Các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm thuyết tương đối của Einstein bằng cách kiểm tra tốc độ ánh sáng từ một trong những vụ nổ vũ trụ mạnh nhất từng được ghi nhận.
Dựa trên máy dò ánh sáng năng lượng cao nhạy nhất thế giới, các nhà nghiên cứu không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy tốc độ của ánh sáng thay đổi tùy thuộc vào năng lượng của nó, theo SCMP.
Đài quan sát mưa rào không khí ở độ cao lớn (Lhaaso) ở miền tây Trung Quốc đã sử dụng máy dò ánh sáng năng lượng cao trong kính viễn vọng để thực hiện thử nghiệm này vào tháng 10.2022. Một nhóm nghiên cứu quốc tế đã phân tích dữ liệu từ thí nghiệm này và không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tốc độ ánh sáng trong vũ trụ có sự thay đổi.
Thuyết tương đối của Einstein, cụ thể là thuyết đối xứng Lorentz, dự đoán rằng tốc độ ánh sáng là không đổi, không phụ thuộc vào hệ thống tham chiếu. Kết quả của thí nghiệm này cung cấp thêm bằng chứng cho thuyết đối xứng Lorentz và khẳng định rằng không có trường hợp sai lệch nào xảy ra.
Các nhà khoa học cho biết, kết quả của thí nghiệm này hạn chế mạnh mẽ các trường hợp vi phạm thuyết đối xứng Lorentz và chỉ ra rằng chúng có thể không tồn tại.
Tốc độ không đổi của ánh sáng là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của vật lý hiện đại, và việc xác nhận nó cung cấp cơ sở vững chắc cho sự hiểu biết của chúng ta về không gian và thời gian.
Lhaaso là một trong những máy dò tia gamma năng lượng cực cao nhạy nhất trên thế giới, được xây dựng ở độ cao 4.410 mét trên núi Haizi ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nó được đưa vào vận hành vào năm 2021 và hiện đang hoạt động như một đầu dò tia gamma năng lượng cực cao nhằm khám phá bí ẩn của vũ trụ.
T.P