Tuesday, January 21, 2025
Trang chủBiển ĐôngNhìn lại quá trình TQ gặm nhấm, thôn tính Hoàng Sa

Nhìn lại quá trình TQ gặm nhấm, thôn tính Hoàng Sa

Cho đến cuối Thế kỷ 19, Trung Quốc vẫn hiểu biết rất ít về quần đảo Hoàng Sa và có thái độ bàng quang, thờ ơ đối với quần đảo này. Điều đó thể hiện qua việc Tổng đốc Lưỡng Quảng (quan chức địa phương của Trung Quốc) trút bỏ trách nhiệm đối với vụ đắm tàu xảy ra tại quần đảo Hoàng Sa năm 1895 – 1896.

Đó là vụ đắm tàu của Đức Bellona và vụ đắm tàu của Nhật Imegi Maru. Hai chiếc tàu vận chuyển đồng này do các công ty Anh bảo hiểm. Hàng hóa trên tàu bị người đánh cá Trung Quốc lấy cắp và gặp phải sự lên án của công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, các nhà chức trách Trung Quốc đã cãi lại và trút bỏ mọi trách nhiệm với lý do là quần đảo Hoàng Sa là các đảo đã bị bỏ rơi, không thuộc về Trung Quốc và đồng thời cũng không được sáp nhập vào bất cứ một huyện nào của đảo Hải Nam. Giới chuyên gia kết luận sự thờ ơ nói trên có thể coi như tuyên bố phủ quyết chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Mãi đến đầu thế kỷ 20, Trung Quốc mới quan tâm tới Hoàng Sa và bắt đầu những động thái sơ khai trong yêu sách chủ quyền thể hiện tham vọng thôn tính Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa. Đầu tiên là chuyến tàu của Đô đốc Lý Chuẩn tới Hoàng Sa năm 1909 với tên gọi “thị sát Tây Sa”. Tại đây, Lý Chuẩn đã thượng cờ và bắn đại bác tuyên bố chủ quyền. Chính điều này cho thấy rằng từ trước đến nay Trung Quốc chưa hề có chủ quyền tại Hoàng Sa. Tuy nhiên, vào thời điểm này quần đảo Hoàng Sa đã thuộc về Việt Nam, các nhà nước phong kiến Việt Nam đã khai phá, thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ 16-17 và lúc bấy giờ chính quyền bảo hộ Pháp đang thay mặt nhà nước Việt Nam quản lý và thực thi chủ quyền. Pháp đã thay mặt Việt Nam phản đối các hành động xâm phạm của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và nêu rõ chủ quyền của Hoàng Sa đã được xác lập bởi Việt Nam. Trước yêu sách của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, ngày 18/2/1937 lần đầu tiên Pháp có công hàm gửi tới Trung Quốc đề nghị Trung Quốc giải quyết vấn đề bằng Trọng tài quốc tế, nhưng Trung Quốc đã từ chối.

Vào giữa thế kỷ 20, đặc biệt là giai đoạn sau Thế chiến 2, Trung Quốc dưới sự cầm quyền của Quốc Dân đảng đứng đầu là Tưởng Giới Thạch đã nhiều lần lăm le chiếm một số đảo thuộc cụm An Vĩnh. Lợi dụng tình hình rối ren khi Nhật đầu hàng đồng minh, giải giáp quân Nhật theo Hiệp định Postdam 1945 và Pháp dồn sức cho chiến trường Đông Dương, năm 1946, chính quyền Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch tiến đã xâm nhập trái phép đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Năm 1947, Pháp đã ra tuyên bố phản đối sự xâm nhập này, yêu cầu hai bên tiến hành đàm phán và giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế, nhưng chính quyền Trung Hoa Dân quốc lại một lần nữa từ chối. Chính quyền Tưởng Giới Thạch sau đó đã rút khỏi đảo Phú Lâm.

Đến năm 1956, tranh thủ nhập nhèm giữa lúc Pháp bàn giao lại quần đảo Hoàng Sa cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa, Trung Quốc, lúc này do đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo sau khi đánh đuổi Quốc Dân đảng ra đảo Đài Loan, đã lén lút đổ quân lên đảo Phú Lâm, bắt đầu thực hiện sự chiếm đóng đối với cụm An Vĩnh và Linh Côn.

Bắc Kinh đã từng bước thực hiện việc gặm nhấm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trong giai đoạn sau Thế chiến 2 và mưu toan thôn tính hoàn toàn quần đảo này, tuy nhiên trong giai đoạn trước những năm 70, quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam Cộng hòa quản lý (theo Hiệp định Geneve 1954 về phân chia lãnh thổ Việt Nam) nằm dưới sự bảo trợ của Mỹ với sự hùng mạnh về quân sự nên Trung Quốc không dám có các hành vi manh động. Sau khi ký Hiệp định Paris tháng 1/1973, quân Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam và từng bước bỏ rơi chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đến đầu năm 1974, Trung Quốc nhận thấy cơ hội đã chín muồi cho một cuộc tấn công để chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Cơ hội đó chính là cái bắt tay giữa Trung Quốc với Mỹ, để nước Mỹ làm ngơ trước các động thái của Bắc Kinh tại biển Đông. Cơ hội đó còn là tình hình chiến sự tại Việt Nam, khi mà Việt Nam Cộng hòa, là chủ sở hữu hợp pháp duy nhất đối với quần đảo Hoàng Sa lúc bấy giờ, đang dần bị Mỹ bỏ rơi và đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường ở trong nước. Trong tình cảnh khá đơn độc, khả năng bảo vệ Hoàng Sa của chính quyền Việt Nam Cộng hòa suy giảm nghiêm trọng, dù họ vẫn sở hữu lực lượng hải quân và không quân có thể nói là khá mạnh.

Ngày 11/1/1974, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc mà Việt Nam Cộng hòa chiếm cứ bất hợp pháp”.  Để làm hậu thuẫn cho những lời tuyên bố vô căn cứ, Trung Quốc tung nhiều tàu đánh cá võ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa và đổ quân giả dạng ngư phủ lên các đảo không có lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng. Đến ngày 17/1/1974, tàu và quân lính Trung Quốc đã lởn vởn nhiều nơi quanh cụm Lưỡi Liềm và phía Việt Nam Cộng Hòa đã điều tàu và quân ra để bảo vệ Hoàng Sa.

Đêm 17 tháng 1 năm 1974Chu Ân Lai nhận báo cáo tình hình Hoàng Sa từ Trường Lý Lực, Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Sau đó Chu Ân Lai cùng với Diệp Kiếm Anh viết báo cáo gửi Mao Trạch Đông đề nghị phái quân ra quần đảo Hoàng Sa. Mao Trạch Đông phê vào bản báo cáo của Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh: “Đồng ý!” và nói rằng, “trận này không thể không đánh”; “xem ra không đánh một trận thì không bảo vệ được quyền và lợi ích của Trung Quốc trên biển”. Mao Trạch Đông giao cho Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình trực tiếp chỉ huy trận đánh tại quần đảo Hoàng Sa. Đây là trận đánh đầu tiên của Đặng Tiểu Bình khi mới được phục chức sau 7 năm đi “cải tạo”.

Ngày 18/1/1974, Chu Ân Lai triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc để thảo luận về tình hình Hoàng Sa và lập ra ban chuyên trách năm người để đối phó với các diễn biến có thể xảy ra tại Hoàng Sa. Ban chuyên trách gồm: Diệp Kiếm Anh (chủ nhiệm ban chuyên trách), Vương Hồng VănTrương Xuân Kiều, Đặng Tiểu Bình và Trần Tích Liên. Ban chuyên trách nghe Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Tô Chấn Hoa báo cáo sau đó quyết định tấn công hạm đội Việt Nam Cộng hòa. Đồng thời, ban chuyên trách công bố bản hướng dẫn nhằm đánh lại các Tuần dương hạm của Việt Nam Cộng hòa. Căn cứ vào bản hướng dẫn này, Hải quân Trung Quốc lập kế hoạch chuẩn bị cho chiến dịch.

Ngày 19/1/1974, chính quyền Bắc Kinh đã đưa quân tấn công lực lượng đồn trú của Việt Nam Cộng hòa trên quần đảo Hoàng Sa, gây ra cuộc hải chiến Hoàng Sa đẫm máu, kiến 74 binh sĩ (sau này tìm ra danh tính một binh sĩ nữa tổng cộng là 75) Việt Nam Cộng hòa hy sinh. Trong khi chiến sự đang diễn ra tại Hoàng Sa, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình và Tô Chấn Hoa báo cáo lên Mao Trạch Đông đề nghị cho phép quân đội Trung Quốc chiếm tất cả các đảo do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát. Mao đã chấp thuận đề nghị này. Khi hải chiến Hoàng Sa kết thúc, sau khi nghe báo cáo, Đặng Tiểu Bình đã chỉ thị cho Quân khu Quảng Châu tiếp tục đánh chiếm các đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật và Quang Ảnh.

Nhằm lên án hành động Bắc Kinh sử dụng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa, ngày 14/2/1974, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã ra Tuyên cáo vạch trần hành vi vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Tuyên cáo nhấn mạnh: “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa. Chính phủ và nhân dân Việt Nam Cộng hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo này”. Từ cuộc hải chiến Hoàng Sa, có thể rút ra 2 điều sau:

Thứ nhất, Bắc Kinh đánh chiếm Hoàng Sa giữa lúc tình hình quốc tế, khu vực có những diễn biến phức tạp, Washington nhận thấy sự thất bại của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước quân đội Bắc Việt là không thể tránh khỏi hơn thế nữa lúc bầy giờ Trung Quốc và Mỹ có lợi ích song trùng trong việc chống lại Liên Xô nên Lầu Năm Góc đã nhắm mắt làm ngơ để Bắc Kinh đánh chiếm Hoàng Sa phục vụ yêu cầu chiến lược đó.

Theo các chuyên gia quân sự, quần đảo Hoàng Sa nằm khá gần các căn cứ hải quân và không quân Mỹ tại Philippines, việc Trung Quốc phái quân ra Hoàng Sa chắc chắn là không thoát khỏi sự phát hiện và theo dõi của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, việc các lãnh đạo Trung Quốc quyết định phái tàu ra Hoàng Sa mà không lo ngại sẽ dẫn tới xung đột với Mỹ, chứng tỏ rằng lãnh đạo cấp cao Mỹ – Trung Quốc đã ngầm có sự tán đồng với nhau trong việc Trung Quốc sẽ chiếm đánh Hoàng Sa, rằng khi nào Trung Quốc điều tàu thì hải quân Mỹ sẽ làm ngơ, coi như không biết chuyện đó. Cho tới năm 1974, Mỹ biết rằng họ sẽ thất bại ở Việt Nam nên đã ngầm “bật đèn xanh” cho Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa nhằm mượn tay Trung Quốc ngăn cản hạm đội Liên Xô hoạt động ở vùng Biển Đông.

Giới phân tích nhận định mâu thuẫn giữa Moscow và Bắc Kinh lên tới đỉnh điểm qua cuộc đụng độ biên giới năm 1969. Trung Quốc bắt đầu thực hiện sáng kiến đối ngoại mới bằng cách thúc đẩy quan hệ với Mỹ, cao trào là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon tháng 2/1972, đưa Trung Quốc trở thành “đồng minh giai đoạn” của Mỹ để kìm chân và chống lại Liên Xô. Mỹ không muốn vụ Hoàng Sa ảnh hưởng tới mục tiêu chiến lược của mình là kéo Trung Quốc kiềm chế Liên Xô. Ngoài ra, Mỹ được cho là có một “toan tính” sâu xa hơn khi không can dự vào trận Hải chiến 1974 vì khi đó, Việt Nam và Trung Quốc đều đi theo con đường Xã hội chủ nghĩa. Việc Washington “làm ngơ” cho Bắc Kinh ngang nhiên chiếm Hoàng Sa sẽ tạo thù địch giữa Hà Nội và Bắc Kinh, dẫn đến chia rẽ giữa các nước cộng sản.

Trên vùng biển Đông ngoài khơi Việt Nam gần với đảo Hải Nam, Trung Quốc và quần đảo Hoàng Sa vào thời điểm đó có mặt Hải đoàn 77 (Task Force 77) của Hải quân Mỹ gồm hàng không mẫu hạm và các chiến hạm yểm trợ đủ khả năng hỗ trợ Hải quân Việt Nam Công hòa chống lại Bắc Kinh trong cuộc hải chiến Hoàng Sa. Tuy nhiên, Mỹ đã hoàn toàn đứng ngoài cuộc. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã nhiều lần thông báo tình hình trận Hoàng Sa với Đại sứ quan Mỹ nhưng Washington không hề có động thái hỗ trợ gì.

Nhiều tài liệu mật của Bộ Ngoại Mỹ giải mã trong thời gian qua đã chứng minh cho việc Washington ngầm “bật đèn xanh” cho Bắc Kinh đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Theo đó, từ năm 1970, Đô đốc Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Elmo Zumwalt tuyên bố tại Guam rằng Hoàng Sa và Trường Sa không nằm trong chiến lược phát triển các hải đảo của Hạm đội 7. Sau trận hải chiến Hoàng Sa, Đô đốc Thomas H. Moorer, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, từng báo cáo với Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là ông Henry Kissinger rằng: “Toàn vùng đó là cả vấn đề. Trường Sa, Hoàng Sa và các đảo khác có cùng vấn đề – đó là vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Chúng tôi đã ra lệnh tránh khỏi vùng đó”. Ngày 23/1/1974, trong cuộc gặp với ông Hàn Tự, quyền trưởng phái đoàn liên lạc của Trung Quốc tại Washington, Ngoại trưởng Kissinger nói: “Mỹ không có lập trường trong việc ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Nam Việt Nam tại các đảo này”.

Các chuyên gia quân sự nhận định không quân của Việt Nam Cộng hòa với thực lực F-5 lúc bấy giờ có thể giúp Việt Nam Cộng hòa giành lại được Hoàng Sa từ tay Trung Quốc sau cuộc hải chiến hôm 19/1, song chính quyền Tổng thống Thiệu đã không ra lệnh cho chiến đấu cơ xuất kích để oanh tạc tàu chiến Trung Quốc. Nhiều tài liệu quốc tế cho rằng chính Mỹ đã gây áp lực để chính quyền ông Thiệu không ra lệnh xuất kích vì không muốn đụng chạm đến Trung Quốc, lo ngại điều này sẽ làm ảnh hưởng đến kế hoạch rút quân của Mỹ, ảnh hưởng đến việc cải thiện quan hệ Mỹ-Trung.

Thứ hai, Trung Quốc đã dùng tàu cá và dân quân biển đội lốt tàu cá làm mồi nhử, khiêu khích để đối Hải quần Việt Nam Cộng hòa nổ súng trước và Trung Quốc lấy cớ để tấn công vũ lực gây ra trận hải chiến Hoàng Sa đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Lấy cớ đó, Bắc Kinh ngang nhiên tuyên truyền rằng cuộc tấn công vào khu vực quần đảo Hoàng Sa năm 1974 chỉ mang tính “tự vệ”, tuy nhiên giới quan sát quốc tế chỉ rõ, tuyên truyền của Bắc Kinh là bịa đặt trắng trợn về bản chất cuộc hải chiến.

Chiến thuật dùng tàu cá và dân quân biển để thúc đẩy các yêu sách về lãnh thổ này tiếp tục được Bắc Kinh sử dụng đến tận ngày nay. Trong vụ việc chiếm Bãi cạn Scarborough của Philippines năm 2012, Bắc Kinh cũng dùng chiêu bài này. Trung Quốc cho tàu cá và tàu dân quân biển giả danh tàu cá khiêu khích để Philippines điều tàu chiến đến bảo vệ ngư dân thì Bắc Kinh điều ngay tàu chiến đến để khống chế toàn bộ Bãi cạn này. Trong mấy năm trở lại đây Trung Quốc có lúc đã cho hàng trăm tàu cá và tàu dân quân biển tụ tập ở khu vực Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa, gây căng thẳng ở Biển Đông.

Thời gian gần đây, giới chuyên gia nhận định trong mục tiêu độc chiếm Biển Đông, Bắc Kinh đề ra chiến lược 3 bước gồm: 1. Kiểm soát (1970-2010); 2. Làm chủ (2011-2025) và 3. Độc chiếm (2026-2050). Cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974 đánh dấu một trong những bước đầu tiên trong chiến lược ba bước của Trung Quốc đối với Biển Đông. Ngay sau khi trận hải chiến Hoàng Sa kết thúc, Đặng Tiều Bình (thành viên Ban chuyên trách đánh Hoàng Sa) đã nói “Sân bay Tây Sa (tức Hoàng Sa) sau này nhất định phải xây, chỗ đó vị trí quan trọng, có thể vươn tới Nam Sa (tức Trường Sa, đồng thời khống chế Nam Sa (Trường Sa)”. Phát biểu của Đặng Tiểu Bình thể hiện rõ tham vọng bành trướng ở Biển Đông của Bắc Kinh.

Như vậy, trận hải chiến Hoàng Sa là một bước ngoặt trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Hiện Trung Quốc đang dùng mọi thủ đoạn để triển khai bước 2, trong đó tiến hành bồi đắp mở rộng các thực thể ở quần đảo Hoàng Sa và những thực thể Trung Quốc chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa; quân sự hóa Biển Đông thông qua việc biến những thực thể này thành các đồn điền quân sự của chúng; đồng thời, Bắc Kinh đẩy mạnh chiến thuật “vùng xám” hòng từng bước làm chủ Biển Đông.

Sau khi đánh chiếm Hoàng Sa, Trung Quốc đã tiếp tục có nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế để khẳng định chỗ đứng của mình như tự ý vạch đường cơ sở thẳng xung quanh quần đảo Hoàng Sa; quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa; truy đuổi ngư dân Việt Nam ra khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa…. Trước những hành vi hung hăng của Trung Quốc, chính quyền Washington nhận thức rõ những sai lầm khi đã làm ngơ để Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa. Thời gian gần đây, Hải quân Mỹ nhiều lần tiến hành tự do hàng hải (FONOP) ở khu vực Hoàng Sa và tuyên bố rõ ràng rằng mục tiêu của Hải quân Mỹ là bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc bảo vệ luật pháp quốc tế. Tóm lại, Trung Quốc đã có ý đồ thôn tính Hoàng Sa từ đầu Thế kỷ 20, quá trình thực hiện âm mưu này được đánh dấu bằng cuộc tấn công vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 và tiếp tục được triển khai trong năm 50 năm qua. Đã có sự “đi đêm” giữa Bắc Kinh và Washington để Trung Quốc tấn công vũ lực quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa như Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định hôm 20/1/2024 “là hoàn toàn đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, không thể tạo ra danh nghĩa chủ quyền cũng như không làm thay đổi sự thật chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam”.

RELATED ARTICLES

Tin mới