Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNhững kịch bản có thể xảy ra sau 2 năm chiến sự...

Những kịch bản có thể xảy ra sau 2 năm chiến sự Nga – Ukraine

Sau gần 2 năm, Nga và Ukraine vẫn chưa thể tìm ra lối thoát cho cuộc xung đột có thể coi là khốc liệt nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II.


Những kịch bản có thể xảy ra sau 2 năm chiến sự Nga – Ukraine

Hai năm kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, xung đột chưa có dấu hiệu lắng xuống. Giao tranh ác liệt đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải sơ tán.

Mặc dù bị áp đảo cả về quân số và vũ khí, quân đội Ukraine đã cầm cự và phản công thành công khá bất ngờ ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột.

Tuy nhiên, ở giai đoạn sau, cuộc phản công của Ukraine đối mặt với nhiều thách thức hơn khi Nga dần thích nghi với những chiến thuật của Kiev và “bắt bài” vũ khí phương Tây mà Ukraine sử dụng. Xung đột gần như đóng băng và trở thành cuộc chiến tiêu hao với cả hai bên.

Với tình hình hiện nay, cuộc xung đột ở Ukraine vẫn chưa có hồi kết rõ ràng, song Business Insider đã đưa ra dự đoán 4 kịch bản có thể xảy ra.

Ukraine cầm cự?

Các chuyên gia cho rằng hy vọng của Ukraine phụ thuộc vào viện trợ của phương Tây tiếp tục đổ vào nước này và tinh thần của Nga đang suy giảm sau một cuộc chiến kéo dài.

Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ quân sự và tài chính từ Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU). Ông Max Bergmann, giám đốc Chương trình Châu Âu, Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định nếu tiếp tục được viện trợ, Ukraine có thể ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga.

Ông nhấn mạnh, số phận gói viện trợ 60 tỷ USD đang gây tranh luận ở quốc hội Mỹ sẽ có ý nghĩa định hình diễn biến của cuộc xung đột. Thượng viện Mỹ tuần trước đã thông qua gói viện trợ, trong khi đó Hạ viện tiếp tục gây trở ngại.

“Nếu khoản viện trợ đó được thông qua, tôi chắc chắn Ukraine sẽ có thể đối phó với các cuộc tấn công của Nga trong năm 2024. Thực tế, tôi khá lạc quan về tiềm năng của Ukraine vào năm 2025”, ông nói.

Ukraine cũng đã đạt được một số chiến thắng đáng chú ý có thể đóng vai trò quan trọng trong việc định hình kết quả của cuộc chiến. Ví dụ, Ukraine tuyên bố đã đánh chìm hoặc phá hủy 1/5 Hạm đội Biển Đen của Nga.

“Hạm đội có ý nghĩa quan trọng với Nga bởi chúng là một trong những phương thức chính giúp Nga đưa đạn dược đến tiền tuyến ở miền Nam Ukraine. Do vậy, có thể nói Ukraine đã có một chiến dịch hàng hải thành công đáng kể”, ông Eliot A. Cohen, chuyên gia tại CSIS, nhận định.

Nga giành ưu thế?

Quân đội Ukraine cũng hứng chịu tổn thất thương đối lớn cả về vũ khí, đạn dược và binh sĩ. Nếu phương Tây ngừng viện trợ, điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến Ukraine cả về mặt quân sự và tâm lý.

“Tôi nghĩ một điều vô cùng quan trọng là mọi người đều nghĩ rằng Mỹ chưa mất niềm tin vào Ukraine, trong khi đó những cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề này có thể đã thúc đẩy châu Âu tăng cường viện trợ cho Kiev”, ông Cohen bình luận.

Tuy nhiên, nếu nguồn viện trợ cho Ukraine bị suy giảm, Nga sẽ giành ưu thế trong một cuộc chiến tiêu hao.

“Trong một cuộc chiến tiêu hao, các giới hạn có thể bị phá vỡ nếu bên bị tiêu hao cạn kiệt. Vì vậy, tôi nghĩ rằng việc chuyển giao sự hỗ trợ là thực sự quan trọng”, ông Bergmann lưu ý.

Gần đây, nhiều quan điểm của phương Tây đang nghiêng về kịch bản Nga có thể thắng trong cuộc chiến và Ukraine có thể mất thêm lãnh thổ.

Dù không muốn, nhưng phương Tây bắt đầu phải tính đến kịch bản Nga giành chiến thắng ở Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh viện trợ cho Ukraine bị gián đoạn vì nhiều lý do khác nhau. Gần đây, truyền thông phương Tây bắt đầu xuất hiện những phân tích về hệ quả nếu Mỹ và các đồng minh phương Tây ngừng viện trợ cho Ukraine. Họ không loại trừ kịch bản Ukraine sẽ thua trận trước Nga.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, Nga giành chiến thắng ở Ukraine là điều có thể xảy ra nếu Mỹ và châu Âu cắt viện trợ quân sự cho Ukraine.

Trước kia, đa phần các quan chức cấp cao của Mỹ và NATO đều cho rằng chừng nào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine còn tiếp diễn thì phương Tây vẫn sẽ đạt được một trong những mục tiêu hàng đầu của họ trong cuộc chiến này là làm suy yếu Moscow.

Tuy nhiên, một nguy cơ mới nổi mà hầu hết các nhà lãnh đạo phương Tây dường như không chú ý tới là Nga sẽ càng có lợi thế khi cuộc chiến càng kéo dài. Một số nhà phân tích phương Tây bắt đầu thừa nhận rằng quân đội Nga đã rút ra được bài học đắt giá từ những thất bại và tổn thất, giờ đây họ trở thành “đối thủ đáng gờm hơn”.

Một thỏa thuận hòa bình?


Hồi tháng 1, Bloomberg từng đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã “phát những tín hiệu thăm dò” thái độ của Washington đối với kịch bản hòa đàm ở Ukraine và điều đó cho thấy Moscow hoàn toàn có thể ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt xung đột.

Tuy nhiên, Điện Kemlin đã bác bỏ thông tin này và một lần nữa nhấn mạnh Moscow luôn để ngỏ đàm phán nhưng với điều kiện Kiev phải “chấp nhận thực tế dù đau đớn”, ngầm ám chỉ việc công nhận một số vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga.

Sau đó, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho biết: “Mỹ không nắm được liệu Nga có thay đổi quan điểm về cuộc chiến hay không. Đồng thời, Nhà Trắng cũng không chắc chắn liệu Ukraine có quyết định ngồi vào bàn đàm phán với Nga hay không, tại thời điểm nào và phương thức là gì”.

Theo Reuters, ông Putin từng gián tiếp đưa ra lời đề nghị ngừng bắn, song, Mỹ đã từ chối xem xét ý tưởng này, trừ khi Ukraine tham gia vào các cuộc thảo luận.

Chiến tranh hạt nhân?

Kể từ khỉ cuộc xung đột nổ ra, giới chức Nga vài lần nhắc đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân như một biện pháp răn đe. Tại phương Tây, các nhà lập pháp vẫn liên tục tranh cãi về tính nghiêm túc trong những phát ngôn này của giới lãnh đạo Nga.

Seth Jones , Phó Chủ tịch cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, từng chia sẻ với Business Insider: “Sử dụng hạt nhân sẽ đem lại nhiều rủi ro lớn, trong đó bao gồm cả việc bụi phóng xạ hạt nhân sẽ bao trùm cả lãnh thổ Nga nếu ông Putin đưa ra quyết định như vậy”.

Với tính chất không thể vãn hồi của vũ khí hạt nhân, ông Jones cho rằng không lợi ích nào có thể bù đắp được những tổn thất nếu sử dụng chúng.

“Điều đó có nghĩa là gì? Tôi cho rằng nước Mỹ đã khẳng định rất rõ ràng rằng nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, mọi chuyện đều sẽ diễn biến theo cách mà không một bên nào có thể lường trước được”, ông Jones nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới