Tuesday, December 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiCăng thẳng Biển Đỏ làm tăng cước vận tải, DN lâm vào...

Căng thẳng Biển Đỏ làm tăng cước vận tải, DN lâm vào cảnh “cá nằm trên thớt”

Căng thẳng Biển Đỏ đã gây tác động xấu đối với ngành vận tải biển cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhất là thị trường khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.

Xung đột Biển Đỏ đang ảnh hưởng đến hoạt động XNK của Việt Nam


Kể từ cuối năm 2023, do căng thẳng Biển Đỏ đã khiến nhiều hãng tàu đã phải thay đổi tuyến đường vận chuyển ngắn nhất qua kênh đào Suez, vòng qua Mũi Hảo Vọng nên hành trình đã kéo dài từ 10 – 15 ngày so với trước. Thực trạng này đã gây tác động xấu đối với ngành vận tải biển thế giới, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, trực tiếp nhất là xuất khẩu tới khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.

Một số tác động tiêu cực từ xung đột Biển Đỏ đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể nhìn thấy ngay là giá cước vận tải đã tăng mạnh. Nghiêm trọng hơn là tình trạng thiếu container rỗng, thời gian vận chuyển kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến khả năng đáp ứng đơn hàng. Xa hơn, việc tăng chi phí vận tải và giá dầu sẽ gây ra hiệu ứng domino đối với giá cả hàng hóa, làm tăng bất ổn kinh tế và địa chính trị, từ đó cản trở đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Phản ánh từ thực tế, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam thông tin, hiện chi phí vận chuyển đối với mặt hàng này đi thị trường EU đã tăng 5 – 6 lần so với tháng 12/2023. “Có DN xếp hàng lên tàu 15 ngày nhưng hãng tàu không thể đáp ứng container, đến khi tàu có thể tiếp nhận hàng lại bị áp dụng phụ thu với giá 2.000 USD/container 40 feet. Nếu không nộp phụ phí tăng thêm này, hãng tàu gửi bản áp phụ phí thanh toán trễ. Việc áp dụng phụ phí một cách tùy tiện, không báo trước và không qua đối thoại, thỏa thuận khiến các nhà xuất khẩu rơi vào cảnh “cá nằm trên thớt”, bà Liên bày tỏ quan ngại.

Tính chung trong năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với khu vực châu Âu là 71,14 tỷ USD và với khu vực Bắc Mỹ là 122,3 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai khu vực này chiếm tới 28,4% tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước năm 2023. Do vậy, có thể thấy khả năng tác động của cuộc xung đột Biển Đỏ đến Việt Nam là không hề nhỏ.

Để ứng phó với tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ, các cơ quan quản lý, Hiệp hội và DN cũng đưa ra đề xuất ổn định giá cước và phí vận chuyển; phân luồng hàng hóa và tuyến đường thay thế; đa dạng nguồn cung ứng hàng hóa; lưu ý trong đàm phán hợp đồng mua bán và hợp đồng bảo hiểm bám sát tình hình; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, đánh giá tình hình và ứng phó đối với các tình huống tương tự trong tương lai; tăng cường hợp tác quốc tế; xây dựng kế hoạch phòng ngừa và phản ứng nhanh.

Cụ thể như đối với các DN trong ngành dệt may, hiện nay đang thực hiện hình thức nhập nguyên phụ liệu theo hình thức CIF và xuất khẩu sản phẩm theo FOB, do đó trước mắt ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột Biển Đỏ là chưa nhiều. Nhưng theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), mỗi khi có rủi ro xảy ra, các khách hàng sẽ yêu cầu nhà xuất khẩu chia sẻ những khó khăn nhất định để giảm bớt tổn thất. Trong khi các khách hàng luôn yêu cầu DN dệt may giao hàng nhanh, nhưng thời gian vận chuyển lại kéo dài thêm từ 10 – 15 ngày, dẫn đến thời gian sản xuất của DN bị thu hẹp, gia tăng áp lực lên các DN sản xuất.

“Nếu tình trạng này kéo dài, các đơn hàng dệt may tiếp theo trong năm nay của DN dệt may chắc chắn gặp khó khăn, có thể dẫn đến nguy cơ bị hủy đơn hàng. Do đó, các DN luôn quan tâm đến những thông tin sớm, kịp thời để có thể chủ động đàm phán với các đối tác. Các hãng tàu nếu có các phụ phí tăng thêm, hoặc những thay đổi liên quan đến vấn đề chi phí cần phải minh bạch, thông tin sớm, kịp thời để DN có những định hướng ứng phó”, ông Cẩm nêu.

Liên quan đến việc áp dụng phụ thu của các hãng tàu, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, hiện nay theo quy định tại Nghị định 146, các hãng tàu phải niêm yết công khai giá cước cũng như vấn đề phụ thu trên trang thông tin điện tử của hãng tàu và thông báo cho khách hàng. Trong trường hợp thay đổi hoặc tăng phụ phí, các hãng tàu biển phải thông báo trước 15 ngày. Việc các hãng tàu thực hiện tăng ngay giá phụ thu nhưng không có thông báo hoặc áp dụng không đúng, khi nhận được phản hồi từ các DN, Cục Hàng hải Việt Nam cam kết sẽ xử lý đúng các trường hợp vi phạm trong việc niêm yết giá theo quy định của pháp luật.

Nắm bắt thông tin nhanh nhất và dự báo tác động chính xác nhất, cùng các biện pháp ứng phó phù hợp, hướng tới mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực của vấn đề Biển Đỏ là quan điểm của ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Ông Hải cho rằng, trong bối cảnh như hiện nay các hãng tàu cần duy trì tuyến, đưa container rỗng về để đảm bảo cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN Việt Nam. Đồng thời, thực hiện đúng quy định về niêm yết, về giá cước, phụ phí. Các DN xuất khẩu cần xem xét thêm hình thức vận tải đa phương thức như đường sắt, đường biển và hàng không. Việc này cần sự kết hợp của nhiều đơn vị vận tải khác nhau để có thể vượt qua những tác động của căng thẳng Biển Đỏ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới