Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk lo ngại các tranh chấp kinh tế giữa Ba Lan và Ukraine có thể tạo ra “sự gia tăng đột ngột tâm lý chống Ukraine”, cảnh báo chuyện nhiều người Ukraine lợi dụng chiến tranh để trục lợi.
Ba Lan là một trong những đồng minh vững chắc nhất của Ukraine kể từ lúc Nga khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine hai năm qua.
Tuy nhiên mối quan hệ song phương này bị ảnh hưởng tiêu cực vì tranh chấp trong thương mại nông nghiệp.
Nông dân Ba Lan và một số nước láng giềng đã biểu tình, đưa xe tải chặn một số khu vực biên giới với Ukraine nhằm phản đối việc nhập khẩu giá rẻ từ Ukraine.
Sức ép xã hội và chính trị từ các cuộc biểu tình này có thể bào mòn ý chí chính trị của các nước đối với việc ủng hộ Ukraine.
Theo lời Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói hôm 11-2, tranh chấp kinh tế sẽ kích động tâm lý chống đối Ukraine.
Tại một cuộc họp ở thị trấn phía bắc Ba Lan Morag, ông Tusk nhấn mạnh Ba Lan muốn giúp đỡ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga trên tư cách một quốc gia.
Tuy nhiên “thực tế việc hàng trăm hay hàng ngàn người Ukraine muốn kiếm nhiều tiền không phải vấn đề của chúng tôi”.
Theo ông Tusk, bắt nguồn từ sự đồng cảm và cởi mở của Ba Lan, một số người đang cố “sử dụng chiến tranh như một cách cạnh tranh không công bằng với công ty, nhân viên và nông dân Ba Lan”.
Cả Ba Lan lẫn Ukraine đều là nước sản xuất nông sản lớn tại châu Âu. Khi Liên minh châu Âu (EU) bỏ hạn chế và thuế quan lên hàng hóa Ukraine vào năm 2022, nông dân Ba Lan và nhiều nước phản đối việc nhập khẩu hàng giá rẻ từ Ukraine, cho rằng điều này tạo ra lợi thế không công bằng.
Vào tháng 5 và tháng 9-2023, chính phủ Ba Lan trước đây của Đảng Pháp luật và công lý (PiS) cầm quyền ban hành lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc và một số sản phẩm liên quan từ Ukraine. Khi ông Tusk lên cầm quyền từ tháng 12 năm ngoái, ông cũng nói không có ý định bỏ lệnh cấm này.
Ông Tusk khẳng định nếu Ukraine “vẫn muốn huy động cả thế giới ủng hộ trong cuộc xung đột với Nga, họ phải tôn trọng lợi ích của các thành viên trong cộng đồng ấy”.
T.P