Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTâm lý “thoát Trung” trỗi dậy ở Philippines khi căng thẳng ở...

Tâm lý “thoát Trung” trỗi dậy ở Philippines khi căng thẳng ở Biển Đông leo thang

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông không ngừng leo thang, tâm lý “thoát Trung” trỗi dậy mạnh mẽ trong nội bộ Philippines, khởi đầu là quyết định đình chỉ chương trình trao đổi quân sự với Trung Quốc từ tháng 8/2023 sau vụ việc tàu Hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng cực mạnh vào tà u tiếp tế của Philippines ở khu vực Bãi Cỏ Mây và gần đây đã lan sang lĩnh vực hợp tác kinh tế. Chúng ta cùng tìm hiểu thực hư về vấn đề này.

Cuối tháng 10/2023, Philippines trở thành quốc gia mới nhất rút lui khỏi Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc khi Bộ trưởng Giao thông Philippines Jaime Bautista tuyên bố với báo giới rằng quyết định có phần đột ngột này được đưa ra vì Bắc Kinh không đáp ứng yêu cầu tài trợ cho các dự án đường sắt. Trả lời phỏng vấn Bloomberg ngày 27/10/2023, ông Jaime Bautista cho biết Philippines sẽ không vay vốn Trung Quốc để thực hiện ba dự án đường sắt trị giá hơn 5 tỉ đô la mà đang đàm phán với nhiều nước châu Á khác để tìm giải pháp thay thế.

Dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, Trung Quốc đã cam kết dành cho Philipoines gần 5 tỷ USD (4,7 tỷ Euro) trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường” để xây dựng dựng 3 tuyến đường sắt – hai tuyến ở Luzon và một tuyến ở Mindanao. Tuy nhiên, nguồn vốn này đã không được triển khai theo như lời hứa của Bắc Kinh. Bộ trưởng Giao thông Philippines Jaime Bautista nhấn mạnh “các cuộc đàm phán đã không có tiến triển trước cả khi xảy ra căng thẳng hiện nay”.

Nhà phân tích địa chính trị Don McLain Gill, giảng viên nghiên cứu quốc tế tại Đại học De La Salle ở Manila, cho biết trong hợp tác với Trung Quốc còn 6 dự án khác cũng bị chậm trễ về tài chính như dự án truyền hình mạch kín, dự án Nguồn nước Trăm năm Mới (New Centennial Water Source), Dự án Đập Kaliwa, và Dự án Đường sắt phía Nam của cơ quan Đường sắt Quốc gia Philippines…. Ông Don McLain Gill bày tỏ: “Quyết định rút khỏi các dự án này có thể bắt nguồn từ các vấn đề liên quan tới tính bền vững của bản thân các dự án, cũng như những lo ngại ngày càng tăng rằng Bắc Kinh không sẵn lòng hành động như một nước láng giềng có trách nhiệm”.

Mặc dù giới chính quyền Manila không nói rằng quyết định từ bỏ các dự án trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” là do căng thẳng Biển Đông, song hầu hết các chuyên gia đều nhận định đây được cho là bước đi nhằm giảm bớt sự phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc, một phần trong cách tiếp cận đa chiều nhằm giảm tối đa những rủi ro mà sự trỗi dậy quyết đoán của Trung Quốc mang lại. Động thái này thể hiện Manila đang tìm cách “thoát Trung” vì vấn đề an ninh ở Biển Đông.

Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc gần đây đã gia tăng ở Biển Đông, đặc biệt là khu vực Bãi Cỏ Mây trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines xuất phát từ việc Trung Quốc không ngừng ngăn Philippines thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho binh sĩ đóng trên một chiếc tàu chiến cũ kĩ mà Manila duy trì trên Bãi Cỏ Mây từ năm 1999 nhằm khẳng định chủ quyền. Từ đầu tháng 8 tới nay, cứ 2-3 tuần lại xảy ra các vụ việc đối đầu giữa tàu Philippines với tàu Trung Quốc khiến tình hình trên biển rất căng thẳng.

Đại tá Raymond Powell, Giám đốc dự án SeaLight tại Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian Knot thuộc Đại học Stanford Mỹ, bình luận: “Trung Quốc lấy lý do cho các hành vi quấy rối là bởi các tàu tiếp tế Philippines chở ‘vật liệu xây dựng’ và Trung Quốc coi đó là ‘bất hợp pháp’…. Nói cách khác, Trung Quốc đã và đang tiến hành phong tỏa bãi cạn, trong đó họ chỉ cho phép lương thực và lực lượng luân phiên đi qua, nhưng chặn và chĩa vòi rồng những con tàu chở vật liệu xây dựng…”. Lần tiếp tế mới nhất diễn ra vào ngày 9/11, tàu hải cảnh Trung Quốc lại sử dụng vòi rồng chống lại một trong các tàu của Philippines làm gián đoạn nhiệm vụ tiếp tế ở Biển Đông.

Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông chưa có dấu hiệu dừng lại và Trung Quốc dường như đang trì hoãn các dự án kinh tế ở Philippines, Thượng nghị sĩ Philippines Sherwin Gatchalian trao đổi với truyền thông địa phương bày tỏ lo ngại về bãi cạn tranh chấp có thể là lý do khiến các dự án của Trung Quốc chững lại. Cho dù Manila rút khỏi sáng kiến “Vành đai và Con đường”, song cũng phải nói rõ rằng Philippines và Trung Quốc vẫn có quan hệ kinh tế chặt chẽ trong nhiều năm. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Manila trong những năm gần đây và là nền kinh tế xuất khẩu lớn thứ hai của nước này, chỉ xếp sau Mỹ. Do vậy, có ý kiến cho rằng việc rút khỏi “Vành đai và Con đường” có thể gây những hệ quả xấu đối với nền kinh tế của Philippines do Bắc Kinh có thể áp dụng biện pháp trả đũa gây khó khăn cho xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, giới nghiên cứu đều cho rằng chính quyền Manila chắc chắn đã cân nhắc các biện pháp để sẵn sàng để ứng phó với hệ quả từ quyết định quan trọng này; có thể Philippines gặp những khó khăn trước mắt, song họ sẽ vượt qua được.

Nhà phân tích địa chính trị Don McLain Gill lại cho rằng chính sự đình trệ này có thể giúp Manila về lâu dài có thể hợp tác với các nước khác. Ông nói: “Những diễn biến như (rút khỏi “Vành đai và Con đường”), trên thực tế sẽ mang lại lợi ích cho chương trình phát triển dài hạn của Philippines, do Manila sẵn sàng mở rộng và đa dạng hóa các đối tác kinh tế và phát triển. Manila hiện xem Nhật Bản và Ấn Độ là những nguồn tài trợ khả thi cho các dự án đường sắt”.

Giáo sư Jan Carlo Punongbayan, làm việc tại Trường Kinh tế Đại học Philippines, nói: “Xét tình hình hiện tại, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc không đáng kể. Việc (Trung Quốc) ngừng đổ tiền vào “Vành đai và Con đường” cũng sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến đầu tư ở Philippines”. Bởi vì: “Về mặt thương mại, Trung Quốc là một trong những đối tác lớn nhất của Philippines. Nhưng về mặt đầu tư, Philippines không phải là điểm đến lớn của các khoản đầu tư của Trung Quốc”. Ông Punongbayan nói: “Trung Quốc sẽ tiếp tục là đối tác thương mại lớn của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, quan hệ đối tác giữa chính phủ với chính phủ có thể bị hạn chế hơn trong thời gian tới. Nguồn hỗ trợ phát triển chính thức từ Bắc Kinh cho Manila có thể khó khăn hơn do các hoạt động xâm nhập của Trung Quốc ở Biển Tây Philippines (cách Manila gọi Biển Đông)”.

Chuyên gia chính trị Don McLain Gill phân tích: “Mong muốn của Manila giảm bớt sự phụ thuộc vào quan hệ đối tác kinh tế với Trung Quốc cũng có thể được hiểu là một yếu tố trong lợi ích an ninh rộng lớn hơn của nước này ở Biển Tây Philippines, vào thời điểm Trung Quốc không ngừng bành trướng lợi ích quyết đoán đi ngược lại chủ quyền và quyền chủ quyền của Philippines… Với cán cân quyền lực bất cân xứng giữa Manila và Bắc Kinh, Philippines sẽ phải tìm cách tiếp cận đa chiều để giảm bớt rủi ro từ sự trỗi dậy quyết đoán của Trung Quốc. Một trong những lựa chọn này là giảm bớt sự phụ thuộc về kinh tế”. Giới phân tích cũng chỉ ra những lý do khiến Manila đưa ra quyết định “thoát Trung”, cụ thể là:

Thứ nhất, Manila đã có kinh nghiệm trong viêc ứng phó với những biện pháp trả đũa của Bắc Kinh trong thời gian Philippines tiến hành vụ kiện Biển Đông. Sau khi Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển đầu năm 2013, Trung Quốc đã áp dụng những biện pháp hạn chế nhập khẩu chuối và hoa quả, nông sản từ Philippines, nhưng Philippines đã vượt qua khó khăn này do Nhật Bản, Mỹ tăng cường nhập khẩu các mặt hàng này và cuối cùng Philippines đã giành thắng lợi trong vụ kiện  Biển Đông với việc phán quyết năm 2016 của Tòa đã bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá hiện tăng trưởng kinh tế của Philippines đứng hàng đầu khu vực: sạu Đại dịch Covid-19, năm 2022 kinh tế Philippines tăng 7,6%; bất chấp sự suy giảm kinh tế nói chung năm 2023 kinh tế Philippines có thể đạt mức tăng trưởng 5,2%. Các nhà kinh tế dự báo Philippines sẽ nổi lên là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong 2 năm tới đây 2024-2025. Điều đó cho thấy Philippines ít chịu chi phối bởi những thách thức từ Trung Quốc nên chính quyền Manila có lý do để thực hiện biện pháp “thoát Trung”, giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc nhằm bảo vệ các lợi ích của Philippines ở Biển Đông.

Mặc dù việc rút khỏi “Vành đai và Con đường” có thể làm chậm việc triển khai một số dự án hạ tầng, song các quan chức Philippines tin tưởng việc đảm bảo nguồn tài trợ từ WB hoặc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ giúp Manila thay thế các khoản vốn vay từ Trung Quốc. Mặc khác, các nước Mỹ, Nhật, Úc… sẵn sàng hỗ trợ Philippines trong lĩnh vực kinh tế, bao gồm cả các khoản vốn vay dành cho phát triển hạ tầng lẫn việc tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Philippines nhằm giúp nước này “thoát Trung”.

Thứ hai, việc “thoát Trung” hay nói cách khác là xa rời Trung Quốc lại là cơ hội cho Philippines xích lại gần hơn với Mỹ, Nhật, Úc trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Marcos đã nỗ lực củng cố quan hệ đồng minh quân sự Mỹ-Philippines với việc cho phép quân đội Mỹ quyền tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự của Philippines; tích cực tăng cường quan hệ an ninh quốc phòng với Nhật và Úc; tích cực triển khai diễn tập quân sự chung với các nước này ở Biển Đông, đồng thời thúc đẩy tuần tra chung ở Biển Đông.

Tổng thống Marcos đã thu được những kết quả quan trọng để bảo vệ an ninh hàng hải của đất nước. Washington lên tiếng phản đối tất cả hành động gây hấn của Trung Quốc nhằm vào Philippines và khẳng định mạnh mẽ sẽ bảo vệ nếu Philippines bị tấn công ở Biển Đông. Úc nâng cấp quan hệ với Philippines lên đối tác chiến lược, trong đó có việc làm sâu sắc thêm hợp tác quốc phòng an ninh, nhất trí tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông. Với Nhật Bản, trong chuyến thăm Philippines đầu tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cam kết tiếp tục đóng góp vào việc nâng cao khả năng an ninh của Philippines; tuyên bố cung cấp cho Philippines hệ thống giám sát radar ven biển.; hai bên nhất trí đàm phán về Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (RAA). Giới phân tích nhận định việc Philippines tăng cường quan hệ quốc phòng an ninh với Mỹ và các đồng minh nói trên là nhằm đối phó các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây chính là cơ sở để chính quyền của Tổng thống Marcos thi hành chính sách “thoát Trung”.

Giới phân tích nhận định việc Philippines tuyên bố rút khỏi “Vành đai và Con đường” cho thấy quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đang ngày càng xấu đi nghiêm trọng, thể hiện rõ tâm lý “thoát Trung” đang trỗi dậy. Trong bối cảnh, Bắc Kinh liên tiếp có các hành động nhằm vào Philippines ở Biển Đông, chính quyền Manila không còn con đường nào khác buộc phải theo đuổi chính sách “thoát Trung” để liên kết với đồng minh, đối tác để chống lại các thách từ Trung Quốc bảo vệ quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông. Nói cách khác là chính sự hung hăng của Bắc Kinh đã thôi thúc Manila thi hành chính sách “thoát Trung”, không để Trung Quốc sử dụng con bài kinh tế gây sức ép trên hồ sơ Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới