Các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang trao đổi riêng với nhau về nguy cơ họ bị Nga tấn công và chuẩn bị cho phản ứng khẩn cấp, trong bối cảnh họ ngày càng nghi ngờ rằng Mỹ sẽ không tiếp tục vai trò giữ truyền thống là bảo vệ châu Âu.
Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden cố gắng trấn an trước tình trạng “hoảng loạn” ở châu Âu, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump nói rằng ông sẽ để Nga làm bất kỳ điều gì với thành viên nào của NATO không trả đủ chi phí quốc phòng.
Tâm trạng đó chi phối các cuộc thảo luận tại Hội nghị An ninh Munich cuối tuần qua, nơi các nhà lãnh đạo và quan chức quốc phòng tập trung đánh giá những mối đe dọa địa – chính trị lớn nhất thế giới. Tại đó, các quan chức quốc phòng cấp cao bày tỏ lo ngại việc Mỹ không cung cấp hàng tỷ đô la viện trợ cho Ukraine và cho biết họ đang chuẩn bị cho kịch bản mà sự suy giảm hỗ trợ của Mỹ có thể khuyến khích Nga tấn công trực tiếp các thành viên NATO.
Bloomberg dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết, so với quyết tâm tại các cuộc họp trước đó, tâm lý phổ biến ở Munich năm nay là không chắc chắn. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi không thể dự đoán một cuộc tấn công vào lãnh thổ NATO có thể xảy ra hay không và vào thời điểm nào. Nhưng có thể sau 5 – 8 năm nữa”.
Thành phố Avdiivka của Ukraine thất thủ vào ngày thứ hai của hội nghị ở Munich, mang lại cho Mátxcơva chiến thắng trên chiến trường quan trọng nhất trong gần 1 năm.
Khi Ukraine cạn nguồn viện trợ quân sự, một vấn đề lớn trong các cuộc thảo luận là gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD cho Kiev vẫn bị tắc ở Quốc hội Mỹ.
Quân đội Ukraine đang phải cắt giảm pháo binh vì thiếu đạn dược từ các đồng minh. Tháng trước, Bloomberg đưa tin rằng Kiev đánh giá lực lượng của họ bị Nga áp đảo với tỷ lệ 3 chọi 1 trên chiến trường.
JD Vance, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, người phản đối viện trợ Ukraine và là đồng minh thân cận của ông Donald Trump, bày tỏ quan điểm của nhiều người trong đảng, rằng Mỹ cần chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại sang châu Á, nên có ít nguồn lực hơn để chi tiêu cho những người bạn bên kia Đại Tây Dương.
Nỗ lực giải phóng khoản viện trợ khẩn cấp của Mỹ bị mắc kẹt trong bế tắc đảng phái suốt nhiều tháng qua, khiến Tổng thống Biden và Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky liên tục đưa ra những lời kêu gọi khẩn cấp lên Quốc hội.
Ông Biden cho rằng việc các nghị sĩ không phê duyệt gói viện trợ khẩn cấp cho Ukraine khiến Avdiivka thất thủ, đồng thời cảnh báo nhiều thành phố của Ukraine có thể thất thủ nếu khoản tài trợ không được thông qua.
Ngoại trưởng Latvia Krisjanis Karins cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi hy vọng các nghị sĩ Mỹ hiểu được tầm quan trọng của cuộc bỏ phiếu đang ở phía trước họ. Chúng tôi đã vượt qua và bây giờ bóng đang nằm trên sân của Mỹ”.
Ngày 16/2, Pháp và Đức ký hiệp định an ninh dài hạn với Ukraine. Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne nói với các phóng viên bên lề hội nghị: “Là người châu Âu, yếu tố gây áp lực duy nhất mà chúng tôi gặp phải là làm gương và đó là những gì chúng tôi đã làm”.
Dù Đức mới chỉ đạt mục tiêu 2% GDP của NATO về chi tiêu quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng Pistorius đã đưa ra mục tiêu tăng tăng chi tiêu quân sự lên tới 3,5% GDP.
Thời gian có lợi cho Nga
Phát biểu tại khai mạc hội nghị ở Munich, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chỉ trích quan điểm của ông Trump nhưng không nhắc tên.
Bà nói rằng một số người ở Mỹ muốn “ủng hộ những nhà độc tài và từ bỏ cam kết với các đồng minh của chúng tôi để ủng hộ hành động đơn phương”.
Tuy nhiên, khả năng thuyết phục của bà hạn chế vì ảnh hưởng của phe Cộng hòa trong chính quyền Mỹ là nguồn gốc khiến các đồng minh lo ngại.
Người châu Âu choáng váng sau khi ông Trump nói rằng, nếu trở thành tổng thống Mỹ một lần nữa, ông sẽ để Nga tấn công những quốc gia NATO nào không thực hiện nghĩa vụ về chi tiêu quốc phòng.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, ứng cử viên hàng đầu cho vị trí lãnh đạo NATO kế nhiệm, phê phán những người phàn nàn về Trump. Ông nói: “Hãy ngừng rên rỉ, than vãn và cằn nhằn về Trump. Chúng ta không chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng hoặc tăng cường sản xuất đạn dược vì ông Trump có thể quay trở lại. Chúng ta phải làm điều này vì chúng ta muốn, vì lợi ích của chúng ta”.
Theo một trợ lý quốc hội cấp cao, ngay cả khi khoản tài trợ của Mỹ được thông qua, sẽ mất khá nhiều thời gian để đưa vũ khí và thiết bị đến Ukraine.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói rằng việc các quan chức Mỹ vượt qua Đại Tây Dương cũng đã khiến một số người cảm động. “Cảm giác là họ ở đây thì họ cũng hiểu chuyện rõ hơn”, bà nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn.
Nữ Thủ tướng cho rằng “thời gian đang có lợi cho Nga”.
Bà nhắc lại lời của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg: “Điều quan trọng không phải chỉ là đưa ra quyết định đúng, mà còn phải sớm đưa ra quyết định đúng”.