Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTriều Tiên chìa cành ô-liu cho Nhật Bản

Triều Tiên chìa cành ô-liu cho Nhật Bản

Người em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng Triều Tiên để ngỏ cánh cửa cải thiện quan hệ với Nhật Bản, thậm chí gợi ý khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương tại Bình Nhưỡng.

Trong thông cáo đăng hôm 15/2, bà Kim Yo-jong nói rằng lãnh đạo 2 nước có thể gặp mặt nếu Nhật Bản “không dựng các chướng ngại vật như vấn đề bắt cóc vốn đã được giải quyết”.

“Nếu Nhật Bản có quyết định chính trị nhằm mở ra con đường mới hàn gắn quan hệ, thông qua cách cư xử tôn trọng và hành động đáng tin cậy trên cơ sở thừa nhận lẫn nhau và can đảm dẹp bỏ thái độ thù địch lỗi thời hay những mong muốn không thể đạt được, thì hai nước có thể cùng nhau mở ra tương lai mới”, KCNA đưa tin.

Phát biểu trên đánh dấu sự thay đổi rõ rệt so với gần 2 năm trước, khi bà Kim Jo-yong liệt Nhật Bản vào nhóm các nước “nham hiểm” chỉ trích Bình Nhưỡng tại Liên Hợp Quốc vì thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Người phát ngôn chính phủ Nhật Bản, Yoshimasa Hayashi, ngày 16/2 nói rằng Tokyo đang lưu ý đến những bình luận của bà Kim Yo-jong. Tuy nhiên, ông cũng nói “hoàn toàn không thể chấp nhận được” khi Triều Tiên coi vấn đề bắt cóc là đã giải quyết.

Triều Tiên năm 2002 thừa nhận từng phái đặc vụ bắt cóc 13 người Nhật Bản trong những năm 1970 và 1980, buộc họ phải đào tạo điệp viên về ngôn ngữ và phong tục Nhật Bản. Dù vậy, ở Nhật Bản vẫn còn tồn tại nghi ngờ cho rằng số công dân bị bắt cóc nhiều hơn con số chính thức.
Trong lúc dường như cởi mở hơn với Nhật Bản, Triều Tiên lại có thái độ cứng rắn hơn với Seoul. Tuần trước, ông Kim Jong-un nói mình có quyền hợp pháp triệt hạ Hàn Quốc.

Triều Tiên đang phải chịu áp lực mới khi Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ nâng tầm hợp tác và tăng cường tập trận chống lại các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

Kak Soo Shin, nguyên Đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản, cho rằng: “Triều Tiên lo lắng trước mối quan hệ đối tác ba bên tăng cường giữa Seoul, Washington và Tokyo”.

“Nhằm tạo ra sự chia rẽ trong mối quan hệ đang tăng cường này, Triều Tiên dường như đang tranh thủ mong muốn của Thủ tướng Kishida là mở ra cánh cửa với Bình Nhưỡng”, ông Shin nói.

Dù vậy, ông Shin cho rằng có rất ít khả năng hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra do còn có sự khác biệt về vấn đề người bị bắt cóc và về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Tháng trước, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng gửi đi “cành ô-liu” khi gửi thông điệp chia buồn đối với các nạn nhân của trận động đất ở Nhật Bản.

Ông Kishida từ lâu đã nói rằng sẵn sàng gặp ông Kim Jong-un mà không cần điều kiện tiên quyết. Tuần trước, ông cho biết chính quyền của mình đã có nhiều hành động cụ thể để hướng tới hội nghị thượng đỉnh nhằm giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có việc công dân bị bắt cóc, Kyodo News đưa tin.

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi từng có chuyến thăm mang tính bước ngoặt tới Bình Nhưỡng vào năm 2002. Tại đây, ông Koizumi gặp cha của ông Kim là ông Kim Jong-il và vạch ra con đường bình thường hóa quan hệ.

Chuyến đi giúp 5 công dân Nhật Bản hồi hương và dẫn đến một chuyến thăm nữa của ông Koizumi. Nhưng quan hệ chớm nở nhanh chóng đổ vỡ, một phần do Tokyo lo ngại Triều Tiên không thành thật về các nạn nhân bị bắt cóc.

RELATED ARTICLES

Tin mới