Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaĐầu tư mạo hiểm vào TQ đang…dừng lại

Đầu tư mạo hiểm vào TQ đang…dừng lại

Từng tạo tiếng vang từ các đợt IPO quy mô lớn của các công ty tiêu dùng ở Mỹ, các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc hiện đứng trước áp lực thay đổi chiến lược một cách mạnh mẽ.

Theo Xiniu Data, tổng vốn đầu tư mạo hiểm huy động được ở Trung Quốc năm 2023 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015.

Điều chỉnh sách lược sao cho phù hợp với tình hình mới là vấn đề cấp bách của các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc trong vài năm trở lại đây, do Bắc Kinh áp dụng các quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động niêm yết ở nước ngoài, căng thẳng Mỹ – Trung gia tăng và sự suy thoái của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đài CNBC tổng hợp ba xu hướng điều chỉnh chiến lược mà các nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đang thúc đẩy.

Dịch chuyển từ đô la Mỹ sang nhân dân tệ Trung Quốc

Mô hình kinh doanh của các quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng ở Trung Quốc như Sequoia và Hillhouse thường gắn với việc huy động đô la Mỹ từ nguồn tài trợ của các trường đại học, quỹ hưu trí và các nguồn khác ở Mỹ – được biết đến trong ngành với tư cách là “thành viên góp vốn (limited partners)”.

Sau đó, số tiền huy động được chuyển đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc và đây được xem là chặng cuối để tìm kiếm các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Mỹ, nhằm tạo ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

Thế nhưng, đến nay nhiều thành viên góp vốn đã tạm dừng đầu tư vào Trung Quốc vì Washington tăng cường giám sát nguồn tiền Mỹ hỗ trợ cho công nghệ tiên tiến của Trung Quốc và việc các công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ ngày càng khó khăn hơn. Hơn nữa, sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc càng khiến tâm lý nhà đầu tư suy giảm.

Điều đó có nghĩa là các nhà đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc cần tìm đến các nguồn thay thế, chẳng hạn như Trung Đông, hoặc ngày càng có nhiều quỹ tìm cách kết nối với ngân sách địa phương. Việc chuyển hướng sang kênh nội địa cũng đồng nghĩa với sự dịch chuyển tiền tệ trong đầu tư mạo hiểm.

Theo công ty nghiên cứu đầu tư mạo hiểm Xiniu Data, tổng vốn đầu tư mạo hiểm huy động được ở Trung Quốc năm 2023 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015, trong đó tỷ trọng vốn huy động bằng đô la Mỹ giảm còn 5,3%, từ mức 8,4% của năm 2022.

Xét kỹ hơn, con số trên còn thấp hơn nhiều so với những năm trước, đơn cử như tỷ trọng huy động bằng đô la Mỹ trong tổng số vốn đầu tư mạo hiểm huy động được của Trung Quốc đạt khoảng 15% trong giai đoạn 2018 – 2021. Phần còn lại được huy động bằng đồng nhân dân tệ.

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, lãi suất cao ở Mỹ và sức hấp dẫn tương đối của các thị trường như Ấn Độ và Nhật Bản cũng là yếu tố khiến họ phải suy tính xem có nên đầu tư vào Trung Quốc hay không.

“Các nhà đầu tư mạo hiểm chắc chắn đã thay đổi quan điểm của họ về thị trường Trung Quốc đại lục từ vài năm trước”, ông Kyle Stanford, nhà phân tích cấp cao về đầu tư mạo hiểm tại Pitchbook, cho biết.

Ông Stanford nói thêm: “Các thị trường tư nhân ở Trung Quốc vẫn còn rất nhiều vốn, cho dù đó là vốn từ các quỹ địa phương hay vốn từ các khu vực như Trung Đông, nhưng nhìn chung quan điểm của họ về tăng trưởng Trung Quốc và lợi nhuận của đầu tư mạo hiểm đã thay đổi”.

Điều chỉnh kế hoạch rút vốn

Năm 2022, Washington và Bắc Kinh đã giải quyết tranh chấp kiểm toán kéo dài, giúp giảm nguy cơ các công ty Trung Quốc phải hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.

Nhưng sau thương vụ IPO “đầu xuôi, đuôi không lọt” tại Mỹ của “gã khổng lồ” dịch vụ gọi xe Didi Trung Quốc vào năm 2021, Bắc Kinh và Washington đã tăng cường giám sát các công ty có trụ sở tại Trung Quốc muốn niêm yết ở New York.

Cùng với các biện pháp khác, Trung Quốc hiện yêu cầu các công ty có lượng lớn dữ liệu người dùng – về cơ bản là bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến nào hoạt động ở thị trường – phải nhận được sự chấp thuận từ Cơ quan quản lý an ninh mạng Trung Quốc trước khi tiến hành niêm yết ở Hong Kong hoặc Mỹ.

Trong khi đó, Washington cũng thắt chặt các biện pháp hạn chế dòng tiền của Mỹ chảy vào các công ty công nghệ cao của Trung Quốc. Một số quỹ đầu tư mạo hiểm lớn đã tách mảng hoạt động ở Trung Quốc khỏi thị trường Mỹ và thành lập những tên tuổi mới. Năm ngoái, Sequoia đã đổi tên thương hiệu nổi tiếng nhất ở Trung Quốc thành HongShan.

Ông Liao Ming, đối tác sáng lập công ty đầu tư Prospect Avenue Capital (Bắc Kinh), cho biết: “Các quỹ USD ở Trung Quốc vẫn có thể đầu tư vào các lĩnh vực không nhạy cảm trong các đợt IPO cổ phiếu hạng A (cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc đại lục – BTV), nhưng thách thức đặt ra là doanh nghiệp trong nước chuộng vốn từ các quỹ RMB [nhân dân tệ của Trung Quốc]”.

Ông Liao cho rằng: “Do IPO tại Mỹ không còn là một chiến lược khả thi để rút vốn Trung Quốc, các nhà đầu tư nên nhắm mục tiêu rút vốn ngay ở thị trường sở tại – nói cách khác, rút vốn Trung Quốc ngay ở thị trường Trung Quốc và rút các tài sản nước ngoài ở thị trường Mỹ”.

Chỉ một số ít công ty có trụ sở tại Trung Quốc – và hầu như không có công ty lớn nào – được niêm yết tại Mỹ kể từ sau thương vụ niêm yết của Didi.

Bắc Kinh đã nhanh chóng ra lệnh điều tra buộc Didi phải tạm thời dừng cho phép người dùng mới đăng ký và tải xuống ứng dụng gọi xe. Nền tảng gọi xe này sau đó đã tuyên bố hủy niêm yết vào cuối năm 2021.

Cuộc điều tra Didi diễn ra cùng với việc Bắc Kinh “nắn gân” các hành vi bị cáo buộc là độc quyền của các công ty công nghệ internet trong nước, đơn cử như Alibaba. Kế hoạch “nắn gân” pháp lý còn mở rộng sang các công ty tổ chức dạy thêm sau giờ học chính khoá, các nhà phát triển trò chơi điện tử và các công ty bất động sản lạm dụng đòn bẩy để tăng trưởng.

Quỹ đầu tư bắt tay với chính quyền, giao dịch ở quy mô lớn hơn

Thay vì thúc đẩy các lĩnh vực hướng tới người tiêu dùng, chính quyền Trung Quốc coi trọng hỗ trợ phát triển công nghiệp, chẳng hạn như sản xuất chế tạo chất lượng cao và năng lượng tái tạo.

Ông Liao cho biết: “Hiện tại, nhiều quỹ đầu tư bằng đồng đô la Mỹ đang chuyển trọng tâm sang các công ty đột phá về công nghệ (hard tech companies) được chính phủ hậu thuẫn, thường nhắm đến việc thoát khỏi rổ cổ phiếu hạng A hơn là niêm yết tại Mỹ”. Các công ty đột phá về công nghệ này bao gồm các nhà phát triển vật liệu mới cho năng lượng tái tạo và thiết bị tự động hóa nhà máy.

Theo dữ liệu của PitchBook, vào năm 2023, 20 thương vụ đầu tư mạo hiểm lớn nhất dành cho các công ty có trụ sở tại Trung Quốc chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất chế tạo và vắng bóng lĩnh vực thương mại điện tử.

Trước đại dịch 2019, các thương vụ đầu tư mạo hiểm hàng đầu tại thị trường Trung Quốc chủ yếu đổ vào các công ty sản xuất sản phẩm tiêu dùng, nền tảng mua sắm trên internet và các công ty ô tô điện.

Xu hướng chuyển dịch đó trở nên rõ rệt hơn so với thời kỳ bùng nổ mà “gã khổng lồ” thương mại điện tử Alibaba lên sàn vào năm 2014. Theo dữ liệu của PitchBook, 20 thương vụ đầu tư mạo hiểm lớn nhất dành cho các công ty có trụ sở tại Trung Quốc trong năm 2013 chủ yếu là trong lĩnh vực thương mại điện tử và dịch vụ phần mềm.

Việc chuyển đổi dòng vốn đầu tư mạo hiểm từ các công ty công nghệ internet sang các công ty đột phá về công nghệ đòi hỏi nhiều vốn hơn.

Bằng chứng là quy mô giao dịch trung bình của 20 giao dịch đầu tư mạo hiểm lớn nhất Trung Quốc trong năm 2013 là 80 triệu USD, theo dữ liệu PitchBook. Ở cùng danh mục đầu tư, con số này nhỏ hơn nhiều so với quy mô giao dịch trung bình là 280 triệu USD vào năm 2019 và chỉ bằng một phần nhỏ so với mức trung bình 804 triệu USD của năm 2023.

Dữ liệu PitchBook cũng chỉ ra rằng nhiều giao dịch trong số đó được thực hiện bởi các quỹ do chính quyền địa phương hoặc các công ty nhà nước hỗ trợ, khác biệt hẳn với dòng vốn một thập kỷ trước – thời kỳ mà các nhà đầu tư tư nhân nổi bật như GGV Capital và các công ty công nghệ internet chiếm ưu thế.

Bà Yang Luxia, tổng giám đốc công ty quản lý đầu tư Heying Capital, nhận định: “Trong 20 năm qua, Trung Quốc và nền tài chính nước này đã phát triển rất nhanh, và trong 10 năm qua, các quỹ [vốn] tư nhân đã tăng trưởng rất nhanh, có nghĩa là chỉ cần đầu tư vào bất kỳ ngành nào cũng sẽ [tạo ra] lợi nhuận”. Tổng giám đốc Heying Capital cho biết bà đã tập trung vào các quỹ đầu tư bằng đồng nhân dân tệ, đồng thời tìm cách huy động vốn từ nước ngoài.

Bà Yang Luxia không kỳ vọng đầu tư mạo hiểm sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tương tự trong tương lai và thậm chí nhà quản lý đầu tư này đang áp dụng cách tiếp cận “thận trọng” đối với lĩnh vực năng lượng mới.

Tổng giám đốc Heying Capital cho rằng công nghệ thay đổi nhanh chóng khiến việc chọn lựa các khoản đầu tư sinh lời trở nên khó khăn, trong bối cảnh các công ty đang xem xét việc mua lại cổ phiếu và các giải pháp thay thế khác cho IPO.

Câu hỏi đặt ra là các chính sách hỗ trợ và các quỹ có liên quan đến nhà nước đóng vai trò ra sao trong đầu tư công nghệ trong thời gian tới.

“Trong năm 2022, đầu tư [vốn cổ phần tư nhân và vốn mạo hiểm] ở Trung Quốc đã giảm một nửa và tiếp tục giảm vào năm 2023. Các chủ thể tư nhân và nước ngoài là những bên đầu tiên rút lui, vì vậy bối cảnh đầu tư mạo hiểm còn trở nên tập trung và tập trung hơn vào các ưu tiên của chính phủ”, bà Camille Boullenois, phó giám đốc Rhodium Group, cho biết.

Theo đại diện Rhodium Group, rủi ro trong đầu tư mạo hiểm là khoa học và công nghệ lại “được nhà nước chỉ đạo và phù hợp hơn với các ưu tiên của chính phủ”. “Điều đó có thể có hiệu quả trong ngắn hạn nhưng khó có thể kiến tạo một môi trường đổi mới phát triển mạnh về lâu dài”, bà Boullenois đánh giá.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới