Wednesday, December 25, 2024
Trang chủNước Việt đẹpNét mới trong lễ hội Tản Viên Sơn Thánh Ba Vì

Nét mới trong lễ hội Tản Viên Sơn Thánh Ba Vì

Bên cạnh việc tổ chức Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, huyện Ba Vì (Hà Nội) còn bố trí các gian hàng chợ quê để giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề, văn hóa của địa phương, đồng bào dân tộc.

Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh sẽ được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn.

Lễ hội tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng
UBND huyện Ba Vì vừa ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh xuân Giáp Thìn và khai trương du lịch huyện Ba Vì năm 2024. Cụ thể, Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh sẽ được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn (tức ngày 23/02/2024 – thứ Sáu) tại di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền Hạ, xã Minh Quang.

Năm nay, lễ khai hội bao gồm các phần dâng lễ, biểu diễn nghệ thuật; đánh trống khai hội; thực hiện nghi thức khai trương du lịch; tấu chúc và dâng hương. Lễ hội không tổ chức rước liên vùng với huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ nhưng vẫn đảm bảo đúng nghi thức truyền thống, trang trọng, tiết kiệm.

Song song với đó, huyện Ba Vì còn tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng nhằm phát huy năng lực sáng tạo phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hoá tinh thần của nhân dân.

Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì cho biết, để lễ khai hội thành công tốt đẹp, UBND huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban tổ chức đảm bảo công tác chuẩn bị, trang trí khánh tiết, chỉnh trang đô thị; vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn giao thông, xây dựng phương án giữ gìn an ninh trật tự.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cụm di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ, xã Minh Quang; tuyên truyền về Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh và khai trương du lịch năm 2024…

Đặc biệt, cũng trong dịp này, huyện Ba Vì cũng bố trí các gian hàng chợ quê để giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề, văn hóa của địa phương, đồng bào dân tộc.

“Lễ hội được tổ chức nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tinh thần của người Ba Vì nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung đối với công đức của Đức Thánh Tản Viên Sơn.

Tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, thiết thực phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tâm linh của nhân dân; Phát huy giá trị di sản văn hóa, từng bước hoàn thiện các nghi thức thực hành tín ngưỡng tục thờ Tản Viên Sơn Thánh, phát triển thành vùng lễ hội”, ông Đức Anh chia sẻ.

Nguồn gốc tục thờ Tản Viên Sơn Thánh
Theo Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì, sự thờ phụng Tản Viên Sơn Thánh trên đây bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ thần núi, cộng với tục thờ người có công với dân với nước – một vị thần linh anh hùng có công lao lớn và toàn diện với nhân dân và dân tộc. Trải qua nhiều thế hệ, nhân dân ta một lòng tôn kính, ngưỡng mộ Tản Viên Sơn Thánh bởi họ tìm thấy ở ngài phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của dân tộc và quê hương mình.

Theo ghi chép trong sử sách, bản ngọc phả, thần tích còn lại các di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh và lời kể của nhân dân quanh vùng núi Ba Vì thì khoảng 250 năm trước Công Nguyên, An Dương Vương cho lập đền thờ đức Thánh trên núi Tản Viên, gọi là Đền Thượng (nay thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội).

Nhà nước phong kiến phải huy động nhân dân quanh hai bờ sông Đà nối tay nhau vận chuyển vật liệu hàng chục km từ sông lên qua các vách đá cheo leo để đến được ngọn núi cao 1227m. Tản Viên Sơn Thánh trở nên bất tử trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt cổ, được di dưỡng qua năm tháng, ngày càng tỏa sáng trong cuộc sống hôm nay.

Tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh đã sản sinh ra các lễ hội làng: Lễ hội gồm phần lễ với các nghi lễ khấn, đọc văn tế và rước thể hiện lòng biết ơn của nhân dân đối với Tản Viên Sơn Thánh; phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian độc đáo mang tính sáng tạo của nhân dân lao động. Lễ hội chính là hoạt động sinh hoạt văn hóa để tăng tính cố kết cộng đồng.

Ngoài ra, tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh tại huyện Ba Vì là một sinh hoạt văn hóa tinh thần quan trọng bậc nhất của cộng đồng nhân dân địa phương cùng nhân dân quanh vùng núi Ba Vì.

Trong đó, lễ hội là hoạt động văn hóa thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương, qua đó góp phần vào việc duy trì và củng cố niềm tin về một vị thần núi, người anh hùng văn hóa mang lại mùa màng tươi tốt, sức khỏe cho con người và cuộc sống an lành, ổn định không chỉ cho nhân dân sở tại, mà còn cho nhân dân cả nước.

Cho đến ngày nay những giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh của tập quán xã hội thờ Tản Viên Sơn Thánh vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục phát huy vai trò trong cuộc sống hiện đại.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới