Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Tập đang phá vỡ quy định tiền lệ

Ông Tập đang phá vỡ quy định tiền lệ

Trong chương trình ‘Chính luận thiên hạ’ đăng ngày 27/1, nhà bình luận các vấn đề thời sự – Giáo sư Chương Thiên Lượng đã đề cập đến một điểm quan sát rất quan trọng, đó là cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào cuối tháng Một. Bởi vì nếu mở Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khoá 20 vào tháng Hai thì trong cuộc họp của Bộ Chính trị vào cuối tháng Một sẽ có công bố lịch họp.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ngày càng lo lắng về một cuộc đảo chính tiềm năng và hiện đang củng cố quyền lực bằng cách thâu tóm thêm nhiều quyền lực

Dự đoán một số thay đổi nhân sự trong thời gian tới
Giáo sư Chương cho rằng, phiên họp trên sẽ khai mạc vào cuối tháng Hai, thông thường kéo dài khoảng 4 ngày. Mục đích của phiên họp là để sắp xếp nhân sự cho kỳ Lưỡng Hội. Lưỡng Hội là Nhân Đại, tức là Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tương đương với Quốc hội), và Chính Hiệp, tức là Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.

Khi mở Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khoá 20 thì phía Trung Quốc không thể tránh vấn đề của Tần Cương và Lý Thượng Phúc.

Là người am hiểu chính trường Trung Quốc, Giáo sư Chương đoán rằng, sau Tết Nguyên Đán, Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương có thể sẽ ra thông báo, sau đó đến Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khoá 20 sẽ miễn chức Uỷ viên Trung ương của cả Tần Cương – Lý Thượng Phúc, và chức Uỷ viên Quân uỷ Trung ương của Lý Thượng Phúc.

Giáo sư Chương dự đoán thêm rằng, ông Lưu Kiến Siêu có thể được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao và Uỷ viên Quốc vụ.

Hiện nay, bộ máy chính trị của ĐCSTQ có biểu hiện bất thường ở rất nhiều phương diện. Ví dụ như, mặc dù ông Lý Thượng Phúc đã không còn giữ chức Uỷ viên Quốc vụ và Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng ông ấy vẫn giữ 2 danh hàm là Uỷ viên Trung ương và Uỷ viên Quân uỷ Trung ương.

Một nhóm các tướng lĩnh của Lực lượng Tên lửa đã bị miễn chức, nhưng ông Lý Thượng Phúc vẫn còn giữ chức Uỷ viên Trung ương. Hiện tượng bất thường này đã kéo dài cả mấy tháng cho đến nửa năm. Thêm vào đó, vào cuối tháng 6 năm ngoái – 2023 là lần cuối ông Tần Cương lộ diện. Cho nên vào cuộc họp Lưỡng Hội năm nay, phía Trung Quốc buộc phải đưa lời giải thích cho ngoại giới về trường hợp của Tần Cương và Lý Thượng Phúc.

Theo thông lệ, Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương sẽ đưa thông báo ‘vì sao những người này bị miễn chức Uỷ viên Trung ương’.

Việc Tần Cương và Lý Thượng Phúc bị miễn chức đã phá vỡ 3 tiền lệ của ĐCSTQ
Trên thực tế, khi ông Tập Cận Bình chấp chính đã đi đến bước muốn gì làm nấy, ông Tập đã phá vỡ nhiều tiền lệ trong đảng.

Vào cuối tháng 10/2023, ông Lý Thượng Phúc đã bị miễn chức Bộ trưởng Quốc phòng và Uỷ viên Quốc vụ, còn ông Tần Cương đã bị miễn chức Uỷ viên Quốc vụ. Ông Tần Cương trước đó, tức là cuối tháng 7/2023 đã bị cách chức Bộ trưởng Ngoại giao.

Sự việc hai quan chức này bị cắt chức đã khai mở ba tiền lệ chưa từng có trong ĐCSTQ từ sau thời cải cách mở cửa.

Thứ nhất là không có thông báo ‘song quy’ (雙規: Biện pháp điều tra đặc biệt được Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Cơ quan Giám sát Hành chính Quốc gia sử dụng đối với các quan chức ĐCSTQ) và thông báo của Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.

Thứ hai, mặc dù có khai trừ chức vụ trong Nhà nước (như là chức Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng, Uỷ viên Quốc vụ), nhưng vẫn chưa khai trừ chức vụ trong đảng là Uỷ viên Trung ương (của Tần Cương và Lý Thượng Phúc) và Uỷ viên Quân uỷ Trung ương (của Lý Thượng Phúc), sau đó chuyển sang cho cơ quan tư pháp.

Thứ ba, người kế nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao của ông Tần Cương – ông Vương Nghị là người chỉ định tạm thời.

Mặc dù quy định của ĐCSTQ khá phức tạp, nhưng nếu làm theo trình tự thì ít nhất có thể kiểm soát được rủi ro. Nhưng nếu phá vỡ quy tắc thì có thể sẽ xuất hiện cục diện biến loạn như trong thời kỳ cách mạng văn hoá (CMVH).

Mà hiện nay, việc ĐCSTQ chấp chính có chỗ khác so với thời CMVH, đó là hiện nay trong đảng thiếu người có quyền uy giống như Mao Trạch Đông. Vậy thì khi cục diện biến loạn phát sinh rất có thể tạo nên hỗn loạn trong việc đưa ra và chấp hành quyết sách. Điều này có thể dẫn đến việc ĐCSTQ rơi vào trạng thái ‘bán não tử vong’ hoặc ‘tứ chi vô lực’.

Hơn nữa, hiện nay ở Trung Quốc đang xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, xã hội, v.v. Cho nên ĐCSTQ sẽ gặp phải lúng túng khi đối phó với những nguy cơ này, đặc biệt là khi người dân xuống đường biểu tình.

Vì sao Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thành lập sau cải cách mở cửa và 4 bước xử lý quan chức tham nhũng
Chúng ta biết rằng, vào thời đại Mao Trạch Đông thì có rất ít quan chức bị bãi nhiệm vì tham nhũng hủ bại. Thời đó không phải các quan chức không tham nhũng, mà là khi ấy quan chức cơ sở không có cơ hội tham ô, bởi vì người dân thời ấy rất nghèo. Còn quan chức cấp cao có cuộc sống xa hoa như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai… là do chính sách của ĐCSTQ quy định như vậy.

Cho nên thời ấy rất ít quan chức bị bãi nhiệm vì vấn đề kinh tế. Đương nhiên cũng có trường hợp liên quan đến vấn đề nam nữ, tác phong sinh hoạt, nhưng phần lớn nguyên nhân bị bãi nhiệm là do đứng sai bên về mặt chính trị. Nói cách khác là họ bị gán cho tội danh chống lại Mao chủ tịch. Lúc ấy, trên cơ bản có rất ít quan chức bị miễn chức vì tham ô hủ bại.

Nhưng đến thời đại Đặng Tiểu Bình thì tình huống đã phát sinh thay đổi, bởi vì Đặng Tiểu Bình giảng ‘không tranh luận’. ‘Không tranh luận’ ở đây là ‘bạn đúng hay tôi đúng, cải cách mở cửa đúng hay kinh tế kế hoạch đúng’ không phải là vấn đề lớn. Trừ phi người đó giẫm phải giới hạn của ‘một đảng chuyên chính’, còn nếu không thì dù là cánh tả hay cánh hữu cũng không phải là vấn đề quá lớn.

Đặng Tiểu Bình cho rằng Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương gây nguy hiểm cho một đảng chuyên chính, cho nên những người này đã phạm phải sai lầm chính trị.

Trừ những tội danh về chính trị thì phần lớn các quan chức bị bãi nhiệm là do tham nhũng hủ bại, bởi vì từ thời Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc thực hiện cải cách mở cửa. Lúc này, quan chức ĐCSTQ có cơ hội để tham nhũng hủ bại. Muốn định tội quan chức tham nhũng hủ bại thì cần có bằng chứng. Vì lý do này, cho nên sau cải cách mở cửa, Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương được thành lập để chuyên điều tra các quan chức tham nhũng hủ bại.

Bắt đầu lúc ấy, việc xử phạt quan chức tham nhũng hủ bại không chỉ là đăng báo phê phán họ đã phạm sai lầm chính trị, mà còn xử lý theo 4 bức như sau.

Bước thứ nhất, các quan chức tham nhũng hủ bại sẽ bị Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ‘song quy’.
Thứ hai, Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương sẽ đưa kết quả điều tra.
Thứ ba, nếu quan chức thật sự phạm tội nghiêm trọng thì bắt đầu khai trừ các chức vụ trong đảng và Nhà nước, sau đó giao cho Cơ quan Tư pháp.
Thứ tư, các quan chức bị xét xử sẽ nhận hình phạt (đi tù, tử hình…) sau đó.
Nhưng việc xử lý ông Tần Cương lại không theo các bước đó, không đi từ bước một bước hai mà trực tiếp đi đến bước thứ ba, tức là không có sự tham gia điều tra của Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, không có kết quả của ủy ban này, mà trực tiếp khai trừ chức vụ. Hơn nữa, ông Tập chỉ khai trừ chức vụ trong Nhà nước (của ông Tần Cương) chứ chưa khai trừ chức vụ trong đảng. Hơn nữa, khi khai trừ Tần Cương khỏi chức vụ Nhà nước lại phân thành hai bước: Tháng 7/2023 bãi nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao, và tháng 10/2023 bãi nhiệm chức Uỷ viên Quốc vụ. Ông Tần Cương cũng không được giao cho Cơ quan Tư pháp.

Điều kỳ lạ hơn là người kế nhiệm Tần Cương lại là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị (chứ không phải nâng Thứ trưởng Ngoại giao lên làm Bộ trưởng Ngoại giao).

Ở đây thấy rằng, ĐCSTQ xử lý sự việc ông Tần Cương hết sức bất thường.

Nhưng việc xử lý ông Tần Cương là không phải là trường hợp ngoại lệ, bởi vì ĐCSTQ cũng xử lý ông Lý Thượng Phúc theo cách tương tự như thế, tức là đi trực tiếp đến bước thứ ba (cách chức) mà không thông qua bước một và bước hai.

Việc phá vỡ quy cách không phải là việc tốt đối với ĐCSTQ.
Tập Cận Bình làm suy yếu Trường Đảng Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương
Ngày 6/11/2023, tờ Nhân Dân (cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ) đăng bài viết với tiêu đề: ‘Trường Đảng Trung ương (Học viện Hành chính Quốc gia) tổ chức lễ tốt nghiệp khoá đào tạo nâng cao khoá thứ nhất trong học kỳ mùa xuân mùa thu năm 2023’.

Trong đó báo cáo rằng, lễ tốt nghiệp được tổ chức vào ngày 3/11/2023, Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương là ông Trần Hy đã tham dự và trao bằng tốt nghiệp cho các học viên.

Việc ông Trần Hy làm Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương là một điều hết sức kỳ lạ, không giống như thông lệ của ĐCSTQ.

Chúng ta biết rằng, Trường Đảng Trung ương là cơ quan vô cùng quan trọng của ĐCSTQ, phụ trách bồi dưỡng, đề bạt cán bộ cấp trung và cấp cao của ĐCSTQ, đặc biệt là cán bộ cấp cao.

Trong mấy chục năm trở lại đây, chức Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương là một vị trí rất quan trọng. Theo thông lệ, vị trí này do Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm nhiệm, thậm chí là do ‘trữ quân’ (儲君: Thái tử chờ kế vị, người kế vị) kiêm nhiệm.

Vì sao vị trí này lại do ‘trữ quân’ kiêm nhiệm? Bởi vì khi ‘trữ quân’ là người đứng đầu ĐCSTQ (tức là chức Tổng bí thư) thì họ đã bồi dưỡng ra được một nhóm cán bộ của mình. Cho nên chúng ta thấy rằng, trong thời gian Hồ Cẩm Đào hay Tập Cận Bình là ‘trữ quân’ thì họ đều làm Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương. Sau khi họ lên nắm quyền thì hiệu trưởng kế nhiệm họ ít nhất là vị trí Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị (tương đương với cán bộ cấp quốc gia).

Nhưng sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, thì chức Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương là do ông Trần Hy nắm giữ. Mà khi ấy, ông Trần Hy lấy thân phận là Uỷ viên Bộ Chính trị để tiếp nhận vị trí Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, tức là thấp hơn chức Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị. Điều này có nghĩa là Trường Đảng Trung ương bị ông Tập Cận Bình giáng hạ một cấp.

Ngang hàng với Trường Đảng Trung ương còn có một cơ cấu ngang hàng, đó là Ban Tổ chức Trung ương. Ban Tổ chức Trung ương nắm trong tay đại quyền trong việc sắp xếp nhân sự. Nếu Trường Đảng Trung ương phụ trách việc bồi dưỡng cán bộ cấp cao trong tương lai thì Ban Tổ chức Trung ương phụ trách việc khảo sát và bổ nhiệm cán bộ cấp cao hiện tại.

Thông thường, Bộ trưởng Ban Tổ chức Trung ương là do Uỷ viên Bộ Chính trị kiêm nhiệm, có lúc thậm chí là do Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm nhiệm. Ở đây thấy được tầm quan trọng của Ban Tổ chức Trung ương. Mặc dù Uỷ viên Bộ Chính trị giữ chức Bộ trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nhưng tương lai họ rất có thể được thăng cấp lên chức Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, thậm chí có thể làm Phó chủ tịch nước.

Trước tháng 4/2023, Trần Hy làm Bộ trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nhưng chức vụ trong đảng của ông khi đó không phải là Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, không phải là Uỷ viên Bộ Chính trị, thậm chí còn không phải là Uỷ viên Trung ương, mà ông chỉ là đảng viên bình thường. Hiện nay Bộ trưởng Ban Tổ chức Trung ương là do Uỷ viên Bộ Chính trị – Lý Cán Kiệt đảm nhiệm (tương đối đúng quy định).

Nhưng nhìn chung, ông Tập Cận Bình đã làm yếu đi Trường Đảng Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương, nắm quyền bổ nhiệm nhân sự và đẩy hai tổ chức trên ra bên ngoài. Trường Đảng Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương đã không còn mang chức năng quan trọng như ban đầu. Hơn nữa, vị trí Hiệu trưởng và Bộ trưởng của hai tổ chức này cũng không còn do những nhân vật quan trọng nắm giữ.

Trên thực tế, việc phá vỡ quy cách là một mối hoạ tiềm ẩn trong ĐCSTQ. Bởi vì nếu không đi theo một quy trình như vậy sẽ xuất hiện sự cố đề bạt cán bộ như chuyện của Tần Cương và Lý Thượng Phúc.

Thông thường, những người trong đảng cạnh tranh nhau để bò lên. Nếu có những chuyện ‘phong thanh’ như Tần Cương có quan hệ bất chính với Phó Hiểu Điền thì những đối thủ của Tần Cương sẽ nắm được điểm yếu và từ đó lan truyền. Lúc này, Ban Tổ chức Trung ương sẽ điều tra và nhanh chóng báo cáo lên cấp trên. Tần Cương sẽ không có cơ hội để được đề bạt lên thành Bộ trưởng Ngoại giao.

Nhiệm vụ của 7 Phiên họp Toàn thể Ban chấp hành Trung ương và vì sao việc ‘phá lệ’ khiến ông Tập gặp nguy hiểm
Ông Tập Cận Bình đã phá vỡ rất nhiều quy cách trong đảng, một trong số đó là chưa ấn định được thời gian của Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khoá 20 của ĐCSTQ.

Trước đây, ĐCSTQ cũng từng có một lần sắp xếp thời gian các phiên họp rất kỳ lạ, đó là vào thời kỳ của Uỷ ban Trung ương ĐCSTQ khoá 8 (kéo dài từ năm 1956 đến năm 1969).

Hiện nay, Uỷ ban Trung ương ĐCSTQ cứ 5 năm thì thay đổi một lần. Ví dụ như, năm 2022 diễn ra Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 (Đại hội 20) thì đến năm 2027 sẽ diễn ra Đại hội 21.

Trước đây khi Mao Trạch Đông ‘nhất ngôn cửu đỉnh’, từ năm 1956 đến năm 1969 (trong vòng 13 năm), Uỷ ban Trung ương không thay đổi (từ khoá 8 sang khoá 9).

Cho nên sau thời kỳ Mao Trạch Đông, ĐCSTQ quy định rằng, Uỷ ban Trung ương cứ 5 năm thay đổi một khoá.

Mỗi lần mở họp khoá mới thì ‘bầu’ ra Uỷ ban Trung ương, kế đến bầu ra Uỷ viên Trung ương. Sau đó tất cả Uỷ viên Trung ương (hơn 200 người) mở Phiên họp Toàn thể lần thứ 1 Ban chấp hành Trung ương khoá 20 để bầu ra cơ cấu lãnh đạo của trung ương khoá mới, bao gồm Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị.

Ví dụ như, vào tháng 10/2022, ĐCSTQ đã mở Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 để bầu ra Uỷ ban Trung ương. Tiếp sau đó, họ mở Phiên họp Toàn thể lần thứ 1 Ban chấp hành Trung ương khoá 20.

Tiếp theo, vào tháng 2/2023, ĐCSTQ mở Phiên họp Toàn thể lần thứ 2 Ban chấp hành Trung ương khoá 20. Hội nghị này có mục đích là để đề bạt nhân sự cho Nhân Đại và Chính Hiệp.

Thông thường vào mùa thu cùng năm, ĐCSTQ sẽ mở tiếp Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương. Đúng ra là họ phải mở phiên họp lần thứ 3 vào tháng 9, tháng 10 năm ngoái – 2023, nhưng đến nay vẫn chưa mở.

Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương có nhiệm vụ đưa ra những quyết sách quan trọng để phát triển/cải cách kinh tế.

Phiên họp Toàn thể lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương thông thường là để thúc đẩy việc triển khai các quyết sách.

Phiên họp Toàn thể lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương thì thảo luận về việc quy hoạch kế hoạch 5 năm.

Phiên họp Toàn thể lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương thì làm một số triển khai trong công tác xây dựng đảng.

Phiên họp Toàn thể lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương trên cơ bản là làm một số báo cáo tổng kết, sau đó chuẩn bị văn kiện và một số chương trình cho Đại hội đảng tiếp theo.

Trong 5 năm mở 7 phiên họp toàn thể Ban chấp hành Trung ương là quy cách trong ĐCSTQ từ sau cải cách mở cửa. Nhưng hiện nay, nhiều khả năng ông Tập Cận Bình sẽ phá vỡ quy cách đó.

Việc ông Tập Cận Bình chưa công bố thời gian Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khoá 20 liệu có phải là do vấn đề kinh tế quá nghiêm trọng không biết cách nào giải quyết, hay là việc miễn chức Uỷ viên Trung ương của Tần Cương và Lý Thượng Phúc chưa thể quyết định, việc này thì chúng ta chưa biết.

Nhưng có một điều chắc chắn, đó là ĐCSTQ đang phải đối mặt với rất nhiều khủng hoảng từ chính trị đến kinh tế, ngoại giao, quân sự, v.v. Nếu ông Tập Cận Bình không làm theo quy cách, thì người bên dưới cũng không làm theo quy cách. Mà đây lại là điều rất nguy hiểm. Bởi vì ông Tập Cận Bình không thể quản được toàn bộ đất nước Trung Quốc, không thể đích thân chỉ huy, đích thân thực hiện các phương diện.

Vậy thì nếu xảy ra một sự kiện mang tính đột phát (bất ngờ) thì ai sẽ xử lý, ai sẽ quyết định, ai sẽ thi hành…? Trên cơ bản là không rõ ràng. Khi quá trình xử lý khủng hoảng bị phế/tê liệt thì chỉ có thể chờ lệnh từ cấp trên chứ không có một cơ chế tự động.

Hiện nay ở Trung Quốc, rất nhiều phương diện là đều chờ ông Tập đưa lệnh xuống. Nếu ông Tập không đưa lệnh xuống thì quan chức bên dưới không biết/không dám thực hiện. Nhưng ông Tập lại quá bận rộn, cho nên nhiều việc sẽ bị ứ tắc, không thể tự động giải quyết theo quy trình. Lúc này, ĐCSTQ rơi vào trạng thái ‘bán não tử vong’.

Sau đó, khi ở cơ sở xảy ra chuyện, trung ương không đưa lệnh thì thì quan chứa bên dưới không biết ai là người chịu trách nhiệm. Lúc này, cán bộ cơ sở rơi vào trạng thái ‘bán thân bất toại’. Ngay cả khi trung ương đưa ra quyết định để triển khai thì quan chức bên dưới có thể sẽ ‘nằm thẳng’ hoặc ‘bất động’.

Một chính quyền rơi vào trạng thái như vậy, nếu không có khủng hoảng thì cũng càng ngày càng suy kiệt, dần dần sẽ trút hết hơi thở. Còn nếu có khủng hoảng thì quá trình trút hơi thở có thể còn nhanh hơn nữa.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới