Hãng bay Việt Nam đón tàu bay thứ 105 vào ngày 18/2. Và hôm nay 22/2, hãng này tiếp tục thông báo ký thỏa thuận mua 20 chiếc Airbus A330neo jet.
Hôm 18/2, hãng hàng không chi phí thấp Vietjet thông báo nhận tàu bay thứ 105. Tàu bay A321neo ACF đã hạ cánh xuống Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM) thuộc thế hệ Airbus hiện đại hàng đầu thế giới. Tàu bay có khả năng tiết kiệm nhiên liệu đến 20%, giảm lượng khí thải ra môi trường tới 50% và tiết giảm tiếng ồn đến 75%.
Khi đó, Vietjet cho biết tàu bay này tiếp tục bổ sung, tăng cường cho đội tàu bay hiện đại hàng đầu thế giới, sẵn sàng hướng đến kế hoạch phát triển mạng bay tới các điểm đến mới trong năm Giáp Thìn.
“Điều này cũng góp phần mang tới nguồn lực và khí thế mới cho những bước phát triển tiếp theo của Vietjet”, phía hãng bay chi phí thấp nêu.
Tàu bay thứ 105 sẽ được đưa vào khai thác ngay trên các đường bay kết nối những điểm đến tại Việt Nam và quốc tế tới Australia, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan…
Hôm nay 22/2, hãng tin Reuters cho biết hãng hàng không Vietjet đã đồng ý thỏa thuận đặt mua 20 máy bay thân rộng A330neo từ Airbus của Châu Âu. Việc này phục vụ cho “hãng hàng không này phát triển lâu dài” khi mạng lưới vận chuyển của hãng mở rộng.
Theo Reuters, cam kết này “trị giá hàng tỷ USD” đã được công bố tại Triển lãm hàng không Singapore, khiến nó trở thành một trong những thỏa thuận lớn nhất cho đến nay tại sự kiện hàng không vũ trụ lớn nhất châu Á.
Phó Chủ tịch điều hành bộ phận Bán hàng máy bay thương mại của Airbus Benoit de Saint-Exupery cho biết việc giao tàu bay mới của Vietjet sẽ bắt đầu từ năm 2026 và thỏa thuận này dự kiến sẽ trở thành đơn đặt hàng chắc chắn trong vài tuần nữa.
Vietjet, một trong những hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á, cho biết đơn đặt hàng A330-900 sẽ thay thế đội máy bay A330-300 thuê – mẫu trước đó. Đây sẽ là lần mua máy bay thân rộng đầu tiên của Vietjet.
Năm 2023: Tổng tài sản của Vietjet đạt 84.600 tỷ đồng
Trong báo cáo cáo tài chính 2023 của Vietjet, doanh thu của hãng đạt 53.600 tỷ đồng (riêng lẻ) và 62.500 tỷ đồng (hợp nhất), tăng lần lượt 62% và 56% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế riêng lẻ và hợp nhất năm 2023 của hãng đạt lần lượt 697 tỷ đồng và 344 tỷ đồng.
Còn tài sản cố định của doanh nghiệp này tại 31/12/2023 đạt hơn 8.800 tỷ đồng, so với 1/1/2023 là hơn 5.709 tỷ đồng. Cũng tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 84.600 tỷ đồng, tăng gần 25% so với thời điểm đầu năm, do Vietjet đầu tư tàu bay với 3 tàu A321 NEO thế hệ mới.
Chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu của công ty ở mức hai lần, so với mức thông thường trên thế giới từ 3-5 lần và chỉ số thanh khoản 1,24 lần nằm ở mức tốt trong ngành hàng không. Cụ thể, Vietjet ghi nhận nợ phải trả tại 31/12/2023 là hơn 69.000 tỷ đồng, tăng khoảng 16.000 tỷ đồng so với đầu năm 2023.
Số dư tiền và tương đương tiền tại thời điểm 31/12/2023 đạt 5.021 tỷ đồng, gấp hơn hai lần so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2023, Vietjet đã đóng góp các khoản thuế, phí trực tiếp và gián tiếp cho ngân sách khoảng 5.200 tỷ đồng.
Vietjet có 6.132 nhân viên, tính đến 31/12/2023. Khoản mục phải trả người lao động ghi nhận ngày cuối cùng của năm 2023 là hơn 155 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2023, Vietjet là tập đoàn với 9 công ty con và 2 công ty liên kết. Công ty Cổ phần Swift247 cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hoá và các dịch vụ hỗ trợ liên quan do Vietjet sở hữu 67% vốn điều lệ. Các doanh nghiệp khác, đa số được sở hữu 100%, có trụ sở tại Việt Nam, British Virgin Islands, Ireland, Singapore, Cayman Islands.
Hai công ty liên kết, theo báo cáo tài chính này, của Vietjet là Thai Vietjet Air (Thái Lan, sở hữu 9%) và Công ty Cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh – sở hữu 10%. Cả hai công ty Viejet đều có quyền bổ nhiệm thành viên hội đồng quản trị.
Riêng tỷ lệ sở hữu tại Thai Vietjet Air của Vietjet có thể sẽ tăng lên 38% trước tháng 9/2024 bởi thỏa thuận quyền mua cổ phần để tăng tỷ lệ sở hữu. Giá mua các cổ phần này bằng với mệnh giá.
T.P