Thursday, December 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnPháp và Châu Âu sẽ can dự sâu hơn vào Biển Đông...

Pháp và Châu Âu sẽ can dự sâu hơn vào Biển Đông và Châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2024

Đầu tháng 12/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu đã tới thăm Philippines trong chuyến công du tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Một loạt tuyên bố của các bộ trưởng hai nước trong chuyến thăm đánh dấu việc Pháp can dự mạnh mẽ hơn vào vấn đề Biển Đông.

Trước những căng thẳng ngày càng gia tăng ở Biển Đông, đáp ứng lời kêu gọi của Philippines về giúp đỡ để đối phó với các động thái ngày càng hung hăng của Trung Quốc, Mỹ, Australia và Nhật Bản đã tăng cường hợp tác quân sự với Philippines, hậu thuẫn cho Philippines trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh. Kết quả chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đưa pháp trở thành nước quốc gia châu Âu đầu tiên can dự sâu vào Biển Đông và có thể dẫn dắt các nước châu Âu khác cùng đồng hành đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian tới.

Thái độ quan tâm đến Biển Đông của Paris đã được chính Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu nêu bật ngày 2/12 khi ông cùng với người đồng cấp Philippines Gilberto Teodoro Jr. nhất trí siết chặt hơn nữa quan hệ quân sự và quốc phòng song phương, đặc biệt là khởi động tiến trình đàm phán về một thỏa thuận an ninh chung cho phép quân đội hai nước hiện diện trên lãnh thổ của nhau. Bộ trưởng Pháp xác định rằng mục tiêu đầu tiên của việc tăng cường quan hệ quốc phòng Pháp-Philippines là tạo nên mối quan hệ gần gũi chiến lược hay khả năng phối hợp tác chiến giữa lực lượng vũ trang của hai bên, nhất là giữa Hải quân và Không quân hai nước.

Trong khi chờ đợi thỏa thuận an ninh chung được hình thành, Paris và Manila đã nhất trí tăng cường trao đổi thông tin và tin tức tình báo nhằm đối phó với những mối đe dọa an ninh, gia tăng các chuyến ghé thăm cảng của chiến hạm hai nước. Trong một thông điệp được cho là nhắm tới Trung Quốc, hai bên đã nhấn mạnh trên tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Các nhà quan sát nhận định việc Philippines muốn tăng cường quan hệ quốc phòng với Pháp nằm trong chiến lược của Manila muốn tìm thêm hậu thuẫn quốc tế để chống lại sức ép ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Yêu cầu của Philippines đã được Pháp đáp ứng vì điều đó phù hợp với tham vọng của Paris, muốn tăng gia ảnh hưởng của Pháp trong khu vực.

Trong năm 2023, Trung Quốc chĩa mũi nhọn gây hấn vào Philippines ở Biển Đông như chiếu tia lazer cấp độ nguy hiểm vào thủy thủ đoàn của Philippines; tàu hải cảnh Trung Quốc nhiều lần phun vòi rồng hay đâm va vào các tàu công vụ của Philippines; đưa hơn 100 chiếc tàu thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc vào khu vực gần Đá Ba Đầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines với hàng chục chiếc tàu Trung Quốc gắn kết lại với nhau theo đội hình và rất nhiều chiếc tàu khác phân tán quanh khu vực. Giới chuyên gia cho rằng đối mặt với Trung Quốc, nhưng do năng lực quân sự hạn chế Philippines phải tìm kiếm hậu thuẫn từ Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Mong muốn của Philippines đã được nước Pháp đã đáp ứng.

Tại cuộc hội đàm ở Manila hôm 2/12/2023 Bộ trưởng Quốc phòng Philippines và Pháp thống nhất tăng cường trao đổi thông tin và tin tức tình báo nhằm đối phó với những mối đe dọa an ninh; nhất trí duy trì những chuyến thăm của chiến hạm của nhau; đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Thỏa thuận quốc phòng Manila bắt đầu đàm phán với Paris cho phép hai nước cử lực lượng quân sự tham gia tập trận chung tại lãnh thổ của nhau, tương tự như thỏa thuận mà Philippines đã có với Mỹ và Australia và sắp tới đây sẽ ký với Nhật.

Trong cuộc họp báo sau hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr. nhấn mạnh” “Cả hai nước (Pháp và Philippines) đều có chính sách đối ngoại độc lập và chúng tôi tôn trọng điều đó cũng như đồng ý hợp tác dựa trên các giá trị chung, hợp tác chung, không chỉ ở Biển Đông mà còn ở khu vực Thái Bình Dương mở rộng, nơi Pháp cũng có sự hiện diện”. Ông Teodoro Jr. cho biết hai phía có ý định thực hiện những bước cụ thể nhằm nâng cấp và mở rộng hợp tác quốc phòng song phương một cách toàn diện; lãnh đạo hai nước cùng các cơ quan liên quan cho phép bắt đầu thảo luận về thỏa thuận an ninh chung. Bộ trưởng Teodoro Jr. khẳng định: “Chúng tôi dự định thực hiện các biện pháp cụ thể để cải thiện và làm cho hợp tác quốc phòng của chúng tôi trở nên hoàn thiện hơn”.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Sébastien Lecornu nhấn mạnh việc Pháp đang tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và Hải quân Pháp đã thực hiện nhiều hoạt động trong khu vực. Cùng với Mỹ, Pháp là nước đã nhiều lần cho chiến hạm tiến hành tuần tra tại vùng Biển Đông. Ông Lecornu nói: “Pháp và Philippines là hai quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chúng tôi có chung tầm nhìn về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Bộ trưởng Lecornu khẳng định mục tiêu đầu tiên là tạo nên mối quan hệ gần gũi chiến lược hay khả năng hành quân phối hợp giữa lực lượng vũ trang của hai bên, cách thức hải quân và không quân hai nước tương tác với nhau.

Tại Manila, Pháp và Philippines đã ký một ý định thư liên quan đến an ninh pháp lý của các quan hệ đối tác và hoạt động tác chiến khác nhau, mục tiêu là tạo ra khả năng tương tác và tăng cường quan hệ chiến lược giữa hai quân đội, có thể bằng cách tăng tần suất các chuyến dừng chân của hải quân và triển khai không quân Pháp ở Philippines. Bộ trưởng Sébastien Lecornu cũng tuyên bố mở văn phòng thường trực về nhiệm vụ quốc phòng ở Manila và bổ nhiệm một sĩ quan cấp cao của Hải quân Pháp.

Chủ trương dấn thân mạnh mẽ hơn của Pháp vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng được thể hiện rõ trong chuyến công du Australia của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp ngày 4-5/12/2023. Phát biểu tại Canberra ngày 4/12, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna lưu ý rằng “thế giới hiện không cần đến một cuộc khủng hoảng mới” vào lúc đang diễn ra hai cuộc chiến tranh tại Ukraine và tại Trung Đông. Người đứng đầu ngành ngoại giao Pháp không ngần ngại gợi lên trách nhiệm của Trung Quốc trong việc làm cho tình hình mất ổn định khi kêu gọi Trung Quốc kiềm chế các hành động của mình trong vùng châu Á.

Phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Australia ở thủ đô Canberra, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna không che giấu thái độ quan ngại, khẳng định rằng “Tất nhiên là chúng tôi – tức là nước Pháp – lo ngại về những gì đã xảy ra vài ngày trước với Hải quân Australia, cũng như những gì đã xảy ra với Philippines vài tuần trước”. Tháng 11/2023, Canberra đã lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh về những hành vi “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp” trên biển sau vụ một người nhái của Hải quân Australia bị thương do sóng xung kích siêu âm từ một chiến hạm Trung Quốc gần đó bắn ra. Trong khi đó, Manila liên tiếp tố cáo tàu Trung Quốc có các hành vi quấy nhiễu tàu công vụ cũng như tàu đánh cá Philipines trong vùng biển của Philippines. Ngoại trưởng Pháp đã kêu gọi Trung Quốc giảm bớt việc gây căng thẳng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng Bắc Kinh có quyền tự do tiếp tục “đà trỗi dậy kinh tế” của mình, nhưng bên cạnh đó cũng phải đáp ứng những kỳ vọng của quốc tế.

Động thái mới của Pháp trong những ngày cuối năm 2023 cho thấy Pháp đang tìm cách khẳng định mình là một cường quốc cân bằng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh ảnh hưởng. Giới quan sát nhận định những kết quả trong chuyến thăm Manila của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp thể hiện rõ tham vọng của Paris thông qua việc hậu thuẫn Philippines về mặt quốc phòng và an ninh để can dự sâu hơn vào Biển Đông. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Pháp có đủ nguồn lực quân sự để tham gia vào “cuộc chơi” ở Biển Đông hay không. Quả thực, sự khiêm tốn về nguồn lực quân sự đã hạn chế tham vọng của Pháp.

Trên thực tế, thời gian qua Pháp cũng đã điều chiến hạm đi tuần tra ở Biển Đông nhưng với tần suất rất thấp so với các cường quốc khác, đặc biệt là Mỹ. Trong các chuyến tuần tra ở Biển Đông và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngoại trừ tàu tuần dương giám sát Le Vendémiaire (năm 2018 chiến hạm này của Pháp đã ghé thăm cảng Manila 5 ngày), thỉnh thoảng được tăng cường bởi một tàu hộ vệ đa nhiệm (chẳng hạn như tàu FREMM Lorraine vào tháng 6/2022). Các chuyên gia hy vọng sau chuyến đi Philippines và một số nước khu vực khác của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu cũng như sau chuyến công du Australia và một số nước khu vực của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Catherine Colonna, Paris sẽ có những hoạt động mạnh mẽ hơn ở Biển Đông và châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2024 tới đây.

Giới chuyên gia nhận định Pháp có những điều kiện thuận lợi để tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông và châu Á-Thái Bình Dương bởi Pháp có những vùng lãnh thổ hải ngoại tại khu vực. Đặc biệt, Pháp có lịch sử gắn với Biển Đông hàng trăm năm, thậm chí Pháp đã từng cai quản hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Dưới thời pháp thuốc, chính quyền bảo hộ Pháp đã thay nhà nước phong kiến Việt Nam thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, xây dựng nhiều công trình trên quần đảo Hoàng Sa và thực thi các công việc hành chính trên quần đảo Hoàng Sa. Thậm chí những năm 30 của Thế kỷ 20 Pháp đã ra Tuyên bố xác lập chủ quyền đối với 6 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. Do vậy, Pháp có thể đóng góp vai trò nhất định trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Pháp là nước lớn có vai trò quan trọng ở châu Âu, việc Pháp tăng cường hợp tác quốc phòng với Philippines và ký với Philippines một thỏa thuận hợp tác quốc phòng, can dự sâu hơn vào Biển Đông và chấu Á-Thái Bình Dương có ý nghĩa trong việc khích lệ các nước châu Âu khác cùng đồng hành trong việc bảo đảm an ninh hàng hải ở Biển Đông. Năm 2020, các nước lớn ở châu Âu như Anh, Đức đã cùng với pháp có công hàm gửi Liên hợp quốc thể hiện rõ lập trường pháp lý liên quan tới tranh chấp Biển Đông, bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, kêu gọi tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực. Trên thực tế, Anh đã điều tàu sân bay và Đức cũng đã điều tàu chiến tới tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông và trong khu vực. Trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, việc Paris tăng cường hợp quốc phòng mạnh mẽ với Manila cho thấy rõ các nước châu Âu không lơ là với những diễn biến ở Biển Đông và trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà đang tiếp tục hướng tới khu vực năng động này nhằm ngăn chặn kiềm chế Trung Quốc, thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ. Việc Pháp can dự sâu hơn vào Biển Đông thông qua thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng với Philippines chắc chắn sẽ tạo ra một cú hích thôi thúc các nước châu Âu khác noi theo. Nhìn tổng thế, việc Pháp và các nước châu Âu tăng cường can dự vào khu vực và Biển Đông là có lợi cho các nước nhỏ ven Biển Đông trong cuộc đối đầu với sự hung hăng của Bắc Kinh. Chúng ta hy vọng trong năm 2024 này sẽ có thêm nhiều nước châu Âu noi theo Pháp, can dự sâu hơn vào Biển Đông, bảo vệ tự do, an ninh an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để duy trì trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới