Là nước đông nhất thế giới trong khi kinh tế còn nhiều khó khăn nên từ năm 1980 Trung Quốc đã áp dụng chính sách một con đối với các cặp vợ chồng. Chính sách này đã làm cho dân số tăng trưởng chậm lại rất nhiều và số người già lại tăng lên bắt đầu gây bất ổn cho nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng.
Vì thế năm 2015 Trung Quốc đã phải bãi bỏ chính sách 1 con và tỉ lệ sinh có tăng lên. Nhưng vì đã quen với việc ít con và do điều kiện chi phí cao về học hành, nuôi dậy nên nhiều cặp vợ chồng lại ngại sinh con thứ hai. Tám năm qua tính đến năm 2023 số lượng trẻ em ra đời ở Trung Quốc ngày càng giảm và tỷ lệ dân số già ra tăng đã gây ra sự bất ổn cho nền kinh tế và xã hội Trung Quốc.
Hơn nữa tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc lại thấp nhất thế giới, 60 tuổi đối với nam giới, 55 tuổi đối với nữ giới làm công việc văn phòng và 50 tuổi đối với nữ giới làm việc trong các nhà máy. Năn 2024 dự kiến có 28 triệu người sẽ nghỉ hưu. Trong mười năm tới, thêm khoảng 300 triệu người ở độ tuổi 50-60, tương đương với gần như tổng dân số nước Mỹ, sẽ rời khỏi thị trường lao động. Điều này làm cho ngân sách hưu trí của Trung Quốc chịu áp lực lớn. Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc hệ thống lương hưu sẽ cạn tiền vào năm 2035 và khoảng 1/3 tỉnh thành bị thâm hụt ngân sách lương hưu. Trong khi đó nhiều tỉnh thành lại đang ngập trong nợ nần sau nhiều năm vay nợ để đầu tư kích thích tăng trưởng.
Sự thay đổi trong cơ cấu tuổi của Trung Quốc sẽ khiến đà tăng trưởng kinh tế chậm lại. Năm 2020, cứ 5 công nhân thì hỗ trợ được một người nghỉ hưu nhưng đến năm 2023 tỉ lệ này giảm xuống còn 2,4 công nhân và 1,6 công nhân vào năm 2050, nghĩa là 1,6 công nhân sẽ nuôi một người nghỉ hưu.
Hiện Trung Quốc là nơi sản xuất 1/3 lượng hàng hóa tiêu thụ trên toàn thế giới. Tuy nhiên với lực lượng lao động đang già hóa đồng nghĩa tốc độ năng suất lao động chậm hơn và không có khả năng đổi mới trong lao động.
Số người già tăng lên, họ chỉ còn sống bằng lương hưu nên tiêu dùng xã hội cũng sẽ giảm mạnh. Tỉ trọng tiêu dùng của hộ gia đình trong GDP của Trung Quốc hiện thuộc hàng thấp nhất thế giới.
Bất động sản Trung Quốc vốn chiếm khoảng ¼ GDP, nhưng do dân số giảm, người già thu nhập chỉ là lương hưu nên nguồn cung nhà ở hiện đang dư thừa, nhiều nơi xuất hiện thành phố ma.
Chính sách 1 con hơn 40 năm trước đã làm cho Trung Quốc chịu hậu quả như hiện nay.
H.L