Người đứng đầu lực lượng vũ trang Anh cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không thực sự muốn xảy ra xung đột với NATO.
Phát biểu tại một sự kiện ở London tuần này, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Anh, Đô đốc Tony Radakin, nói rằng “sự thật không thể tránh khỏi là bất kỳ cuộc tấn công hoặc xâm nhập nào của Nga chống lại NATO sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ”.
Ông cho rằng “lý do lớn nhất khiến (Tổng thống Nga Vladimir) Putin không muốn xung đột với NATO là vì Nga sẽ thua và thua nhanh chóng”.
Việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine đã làm dấy lên những lo ngại an ninh mới trên khắp châu Âu, khiến các nước phải chi nhiều hơn cho quốc phòng và thiết lập nhiều thỏa thuận an ninh hơn với nhau.
Một số nhà lãnh đạo đã cảnh báo Nga có thể tấn công một quốc gia châu Âu khác trong vài năm tới sau chiến dịch quân sự ở Ukraine.
“Anh không đứng trên bờ vực chiến tranh với Nga. Chúng tôi sẽ không bị xâm chiếm”, ông Radakin cho biết.
Tuy nhiên, ông nói thêm, “điều đó không có nghĩa là Anh không thể đối mặt với các cuộc tấn công”.
“Chúng tôi vẫn làm việc hàng ngày trong lĩnh vực an ninh mạng. Chúng ta có thể gặp phải các cuộc tấn công ngẫu nhiên trong không gian, các cuộc tấn công vào các tuyến cáp dưới nước và xâm phạm chủ quyền hàng không và hàng hải của chúng ta. Nhân vật chính có khả năng cao nhất gây ra những vụ tấn công này là Nga”, Đô đốc Anh nói thêm.
Mặc dù vậy, ông Radakin cho rằng Nga sẽ nhanh chóng bị lực lượng NATO đánh bại nếu tấn công một quốc gia thành viên của khối.
Theo thỏa thuận của liên minh quân sự, một cuộc tấn công vào một nước thành viên NATO được coi là tấn công vào tất cả các nước còn lại. Điều đó có nghĩa là nếu một quốc gia thành viên như Anh bị tấn công, các thành viên khác, bao gồm Mỹ, Đức và Pháp, đều có thể cùng nhau đáp trả. Khi đó, lực lượng của NATO sẽ có lợi thế lớn trước Nga, ông Radakin nói.
Ông cho rằng hàng nghìn binh sĩ đồng minh đóng quân ở Ba Lan và các nước vùng Baltic có thể tạo thành “3 triệu rưỡi quân nhân trên toàn liên minh để tăng viện”.
“Lực lượng không quân chiến đấu của NATO, đông hơn Nga với tỷ lệ 3:1, sẽ nhanh chóng thiết lập ưu thế trên không, trong khi lực lượng hải quân của NATO sẽ áp đảo hải quân Nga. NATO có số tàu nhiều gấp 4 lần và số tàu ngầm nhiều gấp 3 lần Nga”, ông cho biết.
Ông Radakin mô tả NATO là “một liên minh ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn”.
Đề cập đến việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập, ông cho biết NATO đang phát triển từ 30 lên 32 quốc gia, “với tổng GDP lớn hơn Nga 20 lần và tổng ngân sách quốc phòng gấp 3,5 lần so với Nga và Trung Quốc cộng lại”.
“Ngoài ra, NATO có thêm lợi thế chiến lược với dân số hơn một tỷ người. Và hơn hết, NATO với tư cách là một liên minh hạt nhân”, ông nói.
Đô đốc Radakin nói rằng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã cho thấy Moscow “yếu hơn đáng kể so với những gì chúng tôi dự đoán”.
“Lực lượng Không quân của họ đã không giành được quyền kiểm soát trên không. Hải quân của họ đã chứng kiến 25% tàu ở Biển Đen bị đánh chìm hoặc bị hư hại bởi một quốc gia không có lực lượng hải quân”, Đô đốc Radakin tuyên bố.
Ông nói thêm rằng, quân đội Nga đã “mất gần 3.000 xe tăng, gần 1.500 khẩu pháo và hơn 5.000 xe chiến đấu bọc thép”.
Tuy vậy, ông nhận định “NATO đang phải đối phó với nước Nga nguy hiểm hơn”.
Thủ tướng Slovkia Robert Fico ngày 26/2 cho biết, một số nước NATO và Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc đưa quân đến Ukraine khi xung đột Nga – Ukraine đã bước sang năm thứ 3. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết không có sự đồng thuận ở giai đoạn này về việc gửi quân đến chiến trường Ukraine, nhưng cũng không thể loại trừ kịch bản này.
Phó Chủ tịch Thượng viện Nga Konstantin Kosachev cảnh báo, cách tiếp cận mà nhà lãnh đạo Pháp thể hiện có nguy cơ khiến tình hình trở thành “thảm kịch”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng động thái này sẽ gây ra xung đột trực tiếp giữa khối do Mỹ dẫn đầu và Nga. Moscow cảnh báo chiến tranh tổng lực với phương Tây nếu đề xuất của ông Macron thành hiện thực.