Vụ xả súng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào ngày mùng Một Tết tại thôn Trạch Khoa, huyện Cư, thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, đã khiến ít nhất 21 người thiệt mạng. Vụ việc lan truyền rộng rãi trên mạng trong những ngày qua, tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành phong tỏa toàn bộ tin tức trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
Mọi người nên để ý một vấn đề, nếu ở Mỹ xảy ra vụ xả súng, dù chỉ chết một hoặc hai người, thì các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng sẽ đưa tin trong thời gian sớm nhất và liên tục theo dõi. Ngược lại, nếu xảy ra bất kỳ thảm họa nào ở Trung Quốc, thủ đoạn thường dùng của chính quyền là có thể đàn áp thì đàn áp, nếu không thể đàn áp thì “biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành chuyện không có gì”, hoặc lừa gạt người dân. Hai cách tuyên truyền và đưa tin này đều có chung một mục đích, đó là tô vẽ sự “xấu xa” của xã hội Mỹ, che đậy sự “mất trật tự” và “tàn ác” của xã hội dưới sự cai trị của ĐCSTQ, khiến người Trung Quốc không cảm nhận được cái gọi là “hạnh phúc” khi sống ở Trung Quốc.
Rõ ràng, mục đích lớn của việc phong tỏa vụ xả súng đặc biệt nghiêm trọng ở Sơn Đông cũng là như vậy. Ngoài ra, việc phong tỏa của ĐCSTQ còn xuất phát từ lo ngại lớn hơn.
Dựa vào nhiều thông tin lan truyền trên mạng, có thể xác định chắc chắn rằng số người chết và bị thương không ít, ít nhất là 21 người, nhiều nhất có thể lên đến hơn 40 người, bao gồm cả nam, nữ, già, trẻ và cả bác sĩ đến ứng cứu. Tuy nhiên, danh tính của phần lớn người chết vẫn chưa được xác nhận. Qua đó cho thấy, hung thủ đã thực hiện hành vi sát hại bừa bãi trong phạm vi nhất định, bất kể là phụ nữ hay trẻ em. Điều này cho thấy hung thủ có tính cách vô cùng tàn nhẫn, quyết liệt và không sợ hãi bất kỳ hậu quả nào.
Những điều chưa được xác định bao gồm số lượng hung thủ, danh tính, hung khí và động cơ gây án. Hiện tại, thông tin về số lượng hung thủ được lan truyền là từ 3 đến 6 người, danh tính có thể là cảnh sát đặc nhiệm bị sa thải hoặc quân nhân xuất ngũ, có thể là “kẻ báo thù” do bị oan ức phải tù tội nay đã ra tù, hoặc có thể là cả hai; hung khí là súng tự chế và dao.
Về động cơ gây án, không ngoài hai trường hợp: báo thù và trả thù xã hội, hoặc có thể là cả hai.
Nhìn chung về danh tính và động cơ, dù là bị oan hay từng bị gài bẫy, hung thủ chắc chắn đã tích tụ rất nhiều oán khí và không tìm thấy con đường nào để giải thoát, không nhìn thấy hy vọng trong cuộc sống, nên đã vô cùng liều lĩnh. Ngoài ra, từ hung khí và thời điểm gây án, hung thủ cũng đã chuẩn bị sẵn, cho thấy họ vẫn rất bình tĩnh và tỉnh táo.
Từ đó có thể thấy rằng nỗi sợ hãi lớn nhất của chính quyền Trung Quốc khi phong tỏa các thông tin về vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng vào dịp năm mới này là sợ rằng sẽ xuất hiện nhiều người hơn, bao gồm cả những quân nhân xuất ngũ bất mãn với chính quyền, sẽ noi theo, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường bất động sản và chứng khoán sụp đổ, nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp không ngừng gia tăng, thu nhập của người dân giảm xuống.
Trên thực tế, dưới sự cai trị của chính quyển Trung Quốc, đặc biệt là từ khi Giang Trạch Dân nắm quyền, không chỉ các cơ quan chính phủ, quân đội tham nhũng nghiêm trọng, mà các vụ án hình sự ở Trung Quốc còn tăng từ 17% đến 22% mỗi năm, tỷ lệ án hình sự nghiêm trọng trên toàn quốc cũng cao nhất, thế lực đen lũng đoạn, án oan ở khắp nơi. Các vụ bạo lực từ giết hại quan chức, cảnh sát đến giết người vô tội không phải là hiếm ở Trung Quốc và vẫn đang tiếp diễn.
Vụ sát hại một số sĩ quan cảnh sát Thượng Hải của Dương Gia (Yang Jia) năm 2008 đã trở thành một vụ việc mang tính bước ngoặt. Năm 2011, các vụ nổ xảy ra ở Cát Lâm và Phúc Châu, mục tiêu của các vụ nổ rõ ràng là nhằm vào chính quyền Trung Quốc và các quan chức Trung Quốc. Ngoài ra, một thảm kịch khác đã xảy ra ở miền Nam, tại một ngân hàng, các quan chức bị bỏng từ một quả cocktail Molotov tự chế do một nhân viên ném ra, nguyên nhân điều tra cho thấy, nhân viên này đã bị sa thải không rõ lý do trong một cuộc họp, người ta nói rằng hơn 40 người bị thương, và một số người đã nhảy ra khỏi tòa nhà để trốn thoát.
Năm 2012, nhiều quan chức bị sát hại bao gồm: phó giám đốc văn phòng công an ở thị trấn Nhân Hòa, huyện Vĩnh Thắng, thành phố Lệ Giang, tỉnh Vân Nam; trưởng thôn khu Bắc Thần, thành phố Thiên Tân; Tần Khải Minh, một quan chức ở huyện Linh Xuyên, thành phố Quế Lâm, Tỉnh Quảng Tây; Trương Ba, phó đội trưởng Cục Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Giang, tỉnh Quý Châu; Phó Đội trưởng trị an của Công an huyện Đông Hải, thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông; Cán bộ thôn Ba của làng Tinh Quang, thị trấn Hạnh Hoa, tỉnh Hồ Bắc…
Năm 2013, xảy ra nhiều vụ việc ở Tân Cương trong đó người Duy Ngô Nhĩ tấn công và giết chết các sĩ quan cảnh sát và quan chức địa phương. Vào ngày 28/6, hơn 100 người trang bị dao và đi xe máy ở vùng Hotan, miền nam Tân Cương đã cố gắng tấn công Văn phòng Công an huyện Mặc Ngọc; ngày 26/6, đồn cảnh sát huyện Thiện Thiện và các cơ quan nhà nước ở Turpan, Tân Cương đã bị tấn công khiến 35 người thiệt mạng; ngày 23/7, xảy ra vụ bạo lực gây thương vong nghiêm trọng ở huyện Ba Sở, Kashgar, Tân Cương, khiến 15 người thiệt mạng, bao gồm cảnh sát và nhân viên cộng đồng; ngày 20/7 xảy ra vụ nổ ở Sân bay quốc tế Bắc Kinh….
Năm 2014, phó giám đốc văn phòng tiểu khu Nam Ninh bị một người bán hàng rong dùng dao giết chết; hai quan chức của Phòng Vệ sinh thị trấn Bắc Cẩm Châu bị giết trong văn phòng; phó giám đốc Phòng Duy trì ổn định huyện Tân Long, tỉnh Tứ Xuyên bị bắn chết; Đội trưởng quản lý đô thị tại khu vực thu hồi đất ở xã Long Đàm, tỉnh Cát Lâm bị chém chết; tại nhà ga Côn Minh đã xảy ra vụ tấn công khủng bố khiến 30 người thiệt mạng; vụ đánh bom xảy ra trên một xe buýt ở Hạ Môn khiến 48 người thiệt mạng…
Năm 2015, chủ nhiệm thôn Bình Dương, Ôn Châu bị một người bắn chết trên đường phố; bí thư đảng ủy xã Bắc Cao Doanh, quận Trường An, thành phố Thạch Gia Trang bị người dân trong làng bắn chết; tại Ủy ban xã Lê Nam, huyện Bảo Thanh, tỉnh Hắc Long Giang xảy ra án mạng đẫm máu, hung thủ là Bối Kim Minh, đã giết chết bốn người do tranh chấp đất đai; một công nhân chuyên phá dỡ công trình ở Đại Hưng, Bắc Kinh, dùng gạch đánh dân làng và anh ta đã bị chém chết; ông Lý Bồi Phong, bí thư chi bộ của thôn Liễu Gia, thành phố Chiêu Viễn, tỉnh Sơn Đông, bị người dân trong làng đâm chết; một bí thư đảng ủy ở thành phố An Sơn bị cũng bị một người dùng dao giết chết trên đường; ông Giả Cảnh Long, tỉnh Hà Bắc, đã giết chết một bí thư chi bộ thôn vì vấn đề phá dỡ…
Năm 2016, trưởng thôn và gia đình ở huyện Diên Trưởng, Tỉnh Thiểm Tây bị sát hại; trưởng thôn Bắc ở thị trấn Song Phong, huyện Bác Bạch, tỉnh Quảng Tây bị giết chết; một vụ giết người bằng dao xảy ra tại trạm xe buýt Tĩnh Thục Uyển trên đường Học Thanh, quận Hải Điến, Bắc Kinh.
Năm 2017, một vụ án gây chấn động dư luận, một người dân làng Giang Tây là Minh Kinh Quốc đã giết chết một quan chức trong làng, và vụ án Trần Kiến Tương, một cảnh sát quận Tân Hóa, tỉnh Hồ Nam đã giết chết một quan chức…
Vào tháng 2/2018, một cuộc tấn công vũ trang tại trung tâm mua sắm Joy City ở Tây Đan, Bắc Kinh, khiến 13 người (3 nam và 10 nữ) bị thương tại, một phụ nữ tử vong sau khi được đưa đến bệnh viện.
Năm 2019, một vụ đánh bom hàng loạt ở Trường Xuân Wanda Plaza; vụ án giết người ở Nam Xương Hồng Cốc Than; vụ đâm xe ở Hồ Bắc, Tào Dương, vụ giết người tại Bệnh viện Đa khoa Hàng không Dân dụng Bắc Kinh; vụ thảm sát Bành Châu, Tứ Xuyên; vụ giết người ở trường tiểu học số 5 Giang Tây, Thượng Nhiêu…
Trong vụ án giết người bằng dao ở Đông Cảng, Liêu Ninh năm 2023, ít nhất 5 gia đình là nạn nhân; một gia đình gồm 3 quan chức làng ở Sơn Đông bị giết tại nhà; một quan chức làng ở Sơn Tây bị giết…
Sự thật phũ phàng mà chính quyền Trung Quốc đang phải đối mặt là: Hậu quả của việc giáo dục “vô thần luận” và “triết học đấu tranh” sau khi chính quyền Trung Quốc lên nắm quyền đã hiện rõ. Nhiều người vốn hiền lành, lương thiện, nhưng bị chính sách phi nhân đạo của chính quyền bức bách đến đường cùng. Một số người không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng bạo lực để chống trả, lấy ác trị ác, giết hại quan chức, giết hại người vô tội để hả giận. “Nếu dân không sợ chết, dọa họ chết có ích gì”. Và những người “dân” không sợ chết như vậy chính là điều mà những kẻ cầm quyền Trung Quốc lo sợ nhất.
Hiện nay, uất hận ngút trời lan khắp Trung Quốc. Ngay cả các quan chức cũng hiểu rằng, việc chính quyền tăng cường ngăn chặn những vụ thảm sát sảy ra tiếp theo là rất mong manh. Chỉ cần xuất hiện những tia lửa nhỏ bé, khi tập hợp lại, có thể bùng cháy thành ngọn lửa lớn.
T.P