Các nhà đầu tư đang hướng sự quan tâm về Ấn Độ, quốc gia này hiện đang có nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới và Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi đang chủ trương mở rộng cơ sở hạ tầng mạnh mẽ nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và thay thế vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xu hướng chuyển dịch đầu tư sang Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi khó khăn kinh tế và mối quan hệ với các quốc gia phương Tây vẫn đang tiếp tục xấu đi.
Khi thế giới nhận ra chế độ Cộng sản Trung Quốc là mối đe dọa đối với nền trật tự toàn cầu, thì Ấn Độ lại đang được xem là một điểm đến tiềm năng.
Ấn Độ đang dần trở thành một nơi sản xuất hàng hoá thay thế khả thi. Hoa Kỳ cũng như các quốc gia khác đều cho rằng cần thiết lập quan hệ thương mại vững chắc với Ấn Độ.
Vikas Pershad, nhà quản lý danh mục đầu tư tại M&G Investment Management, nói với Bloomberg rằng: Có nhiều lý do khiến nhà đầu tư quan tâm đến Ấn Độ, và một trong số đó, đơn giản chỉ là: “Ấn Độ không phải là Trung Quốc”.
Nhận định này cho thấy rằng, điều quan trọng hàng đầu với các nhà đầu tư hiện tại là rời khỏi Trung Quốc.
Không thể phủ nhận, Ấn Độ thực sự đang chuyển đổi thành một nền kinh tế lớn, năng động, mở cửa với thế giới theo những cách mới mẻ.
Thủ tướng Modi có kế hoạch đưa Ấn Độ trở thành một động lực mới cho tăng trưởng kinh tế thế giới. Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết trong báo cáo ngân sách rằng chính phủ sẽ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng thêm 11% trong năm tài chính tiếp theo.
Các nhà đầu tư cũng hiểu rằng, sự phát triển của Ấn Độ sẽ không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Nhưng bất chấp điều này, các quỹ lớn cho đến các nhà đầu tư bán lẻ đều đang cố gắng đổ tiền vào quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Theo dữ liệu từ Cục Lưu trữ Quốc gia Ấn Độ, Ấn Độ đã thu hút 20 tỷ USD dòng vốn đầu tư nước ngoài vào năm 2023.
Lịch sử cho thấy tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ gắn chặt với giá trị thị trường chứng khoán. Trong 20 năm qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và vốn hóa thị trường đã tăng trưởng song song, từ 500 tỷ USD lên 3,5 nghìn tỷ USD.
Vào giữa tháng 1 năm nay, Ấn Độ đã nhanh chóng vượt qua Hồng Kông để trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ tư thế giới.
Theo quan điểm của một số nhà đầu tư, xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển. Và dự đoán đến năm 2030, thị trường chứng khoán Ấn Độ sẽ trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ ba thế giới.
Các nhà đầu tư bán lẻ Nhật Bản, vốn có truyền thống ưa thích thị trường chứng khoán Mỹ, cũng bắt đầu quan tâm đầu tư vào Ấn Độ. Hiện tại, Nhật Bản có 5 quỹ tương hỗ tập trung vào Ấn Độ nằm trong top 20 về dòng vốn vào.
Tập đoàn Quỹ phòng hộ Marshall Wace chỉ ra rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tình hình chính trị tương đối ổn định của Ấn Độ là lý do để lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục của quốc gia này.
Ấn Độ cũng đang xây dựng một hệ sinh thái công nghệ khổng lồ nhằm thu hút nhiều người dân hơn vào thị trường kỹ thuật số.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán GDP của Ấn Độ sẽ tăng 6,5% vào năm 2024, trong khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến là 4,6%.
Những con số dự báo này đã khiến chứng khoán Ấn Độ được xếp hạng đắt đỏ nhất thế giới.
T.P