Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnKinh tế thế giới 2024: Nguy cơ suy giảm năm thứ ba...

Kinh tế thế giới 2024: Nguy cơ suy giảm năm thứ ba liên tiếp

Theo ThS Nguyễn Nhật Minh – Viện NCKH Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức như xung đột leo thang, thương mại toàn cầu yếu, lãi suất cao và các thảm họa khí hậu gia tăng.

Ảnh minh họa.

Một năm nhìn lại

Tại thời điểm cuối năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được các tổ chức quốc tế điều chỉnh so với dự báo trước đây nhưng hầu hết các dự báo đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng năm 2022.

Cụ thể, Liên minh châu Âu (EU) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 đạt 3,1%, điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 5/2023, thấp hơn mức tăng 3,3% của năm 2022; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 đạt 3,0%, giữ nguyên dự báo tháng 7/2023, thấp hơn mức tăng 3,5% năm 2022; Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng trưởng 2,9%, điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 9/2023 và thấp hơn mức tăng 3,3% năm 2022; Fitch Ratings (FR) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 đạt 2,9%, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 9/2023 và cao hơn mức tăng 2,7% năm 2022; Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định tăng trưởng toàn cầu đạt 2,1% năm 2023, giữ nguyên dự báo trong tháng 6/2023 và thấp hơn mức tăng 3,1% năm 2022.

Có sự khác biệt đáng kể trong tăng trưởng kinh tế giữa các nền kinh tế lớn trong năm 2023. Theo số liệu thu thập được từ OECD và Báo cáo ngành Ngân hàng Việt Nam năm 2023 do Viện NCKH Ngân hàng (Học viện Ngân hàng) vừa công bố, trong khi Hoa Kỳ và Nhật Bản có mức tăng trưởng GDP tương đối tốt, song khu vực Châu Âu lại không khả quan, đặc biệt là Đức ghi nhận mức tăng trưởng GDP âm trong năm 2023.

Các nền kinh tế mới nổi G20 có tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng trong năm 2023, đặc biệt là ở Brazil, Ấn Độ và Nam Phi nhờ thời tiết thuận lợi giúp nâng cao sản lượng nông nghiệp. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn một chút so với kỳ vọng của các nhà phân tích, nhưng vẫn đảm bảo Bắc Kinh đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% đặt ra cho năm 2023. Tốc độ tăng trưởng này đã vượt xa mức tăng trưởng chỉ 3% vào năm 2022, khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các chính sách hạn chế để duy trì “Zero Covid”.

Lạm phát toàn cầu năm 2023 dự báo sẽ giảm còn 6,9% từ mức 8,7% năm 2022. Mặc dù CSTT thắt chặt đã bắt đầu mang lại kết quả, nguyên nhân chính khiến lạm phát dự kiến giảm vào năm 2023 là do giá hàng hóa quốc tế giảm. Theo OECD, lạm phát chung đã giảm ở hầu hết các nền kinh tế chủ yếu là do sự đảo chiều giá năng lượng. Tuy nhiên, kể từ tháng 6/2023, việc cắt giảm sản lượng của các nền kinh tế chủ chốt trong OPEC+ đã làm tăng giá năng lượng. Sự gián đoạn nguồn cung, cùng với căng thẳng địa chính trị gia tăng, đã gây ra biến động giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu vào nửa cuối năm 2023.

Nhu cầu du lịch phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023. Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO, tháng 11/2023), du lịch quốc tế trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2023 đã phục hồi 87% mức trước đại dịch. Ước tính 9 tháng đầu năm 2023, có khoảng 975 triệu lượt khách du quốc tế, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn 13% so với năm 2019.

Đến cuối năm 2023, lượng khách quốc tế có thể sẽ đạt 1,3 tỷ, tăng 33% so với năm 2022 và gần 90% so với mức trước đại dịch; doanh thu du lịch quốc tế dự kiến đạt 1,4 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 93% doanh thu năm 2019. Theo khu vực, Trung Đông có sự phục hồi mạnh mẽ nhất, với lượng khách đến cao hơn 20% so với mức trước đại dịch trong 9 tháng đầu năm 2023; theo sau là Châu Âu, phục hồi 94% mức trước đại dịch. Khu vực châu Á và Thái Bình Dương cũng đã phục hồi du lịch với lượng khách đạt 62% so với mức trước đại dịch. Trong bối cảnh đó, UNWTO dự báo du lịch quốc tế sẽ phục hồi về mức trước đại dịch vào năm 2024 ngay cả trong bối cảnh nền kinh tế còn phải đối diện với nhiều thách thức và sự bất ổn do tác động của căng thẳng và xung đột địa chính trị.

Thương mại hàng hóa toàn cầu tiếp tục giảm trong năm 2023. Theo báo cáo Thước đo thương mại hàng hóa công bố ngày 27/11/2023 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu vẫn sụt giảm trong năm 2023. Tuy nhiên, thước đo thương mại hàng hóa toàn cầu có dấu hiệu phục hồi với động lực đến từ doanh số bán và sản xuất ô tô cũng như thương mại linh kiện điện tử.

Triển vọng kinh tế thế giới năm 2024

Bước sang năm 2024, hoạt động kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục suy yếu do ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thắt chặt, điều kiện tài chính hạn chế và tăng trưởng thương mại toàn cầu yếu.

Sau đợt giảm tốc mạnh vào năm 2022 và một đợt suy giảm nữa vào năm 2023, tăng trưởng sản lượng toàn cầu có nguy cơ giảm tốc vào năm 2024, đánh dấu năm suy giảm thứ ba liên tiếp. Cuộc xung đột gần đây ở Trung Đông đã làm gia tăng rủi ro địa chính trị và làm tăng sự bất ổn trên thị trường hàng hóa, tiềm ẩn những tác động bất lợi đối với tăng trưởng toàn cầu. Điều này xảy ra trong khi nền kinh tế thế giới đang tiếp tục đối phó với những tác động kéo dài của những cú sốc chồng chéo trong 4 năm qua – đại dịch COVID-19, xung đột Nga – Ukraine, lạm phát gia tăng và sau đó là các điều kiện tiền tệ toàn cầu bị thắt chặt.

Tăng trưởng ở các nền kinh tế tiên tiến nói chung và ở Trung Quốc được dự đoán sẽ chậm lại vào năm 2024, thấp hơn nhiều so với tốc độ trung bình của giai đoạn 2010-2019. Trong khi đó, tăng trưởng tổng thể dự kiến sẽ được cải thiện ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển có xếp hạng tín dụng cao.

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 của Ngân hàng Thế giới, lạm phát toàn cầu và lạm phát cơ bản tiếp tục giảm so với mức đỉnh năm 2022. Tuy nhiên, dự báo lạm phát năm 2024 vẫn sẽ cao hơn mức lạm phát mục tiêu ở hầu hết các nền kinh tế phát triển và khoảng hơn một nửa các các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Lạm phát toàn cầu được dự đoán sẽ duy trì ở mức cao hơn mức trung bình giai đoạn 2015-2019. Việc thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển sắp kết thúc, nhưng lãi suất chính sách thực tế dự kiến sẽ vẫn tăng cao trong một thời gian do lạm phát mới chỉ bắt đầu quay trở lại mức lạm phát mục tiêu mà các NHTW đặt ra.

Thương mại dịch vụ tiếp tục phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch, nhưng với tốc độ chậm hơn dự kiến. Tăng trưởng thương mại toàn cầu được dự đoán sẽ tăng lên 2,3% vào năm 2024, một phần phản ánh sự phục hồi của nhu cầu hàng hóa và rộng hơn là trong thương mại của nền kinh tế phát triển.

Cuộc xung đột gần đây ở Trung Đông có tác động không đáng kể đến giá cả hàng hóa. Nhìn chung trong năm 2023, hầu hết giá hàng hóa đều ghi nhận sự suy giảm, tuy nhiên, nền giá vẫn ở cao hơn mức trước đại dịch. Bất chấp những biến động gần đây chủ yếu do xung đột gây ra, giá dầu trung bình vào năm 2024 được dự báo sẽ giảm do tăng trưởng toàn cầu suy yếu và sản lượng dầu tăng. Giá kim loại dự kiến sẽ giảm trở lại do tốc độ tăng trưởng chậm hơn ở Trung Quốc càng gây áp lực lên nhu cầu kim loại. Giá lương thực dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm nay do nguồn cung lương thực dồi dào từ Ấn Độ và Brazil.

Tổng kết lại, kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức như xung đột leo thang, thương mại toàn cầu yếu, lãi suất cao và các thảm họa khí hậu gia tăng. Tuy nhiên, việc dịch chuyển lập trường chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong những kỳ họp gần đây giúp dấy lên hy vọng về sự phục hồi nhanh hơn của kinh tế Mỹ nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới