Tỉnh Lạng Sơn dự kiến sẽ xây dựng công trình tưởng niệm tại Pháo đài Đồng Đăng (huyện Cao Lộc), địa điểm gắn liền với cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Trước thềm Kỷ niệm 45 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2.1979 – 17.2.2024), thông tin từ Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn ngày 15.2 cho hay, đơn vị này đã hoàn thiện xây dựng Hồ sơ di tích xếp hạng cấp Quốc gia Pháo đài Đồng Đăng.
Theo các tư liệu lịch sử, trong những ngày đầu của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của quân và dân ta, nơi đây là một cứ điểm tiêu diệt nhiều kẻ địch và là nơi trú ẩn của hàng trăm người dân thị trấn Đồng Đăng.
Thời điểm đánh chiếm thị trấn Đồng Đăng ngày 17.2.1979, quân địch bao vây pháo đài, Đại đội 42 thuộc Trung đoàn 4, Sư đoàn 3 (Đoàn Sao Vàng) và Công an vũ trang chốt cố thủ và bảo vệ hàng trăm người dân đang trú ẩn bên trong.
Suốt 5 ngày đêm vẫn chưa chiếm được pháo đài, đến ngày 22.2.1979, quân địch đặt bộc phá nổ sập cửa hầm. Sau khi đặt thuốc nổ phá hầm, quân địch còn dùng súng phun lửa và hơi cay xịt xuống các ngách nhằm giết hại cán bộ, chiến sĩ và dân thường đang cố thủ trong lô cốt.
Pháo đài Đồng Đăng được thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1936-1940 nhằm phòng thủ biên giới phía Bắc, án ngữ các tuyến đường 1A, 1B, 4A chạy qua khu vực Đồng Đăng, huyện Cao Lộc. Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp (chiến dịch Thu Đông 1950) và chiến tranh biên giới năm 1979, pháo đài Đồng Đăng bị phá sập gần như hoàn toàn.
Sau chiến tranh năm 1979, khu đất pháo đài Đồng Đăng được UBND tỉnh Lạng Sơn giao quyền và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh quản lý với diện tích 50.030m2 thuộc đất an ninh quốc phòng. Năm 2012, thực hiện chủ trương cắm mốc giới đất quốc phòng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức cắm mốc giới được 48 mốc và đo đạc lại diện tích khu đất là 52.677,1m2.
Trước đó trong năm 2023, đoàn công tác của UBND tỉnh Lạng Sơn do ông Dương Xuân Huyên – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn – làm trưởng đoàn đã có đợt khảo sát, phục vụ công tác xây dựng công trình tri ân, bia ghi danh liệt sĩ và nhân dân tử nạn tại Pháo đài Đồng Đăng, huyện Cao Lộc.
Tại cuộc khảo sát, đại diện một số đơn vị, sở, ngành đã nêu ý kiến về giá trị di tích lịch sử của Pháo đài Đồng Đăng; tầm vóc, vị thế quân sự; tiềm năng du lịch gắn với giáo dục truyền thống lịch sử; quy hoạch tổng thể và lộ trình đầu tư đối với pháo đài Đồng Đăng vừa đảm bảo giá trị lịch sử vừa gắn với phát triển du lịch…
Theo cổng thông tin điện tử huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn), cũng tại cuộc khảo sát trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Dương Xuân Huyên đề nghị các cấp, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị lịch sử, di tích lịch sử cấp tỉnh của pháo đài Đồng Đăng đến các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Cùng với đó, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, UBND huyện Cao Lộc phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường tăng cường công tác quản lý đất đai; thực hiện công tác quy hoạch xây dựng khu di tích gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Về định hướng xây dựng công trình tưởng niệm tại pháo đài Đồng Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu về quy mô công trình, các nguồn kinh phí tổ chức thực hiện;
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia đối với pháo đài Đồng Đăng.
T.P