối cấp quốc gia và quốc tế đối với những tuyên bố của Trung Quốc và những hành động hành xử chủ quyền, hợp tác khai thác tài nguyên trong vùng tranh chấp. Chúng ta liên tục, thường xuyên công khai và chính thức khẳng định chủ quyền lãnh thổ mà Trung Quốc cũng tuyên bố. Chúng ta bác bỏ những tuyên bố chính thức của phía Trung Quốc. Chúng ta cũng liên tục nâng cấp vũ khí, liên tục hiện đại hóa hải quân, không quân, liên tục mua sắm mới và tự chủ sản xuất mới trong khi đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Chúng ta cũng nhiều lần tập trận bắn đạn thật, phóng tên lửa thật ở Trường Sa trên vùng biển Đông, ngay cả trên những vùng Trung Quốc coi là chủ quyền của họ và tuyên bố chủ quyền.

Việt Nam công khai và chính thức, quang minh chính đại làm những hành động trực tiếp như trên khiến cả thế giới biết Việt Nam đang có tranh chấp bất đồng về biển đảo, lãnh hải, lãnh thổ với Trung Quốc. Việt Nam luôn đặt chủ quyền lên trên hết.

Tất cả những gì liên quan tới chủ quyền lãnh thổ Việt Nam đều đã làm những gì có thể làm, những gì trong khả năng thực tế mà thế và lực của Việt Nam hiện nay có thể làm.

Năm 1988, trong chiến dịch CQ 88 ở Trường Sa, chúng ta không thể để leo thang chiến tranh thành một chiến quy mô lớn trên biển. Trong tất cả những hành động đó, có thể thấy rõ ràng xưa nay Việt Nam luôn đặt chủ quyền lên trên hết. Vì chủ quyền, khi cần đánh, chúng ta vẫn đánh, ta không hy sinh chủ quyền chỉ vì muốn hòa bình. Ta không dùng chủ quyền để đánh đổi hòa bình phụ thuộc.

Những năm tháng chống Trung Quốc thời gian 1979 – 1989 đã cho chúng ta thấy rất rõ sự nhất quán. Chúng ta vừa đánh để bảo vệ chủ quyền, vừa tìm cách giữ cho nó trong sự kiểm soát, không để bất kỳ một thế lực nào thứ ba lợi dụng, khoét sâu, kích động làm leo thang cuộc chiến này. Cố gắng vãn hồi hòa bình, cố gắng tránh xung đột quy mô lớn. Người làm chính trị luôn lo tới cái lợi lớn của đất nước, cái tổng thể, cái chung nhất, cái lâu dài, cái bền vững. Không thể để những tiểu tiết làm hư đại sự, không vì muốn thỏa mãn những cảm tính, những tự ái nhất thời mà làm hỏng đại cuộc.

Đồng thời, không để thế lực thứ ba nào đó lợi dụng tình hình căng thẳng để mà trục lợi. Thử hỏi rằng, nếu Việt Nam chuyển sang chống Trung Quốc giống như giai đoạn 1979 – 1989, thì liệu rằng những con người đó có trở về nước, có chung tay với đất nước, chính quyền mà chống Trung Quốc hay không? Câu trả lời rõ ràng là không. Trái lại, họ sẽ lại càng lợi dụng mà phá thêm, thậm chí có thể là mong muốn Trung Quốc chiến thắng. Như họ đã từng mong muốn rằng Trung cộng đánh thẳng vào Hà Nội mà giết sạch Việt cộng đi như năm 1979, Fulro và những nhóm khủng bố tiền thân của Việt Tân, mà điển hình nhất là cái tên Hoàng Cơ Minh, đã từng nhân cơ hội chiến tranh mà đục nước béo cò, thừa nước đục thả câu, rồi thừa cơ đánh phá vào trong nước, đem tiền giả, chất cấm, súng đạn vào tấn công trong nước. Những kinh nghiệm lịch sử vẫn còn rành rành. Mối quan hệ phức tạp Việt – Trung chính là một trong những chiêu bài để họ nắm lấy, khai thác và lợi dụng để thực hiện mục đích tối hậu đó, vì lợi ích riêng của chính bản thân họ, bất chấp lợi ích chung của đất nước và dân tộc.

Người làm chính trị có thực tâm và thực tài là những người biết phân biệt giữa cái lợi của một người, cái lợi của một nhóm người và cái lợi tổng thể của tất cả dân tộc, đất nước. Chủ quyền cũng như hòa bình chính là cái lợi lớn đó. Lãnh đạo có tài và có tâm phải luôn biết đặt nặng và coi trọng vào cái lợi lớn, vào cái lợi chung của tất cả.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới