Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhòng thủ hay bao vây?

Phòng thủ hay bao vây?

Đúng như dự báo, tình hình trên Biển Đông những tháng đầu năm nay lại nóng lên với nhiều diễn biến bất thường. Căng thẳng nhất là quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines.

Manila tuyên bố rằng, các hành động của họ, từ hành động ngoại giao đến diễn tập, huấn luyện chiến đấu đều nhằm “phòng thủ”, nhằm bảo vệ chủ quyền của mình. Ngược lại, Bắc Kinh phản pháo, rằng Philippines đang cấu kết với Mỹ và các đồng minh “bao vây” Trung Quốc.

Phòng thủ hay bao vây? Câu hỏi này đều được sự lý giải của các bên. Hồi cuối tháng 2/2024, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr tuyên bố: Sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông là rất đáng báo động. Manila kiên quyết phản đối những hành động lấn lướt, bắt nạt của nhà cầm quyền Bắc Kinh, và sẽ không từ bỏ việc bảo vệ ngư dân và chủ quyền trên biển.

Ông Marcos còn dẫn chứng cụ thể, tình hình ở những vùng nước tranh chấp có nhiều thay đổi theo hướng xấu, do sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc: “Điều này đáng lo ngại vì có hai yếu tố. Trước đây chỉ có Cảnh sát biển Trung Quốc hoạt động trong khu vực, nay họ đưa cả Hải quân và tàu cá”.

Hải quân Trung Quốc lần đầu tiên xuất hiện một cách công khai. Theo thông báo của Tuần duyên Philippines (PCG), đã phát hiện các tàu hải quân Trung Quốc trong một chuyến tuần tra của một tàu thuộc Cục Nghề cá và Tài nguyên Thủy sản (BFAR) tại Bãi cạn Scarborough, nơi đang có tranh chấp gay gắt giữa hai bên. Có ít nhất ba tàu chiến cùng một máy bay của Hải quân Trung Quốc lởn vởn quanh Bãi cạn này (khoảng cách khoảng 20 hải lý).

Ông Jay Tarriela – phát ngôn viên của PCG- nói: “Điều quan trọng là chúng ta phải lưu ý rằng, trong phạm vi 12 hải lý quanh Bãi cạn thuộc chủ quyền Philippines”.

Trước sự tham chiến của Hải quân, không quân Trung Quốc, Tổng thống Philippines Marcos Jr khẳng định lập trường cứng rắn: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ngư dân. Họ là những người làm nghề cá để kiếm sống từ những ngư trường truyền thống. Và chúng tôi sẽ tiếp tục giúp họ, mặc dù… có những nỗ lực chặn đường và theo dõi”.

Cần khẳng định dứt khoát, không có ai “bao vây” Trung Quốc cả. Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn ngư dân Philippines đánh cá ở Bãi cạn Scarborough là hoàn toàn bất hợp pháp. Phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) từ năm 2016 đã trao quyền cho ngư dân của cả hai nước được đánh bắt cá ở đó. Chính quyền Manila chỉ đơn thuần ủng hộ các quyền hợp pháp của ngư dân Philippines.

Khi Philippines liên minh quân sự với Mỹ và quan hệ đối tác với các nước khác như Nhật Bản không phải là hành động “bao vây” nước lớn, thì chỉ có thể là nhằm “phòng thủ” mà thôi. Bao vây? Chuyện đó hoang đường như bắt gà mái gáy (!).

Giờ đây thế trận của Trung Quốc trên Biển Đông đã rõ. Họ tổ chức ra 5 lực lượng phối hợp, tham gia thế trận phức hợp lần này, với những nhiệm vụ “vây”, “lấn” và “tấn”. 5 lực lượng bao gồm: dân binh, hải cảnh, hải tuần, hải quân và cuối cùng là các tàu khảo sát hàng hải.

Thế trận “vây- lấn” gần đây của Trung Quốc là thế trận liên hoàn, được triển khai đồng loạt ở nhiều vị trí chiến lược. Sự phân nhiệm giữa các lực lượng nhằm thực hiện thuyết âm mưu “bình thường hóa” các cuộc đối đầu trong phạm vi “Đường 9 đoạn” phi pháp.

Thế trận của Trung Quốc trên Biển Đông lần này nhằm hai mục tiêu chính. Một là, chủ động gây rối các hoạt động mở rộng khai thác các lô dầu khí có trữ lượng lớn của nhóm A5 (Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam) ở khu vực chồng lấn giữa EEZ của các nước A5 với cái “lưỡi bò” khổng lồ. Các lực lượng phối hợp của Trung Quốc đã gây rối việc mở rộng mỏ Kawasari, lô SK316 của Malaysia thuộc bãi Luconia và lô Tuna (Cá Ngừ) của Indonesia có vị trí nằm cách đường phân định EEZ với Việt Nam 13km.

Hai là, Trung Quốc mở chiến dịch tuyên truyền bóp méo, xuyên tạc sự thật, vu cáo các nước đang có vấn đề tranh chấp, nhằm củng cố các phương án pháp lý mà nước này có lợi thế. Trong đó, sự kiện tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 5901 ngang ngược thâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam từ hôm 21/2 để “tuần tra” gần Bãi Tư Chính, là một dẫn chứng.

Những điều nêu trên đã bác bỏ những luận cứ sai trái của chính quyền Bắc Kinh. “Bụt trên Tòa” gà không thể nhảy mổ mắt! Kẻ mạnh vẫn cần phòng thủ, bởi muốn giữ được hòa bình phải chuẩn bị tốt nhất cho chiến tranh. Nhưng không có một kẻ yếu nào lại đi bao vây kẻ mạnh (dù được trợ giúp).

Lẽ đời đơn giản thế nhưng trong cuộc chiến tranh thông tin hiện nay, đối phương thường không chịu ngồi im chấp nhận lý lẽ của sự thật.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới