Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnCao Bằng sau 45 năm kiên cường vươn lên 'từ đống đổ...

Cao Bằng sau 45 năm kiên cường vươn lên ‘từ đống đổ nát’

Sau cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc bắt đầu từ năm 1979, Cao Bằng đổ nát hoang tàn. 45 năm không ngừng vươn lên, ngày nay diện mạo của tỉnh có hơn 333km đường biên với Trung Quốc đã lột xác ngoạn mục.

Năm 2024 đánh dấu mốc tròn 45 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Sau năm 1979, Cao Bằng là một trong những tỉnh bị tàn phá nặng nề.

Trong cuốn sách Lịch sử và Địa lý tỉnh Cao Bằng khái quát về cuộc chiến như sau: Ngày 17/2/1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc vô cớ tấn công trên toàn tuyến biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta. Ở Cao Bằng, chúng tiến đánh theo 4 hướng: Thông Nông, Trà Lĩnh, Quảng Hòa, Thạch An rồi đánh Nguyên Bình, Hà Quảng tiến vào thị xã Cao Bằng (nay là TP Cao Bằng).

Cuộc chiến tranh biên giới do Trung Quốc gây ra đã làm cho 80% số xã, 70% nhà cửa bị huỷ hoại; 1.500 người chết, trong đó có 70 cán bộ, công nhân viên; 450 người bị bắt. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội bị tàn phá nặng nề.

Với sự quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, quân và dân tỉnh Cao Bằng liên tiếp giáng trả, làm tiêu hao sinh lực địch, góp phần buộc địch phải rút lui về bên kia biên giới vào ngày 16/3/1979.

Tại Bảo tàng tỉnh Cao Bằng hiện nay lưu lại một số hình ảnh tư liệu về thị xã Cao Bằng. Những gì thể hiện trong các tấm ảnh tư liệu chỉ vỏn vẹn là “một đống đổ nát”. Trong kí ức những người đương thời, Cao Bằng của 45 năm trước không có một nóc nhà nào còn nguyên vẹn. Ký ức ám ảnh về cuộc chiến vẫn in sâu vào tâm trí nhiều thế hệ.

Gần nửa thế kỷ sau cuộc chiến, Cao Bằng hôm nay vươn lên mạnh mẽ, kiên cường đứng vững và tạo nên nhiều động lực đưa tỉnh phên dậu của Tổ quốc đạt được những kết quả nổi bật trên mọi lĩnh vực. Từ đống đổ nát mà cuộc chiến để lại, Cao Bằng sau 45 năm lột xác ngoạn mục, diện mạo đô thị sôi động, hoạt động giao thương, thu hút đầu tư, cải thiện hạ tầng giao thông, chăm lo đời sống người dân đến các chính sách đối ngoại đúng đắn đã đưa vị thế của tỉnh được nâng lên tầm cao mới.

Câu chuyện về cuộc chiến tranh biên giới vẫn được người dân Cao Bằng kể cho nhau nghe, đặc biệt là mỗi dịp tháng hai về. Đây cũng là dịp để nhìn lại hành trình Cao Bằng vượt qua những giai đoạn khó khăn để vươn lên với những kết quả đặc biệt quan trọng.

Trong cuộc trò chuyện với VietNamNet vào những ngày tháng 2/2024, ông Hoàng Xuân Ánh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh đến những điểm sáng trong tăng trưởng của tỉnh sau 45 năm và riêng năm 2023.

Cụ thể, số liệu thống kê mới nhất năm 2023 cho thấy, Cao Bằng có quy mô nền kinh tế trên 10.000 tỷ đồng, tỉnh duy trì nhịp độ tăng trưởng dương với tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 là 2,24%.

Nổi bật trong đó là lĩnh vực Công Thương, tỉnh tổ chức điều hành linh hoạt, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và bố trí sản xuất, kinh doanh hợp lý, tập trung khai thác tối đa những yếu tố thuận lợi để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ và các lĩnh vực liên quan trên địa bàn tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 6.700 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tỉnh vừa hoàn thành việc lập Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Các dự án đầu tư được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm và sản phẩm cụ thể, có trên 82% chiều dài các tuyến đường huyện, đường xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường. Các dự án lớn có tính lan tỏa được tập trung quyết liệt thực hiện, nổi bật trong số đó là dự án cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) chính thức được khởi công vào cuối năm 2023.

Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế. Tỉnh hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân được đẩy mạnh, qua đó tăng cường sự đồng thuận trong nhân dân, củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Công tác nội vụ, tư pháp, thanh tra được chú trọng chỉ đạo thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh. Cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh. Riêng với Đề án 06 của Chính phủ, Cao Bằng là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên cả nước kết nối hệ thống Cổng Dịch vụ công tỉnh và Một cửa điện tử tỉnh với Phần mềm dịch vụ công liên thông theo quy định; là tỉnh đứng thứ 19 về đích trong thực hiện thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Cao Bằng tăng cường trong lĩnh vực đối ngoại với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, đạt thành tựu quan trọng, tạo thời cơ, vận hội mới, để phát triển kinh tế – xã hội. Gần đây nhất, năm 2023, tỉnh Cao Bằng phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức thành công hội nghị giới thiệu Cao Bằng tại Hà Nội với chủ đề “Cao Bằng điểm đến – kết nối và phát triển” có hơn 500 khách mời trong nước và quốc tế tham dự.

Tình hình quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia được giữ vững. Công tác chuẩn bị và tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ huyện, xã trong những năm qua được thực hiện kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh, những kết quả tích cực đạt được nêu trên là nhờ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh cộng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp; sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Theo ông Hoàng Xuân Ánh, để tỉnh tăng tốc hơn trong phát triển kinh tế – xã hội, Cao Bằng đã và đang cải thiện về hạ tầng giao thông để thu hẹp khoảng cách địa lý với các địa phương khác trong khu vực. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển kinh tế cửa khẩu (từ năm 2021 đến nay đã thực hiện cấp mới 9 dự án trong khu kinh tế cửa khẩu với tổng vốn đăng ký hơn 437 tỷ đồng; lũy kế đến nay, có 64 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký 9.639 tỷ đồng, có 43 dự án hoàn thành đi vào hoạt động).

Với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, TP Cao Bằng vẫn giữ được những không gian công cộng phục vụ đời sống tinh thần của người dân. Những không gian này giúp TP Cao Bằng trở thành điểm đến hấp dẫn các du khách thập phương. Nhiều nhà đầu tư đã chọn Cao Bằng làm điểm dừng chân. Các doanh nghiệp bất động sản chọn Cao Bằng làm điểm dừng chân, góp phần nâng cao diện mạo đô thị tỉnh.

Ông Nguyễn Thế Hoàn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND thành phố Cao Bằng chia sẻ: Diện mạo đô thị thành phố sau 45 năm đã có những thay đổi mang tính đột phá. Đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng cao. Chính quyền thành phố trong những năm qua dồn nhiều nguồn lực nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đưa ứng dụng công nghệ vào hoạt động công vụ nhằm phục vụ người dân tốt nhất. Thống kê cho thấy, tại thành phố có tổng cộng 236 thủ tục hành chính, trong đó 179 thủ tục trực tuyến toàn trình. Tính riêng năm 2023 thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 2.225 hồ sơ, trong đó, số hồ sơ đã giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 98%, không có hồ sơ quá hạn. Với nỗ lực của cả hệ thống, chỉ số hài lòng của người dân vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của chính quyền không ngừng được tăng lên.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới