Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTàu ngầm Mỹ sẽ không còn áp đảo tàu TQ

Tàu ngầm Mỹ sẽ không còn áp đảo tàu TQ

Chuyên gia nhận định tàu ngầm Mỹ sẽ không còn áp đảo Trung Quốc, khi Bắc Kinh phát triển tàu ngầm độ ồn thấp, tăng năng lực sản xuất.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, hải quân Trung Quốc đang vận hành 6 tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo (SSBN) Type-094, được trang bị tên lửa JL-2 với tầm bắn khoảng 8.000-9.000 km hoặc tên lửa JL-3 có tầm bắn hơn 10.000 km, giúp nó có thể tấn công lãnh thổ lục địa Mỹ từ khoảng cách an toàn.

Dù vậy, tàu ngầm Type-094 có khuyết điểm lớn là phát ra nhiều tiếng ồn khi hoạt động, dễ bị đối phương phát hiện. Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ ước tính mẫu tàu này tạo ra tiếng ồn lên tới 140 decibel khi hoạt động ở tần số thấp, cao hơn tàu ngầm Delta III do Liên Xô phát triển từ những năm 1970.

Trong khi đó, tàu ngầm Mỹ thường chạy rất êm, khiến hải quân Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi, phát hiện. Tuy nhiên, điều này dường như đang thay đổi.

“Trung Quốc đã đạt được tiến bộ về công nghệ tàu ngầm và khả năng phát hiện vật thể dưới biển, qua đó thu hẹp dần khoảng cách trong lĩnh vực từng có sự chênh lệch lớn nhất giữa quân đội nước này và Mỹ”, Alastair Gale, nhà phân tích của Wall Street Journal (WSJ), nhận định.
Gale cho biết ảnh vệ tinh chụp hồi đầu năm 2023 cho thấy tàu ngầm SSBN Type-096 Trung Quốc, thế hệ kế tiếp của Type-094 và đang trong quá trình phát triển, được trang bị hệ thống đẩy phản lực dòng nước (pump-jet), thay vì dùng hệ thống động lực truyền thống với chân vịt 6 hoặc 7 cánh lộ thiên.

Thiết kế pump-jet có nhiều ưu điểm như tốc độ cao, độ ồn thấp và không tạo ra bong bóng khí như chân vịt, giúp tăng bán kính hoạt động và giảm khả năng bị phát hiện của tàu ngầm. Đây là lần đầu tiên công nghệ giảm tiếng ồn đang được Mỹ sử dụng này xuất hiện trên tàu ngầm Trung Quốc.

Tàu Type-096 có phần thân lớn hơn bất kỳ tàu ngầm hiện hành nào của Bắc Kinh. Kích thước lớn cho phép nó có thể lắp đệm hấp thụ âm thanh để giảm tiếng ồn từ động cơ, tương tự thiết kế của tàu ngầm Nga.

Theo giới phân tích, phần lớn công nghệ tàu ngầm hiện nay của Trung Quốc đến từ việc “sao chép đảo ngược” tàu ngầm điện – diesel nước này mua từ Nga sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc chưa sở hữu công nghệ mới nhất của Nga,

Quan hệ Nga – Trung được thắt chặt sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát khiến giới chức phương Tây lo ngại Moskva có thể chia sẻ bí mật công nghệ về tàu ngầm với Bắc Kinh, song đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai nước đã làm điều này.

“Dòng Type-096 có thể sánh ngang với tàu SSBN Dolgorukiy về động cơ đẩy, hệ thống cảm biến và vũ khí, song giống tàu Akula I phiên bản cải tiến hơn về khả năng giảm tiếng ồn”, báo cáo hồi tháng 8 của Viện nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc, thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ (NWC), nhận xét.

Dolgorukiy là tàu ngầm SSBN lớp Borei mới nhất của hải quân Nga, trong khi Akula I là mẫu tàu ngầm hạt nhân tấn công (SSN) ra mắt từ những năm 1980, từng được gọi là “quân bài chủ lực” của hải quân Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.

Theo nhà phân tích tình báo kỹ thuật hải quân Christopher Carlson, đồng tác giả báo cáo của NWC, hải quân Mỹ hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện và theo dõi tàu lớp Akula, dù đây không còn là mẫu tàu ngầm hiện đại nhất của Moskva.

“Tàu ngầm Type-096 cũng sẽ rất khó bị phát hiện. Nó sẽ trở thành cơn ác mộng đối với chúng ta”, Carlson nhận xét.

Tài liệu học thuật Trung Quốc cho thấy nước này đang phát triển các công nghệ giảm tiếng ồn khác cho tàu ngầm, như dùng vật liệu mới cho thân tàu, hay chế tạo lò phản ứng hạt nhân có hiệu suất cao hơn để làm động cơ.

Ngoài việc cải thiện về chất, hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc cũng đang được tăng cường về lượng. Xưởng đóng tàu ngầm ở Hồ Lô Đảo năm 2021 đã khánh thành khu xây dựng thứ hai, cho thấy Bắc Kinh muốn tăng năng lực sản xuất của xưởng.

Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc hiện có 60 tàu ngầm, ít hơn 7 tàu so với Mỹ. Tuy nhiên, tốc độ đóng tàu ngầm hàng năm của Trung Quốc được dự báo có thể sẽ đạt mức cao gấp 3 lần so với con số 1,2 tàu một năm hiện nay của Washington, giúp Bắc Kinh sở hữu hạm đội gồm 80 tàu ngầm vào năm 2035.

Với những diễn biến này, Gale cho rằng “kỷ nguyên áp đảo về tàu ngầm của Mỹ với Trung Quốc đang đi đến hồi kết”. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa Trung Quốc sẽ vượt hoặc bắt kịp Mỹ trên lĩnh vực tàu ngầm trong tương lai gần.

“Còn nhiều năm nữa Trung Quốc mới có thể biên chế tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới. Cũng chưa thể chắc chắn rằng Bắc Kinh sẽ đạt được bước tiến đáng kể trong chương trình phát triển tàu ngầm”, nhà phân tích của WSJ cho biết.
Theo Gale, quá trình phát triển tàu ngầm thường kéo dài nhiều năm và phải chế tạo nhiều nguyên mẫu trước khi chốt được thiết kế cuối. Dự án cũng có thể bị hủy bỏ đột ngột vì lý do kỹ thuật, kinh tế và chính trị. Năm 1995, Mỹ đã phải dừng chương trình phát triển tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf vì lý do chi phí cao, chỉ chế tạo ba chiếc thay vì 29 tàu như kế hoạch ban đầu.

Hải quân Trung Quốc chưa công bố thời gian đưa tàu ngầm Type-096 vào hoạt động. Báo cáo của NWC nhận định mẫu tàu này có thể được biên chế vào năm 2030, như lộ trình mà Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính trước đó.

Giới phân tích cũng cho rằng tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia hay tàu ngầm SSBN lớp Columbia đang phát triển của Mỹ hiện vẫn “đi trước một thế hệ” so với tàu Trung Quốc, xét trên công nghệ giảm tiếng ồn, động cơ, hệ thống vũ khí và nhiều phương diện khác.

“Dù vậy, Trung Quốc không nhất thiết phải cố gắng bắt kịp năng lực tàu ngầm của Mỹ”, chuyên gia Gale nêu quan điểm. “Bằng cách chế tạo được tàu ngầm khó bị phát hiện hơn, cũng như sản xuất chúng với số lượng lớn, Bắc Kinh sẽ khiến Washington phải tiêu tốn nhiều nguồn lực hơn cho việc giám sát tàu của mình”.

Một điểm bất lợi nữa với Mỹ là Washington hiện không có máy bay tuần tra chống ngầm đồn trú thường trực ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mà thường luân chuyển “sát thủ săn ngầm” P-8 Poseidon qua căn cứ ở Okinawa, Nhật Bản, để làm nhiệm vụ này.

“Chúng tôi biết tàu ngầm Trung Quốc ở đâu, song có thể theo dõi chúng hay không thì phụ thuộc vào vấn đề nguồn lực”, một sĩ quan tác chiến chống ngầm mới nghỉ hưu của nước này nhận xét.

RELATED ARTICLES

Tin mới