Tuesday, January 21, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCách thức Philippines đối phó với “Chiến thuật vùng xám” của TQ...

Cách thức Philippines đối phó với “Chiến thuật vùng xám” của TQ ở Biển Đông

Theo các nhà nghiên cứu, “Chiến thuật vùng xám” là hoạt động hay hành động gây ra những căng thẳng nhưng dưới mức chiến tranh, không tạo cớ cho xung đột xảy ra giữa hai bên có mâu thuẫn với nhau để bên thứ ba khác không thể can thiệp bằng sức mạnh quân sự. 

Nó khác hoàn toàn với một loại hoạt động khác gọi là “Hoạt động phức hợp”, là những hoạt động kết hợp biện pháp truyền thống và phi truyền thống, quân sự và phi quân sự, được thực hiện bởi chủ thể phi nhà nước nhưng có hậu thuẫn bởi nhà nước. “Hoạt động phức hợp” cũng giữ tình hình ở mức độ nóng dưới ngưỡng chiến tranh, thường diễn ra ở vùng chuyển tiếp giữa các không gian, chủ thể hoặc luật lệ khác nhau và nó không phải hiện tượng mới mẻ trong lịch sử thế giới, nhưng đang có xu hướng bị lợi dụng biến thành “Chiến thuật vùng xám” vốn chưa được nhận diện đầy đủ và đánh giá rõ ràng trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Chiến thuật trên có 2 đặc trưng căn bản là không để xung đột vượt ngưỡng thành chiến tranh nóng và từ từ tịnh tiến. Vì thế, “Chiến thuật vùng xám” được xem là một thủ đoạn “lách luật” nhằm tránh bị cộng đồng quốc tế lên án và thủ đoạn này đang được Trung Quốc áp dụng tại Biển Đông, bằng cách sử dụng các lực lượng như dân quân biển, tàu cá, tàu cảnh sát biển, tàu hải quân và máy bay tuần tra trên biển để quấy rối, đe dọa hoạt động của các nước ven biển, từng bước thực hiện yêu sách “đường chín khúc” phi lý ở Biển Đông, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp. Tính chất nguy hiểm của nó là khiến nguy cơ đối đầu, va chạm trên biển gia tăng; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông; gây tác động tiêu cực đến môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của các nước trong khu vực. Từ năm 2006 đến nay, Trung Quốc đã liên tục áp dụng và thi thố “Chiến thuật vùng xám” trên các vùng biển, đảo mà Philippines có yêu sách chủ quyền, buộc Manila phải có đối sách kiên quyết đối phó.

Sự lợi hại của “Chiến thuật vùng xám” mà Trung Quốc liên tục áp dụng nhằm thách thức chủ quyền của Philippines Biển Đông

Philippines là một bên có yêu sách chính trong phần lớn khu vực Biển Đông mà nước này gọi là Biển Tây Philippines, trong đó có nhiều khu vực chồng lấn với yêu sách “đường chín khúc” phi pháp của Trung Quốc. Vì thế, Bắc Kinh liên tục áp dụng “Chiến thuật vùng xám” tại các vùng biển mà Philippines có yêu sách chủ quyền hòng biến Biển Đông thành “ao nhà”, phục vụ cho ý đồ lớn trở thành cường quốc đại dương trong tương lai. Các hoạt động trong “Chiến thuật vùng xám” được Trung Quốc sử dụng theo ý đồ trên bao gồm: Xâm chiếm và xây dựng đảo nhân tạo trái phép tại đá Vành Khăn (năm 1995), nơi Philippines có yêu sách chủ quyền; cưỡng chiếm và duy trì hiện diện tại bãi cạn Scarborough từ năm 2012 đến nay, khu vực Philippines có yêu sách chủ quyền; thường xuyên ngăn cản ngư dân Philippines đánh bắt cá trong các vùng biển theo truyền thống, người dân Philippines được quyền đánh bắt; ngăn cản Philippines tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí trong các vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines; đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippines ngay tại bãi Cỏ Rong (tháng 6/2019), làm 22 ngư dân suýt bỏ mạng trên biển nếu không có sự cứu vớt kịp thời của ngư dân Việt Nam; phát radio cảnh báo đe dọa máy bay Philippines tuần tra trên biển; triển khai hàng trăm tàu cá neo đậu tại khu vực đá Ba Đầu và các khu vực khác mà Philippines có yêu sách chủ quyền với số lượng nhiều nhất từ năm 2021 đến nay; chiếu tia laser “cấp độ quân sự” vào tàu Cảnh sát biển của Philippines khi lực lượng này đang tuần tra bình thường trên biển (tháng 02/2023); cho tàu cảnh sát biển cắt ngang đầu và suýt va chạm với tàu Cảnh sát biển Philippines (tháng 10/2023); liên tục ngăn cản hoạt động tiếp tế của Philippines ở bãi Cỏ Mây trong suốt năm 2023 bằng việc phun “vòi rồng”, gần đây nhất là đầu tháng 12/2023, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc tiếp tục phun “vòi rồng” và va chạm với tàu tiếp tế của Philippines tại bãi Cỏ Mây.

Có thể thấy, “Chiến thuật vùng xám” như trên đã và đang được Trung Quốc triển khai trên quy mô lớn ở cả vành đai phía đông, giáp biển Philippines và phía tây, giáp vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngoài các phương thức hành động ở mức “cận xung đột” như chiếu tia laser “cấp độ quân sự” hay phun “vòi rồng” vào tàu của đối phương, Trung Quốc còn nhiều lần tiến hành các hoạt động vây lấn, o ép đối phương bằng việc tập hợp số lượng lớn tới hàng trăm tàu cá, tàu của dân quân biển để trấn giữ các thực thể có vị trí quan trọng tại các vùng biển tranh chấp. Cách tiếp cận này có lợi thế là vừa không đủ mức quyết liệt khiến tình hình leo thang thành xung đột, vừa dễ tạo ra chuyển biến có lợi trên thực địa do việc gây sức ép bất đối xứng so với đối phương. Trung Quốc ỷ vào thế có số lượng tàu đông hơn, với trọng tải lớn hơn, hiện đại hơn sẽ dễ khiến cho đối phương khó khăn trong đối phó, lo ngại về nguy cơ mà suy giảm ý chí.

Đối sách ứng phó của Philippines đối với chiến thuật vùng xám của Trung Quốc

Trước sức ép vô cùng lớn của Trung Quốc đối với Philippines, đảo quốc nhỏ bé trên Biển Đông này thời gian qua cũng đã cứng cỏi, kiên quyết đấu tranh với thủ đoạn “Chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc, cũng không để những biện pháp đấu tranh của mình khiến tình hình leo thang đến mức biến thành xung đột mà vẫn bảo vệ được chủ quyền chính đáng. Đối sách mà Philippines áp dụng chính là “Hoạt động phức hợp” như nói ở phần mở đầu của bài viết. Bao gồm:  

Thứ nhất, trên mặt trận ngoại giao, pháp lý, Philippines đã:

1) Khẳng định và đề cao giá trị phán quyết của Tòa Trọng tài về vấn đề Biển Đông được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (Tòa trọng tài về Biển Đông). Kể từ năm 2016, sau khi giành chiến thắng trong bầu cử tổng thống Philippines, Chính quyền Duterte hầu như không nhắc đến phán quyết của Tòa trọng tài ở cấp chính phủ nhằm tranh thủ nguồn đầu tư hạ tầng, kinh tế, thương mại ở mức cao nhất từ Trung Quốc, thì 4 năm sau đó, ở giai đoạn gần cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte, Philippines đã có sự chuyển đổi về chính sách đối với Biển Đông. Ngày 12/7/2020, lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố kỷ niệm 4 năm ngày Tòa trọng tài ra phán quyết, trong đó nhấn mạnh: Phán quyết là cột mốc lịch sử của luật pháp quốc tế; giúp giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình; duy trì trật tự dựa trên luật lệ; khẳng định các yêu sách biển quá lớn, không hợp pháp của Trung Quốc tại Biển Đông đã bị bác bỏ. Tiếp đó, ngày 23/9/2020, phát biểu tại phiên họp thứ 75 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Rodriogo Duterte đã chính thức phát biểu về phán quyết của Tòa trọng tài trước cộng đồng quốc tế, khẳng định “Philippines cam kết tuân thủ UNCLOS 1982 và phán quyết của Toà trọng tài năm 2016”; nhấn mạnh “Phán quyết là một phần của luật pháp quốc tế, không thể thoả hiệp, không một quốc gia nào có thể làm xói mòn, xoá bỏ hay từ bỏ. Philippines phản đối các hành động làm suy yếu giá trị của phán quyết”. Phát biểu này được coi là chính sách của Manila đối với các tranh chấp tại Biển Đông, được các cơ quan liên quan của Philippines áp dụng thực hiện. Và kể từ đó đến nay, cứ đến ngày 12/7 hàng năm, Bộ Ngoại giao Philippines lại ra tuyên bố kỷ niệm ngày này. Ngày 12/7/2021, nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày Tòa trọng tài về Biển Đông ra phán quyết, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ra tuyên bố lần thứ hai về phán quyết, khẳng định giá trị ràng buộc pháp lý và chung thẩm của phán quyết, cam kết triển khai thực thi phán quyết cũng như phản đối các hành động nhằm làm suy yếu giá trị của phán quyết. Ngày 12/7/2022, nhân dịp kỷ niệm 6 năm ngày Tòa trọng tài về Biển Đông ra phán quyết, người kế nhiệm Ngoại trưởng Locsin là Ngoại trưởng Enrique Manalo tiếp tục ra tuyên bố, nhấn mạnh UNCLOS 1982 và phán quyết là “mỏ neo kép” cho chính sách và hành động của Chính phủ Philippines trên Biển Đông; khẳng định phán quyết đã bác bỏ yêu sách “đường chín khúc” vì nó không có cơ sở pháp lý; phán quyết là chung thẩm, Philippines phản đối các hành động nhằm làm suy yếu, thậm chí xoá bỏ phán quyết. Ngày 12/7/2023, nhân dịp kỷ niệm 7 năm Tòa trọng tài ra phán quyết, Ngoại trưởng Philippines Manalo lại ra tuyên bố, trong đó nhấn mạnh việc phán quyết bác bỏ yêu sách về quyền lịch sử và yêu sách biển vượt quá quy định UNCLOS 1982 của Trung Quốc; khẳng định phán quyết là một phần của luật pháp quốc tế.

2) Liên tục phản đối Trung Quốc bằng công hàm ngoại giao. Theo thống kê tính từ năm 2016 đến năm 2021, dưới thời cựu Tổng thống Duterte (chủ yếu là giai đoạn cuối nhiệm kỳ), Philippines đã có 262 công hàm ngoại giao phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Thời điểm đỉnh cao, có nhiều công hàm phản đối nhất là vào năm 2021, khi Trung Quốc huy động hơn 200 tàu, thuyền, chủ yếu là tàu cá và tàu dân quân biển hiện diện và kết bè neo đậu tại đá Ba Đầu và các vùng biển khác mà Philippines có yêu sách. Cựu Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin thời điểm đó đã tuyên bố, Bộ Ngoại giao Philippines sẽ có công hàm phản đối hàng ngày cho đến khi các tàu của Trung Quốc rời khỏi các vùng biển của Philippines. Năm 2022, Philippines có 195 công hàm phản đối Trung Quốc. Từ đầu năm 2023 cho đến tháng 8/2023, Bộ Ngoại giao Philippines đã có 34 công hàm phản đối Trung Quốc gây ra các sự kiện trên Biển Đông liên quan đến chủ quyền của Philippines.

3) Triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đến để phản đối trực tiếp. Chính phủ Philippines đã nhiều lần triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đến để phản  đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Vào thời điểm có hàng trăm tàu cá, tàu dân quân biển và Cảnh sát biển Trung Quốc hiện diện tại khu vực đá Ba Đầu, Bộ Ngoại giao Philippines đã nhiều lần triệu Đại sứ Trung Quốc tại Philippines là Hoàng Khê Liên đến để phản đối. Cụ thể: Ngày 13/4/2021, quyền Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Elizabeth Buensuceso đã gặp Đại sứ Hoàng Khê Liên tại trụ sở Bộ Ngoại giao Philipines để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút các tàu ra khỏi khu vực đá Ba Đầu và các vùng biển khác thuộc chủ quyền của Philippines, cho rằng sự hiện diện của các tàu Trung Quốc là nguồn gốc gây căng thẳng trong khu vực; ngày 14/3/2022, Bộ Ngoại giao Philippines thông qua quyền Thứ trưởng Ngoại giao Elizabeth Buensuceso đã triệu Đại sứ Hoàng Khê Liên đến để phản đối hoạt động xâm nhập của tàu Hải quân Trung Quốc vào  vùng biển Sulu của Philippines nhưng không xin phép và không chịu rời đi khi có yêu cầu; ngày 13/4/2022, Bộ Ngoại giao Philippines triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đến để phản đối việc tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã quấy rối hoạt động nghiên cứu khoa học của Philippines trong vùng biển của Philippines. Ở cấp cao nhất, sau khi tàu Trung Quốc chiếu tia laze “cấp độ quân sự” vào tàu Cảnh sát biển Philippines (06/02/2023), ngày 14/02/2023, Tổng thống Marcos Jr đã trực tiếp triệu Đại sứ Hoàng Khê Liên đến để phản đối hành động này. Ngày 5/8/2023, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã phun “vòi rồng” vào tàu Cảnh sát biển Philippines khi đang làm nhiệm vụ tiếp tế tại bãi Cỏ Mây, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo đã trao công hàm phản đối cùng hình ảnh minh họa đến Đại sứ Trung Quốc tại Manila. Ngay sau sự kiện tàu Trung Quốc lại phun “vòi rồng” vào tàu tiếp tế của Philippines ở bãi Cỏ Mây liên tiếp trong các ngày 09, 10/12/2023, ngày 11/12/2023, Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Manila đến để trao công hàm phản đối.

4) Cùng với đồng minh Mỹ ra tuyên bố chung, phản đối các hành động của Trung Quốc.Để gia tăng ảnh hưởng và sức ép đối ngoại phản đối các hoạt động “Chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc, Chính phủ Philippines đã ra các tuyên bố chung với Mỹ trong các hoạt động đối ngoại song phương của mình. Ngày 20/3/2023, trong điện đàm giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Carlito Galvez với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ LLoy Austin, hai bên đã cùng lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông gây cản trở các hoạt động kinh tế của người dân Philippines, cũng như của các nước ven biển; nêu quan ngại về việc Trung Quốc tập hợp hơn 40 tàu thuyền xung quanh đảo Thị Tứ.

Ngoài các hoạt động trên, trong tháng 4/2021, giai đoạn có nhiều tàu Trung Quốc tập trung ở đá Ba Đầu và rải rác tại các khu vực biển Philippines có yêu sách chủ quyền, nhiều chính trị gia Philippines cũng như các tổ chức kinh tế, xã hội ở Philippines đã lên tiếng yêu cầu chính phủ đấu tranh, buộc Trung Quốc phải rút tàu ra khỏi khu vực. Ngày 15/4/2021, nhóm 8 tổ chức kinh tế lớn tại Philippines như Câu lạc bộ kinh tế thành phố Makati, Phòng thương mại và công nghiệp Philippines, Nhóm các CEO Philippines, Hiệp hội quản lý Philippines… cùng ký tuyên bố đề nghị Chính phủ Philippines cần phản đối mạnh mẽ và yêu cầu các tàu Trung Quốc rút khỏi đá Ba Đầu. Tiếp đó, ngày  27/4/2021, 11 Thượng Nghị sỹ Philippines cùng đưa ra nghị quyết phản đối các hành động xâm phạm vùng biển Philippines của Trung Quốc.

Thứ hai, trên lĩnh vực thông tin, truyền thông, Philippines huy động sức mạnh tổng hợp của đội ngũ báo chí, truyền thông, phóng viên trong, ngoài nước vào đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Theo đó:

Philippines liên tục công khai thông tin trên báo chí, truyền thông kèm theo hình ảnh, băng quay video, băng ghi âm về các hoạt động của tàu Trung Quốc xâm nhập vào đá Ba Đầu và một số khu vực khác ở Biển Đông, các tàu thuyền, máy bay tuần tra, tàu tiếp tế cho bãi Cỏ Mây của Philippines bị Trung Quốc cản trở… Trong năm 2021, khi có số lượng lớn tàu Trung Quốc kết bè neo đậu tại đá Ba Đầu và các khu vực thuộc quần đảo Trường Sa, các tờ báo lớn của Philippines như ABS-CBN, Inquirer, Philstar và một số đại diện báo nước ngoài đều đưa tin tường thuật các sự kiện trên cũng như phản ứng của chính phủ và các tổ chức xã hội, người dân Philippines. Quân đội Philippines cũng tổ chức tuyên dương các phóng viên báo chí về các hoạt động đưa tin về tình hình trên Biển Đông. Thậm chí, Cảnh sát biển Philippines nhiều lần tổ chức cho phóng viên báo chí trong nước và quốc tế đi thị sát trên không và trên biển để tường thuật, đưa tin trực tiếp. Ngày 22/8/2023, tàu Philippines khi tiếp tế tại bãi Cỏ Mây còn đưa phóng viên báo AFP của Pháp ra thực địa để quay phim, chụp ảnh và đưa tin sự kiện.

Thứ ba, trên thực địa, Philippines vừa tăng cường hoạt động khẳng định chủ quyền, vừa phối hợp với đồng minh hoạt động tại Biển Đông. Cụ thể:

1/ Hải quân và Cảnh sát biển Philippines tổ chức các hoạt động tuần tra liên tục trên biển.Từ năm 2021 đến nay, Philippines đã tiến hành hàng trăm đợt tuần tra trên biển và trên không. Trong năm 2021, khi có hơn 200 tàu Trung Quốc tập trung tại đá Ba Đầu và các vùng biển khác mà Philippines có yêu sách, Philippines đã liên tục điều các tàu ra tuần tra trên biển và yêu cầu tàu Trung Quốc rút lui. Theo quan sát của trang Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI), từ tháng 3 đến tháng 5/2021, phía Philippines đã điều 13 tàu chấp pháp thực hiện 57 chuyến tuần tra tại các vùng biển thuộc Trường Sa, đặc biệt là ở đá Ba Đầu, Scarborough, Thị Tứ, Cỏ Mây, trong khi trước đó năm 2009, Philippines chỉ điều 3 tàu thực hiện 7 chuyến tuần tra trên biển. Trong thời gian ít có tàu Trung Quốc hiện diện tại Biển Đông, hoạt động tuần tra của Philipines cũng ít đi, nhưng khi các tàu Trung Quốc xuất hiện trở lại hoặc có các sự kiện căng thẳng, Philippines lại thúc đẩy tuần tra biển. Đầu tháng 02/2023, khi trả lời báo chí, Tư lệnh Cảnh sát biển Philippines Artemio Abu cho biết, 26.000 cảnh sát biển và 25 tàu tuần tra của Philippines có thể được huy động để tuần tra bảo vệ chủ quyền trên biển. Ngày 10/7/2023, Báo cáo hoạt động tuần tra biển của Quân đội Philippines cho biết, Quân đội nước này đã tăng gấp ba lần số lượng các cuộc tuần tra tại Biển Đông, tăng 30% so với năm 2022 và 90% thời gian tàu tuần tra hiện diện tại nhóm đảo Kalayan.

Ngoài ra, Philippines cũng cử các tàu cảnh sát biển lớn nhất của mình đi tuần tra ở các khu vực xa hơn với số ngày dài hơn, như việc tàu Bonifacio là một trong các tàu tuần tra biển lớn nhất do Mỹ hỗ trợ đã thực hiện tuần tra tại quần đảo Kalayan vào tháng 7/2022.

2/ Phối hợp với Mỹ và đồng minh tăng cường hiện diện trên thực địa. Trong nhiều hoạt động trên biển của Philippines, đặc biệt là hoạt động tiếp tế cho lực lượng đồn trú ở bãi Cỏ Mây, thường xuyên có sự hiện diện của các tàu chiến Mỹ và các đồng minh mặc dù phía Philippines không công khai thông tin về sự phối hợp này. Ngày 23/8/2023, khi tàu của Philippines đang tiến hành tiếp tế tại bãi Cỏ Mây, thì tàu sân bay Mỹ cùng với các tàu chiến của Nhật Bản và Australia tổ chức tập trận gần khu vực trên. Đầu tháng 12/2023, tàu chiến USS Giffords của Mỹ thực hiện tuần tra gần khu vực bãi Cỏ Mây, thời điểm Philippines đang tổ chức tiếp tế ở bãi cạn này. Đáng chú ý, đầu tháng 9/2023, các tàu Hải quân Philippines lần đầu tiên cùng tàu Hải quân Mỹ tiến hành tuần tra chung tại khu vực gần đảo Palawan. Hoạt động này được đánh giá là bước chuyển quan trọng trong sự phối hợp trên thực địa của Philippines với đồng minh Mỹ mà trước đây chưa từng có.

Như vậy có thể thấy, từ năm 2021 đến nay, Philippines đã có chính sách và hoạt động rõ ràng hơn trong việc đối phó với “Chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc ở Biển Đông. Đối sách trên đã phần nào có hiệu quả, làm giảm thời gian và số lượng tàu, thuyền Trung Quốc xuất hiện tại các khu vực biển mà Philippines có yêu sách chủ quyền. Đồng thời, cũng đã giúp cộng đồng quốc tế, nhất là các nước trong khu vực Biển Đông nắm được tình hình và lên tiếng ủng hộ yêu sách biển của các nước trong khu vực dựa trên luật pháp quốc tế. Tại cuộc Đối thoại biển lần thứ 11 được tổ chức ở Hải Phòng/Việt Nam do Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Anh và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung phối hợp tổ chức vào tháng 7/2023, các chuyên gia cho rằng: Biển Đông đang đứng trước nhiều rủi ro do “Chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc. Vì vậy, để ứng phó với chiến thuật này, có rất nhiều việc phải làm, trong đó cần tập trung vào 4 giải pháp sau: (1) Các nước cần tăng cường phối hợp hành động giữa các cơ quan chức năng liên quan trong đối phó với “Chiến thuật vùng xám”; (2) Các quốc gia cũng cần nâng cao năng lực nhận biết thách thức của chiến thuật này, phân biệt “Hoạt động phức hợp” có mục tiêu hợp pháp và hoạt động “Vùng xám” với mục tiêu, dụng ý không hợp pháp; (3) Các quốc gia và tổ chức quốc tế cũng cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh “Hoạt động phức hợp”; (4) Biện pháp cuối cùng là tăng cường hợp tác quốc tế, vốn là chìa khóa để điều phối, phối hợp hành động, qua đó quản lý “Hoạt động phức hợp” hiệu quả hơn. Thiết nghĩ, các giải pháp trên là thực sự hữu ích đối với các nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới