Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mới45 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2.1979...

45 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2.1979 – 17.2.2024): Tìm lại những anh hùng

Nhà anh hùng – liệt sĩ Nguyễn Chí Cương ở xã Hải Triều, H.Tiên Lữ, Hưng Yên. Anh hùng Nguyễn Chí Cương sinh năm 1950, là con cả trong gia đình có 10 anh em.

Di ảnh anh hùng – liệt sĩ Nguyễn Chí Cương


Một trận diệt 3 xe tăng
Năm 1969, anh Cương lên Yên Bái làm công nhân xây dựng thủy điện Thác Bà. Giữa năm 1972, do gia đình đông anh em nhưng chưa có ai nhập ngũ, nên địa phương gọi về khám tuyển. Đầu tháng 4.1972, anh Cương nhập ngũ, đồng thời có giấy gọi đi học lắp máy.

Tháng 1.1975, trung sĩ Nguyễn Chí Cương nhận lệnh về Trung đoàn bộ binh 567 thuộc Sư đoàn 325b, Quân khu Tả Ngạn (nay là Quân khu 3) vừa được thành lập, làm nhiệm vụ huấn luyện tân binh. Năm 1976, Nguyễn Chí Cương cùng Trung đoàn 567 lên bảo vệ biên giới Cao Bằng.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2.1979, thượng sĩ Nguyễn Chí Cương (Chính trị viên phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 567) đã cùng đồng đội kiên cường chiến đấu, đánh trả quân xâm lược ở khu vực cửa khẩu Tà Lùng (H.Phục Hòa, Cao Bằng), diệt nhiều sinh lực địch, thu nhiều vũ khí và bắn cháy 3 xe tăng xâm lược.

Hy sinh bất ngờ
Cựu chiến binh Nguyễn Thái Long kể lại: Ngày 30.5.1979, chỉ huy Tiểu đoàn 1 đi kiểm tra phương án tác chiến của các đại đội, để chuẩn bị bàn giao cho đơn vị bạn. Sau khi kiểm tra trận địa của đại đội, đoàn kiểm tra sang Đại đội 2 thì lạc vào bãi mìn, do bộ đội ta gài từ tháng 3.1979.

Quả mìn đầu tiên nổ, làm tiểu đoàn phó Nguyễn Thanh Nông trọng thương. Thấy cấp trên gào thét kêu cứu, thượng sĩ Nguyễn Chí Cương lao đến cứu thì bị dính quả thứ 2. Tình thế hoảng loạn, trợ lý tác chiến Nguyễn Xuân Bút nhón chân 1 bước thì dính quả thứ 3, ngã vật xuống.

Khi Đại đội 2 chạy ra, căn sơ đồ bãi mìn chỉ đường thoát cho đoàn kiểm tra, thì cả 3 cán bộ đã ngất lịm. Mặc dù bộ đội đã thay nhau khênh cáng chạy trong đêm về trạm phẫu phía sau ở thị trấn Đông Khê (H.Thạch An, Cao Bằng), nhưng do quá xa nên cả 3 đã hy sinh trên đường.

“Ngày 20.5.1979, anh Cương về dự hội nghị báo công ở Bộ Quốc phòng, tranh thủ về thăm nhà được 2 ngày, lại lên ngay đơn vị và 31.5.1979 thì hy sinh” – chiều cuối năm, ngồi trong căn nhà hun hút gió ven bờ sông Luộc, ông Nguyễn Văn Lĩnh (69 tuổi, em trai anh hùng Nguyễn Chí Cương) nhớ lại.

Ông Lĩnh kể: Giữa tháng 7.1979, bố mẹ nhắn tôi xin nghỉ phép, lên Cao Bằng xem tình hình anh trai ra sao. Lên đến Lạng Sơn, tôi phải đi bộ 1 tuần sang Cao Bằng, hỏi mãi mới tới thị trấn Đông Khê và được dẫn ra nghĩa trang, chỉ cho 3 ngôi mộ mới đắp. Do mộ không ghi tên, tôi lại đi bộ gần 50 km lên đơn vị, hỏi cụ thể về anh Cương. Đến lúc ấy, mới biết chắc chắn là anh mình đã hy sinh.

Anh hùng Nguyễn Chí Cương hy sinh, để lại người vợ Phạm Thị Hồng (cưới năm 1974, chưa có con chung) đang làm công tác phụ nữ ở xã. 4 năm sau khi chồng mất, bà Hồng mới chịu đi bước nữa và đến nay, mỗi dịp giỗ chạp – lễ tết, bà vẫn qua lại gia đình như người con dâu.

Tháng 10.2019, phần mộ anh hùng Nguyễn Chí Cương được gia đình di chuyển từ Nghĩa trang liệt sĩ Đông Khê về nghĩa trang dòng họ…

Điểm cao mang tên người anh hùng
“Anh ấy là con trai duy nhất, bố là lão thành cách mạng hồi chống Pháp, không phải đi bộ đội, nhưng anh ấy nhất quyết xung phong nhập ngũ”, chị Phạm Thị Tươi (60 tuổi, em gái anh hùng – liệt sĩ Phạm Ngọc Yểng, hiện đang ở xã Việt Hòa, H.Khoái Châu, Hưng Yên) kể với tôi.

Ông Phạm Văn Uyển (1927 – 2012) và bà Hoàng Thị Thuế (1929 – 1987) sinh con trai đầu Phạm Ngọc Yểng năm 1953 và sau là 3 cô con gái (Phạm Thị Xuyên, 1960; Phạm Thị Tươi, 1964; Phạm Thị Chuyển, 1968).

Tháng 8.1971, đang học lớp 10, chàng trai Phạm Ngọc Yểng cương quyết nhập ngũ, vào chiến đấu trong chiến trường miền Nam. Sau ngày thống nhất, anh cùng đơn vị ra bảo vệ biên giới Lạng Sơn.

Tháng 2.1979, Phạm Ngọc Yểng là trung úy – Chính trị viên Đại đội 2 (Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3), chốt giữ đồi Thâm Mô (thị trấn Đồng Đăng, H.Cao Lộc). Từ rạng sáng 17.2.1979, quân xâm lược tập trung hỏa – binh lực hòng đánh chiếm Thâm Mô, nhưng đã bị bộ đội ta đánh trả quyết liệt.

Mờ sáng ngày 22.2, sau khi tăng lực lượng, Sư đoàn 63 địch có xe tăng và pháo binh chi viện, mở đợt tấn công toàn diện vào điểm cao Thâm Mô. Những trận chiến đấu giằng co diễn ra quyết liệt. Các chiến sĩ y tá, nuôi quân, liên lạc cũng quần đánh địch từ khu nhà văn hóa đại đội đến hầm chỉ huy. Sau 5 ngày chiến đấu, Đại đội 2 chỉ còn lại 20 chiến sĩ, do chính trị viên Phạm Ngọc Yểng chỉ huy.

Chiều 26.2, địch tập trung đánh chiếm đồi Thâm Mô. Bộ đội ta đánh địch bằng mọi thứ có trong tay, từ súng đạn đến đất đá và tay không. Xẩm tối, địch lại ồ ạt tổ chức đợt tấn công cuối cùng. Trung úy Phạm Ngọc Yểng chỉ huy 10 chiến sĩ còn lại của đại đội, sau khi bắn hết đạn đã đánh giáp lá cà với địch và anh dũng hy sinh.

Đại tá Phan Văn Thắng kể lại: “Địch chiếm trận địa, chúng tôi hết đạn, rút về công sự của Yểng, thấy anh ấy ngồi tựa lưng vào vách hào, bàn tay phải còn nắm chặt khẩu K.54. Từ đó, chúng tôi gọi đồi Thâm Mô là đồi Phạm Ngọc Yểng”…

“Anh ấy cao lắm, đi qua cửa nhà cứ phải cúi xuống. Cuối năm 1978 anh về phép, định cưới vợ, nhưng vì tình hình biên giới căng thẳng, phải trở về đơn vị, nên hoãn lại qua tết”, chị Tươi nhớ lại vậy.

Chị Tươi bần thần: Anh Yểng hy sinh, bà Thuế đêm nào cũng xuống bếp ngồi khóc. Đơn vị về đón bố mẹ liệt sĩ lên nhận danh hiệu anh hùng, bà cũng từ chối, để mình ông Uyển đi thay. Héo hon ốm đau mãi, đến 1987 bà mất. Trước khi nhắm mắt, vẫn không quên dặn chồng: “Ông cố gắng đưa thằng bé về”.

Năm 1991, gia đình lên Nghĩa trang Cao Lộc đưa liệt sĩ Phạm Ngọc Yểng về quê. Do thời ấy chưa cho di chuyển hài cốt liệt sĩ, nên phải… bốc trộm, bỏ vào túi du lịch, xách tay theo xe khách. Khi đưa di cốt lên, chị Tươi sờ thấy 1 miếng vỡ ở ngay giữa trán anh mình, liệt sĩ Phạm Ngọc Yểng.

Cây bút bị đạn xuyên qua

“Giữa năm 1977, xã gọi tôi nhập ngũ. Chú Thường bảo: Anh có vợ con thì ở nhà, để em đi thay và viết đơn xung phong”, ông Trần Trung Bình (anh trai của anh hùng – liệt sĩ Trần Trọng Thường) tâm sự với chúng tôi.

Thấy người em to cao đẹp trai lại học giỏi, nên lãnh đạo xã Thanh Sơn (H.Thanh Hà, Hải Dương) đồng ý cho Trần Trọng Thường nhập ngũ thay anh trai.

Tháng 9.1977, kết thúc 3 tháng huấn luyện, binh nhất Trần Trọng Thường được đưa đi học lớp tiểu đội trưởng và đầu năm 1978, bổ sung quân số vào Đại đội 51 (Ttiểu đoàn 5, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3) đóng quân ở cao điểm tây bắc thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn).

Lịch sử Sư đoàn 3 ghi lại: Từ ngày 17 – 23.2.1979, hạ sĩ – tiểu đội trưởng Trần Trọng Thường đã chỉ huy tiểu đội chiến đấu dũng cảm, diệt nhiều sinh lực địch; từ 25 – 28.2, Trần Trọng Thường động viên bộ đội và kiên cường chiến đấu, quyết tâm giữ vững trận địa trong vòng vây của địch; ngày 3.3.1979, sau khi bắn hết đạn, Trần Trọng Thường dẫn bộ đội xung phong đánh giáp lá cà diệt địch và đã anh dũng hy sinh…

Bà Đoàn Thị Dung (chị dâu của liệt sĩ Trần Trọng Thường) kể: Trước khi hy sinh, anh Thường tranh thủ công tác ghé thăm nhà 2 lần, lần nào cũng dúi cho chị 1 cân đường, dành dụm từ tiêu chuẩn bộ đội. Biết cậu em thích viết, ông Bình mua tặng 1 cây bút Kim Tinh. Bà mẹ thì đan tặng chiếc áo len dày, nhắc con trai chống rét trên miền núi đá.

Thời gian sau, gia đình lên Lạng Sơn đưa thi hài liệt sĩ Trần Trọng Thường về quê. Khi bốc hài cốt, thấy chiếc bút Kim Tinh bị đạn xuyên thủng vẫn nằm trong túi áo ngực. Chiếc bút của anh hùng – liệt sĩ Trần Trọng Thường, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương.

Ngọn lửa Pò Hèn

Anh hùng Đỗ Sĩ Họa sinh 1946, quê ở xã Hồng Vân, H.Ân Thi, Hưng Yên. Khi hy sinh là thượng úy, phó đồn trưởng Đồn 209 – Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh (nay là Đồn biên phòng Pò Hèn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh). Đỗ Sĩ Họa đã tham gia chiến đấu ở Quảng Trị. Tuy bị thương, sức khỏe giảm sút, nhưng vẫn tình nguyện lên bảo vệ biên giới phía Bắc.

Ngày 17.2.1979, quân xâm lược ồ ạt tấn công. Đồn trưởng đi công tác, Đỗ Sĩ Họa đã trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch. Điểm cao Đồi Quế bị chiếm, Đỗ Sĩ Họa đã tổ chức lực lượng tấn công, đuổi địch khỏi cao điểm và hy sinh chiều 17.2.1979. Ngày 19.12.1979, liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa được truy tặng danh hiệu anh hùng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới