Nếu thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển hải quân vừa được đưa ra, Úc không những sẽ có lực lượng hải quân hùng hậu và uy lực thực sự nhất từ trước tới nay trong lịch sử nước này, mà còn trở thành một trong những cường quốc hải quân mới ở Indo-Pacific.
Trong kế hoạch đó, Canberra dự định chi khoảng 7,25 tỉ USD để tăng số tàu chiến hiện đại từ 11 hiện tại lên 26 trong thời gian 10 năm tới. Kế hoạch tài chính này nằm ngoài khuôn khổ thỏa thuận 3 bên Mỹ – Úc – Anh (AUKUS) được ký kết hồi năm 2021. Tâm điểm của AUKUS là Mỹ và Anh chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Úc.
Gộp cả 2 sự kiện trên với nhau thì sẽ dễ dàng nhận thấy việc tăng cường đáng kể tiềm lực hải quân được chính phủ Úc dành cho mức độ ưu tiên về chính trị an ninh, quân sự và quốc phòng. Canberra xem ra đã xác định cái đích cao xa hướng tới là trở thành cường quốc biển với điểm xuất phát và cốt lõi là cường quốc hải quân.
Cách tiếp cận của Úc ở đây là vừa tự phát triển hải quân vừa dựa cậy vào tiềm lực hải quân của đồng minh ở bên ngoài, kết hợp giữa tự lực về tăng cường tiềm lực hải quân với tranh thủ và tận dụng tiềm lực hải quân của các đồng minh bên ngoài. Sự gia tăng đáng kể số lượng tàu chiến trở nên cần thiết đối với Úc vì phải như vậy mới đón bắt và phát huy được thành quả mà Thỏa thuận AUKUS sẽ đưa lại cho Úc trong tương lai.
Đảo quốc xem ra đã hạ quyết tâm nhanh chóng vươn tới cái đích lớn cũng còn vì đã định vị lại đảo quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng như vì phải kiến tạo lại môi trường chính trị an ninh ở vùng xung quanh đảo quốc, vươn tầm nhìn xa nhưng cũng phục vụ lợi ích gần.