Thursday, January 23, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiCon rồng của người Việt

Con rồng của người Việt

Nếu như rồng trong văn hóa nhiều nước phương Tây như một biểu tượng của cái ác và gần với quỷ dữ thì rồng đối với Việt Nam luôn là biểu tượng của sự cất cánh.

Hình ảnh rồng thời Lý.


Trong 12 con giáp, rồng là con vật duy nhất không có thực mà ra đời từ trí tưởng tượng, với sự tổng hợp các đặc điểm của cá sấu (đầu, vảy, chân) và rắn (thân dài). Rồng ở dưới nước nhưng có thể bay trên trời mà không cần cánh, miệng có thể phun nước, lại có thể phun lửa.

Tuy thế, tâm thức người Việt gắn con rồng với việc phun nước làm mưa là chính. Trong truyện cổ tích Sự tích hồ Ba Bể, trời phạt dân xã Nam Mẫu (Ba Bể, Bắc Kạn) nên làm ngập lụt cả làng và trong khung cảnh đó, một con giao long lớn từ mặt nước nhô lên bay vòng quanh xã.

Trong Sự tích đầm Mực, hai con vua Thủy Tề muốn cứu dân vùng Thanh Đàm (Thanh Trì, Hà Nội) khỏi hạn hán nên lấy mực làm mưa, vì trái ý trời nên phải chịu tội chết, xác hiện nguyên hình là hai con thuồng luồng đầu một nơi, thân một nẻo.

Có phong cách uy nghiêm, dữ dội nhất trong 12 con giáp, rồng tượng trưng cho sức mạnh và sự thống trị nên được gắn với vua, tạo nên một lớp từ có chữ “long” như long bào, long sàng, long xa, long giá, long nhan… Chữ “long” cũng mang nghĩa gắn với điều tốt lành như long mạch, long môn, long vận…

Người Việt Nam tự hào là con Rồng cháu Tiên. Con rồng đi vào nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao với các ý nghĩa biểu tượng thường là tốt đẹp: Rồng bay phượng múa; Một ngày tựa mạn thuyền rồng/Còn hơn chín kiếp ngồi trong thuyền chài; Cá gặp nước, rồng gặp mây…

Hình tượng con rồng biến đổi qua các triều đại, in dấu phong cách, tư tưởng người cai trị. Rồng thời Lý đơn giản với thân dài, uốn khúc. Thời Trần, thân rồng mập mạp, khỏe hơn, vòi ngắn lại, kiểu sừng phong phú, vảy nhiều hơn, móng vuốt ngắn và to hơn.

Thời Lê sơ, vòi rồng được thay bằng mũi của loài ăn thịt. Mặt rồng dữ hơn, thêm lông mày cùng bộ râu quai nón rậm, thân to khỏe kết hợp với mây lửa, 5 móng thể hiện uy quyền đế vương, xuất hiện tư thế đặc trưng: Một chân trước cầm lấy râu.

Rồng thời Mạc có sừng hai chạc, hai mắt lồi, mũi sư tử, mồm thú nhô ra, chân thường có bốn móng.

Điểm nổi bật nhất của rồng thời Lê Trung hưng là râu bờm, mây lửa đều duỗi thẳng, sắc nhọn. Đầu rồng không còn bổ luống mà chia thành từng dải đều nhau. Lông mày, râu cằm và lông khuỷu chân loe ra, hai râu mép uốn cong.

Rồng thời Nguyễn cơ bản kế thừa rồng thời Lê Trung hưng, có thêm rồng trang trí bậc thềm, độ uốn khúc không còn đều đặn mà chỉ vồng lên hai khúc nhỏ dần về đuôi. Trán rồng lõm hơn và bợt ra sau, đuôi duỗi ra với các dải lông thưa thớt, có khi sắc nhọn.

Đặc biệt nhất trong các tạo hình rồng thời phong kiến là tượng con rồng “miệng cắn thân, chân xé mình” ở đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh (1038-1096) tại Bắc Ninh, thể hiện sống động trạng thái đau đớn, quằn quại, bi thương, phẫn uất đến cùng cực.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, bức tượng thể hiện nỗi đau của Lê Văn Thịnh khi bị vu oan hóa hổ giết vua, nhưng thông điệp có lẽ còn lớn hơn thế. Rồng là biểu tượng của minh quân, rồng mà tự cắn vào thân thì sao bay lên được nữa, cũng như làm vua mà không anh minh, khiến kẻ sỹ tài năng bị oan khuất thì đó là hủy hoại chính mình.

Nếu như rồng trong văn hóa nhiều nước phương Tây như một biểu tượng của cái ác và gần với quỷ dữ thì rồng đối với Việt Nam luôn là biểu tượng của sự cất cánh, bắt đầu từ truyền thuyết vua Lý Thái Tổ dời đô. Con rồng trong cảm thức người Việt vì thế luôn gắn với những gì phát triển và trường tồn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới