Nguy cơ suy giảm các rạn san hô ở Biển Đông đang khiến các nước trong khu vực lo lắng. Đồng thời, điều đó còn đòi hỏi hành động cụ thể và quyết liệt của cộng đồng quốc tế.
Những rạn san hô không chỉ là môi trường sống cho hàng triệu loài sinh vật biển, làm phong phú thêm sự đa dạng sinh học ở Biển Đông, mà còn có vai trò quan trọng trong bảo vệ bờ biển và hấp thụ CO2 từ khí quyển. Về cảnh quan, có người ví chúng như những “cung điện dưới nước”, có sức quyến rũ mê hồn với bất cứ ai. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với thời gian, chúng đã và đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan (của con người).
Về khách quan, sự tăng nhiệt cùng quá trình acid hóa nước biển đã gây ra suy giảm khả năng sống của các sinh vật san hô, ảnh hưởng đến cấu trúc của chúng. Về chủ quan, hoạt động khai thác nguồn lợi hải sản một cách tham lam cùng ô nhiễm trong quá trình khai thác đó, đã và đang gây tổn thương nặng nề cho các rạn san hô. Hai nguyên nhân khách quan và chủ quan trên đã và đang đặt ra những đòi hỏi về sự hợp tác toàn cầu, các biện pháp giảm thiểu khí thải và tiêu thụ năng lượng, cũng như việc tăng cường giám sát, quản lý nguồn lợi biển…
Thời gian qua, một số biện pháp nâng cao ý thức, và triển khai các hành động cụ thể nhằm bảo tồn và phục hồi các rạn san hô, đang được một số quốc gia triển khai; trong đó, Việt Nam là quốc gia tỏ ra sốt sắng một các đáng ghi nhận. Hà Nội thường xuyên nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển bền vững các rạn san hô ở Biển Đông. Hà Nội cũng đã tích cực tham gia các hoạt động thiết thực, như việc thành lập các khu bảo tồn san hô và các biện pháp bảo vệ môi trường biển. Một số quốc gia trong khu vực, như Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei, cũng có tiếng nói đề nghị các bên liên quan hãy “kiềm chế lòng tham” để cứu san hô, không tàn phá thêm sự đa dạng sinh học trên Biển Đông.
Tuy nhiên, như “nước đổ đầu vịt”, Bắc Kinh vẫn lầm lỳ, bướng bỉnh đi ngược lại tiếng nói chung. Cộng đồng quốc tế đang một chứng kiến Bắc Kinh gia tăng các hoạt động mở rộng trên Biển Đông qua các hành vi nạo vét và đánh bắt mang tính hủy diệt. Cuối năm 2023, thông tin từ giới nghiên cứu Philippines đã khiến dư luận hốt hoảng, hoang mang hơn: Trung Quốc đã phá hủy ít nhất 4.500 hecta rạn san hô để nạo vét, bồi đắp, cải tạo các đảo nhân tạo ở vùng biển có tranh chấp. Khoảng 16.300 hecta rạn san hô bị hư hại do ngư dân Trung Quốc đánh bắt ngọc trai với quy mô lớn…Các nhà nghiên cứu Philippines cũng cảnh báo rằng, với quy mô (khai thác) hiện nay, phải mất vài thập niên để các rạn san hô hồi phục.
Nếu chỉ là thông tin từ các nhà nghiên cứu môi trường Philippines, thì còn có thể có ai đó nghi ngờ. Nhưng không. Cuối năm 2023, báo cáo “Những vết sẹo xanh thẳm: Các mối đe dọa môi trường đối với Biển Đông” (tiếng Anh: Deep Blue Scars: Environmental Threats to the South China Sea) do tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) công bố tháng 12/2023, đã khẳng định: Trung Quốc phải chịu trách nhiệm chính về những thiệt hại gây ra cho các rạn san hô ở Biển Đông. Báo cáo này mô tả các hành động của Trung Quốc là “tầu nạo vét Trung Quốc cắt xuyên qua các rạn san hô và trầm tích thu được sẽ được bơm qua các đường ống nổi, sau đó trầm tích sẽ được để lắng tại nhiều khu vực thông qua các bãi chôn được nhắm trước đó”. Trung Quốc thực hiện các hoạt động đó nhằm xây dựng các đảo nhân tạo làm căn cứ quân sự tại Đá Chữ Thập, Đá Subi, Đá Vành Khăn, Đảo Phú Lâm và một số đảo nhỏ khác từ năm 2014-2017 – cũng theo báo cáo của AMTI.
Nói Trung Quốc phải “chịu trách nhiệm chính”, bởi các bên liên quan (tranh chấp chủ quyền Biển Đông) khác là Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia cũng có tên trong báo cáo của AMTI. Tuy nhiên, quy mô và mức độ hủy hoại được/bị ghi nhận ít hơn nhiều, thậm chỉ, “chưa làm hủy hoại bề mặt”. Dù có nhiều hơn thế, thì câu chuyện vẫn có thể hiểu được. Hiểu theo cách, là các bên có yêu sách, các bên liên quan trên hẳn không thể không có động thái gì trước các hành động ráo riết, quyết liệt của Trung Quốc.
Có thể vì thế, Hà Nội, Malaysia cùng với Philippines, Brunei, mới có thể nhiều lần “to miệng” đưa ra những ý kiến phản đối, yêu cầu Trung Quốc điều chỉnh các hoạt động gây hại đến môi trường, trong đó có việc phá hủy rạn san hô. Đồng thời, các nước này đề xuất ý tưởng và kêu gọi cộng đồng quốc tế, các nước trong khu vực, các bên liên quan quan tâm, đồng thuận và nỗ lực hơn để có thể thiết lập các khu bảo tồn và khu vực quản lý, cùng với việc thúc đẩy hợp tác quốc tế và khu vực… giúp bảo vệ môi trường sống của các sinh vật san hô và đảm bảo sự đa dạng sinh học trong tương lai.
Một tiếng nói, một đề xuất mang tính xây dựng đều là quý, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Nhưng quan trọng là tiếng nói và đề xuất đó có trở thành cái gì khiến Bắc Kinh động lòng, cảm thấy “khẩn thiết” hay không?
Bắc Kinh sẽ động lòng ư? Sẽ cảm thấy cần kíp ư? Chỉ những ai không hiểu Trung Quốc, không theo sát tình hình, diễn biến…mới có thể tin đó là sự thật. Chứng minh cho sự nghi ngờ này thật đơn giản. Trước hết, Bắc Kinh quá tham, và cho tới tận nay, bất chấp phán quyết phủ nhận của Tòa trọng tài (PCA) năm 2016, họ vẫn không hề từ bỏ yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn”. Từ sự khẳng định đó, họ cho rằng, mình có quyền làm tất cả, kể cả khai thác nguồn lợi trên Biển Đông bao hàm cả các rạn san hô. Trong thực tế, họ đã khai thác, không “tàn bạo” tới mức như cáo buộc của AMTI, thì cũng chỉ kém…tý chút!
Từ thực tế đó, câu chuyện dẫn đến điều thứ hai: biết đề nghị của các nước trong khu vực là khẩn thiết, nhưng nếu vồ vập, hưởng ứng, hóa ra Bắc Kinh tự vả vào miệng mình? Hay nói cách khác, họ biến mình thành kẻ “vừa ăn cắp vừa la làng”.
Vậy nên, biết là khẩn cấp tới nơi rồi, “nước tới chân rồi”, nhưng khi “cái anh” to nhất, có thế lực nhất, hay làm quàng làm bậy nhất trên Biển Đông là Trung Quốc còn “giả điếc” làm ngơ, thì hỡi những rạn san hô trên Biển Đông: “Hãy đợi đấy”.
T.V