Làm gì để giữ hòa bình, ổn định trên Biển Đông? Đó là câu hỏi tưởng như đã cũ nhưng lại rất mới, bởi tình hình thế giới và khu vực đã và đang có những thay đổi nhanh chóng, bất ngờ.
Khi nói đến tình hình, có ba điểm tác động rất mạnh đến sự yên ả hay sóng gió trên Biển Đông. Có một mối họa đối với Trung Quốc, tuy “xa” mà rất “gần” – mối họa sự can thiệp của Mỹ, nhất là khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể trở lại làm Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ tới. Một vị Tổng thống quyết tâm làm cho nước Mỹ “vĩ đại trở lại”, thề không để Trung Quốc làm mưa làm gió trên Biển Đông, vì lợi ích của Mỹ ở khu vực này là rất lớn.
Một mối họa khác đã hiện hữu là cuộc bầu cử ở Đài Loan vừa kết thúc với sự thắng lợi của Đảng Dân Tiến. Ông Lại Thanh Đức, người của Đảng này đã ngồi vào ghế Tổng thống. Bắc Kinh coi ông Lại là kẻ “li khai nguy hiểm”, bởi quan điểm cứng rắn của ông về một Đài Loan độc lập, quan điểm này không khác gì so với cựu Tổng thống Thái Anh Văn.
Theo các nhà bình luận quốc tế, “Kịch bản ác mộng” thật sự của Bắc Kinh không nhất thiết là chứng kiến Lại Thanh Đức đắc cử tổng thống Đài Loan, mà cần nhìn xa hơn là sự kết hợp giữa Lại Thanh Đức và có lẽ là Donald Trump, nếu Trump quay trở lại Nhà Trắng vào cuối năm 2024.
Mối họa thứ ba là, những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Đầu năm 2024, trong thông điệp năm mới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: “Thống nhất đất nước là tất yếu lịch sử, đồng bào hai bờ chung tay đồng tâm, cùng hưởng vinh quang vĩ đại của sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. Có nghĩa là Trung Quốc đủ tỉnh táo trong vấn đề thu hồi Đài Loan trong hòa bình. Thế nhưng, căng thẳng ở biển Hoàng Hải giữa Hàn Quốc với Triều Tiên lại đang bùng phát dữ dội.
Từ đây có thể nảy sinh vấn đề: Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của Nhà Trắng nếu Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Khi ấy, mối quan tâm của Wasinghton đối với Biển Đông sẽ được giảm bớt. Mỹ sẽ đẩy trách nhiệm, làm tăng vai trò của các đối tác đồng minh của họ trong các vấn đề ở Biển Đông.
Năm 2024 cũng sẽ là một năm các nước ASEAN có sự điều chỉnh chiến lược ngoại giao và chính sách trên Biển Đông. Dự báo các cuộc diễn tập quân sự hỗn hợp giữa Mỹ với các quốc gia ven Biển Đông sẽ nhiều hơn về số lượng, lớn về quy mô, nâng cấp hơn về nội dung diễn tập. Các cuộc diễn tập quân sự không phải cốt để chống khủng bố, cướp biển mà giống như một sự răn đe Trung Quốc.
Căng thẳng giữa Trung Quốc- Philippines đang bị đẩy lên cao. Hôm 22/01/2024, Manila lên án hành động của hải cảnh Trung Quốc gây tổn hại đến ngư dân Philippines.
Một quốc gia vốn “hiền lành” như Brunei bỗng tỏ ra cứng rắn. Bộ Ngoại giao nước này đã ra tuyên bố khẳng định “duy trì cách tiếp cận hai bước trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông”; đối với các vấn đề cụ thể cần được giải quyết song phương bởi các quốc gia có liên quan trực tiếp thông qua đối thoại và tham vấn hòa bình. Các động thái này diễn ra khi Trung Quốc muốn đưa Brunei vào trục chiến lược của mình để không bị Mỹ lôi kéo.
Còn Malaysia thì chọn cách tiếp cận ôn hòa với hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, tránh gây căng thẳng trong khu vực, thúc đẩy các bên đối thoại hòa bình. Đây cũng là cách của nhiều quốc gia có tranh chấp chủ quyền, đó là, hợp tác với Mỹ trên một mức độ nào đó, nhưng vẫn ngần ngại trước sức mạnh Trung Quốc.
Bây giờ chúng ta hãy nhìn rộng ra thế giới xem các lực lượng bên ngoài sẽ can dự ra sao? Trước hết, hệ thống liên minh, đồng minh trên khắp thế giới của Mỹ có ưu thế vượt trội về mặt quân sự so với nhiều quốc gia khác. Tại khu vực Đông Nam Á – Biển Đông điển hình có cơ chế Tứ giác An ninh QUAD, chiến lược “liên kết tam hải” JAPHUS và bộ đối tác An ninh Ba bên Mỹ – Anh – Úc (AUKUS).
Tuy các thành viên không bao gồm các quốc gia Đông Nam Á, nhưng Đông Nam Á lại nằm trong phạm vi hoạt động trọng điểm của AUKUS. Ấy là chưa kể còn nhiều cơ chế hợp tác kinh tế, an ninh Mỹ lập nên để thu hút sự ủng hộ. Sự xuất hiện của các lực lượng bên ngoài khu vực ở Biển Đông sẽ góp phần làm giảm tình trạng mất cân bằng trong kết cấu an ninh khu vực để cùng kiềm chế Trung Quốc.
Trong bối cảnh nêu trên Việt Nam cần có những đối sách gì? Đối với khu vực ASEAN, quan hệ của khu vực với Bắc Kinh và Washington có xu hướng phân hóa dựa vào tầm ảnh hưởng thực tế của hai siêu cường. Còn đối với Việt Nam, nước này đang xây dựng mối quan hệ tích cực và cân bằng với cả Mỹ và Trung Quốc.
Hà Nội nhận rõ một điều, kể từ năm 2014, sau sự kiện Hải Dương-981 vi phạm chủ quyền Việt Nam trên biển, và sự hiện diện ngày càng gia tăng của hải quân Mỹ trong khu vực, đã đặt ra bài toán hóc búa trong việc điều hòa mối quan hệ của Việt Nam với hai siêu cường.
Năm 2023, Việt Nam – Mỹ nâng mức hợp tác lên Đối tác chiến lược toàn diện. Song không có nghĩa là từ đây Việt Nam dựa hẳn vào Mỹ để phục vụ cho việc đấu tranh gìn giữ chủ quyền biển đảo, bởi lợi ích cốt lõi của Việt Nam và các cường quốc có sự khác biệt rất lớn.
Từ tình hình trên, Hà Nội thể tập trung làm tốt một số công việc sau: Một là, tạo ra sự thống nhất về nhận thức và quan điểm, giữ vững ổn định nội bộ, ổn định chính trị trong nước; hai là, giữ vững chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, mang bản sắc “ngoại giao cây tre”, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, kiên trì thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”; ba là, tôn trọng vị thế nước lớn và đạt được sự cân bằng chính sách đối với cả Mỹ và Trung Quốc; bốn là, chủ động trong thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi với các nước lớn phù hợp với lợi ích chính đáng của tất cả các bên có liên quan; năm là, dựa trên nền tảng ngoại giao đa phương, lấy ASEAN làm trung tâm và dựa vào hệ thống luật pháp quốc tế làm trung gian trọng tài xử lí các tranh chấp.
Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các nước trong khu vực như Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei để tăng cường hợp tác đa phương hẹp về vấn đề Biển Đông. Sự phối hợp chặt chẽ, ăn ý này bao gồm cả việc tổ chức đối thoại 5 bên, thậm chí tổ chức các cuộc tập trận chung trên biển, tuần tra chung và các hoạt động giao lưu hữu nghị trên các đảo, đá trong khuôn khổ đa phương hẹp.
H.Đ