Thursday, December 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giới“Nhà nước giám sát’ của TQ là thế nào?

“Nhà nước giám sát’ của TQ là thế nào?

Nhà chức trách Trung Quốc đã dành nhiều công sức để biến Bảo tàng Cảnh sát Bắc Kinh thành một địa điểm du lịch thân thiện với gia đình. Nằm trong một cung điện cổ gần Quảng trường Thiên An Môn, bảo tàng này là nơi phô diễn các chiến công chống tội phạm.

Tủ kính trưng bày súng được cảnh sát Trung Quốc sử dụng, bên cạnh một mô hình chó cảnh sát mặc áo chống đạn, mang mũ bảo hiểm kiểu biệt kích và ủng bảo vệ ở chân. Trong dịp nghỉ Tết Nguyên Đán, nhiều phụ huynh đã đưa con cái đến đây để chiêm ngưỡng trực thăng cảnh sát, đội chống ma túy, đội tuần tra giao thông và cảnh sát an ninh mạng. Sự đàn áp chính trị chỉ được đề cập thoáng qua — nhưng là trong phần lịch sử. Nó được thể hiện bởi một bức ảnh cũ chụp cảnh sinh viên biểu tình bị cảnh sát mặc thường phục bắt giữ, nhiều năm trước khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền.

Nhưng đâu là mặt còn lại của bảo tàng này — một địa điểm tượng trưng cho mặt tối của một chính quyền công an? Trung Quốc không có một cơ quan giống kiểu KGB của Liên Xô (tức một cơ quan cảnh sát mật có trong tay đông đảo sĩ quan). Không gì ở Bắc Kinh trông như tòa nhà Lubyanka của KGB, một nhà tù khét tiếng luôn gieo rắc sợ hãi cho người dân Moscow. Dù vậy, biểu tình chính trị chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc lại vô cùng hiếm. Đó là vì đảng đã xây dựng được một nhà nước giám sát có năng lực nhất trong lịch sử, theo lập luận trong cuốn sách mới của Giáo sư Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei): “The Sentinel State: Surveillance and the Survival of Dictatorship in China” (tạm dịch: “Nhà nước Canh gác: Chế độ Giám sát và Sự Tồn tại của Chế độ Độc tài Trung Quốc”).

Giáo sư Bùi, thuộc Đại học Claremont McKenna ở California, viết: Hệ thống “đàn áp phòng ngừa” của Trung Quốc được thiết kế để ngăn chặn, phát hiện, và làm nản lòng những người chỉ trích chế độ độc đảng trước khi họ có thể tổ chức hoặc hành động. Hệ thống này dựa một phần vào các công cụ công nghệ cao đã gây chú ý trên toàn thế giới, từ camera nhận dạng khuôn mặt và đầu đọc biển số xe cho đến thiết bị theo dõi điện thoại di động. Tường lửa kỹ thuật số che chắn hoàn toàn mạng Internet của Trung Quốc, trong khi các thuật toán giám sát đến cả các dịch vụ nhắn tin và bình luận trực tuyến. Chỉ cần đi quá lằn ranh đỏ vô hình này, cảnh sát sẽ đến gõ cửa nhà bạn. Bên cạnh đó, cuốn sách của GS Bùi cũng cân nhắc tiềm năng của một “hệ thống tín nhiệm xã hội” đang được hoàn thiện, trong đó chấm điểm công dân về hành vi xã hội và chống đối xã hội trong công việc cũng như đời sống riêng tư.

Tuy nhiên, ông Bùi cho rằng các thiết bị, công cụ không thể giải thích được cho sự thành công của Trung Quốc trong việc trấn áp những người bất đồng chính kiến. Ông nói thành công của hệ thống đến từ một mạng lưới sức người chồng chéo vô cùng phức tạp. Hầu hết trong số này thậm chí không phải là nhân viên nhà nước. Khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, ở Đông Đức cứ 165 công dân thì có một sĩ quan Stasi. Nếu Trung Quốc làm tương tự, họ sẽ cần tới 8,5 triệu cảnh sát mật. Nhưng thực tế đội quân cảnh sát mật của Bắc Kinh chỉ bằng một phần nhỏ con số đó. Bộ An ninh Nhà nước (MSS), cơ quan gián điệp dân sự chính của Trung Quốc, có nhiệm vụ chủ trì các hoạt động gián điệp ở nước ngoài và phản gián trong nước. Các chi nhánh MSS trên khắp đất nước theo dõi người nước ngoài, người Trung Quốc có mối quan hệ ở nước ngoài, và người dân tộc thiểu số có quan hệ xuyên biên giới hoặc có hồ sơ quốc tế, bao gồm người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ. Các nhân viên an ninh nhà nước sử dụng quyền lực đáng sợ để đe dọa và giam giữ các mục tiêu mà không cần buộc tội. Dù vậy, cuốn sách lưu ý rằng MSS tương đối nhỏ và có “tầm bao quát hạn chế đối với việc giám sát trong nước.”

Sách của Giáo sư Bùi cho biết có một cơ quan cảnh sát mật quan trọng hơn nằm trong Bộ Công an, bộ phụ trách cảnh sát dân sự của Trung Quốc, mang tên Cục Bảo vệ An ninh Chính trị (gọi tắt là Chính bảo). Tổng số sĩ quan cảnh sát Trung Quốc không được công khai nhưng được cho là hơn 2 triệu người. Dựa trên các niên giám và ấn phẩm của tỉnh, thành phố và quận, Giáo sư Bùi ước tính có 3-5% lực lượng cảnh sát làm việc cho Chính bảo ở cấp trung ương và địa phương, tương đương với 60.000-100.000 người, hay cứ 14.000-23.000 công dân thì có một sĩ quan. Ngoài ra còn có Văn bảo, một đơn vị cảnh sát chuyên giám sát các cơ sở văn hóa và giáo dục, đặc biệt là các trường đại học.

Một cơ quan cao cấp khác của đảng là Ủy ban Chính trị và Pháp luật (Uỷ ban Chính Pháp). Uỷ ban này điều hành các hoạt động giám sát và “các văn phòng duy trì sự ổn định” có nhiệm vụ dập tắt mọi cuộc đình công và biểu tình trước khi chúng bắt đầu. Là một cơ quan thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, uỷ ban này giám sát chính sách an ninh nói chung và kiểm tra sự trung thành chính trị của cảnh sát cũng như các quan chức tư pháp.

Cuốn sách gợi ý rằng Trung Quốc không cần một cơ quan cảnh sát mật với hàng triệu sĩ quan. Đó là vì nhà nước giám sát của họ dựa trên các trụ cột phi chính thức khác. Đầu tiên là các sĩ quan thông thường trong hệ thống đồn cảnh sát. Theo tuyên truyền của Trung Quốc, những cảnh sát như vậy không có gì xấu xa. Họ là những anh hùng địa phương có nhiệm vụ chiến đấu với tội phạm và giữ an toàn cho cộng đồng. Nhưng theo dõi bất đồng chính kiến hoặc sự bất mãn của công chúng cũng là công việc của họ. Lời tuyên thệ của cảnh sát thậm chí nhắc đến việc củng cố “sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản” trước khi nói đến việc bảo vệ công chúng.

Các đồn cảnh sát được yêu cầu giám sát “các đối tượng chủ chốt,” một thuật ngữ chỉ hàng triệu người Trung Quốc có hồ sơ cảnh sát, bao gồm cả những người từng bị kết án, nghi phạm hình sự cũng như những người được coi là mối đe dọa đối với “an ninh quốc gia.” Các đồn cảnh sát cũng theo dõi hàng triệu “cá nhân chủ chốt,” bao gồm các nhà hoạt động nhân quyền, tín đồ tôn giáo và những “dân oan” đi tìm công lý.

Tất cả những điều đó liên quan đến trụ cột thứ hai của nhà nước trong công tác giám sát: các chỉ điểm viên. Giáo sư Bùi trích dẫn các tài liệu cho thấy chính quyền thành phố và cảnh sát quận tự hào tuyển dụng các nhân viên chuyển phát nhanh, chủ cửa hàng, nhân viên bảo vệ, nhân viên khách sạn và quản lý tòa nhà làm người cung cấp thông tin. Thành phố Tây An từng báo cáo cứ 12 tài xế taxi ở thành phố thì có một người làm việc cho cảnh sát. Các trường đại học cho biết các giảng viên nước ngoài và sinh viên Duy Ngô Nhĩ đều bị theo dõi chặt chẽ bởi các sinh viên được cảnh sát tuyển để theo dõi giáo viên và các bạn cùng lớp. Bên cạnh đó là hàng triệu đảng viên và tình nguyện viên cộng đồng được yêu cầu trình báo những hành vi đáng ngờ cũng như những đồng nghiệp và hàng xóm không hài lòng với chính quyền. Nói cách khác, hệ thống chống tội phạm và bảo vệ sự độc tôn quyền lực của đảng không hề có ranh giới rõ ràng nào.

Mô hình rắm rối này phù hợp với nhu cầu của đảng. Đảng có tai mắt ở khắp mọi nơi, trong khi không sở hữu một KGB hay Stasi độc lập nào có thể gây lo ngại cho công chúng hoặc trở nên quá quyền lực. Hóa ra, nhà nước giám sát của Trung Quốc tồn tại ngay trước mắt chúng ta.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới