Wednesday, January 22, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKhủng hoảng thừa ở TQ và mối họa cho Việt Nam

Khủng hoảng thừa ở TQ và mối họa cho Việt Nam

Chetan Sehgal, nhà quản lý danh mục đầu tư của Quỹ các nước đang phát triển Franklin Templeton, từng nói với Financial Times: “Trung Quốc sẽ xuất khẩu giảm phát sang các nước trên thế giới và bạn sẽ thấy rằng các nền kinh tế đang phát triển đang phải đối mặt với tình trạng dư cung của Trung Quốc”. Việt Nam chắc chắn đã, đang và sẽ là “nạn nhân” lớn nhất của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng dư cung, giảm phát này.

Các container vận chuyển xếp chồng lên nhau tại cảng Chu San ở Ninh Ba, thuộc tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc, vào ngày 19/04/2023.

Dù không phải là chuyên gia kinh tế như ông Chetan Sehgal, chúng ta đều chắc chắn rằng tình hình khủng hoảng dư thừa hàng tồn kho của Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực tới các nền kinh tế như Việt Nam.

Hậu quả nhãn tiền có thể thấy là hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc xâm chiếm thị trường nội địa, đánh bại các doanh nghiệp tư nhân trong nước, khiến doanh nghiệp đã yếu, khốn khó càng khốn khó hơn. Nhưng đó là bề nổi, ở một phương diện khác, âm thầm và kín tiếng hơn, doanh nghiệp Trung Quốc còn muốn thay thế doanh nghiệp Việt trong các ngành sản xuất chủ đạo, từng bước chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu thông qua “tẩy CO” (CO: chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, chuyển từ chứng nhận xuất xứ Trung Quốc sang chứng nhận xuất xứ Việt Nam).

Là một người tiêu dùng thông thường, có thể bạn nghĩ: ít nhất người tiêu dùng Việt Nam sẽ không tiêu dùng hàng giá rẻ của Trung Quốc hoặc ít nhất chính phủ nhất định có biện pháp để can thiệp sớm vấn đề này. Nhưng có nhiều lỗ hổng và rủi ro trong quản trị nhà nước của Việt Nam về cấp CO, phê duyệt FDI, … đến mức mà doanh nghiệp Trung Quốc có thể thâu tóm thị trường nội địa và xuất khẩu của Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn, sau đó giá cả hàng hoá không còn rẻ như bạn nghĩ trong khi các bạn có thể mất việc làm cho người Trung Quốc.

Một điều tra chuyên sâu của phóng viên NTDVN với các nhà quản lý logistics, các chuyên gia kinh tế trong nước cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc đang có bước tiến bài bản cho chiến dịch “xâm lược” thị trường này.

Dư thừa hàng hoá – Dân Trung Quốc ngừng tiêu dùng
Không chỉ bất động sản (BĐS) đang vỡ bong bóng, tất cả hàng hoá của Trung Quốc đều đang dư cung tồi tệ. Ông P.H, một nhà quản lý của một doanh nghiệp logistics cỡ lớn ở Việt Nam, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành, cho biết tình trạng dư cung của Trung Quốc tồi tệ hơn nhiều các con số nước này tuyên bố. Các chuyến công tác tại Trung Quốc và hình ảnh bạn hàng Trung Quốc gửi qua các cuộc gọi video cho thấy nhiều kho hàng tại các thành phố ven biển của nước này đã không còn chỗ chứa, hàng tràn ra khỏi kho và phải xếp một số loại hàng hoá ở ngoài trời.

Ông P.H nói rằng “tình trạng dư cung hàng hoá của Trung Quốc đã diễn ra từ lâu, nhưng theo cảm nhận và hiểu biết của tôi, đây là thời điểm trầm trọng nhất”. Ông cho biết: “mọi thứ tồi tệ hơn sau 3 năm phong toả Covid-19. Các bạn hàng của chúng tôi nói rằng người Trung Quốc từ trung lưu chuyển sang nhóm dân số thu nhập thấp tăng lên, trong khi người giàu ở Trung Quốc cố gắng giữ tiền mặt tại nhà. Người giàu Trung Quốc sợ chuyển hết tiền thành e-CNY [tiền nhân dân tệ kỹ thuật số]. Họ sợ bị giám sát, tước đoạt, họ muốn chuyển tiền ra nước ngoài nên cũng tiết giảm tiêu dùng nhiều nhất có thể”.

Tình trạng dư cung và tâm lý tiêu dùng tiêu cực mà nhà quản lý logistics mô tả ở trên phù hợp với với phản ứng tâm lý hành vi mà các nhà kinh tế học mô tả khi nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát, suy trầm. Giá cả giảm, đặc biệt giá nhà đất giảm tới 1/3 giá trị, tài sản phút chốc bị suy giảm, người dân giảm tiêu dùng, đầu tư vì mất niềm tin vào tương lai. Doanh nghiệp giảm sản xuất vì có thể càng sản xuất càng lỗ khi giá cả xuống dốc.

Quan trọng hơn, tình trạng giảm phát của Trung Quốc đến từ đủ các nguyên nhân mà các lý thuyết kinh tế học nhắc đến, đó là: (i) dư cung hàng hoá trong thời gian dài; (ii) niềm tin tiêu dùng, niềm tin kinh doanh giảm; (iii) nợ xấu tăng vọt; (iv) một thị trường tài sản lớn bị đầu cơ quá lâu dẫn tới nổ bong bóng [ở Trung Quốc là BĐS]. Đó là lý do phản ứng tâm lý của người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc, như mô tả ở trên, càng trở nên thái quá hơn [so với Nhật Bản hồi thập niên 1990]. Niềm tin vào chính phủ suy giảm trầm trọng sau chiến dịch đàn áp kinh tế tư nhân, biến tài sản tư thành tài sản công qua các chương trình “thịnh vượng chung” hoặc là kiểm soát kinh tế tư nhân qua thiết lập chi bộ đảng trong các doanh nghiệp này.

Điểm thú vị mà ông P.H nhắc tới chính là tầng lớp trung lưu và người giàu Trung Quốc không chỉ không tiêu dùng, nhiều trong số bạn bè của ông [đa số là các doanh nhân Trung Quốc] cho biết họ giữ tiền mặt tại nhà thay vì để ngân hàng. Lúc này ngoại tệ và vàng là ưu tiên hàng đầu. Người Trung Quốc không tin vào cái gọi là nhân dân tệ kỹ thuật số, họ tin rằng đó là cái bẫy, là nhà tù đối với của cải.

Nhưng vấn đề ở chỗ, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ làm gì để tiêu thụ kho hàng mà đại lục không thể hấp thụ? Hành trình tìm kiếm thị trường các nền kinh tế phát triển, tranh đoạt thị trường xuất khẩu của các nền kinh tế này dường như là con đường sống còn lúc này. Hiển nhiên, Việt Nam là một trong những “con mồi” đầu tiên của các kho hàng đang tồn dư này.

Chiếm lĩnh thị trường nội địa bằng thương mại điện tử
Cuối năm 2022, CafeF trích dẫn một bài từ trang Finance China, trong 9 tháng đầu năm 2022, đã có 80 tỉ bưu kiện được chuyển phát khắp trong và ngoài nước Trung Quốc. Điều đó có nghĩa trung bình mỗi ngày, cứ năm người Trung Quốc thì có một người đang gửi hoặc nhận một bưu kiện. Trên các nền tảng mua sắm như Taobao, Shopee hay Lazada, thời gian để giao nhận một bưu kiện chỉ kéo dài từ một đến năm ngày. Phí vận chuyển cực kỳ phải chăng, mức giá từ 3 Nhân Dân Tệ (NDT) (khoảng 10.000 đồng tại thời điểm này) cũng có.

Thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam dễ dàng bị thôn tính bởi thương mại điện tử của Trung Quốc vì chi phí vận chuyển quá cạnh tranh, giá hàng hoá rẻ (do dư cung). Bên cạnh đó, các quảng cáo qua kênh trực tuyến như Tik Tok, Facebook, … chuyên nghiệp, dày đặc đã thực sự đánh bại hàng hoá trong nước.

Thực trạng thị phần tiêu dùng trong nước rơi vào tay Trung Quốc sẽ tệ hơn khi các doanh nhân Trung Quốc (có thể ẩn danh dưới dòng vốn Singapore, Thái Lan, …) sở hữu các nền tảng thương mại điện tử trong nước. Khi đó, chỉ cần chính sách chiết khấu cao với hàng hoá “made in Vietnam” thì hàng Việt sẽ có thể hoàn toàn biến mất khỏi thương trường trong nước, chưa kể các thuật toán khiến hàng hoá Trung Quốc hiển thị, tiếp cận mạnh hơn tới người tiêu dùng trong nước.

Các doanh nghiệp Việt mất dần thị trường tiêu dùng trong nước khi chưa có rào cản thuế quan, phi thuế quan bảo hộ như hiện nay.

Chiếm thị trường xuất khẩu qua FDI ‘bẩn’
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn là chỉ số quan trọng đo lường sức tăng trưởng của các nền kinh tế. FDI là một thành phần của I (Investment: đầu tư), một trong những thành phần đo lường tăng trưởng GDP.

Nhưng FDI mang lại sản phẩm mới, tạo được việc làm, chuyển giao công nghệ, là nền tảng tạo đà tăng trưởng tương lai thì đó là FDI tốt, FDI sạch. Nhưng nếu FDI không mang lại tri thức, công nghệ, không tạo việc làm, thậm chí còn tận hưởng các chính sách ưu đãi thuế, đất đai, tài nguyên trong khi “xâm lược” thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước thì đó là FDI bẩn. Dòng vốn FDI bẩn như vậy từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam đã được cảnh báo nhiều năm nay, hiện nay càng trở nên tinh vi.

Ông P.H chia sẻ với NTDVN rằng doanh nghiệp Trung Quốc đang ráo riết nghiên cứu kỹ các ngành hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam, gồm cả sản xuất chế biến gỗ cho tới nuôi trồng hải sản và nông sản, vốn là thế mạnh của Việt Nam. Họ vừa chuyển cơ cấu hàng hoá theo vừa đầu tư vào Việt Nam ngành tương tự. Cách thức là ban đầu, khi có CO tại Việt Nam, sẽ bán phá giá xuất khẩu. Khi doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh với mức giá của Trung Quốc thì doanh nghiệp tự phá sản hoặc buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh.

Vì sao doanh nghiệp Trung Quốc có thể dễ dàng bán phá giá như vậy với các hàng hoá sản xuất ở Việt Nam? Với nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương mà Việt Nam đang tham gia, các nước nhập khẩu chấp nhận xuất xứ CO Việt Nam với tỷ lệ nội địa thấp, hiện ở mức 30% hàm lượng giá trị gia tăng (VAC) với hầu hết các sản phẩm sản xuất trong nước, theo Bộ Công thương. Đây là ngưỡng rất thấp, ngưỡng VAC được công nhận xuất xứ tại Thuỵ Sỹ là 60%, Mỹ là 50%.

Điều này đã hấp dẫn dòng vốn FDI lẩn thuế, trốn thuế trừng phạt thương mại từ Trung Quốc và cả FDI muốn chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu của Việt Nam qua tẩy CO. Khi 70% quy trình, công nghệ, công đoạn sản xuất ở Trung Quốc, Việt Nam khó có thể cạnh tranh về giá. Chưa kể, hàng tồn kho quá nhiều ở Trung Quốc khiến các doanh nghiệp FDI của Trung Quốc tại Việt Nam dễ dàng mua hàng giá rẻ, mua hàng trả chậm thời gian dài để phá giá hàng hoá xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp FDI khác, với doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.

Có thể ngăn FDI ‘bẩn’?
Về lý thuyết thì có rất nhiều biện pháp để nhận diện, xác nhận, kiểm toán và loại bỏ FDI bẩn. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này khó khăn khi các tỉnh thành phải đối diện với kế hoạch tăng trưởng GDP hàng năm. Áp lực chính trị và nhiệm kỳ của lãnh đạo địa phương khiến các địa phương cạnh tranh nhau nguồn vốn FDI một cách gay gắt; điều này khiến FDI bẩn có nhiều cách để tràn vào các khu công nghiệp trên cả nước. Theo pháp luật Việt Nam, quyền phê duyệt hầu hết các dự án FDI thuộc về địa phương.

Bà N.N.H, chuyên gia kinh tế, nói với phóng viên của NTDVN rằng mặc dù phân quyền cho địa phương về đón nhận, phê duyệt FDI, nhưng chính quyền trung ương lại không có khung khổ pháp lý chung để loại bỏ FDI bẩn, FDI xấu cũng như chế tài giám sát, kiểm toán hay trách nhiệm giải trình của địa phương về vấn đề này. Bởi vậy, trước áp lực theo đuổi tăng trưởng cho địa phương trong nhiệm kỳ của mình, đôi khi cũng là do tham nhũng, các tỉnh vẫn nhiệt tình đón nhận dòng vốn FDI mà không có đánh giá phù hợp.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới