Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTổng thống Vladimir Putin trả lời phỏng vấn của nhà báo Mỹ...

Tổng thống Vladimir Putin trả lời phỏng vấn của nhà báo Mỹ Tucker Carlson- Kỳ 7: Thế giới đa cực

Ngày 6/2/2024, lần đầu tiên kể từ 2021, Tổng thống Nga Putin trả lời truyền thông phương Tây, trong đó, đề cập đến những vấn đề nóng của thế giới, như cuộc xung đột Nga- Ukraina, hậu quả của việc mở rộng NATO và mối quan hệ Nga- Mỹ và nhiều vấn đề khác. Vài giờ sau khi công bố, cuộc phỏng vấn đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận với hàng trăm triệu lượt truy cập, tạo thành một sự kiện truyền thông quốc tế…

Để bạn đọc có điều kiện tiếp cận, Biendong.net đăng tải lại toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn trên.

T. Carlson: Có lẽ thế giới hiện nay đang chia thành hai bán cầu: một bán cầu có năng lượng rẻ, bán cầu kia thì không.

Tôi muốn hỏi Ngài một câu: thế giới hiện nay là đa cực, Ngài có thể mô tả các liên minh, các khối, theo Ngài thì ai đứng về phía nào?

Vladimir Putin: Nghe này, bạn nói thế giới chia thành hai bán cầu. Đầu được chia thành hai bán cầu: một bán cầu chịu trách nhiệm về một lĩnh vực hoạt động, bán cầu kia sáng tạo hơn và v.v… Nhưng dù sao vẫn là một cái đầu. Cần để thế giới là thống nhất, có an ninh chung chứ không phải trông đợi ở “tỷ vàng” này. Và khi đó – chỉ trong trường hợp này – thế giới sẽ ổn định, bền vững và có thể tiên liệu được. Còn chừng nào cái đầu vẫn bị chia làm hai phần thì đó là một căn bệnh, bệnh hiểm nghèo. Thế giới đang trải qua thời kỳ bệnh tật nghiêm trọng này.

Nhưng tôi cho rằng có vẻ như ở đây có phần nhờ vào báo chí trung thực, các nhà báo làm việc như những bác sĩ, có lẽ bằng cách nào đó sẽ kết nối được tất cả.

T. Carlson: Tôi xin dẫn cho Ngài một ví dụ. Đồng USD đã kết nối cả thế giới theo nhiều cách. Vậy Ngài có nghĩ là đồng USD sẽ biến mất như là một ngoại tệ dự trữ hay không? Các lệnh trừng phạt đã thay đổi vị thế của đồng USD trên thế giới như thế nào?

Vladimir Putin: Bạn biết đấy, đây là một trong những sai lầm chiến lược nghiêm trọng nhất của ban lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ – sử dụng đồng USD làm công cụ đấu tranh của chính sách đối ngoại. Đồng USD là nền tảng sức mạnh của Hoa Kỳ. Tôi nghĩ mọi người đều hiểu rất rõ điều này: cho dù in ra bao nhiêu USD, chúng vẫn tiêu tán khắp thế giới. Lạm phát ở Hoa Kỳ ở mức tối thiểu: theo tôi, 3%, khoảng 3,4, hoàn toàn là chấp nhận được đối với Hoa Kỳ. Và tất nhiên là họ in không ngừng. Khoản nợ 33 nghìn tỷ nói lên điều gì? Đây cũng là khí thải.

Tuy nhiên, đồng tiền này vẫn là vũ khí chính để duy trì sức mạnh của Hoa Kỳ trên thế giới. Một khi ban lãnh đạo chính trị quyết định sử dụng đồng USD làm công cụ của cuộc đấu chính trị, thì họ đã giáng đòn tấn công vào chính sức mạnh này của nước Mỹ. Tôi không muốn dùng bất kỳ cách biểu đạt phi văn học nào đó, nhưng đây là sự ngu ngốc và sai lầm to lớn.

Hãy xem điều gì đang xảy ra trên thế giới. Ngay cả trong số các đồng minh của Hoa Kỳ cũng đang cắt giảm dần dự trữ bằng USD. Tất cả đều nhìn vào những gì đang diễn ra và bắt đầu tìm cách tự bảo vệ. Nhưng nếu liên quan đến một số nước mà Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp hạn chế như hạn chế thanh toán, đóng băng tài sản và v.v. thì đây là một hồi chuông cảnh báo vang rền và là tín hiệu dành cho toàn thế giới.

Chuyện gì đang xảy ra với chúng tôi? Cho đến năm 2022, khoảng 80% thanh toán ngoại thương của Nga là bằng USD và euro. Đồng thời, USD chiếm khoảng 50% các khoản thanh toán của chúng tôi với các nước thứ ba, còn hiện tại, theo tôi thấy, chỉ còn lại 13%. Nhưng không phải chúng tôi cấm sử dụng USD, chúng tôi không cố làm việc này. Hoa Kỳ đã quyết định hạn chế các thanh toán của chúng tôi bằng USD. Tôi cho rằng làm vậy là hoàn toàn vô nghĩa, bạn hiểu chứ, từ góc độ quan điểm lợi ích của chính Hoa Kỳ, của những người đóng thuế ở nước Mỹ. Bởi động thái này giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Hoa Kỳ và làm suy yếu sức mạnh cùng uy tín của nước Mỹ trên thế giới.

Nhân tiện cần nói luôn, thanh toán bằng nhân dân tệ xấp xỉ 3%. Bây giờ chúng tôi trả 34% bằng rúp và cũng chừng đó, hơn 34% một chút, bằng nhân dân tệ.

Tại sao Hoa Kỳ làm điều này? Tôi chỉ có thể giải thích rằng là do sự kiêu ngạo. Có lẽ họ nghĩ rằng mọi thứ sẽ sụp đổ, nhưng đã chẳng có gì sụp đổ cả. Hơn nữa, hãy nhìn xem, các nước khác, kể cả các quốc gia sản xuất dầu, đang bắt đầu nói và làm như vậy, nhận thanh toán cho việc bán dầu bằng nhân dân tệ. Bạn có hiểu điều gì đang diễn ra không? Ở Hoa Kỳ có ai hiểu được điều này không? Các vị đang làm gì thế? Tự cắt xẻ chính mình… Hãy hỏi tất cả các chuyên gia, bất kỳ người thông minh và biết nghĩ nào ở Hoa Kỳ: đồng USD là cái gì đối với Hoa Kỳ? Chính tay các vị đang giết nó.

T. Carlson: Tôi nghĩ đây là một đánh giá thực sự công bằng.

Câu hỏi tiếp theo. Có thể Ngài đã trao đổi quyền lực thuộc địa này lấy quyền lực khác, nhưng nhẹ nhàng hơn? Có lẽ BRICS ngày nay đang ở nguy cơ chịu sự thống lĩnh của một cường quốc thực dân tốt bụng hơn là Trung Quốc? Theo Ngài thì điều này có tốt lành cho chủ quyền không? Ngài có lo ngại về điều này chăng?

Vladimir Putin: Chúng tôi biết rõ những chuyện kinh dị này. Đây là một câu chuyện kinh dị. Chúng tôi với Trung Quốc là hàng xóm của nhau. Hàng xóm cũng như người thân thì không ai được chọn. Chúng tôi với họ có đường biên giới chung dài hàng nghìn km. Đây là điểm thứ nhất.

Thứ hai, chúng tôi đã quen cùng tồn tại, cùng sống chung trong chặng dài nhiều thế kỷ.
Thứ ba, triết lý đường lối đối ngoại của Trung Quốc là không hiếu chiến, tư tưởng chính sách đối ngoại của Trung Quốc luôn tìm kiếm sự nhân nhượng và chúng tôi thấy điều đó.

Điểm tiếp theo là thế này. Người ta luôn nói với chúng tôi, và bây giờ bạn cũng cố gắng trình bày câu chuyện kinh dị này ở dạng nhẹ nhàng, nhưng tuy nhiên nó vẫn là chuyện kinh dị: khối lượng hợp tác với Trung Quốc đang tăng lên. Nhịp độ tăng trưởng hợp tác của Trung Quốc với châu Âu cũng ngày càng lớn và cao hơn nhịp độ tăng trưởng hợp tác với Trung Quốc của Liên bang Nga. Bạn hãy hỏi người châu Âu: họ có sợ không? Có thể họ sợ, tôi không biết, nhưng họ đang cố gắng thâm nhập thị trường Trung Quốc bằng mọi cách, nhất là khi họ đang phải đối mặt với những vấn đề của nền kinh tế. Và các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang thâm nhập phát triển trên thị trường châu Âu.

Vậy sao, chẳng lẽ hiện diện của doanh nghiệp Trung Quốc ở Hoa Kỳ là còn ít chăng? Đúng, có những quyết định chính trị đến mức họ đang cố gắng hạn chế hợp tác với Trung Quốc. Ngài Tucker, ngài đang làm điều có hại cho chính mình: bằng cách hạn chế hợp tác với Trung Quốc, ngài đang gây tổn hại cho bản thân. Đây là lĩnh vực nhạy cảm và ở đây không có giải pháp tuyến tính đơn giản nào giống như với đồng USD.

Vì vậy, trước khi đưa ra bất kỳ biện pháp trừng phạt bất hợp pháp nào – bất hợp pháp theo quan điểm của Hiến chương Liên Hợp Quốc – cần suy nghĩ kỹ lưỡng. Theo tôi, những người đưa ra quyết định đều gặp vấn đề với chuyện này.

T. Carlson: Cách đây một phút Ngài đã nói rằng thế giới ngày nay sẽ tốt đẹp hơn nhiều nếu như không có hai liên minh cạnh tranh đấu đá với nhau. Có thể chính quyền Mỹ hiện tại, như Ngài nói, như Ngài cho là đang chống lại Ngài, nhưng biết đâu, chính quyền kế tiếp ở Hoa Kỳ, Chính phủ sau Joe Biden, sẽ muốn thiết lập quan hệ với Ngài và Ngài cũng sẽ muốn thiết lập liên hệ với họ? Hay là điều đó không đóng vai trò nào?

Vladimir Putin: Bây giờ tôi sẽ nói.

Nhưng để kết thúc vấn đề với câu hỏi trước. Chúng tôi có 200 tỷ USD, chúng tôi đặt ra nhiệm vụ cùng với người đồng cấp, người bạn của tôi, với Chủ tịch Tập Cận Bình, rằng năm nay chúng tôi cần đạt kim ngạch thương mại 200 tỷ USD với Trung Quốc. Và chúng tôi đã vượt hơn mức này. Theo dữ liệu của chúng tôi, con số này hiện nay đã là 230 tỷ, còn theo thống kê của Trung Quốc – 240 tỷ USD, nếu vẫn còn tính bằng USD, trong kim ngạch thương mại của chúng tôi với Trung Quốc.

Và một điều rất quan trọng: chúng tôi có kim ngạch thương mại cân bằng và bổ sung cho nhau cả trong lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực năng lượng và lĩnh vực phát triển khoa học. Rất cân đối.

Còn về BRICS nói chung, Nga đã trở thành Chủ tịch BRICS trong năm nay, các nước BRICS đang phát triển với nhịp độ rất nhanh chóng.

Hãy nhìn xem, xin Chúa phù hộ để không nhầm, nhưng theo tôi, vào năm 1992, tỷ trọng của các nước G7 trong nền kinh tế thế giới là 47%, còn vào năm 2022, tỷ lệ này đã giảm xuống đâu đó khoảng 30%, tôi nhớ như vậy. Tỷ lệ của các nước BRICS năm 1992 chỉ là 16%, nhưng hiện nay đã vượt quá mức của nhóm G7. Và điều đó không liên quan đến bất kỳ sự kiện nào ở Ukraina. Các xu hướng phát triển của thế giới và nền kinh tế toàn cầu như tôi vừa nói, và đó là tất yếu. Điều này sẽ tiếp tục diễn ra: khi mặt trời mọc thì không thể ngăn cản được mà cần phải thích nghi với nó.

Còn Hoa Kỳ thích nghi như thế nào? Với sự hỗ trợ của vũ lực: trừng phạt, gây sức ép, ném bom, sử dụng lực lượng vũ trang. Điều này gắn với thói tự mãn kiêu ngạo thái quá. Những người trong giới tinh hoa chính trị của bạn không hiểu rằng thế giới đang thay đổi do hoàn cảnh khách quan và cần đưa ra những quyết định đúng đắn một cách thành thạo, kịp thời, đúng lúc, để duy trì trình độ của mình, thứ lỗi cho tôi chứ ngay cả khi ai đó muốn tầm mức thống lĩnh. Những hành động lỗ mãng như vậy, kể cả trong mối quan hệ với Nga và các nước khác, sẽ dẫn đến kết quả ngược lại. Đây là sự thật hiển nhiên, ngày nay đã trở nên rõ ràng.

Bây giờ bạn hỏi tôi: liệu một nhà lãnh đạo khác đến thì có thay đổi gì hay không? Việc không phải ở người lãnh đạo, không phải về tính cách của một con người cụ thể. Ví dụ, tôi đã có quan hệ cá nhân rất tốt với ông Bush. Tôi biết rằng ở Hoa Kỳ, người ta mô tả ông ấy như là một gã nhà quê không biết gì nhiều về mọi thứ. Tôi cam đoan với bạn rằng hoàn toàn không phải như vậy. Tôi cho rằng ông ấy cũng đã mắc rất nhiều sai lầm trong quan hệ với Nga. Tôi đã kể cho bạn nghe về năm 2008 và quyết định ở Bucharest, mở cửa NATO cho Ukraina và v.v…Đó là chuyện xảy ra dưới thời ông ấy, ông ấy đã gây áp lực với người châu Âu.

Nhưng nhìn chung, ở cấp độ con người, tôi có mối quan hệ rất thân thiện và tốt lành với Bush. Ông ấy không tệ hơn bất kỳ chính trị gia Mỹ, Nga hay châu Âu nào khác. Tôi đảm bảo với bạn rằng ông ấy hiểu việc mình đang làm, cũng như những người khác. Tôi và ông Trump cũng có quan hệ cá nhân như vậy.

Việc không phải ở tính cách của nhà lãnh đạo – mà là ở tâm thế của giới tinh hoa. Nếu chiếm ưu thế trong xã hội Mỹ là ý tưởng thống trị bằng bất cứ giá nào và với sự trợ giúp của vũ lực, thì sẽ chẳng có gì thay đổi – mọi sự sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Còn nếu cuối cùng nhận ra được rằng thế giới đang thay đổi theo bối cảnh khách quan và cần kịp thời thích ứng đúng lúc, sử dụng những ưu thế mà Hoa Kỳ vẫn có ngày nay, thì may chăng sẽ có gì đó đổi thay.

Hãy nhìn xem, nền kinh tế Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới tính theo sức mua tương đương; về mặt khối lượng, họ đã vượt qua Hoa Kỳ từ lâu. Sau Trung Quốc là Hoa Kỳ và tiếp theo là Ấn Độ – một tỷ rưỡi người, rồi đến Nhật Bản, và Nga ở vị trí thứ năm.

Trong năm qua, Nga đã trở thành nền kinh tế số một ở châu Âu, bất chấp mọi lệnh trừng phạt và hạn chế. Theo quan điểm của bạn thì điều này có bình thường không? Các lệnh trừng phạt, hạn chế, không thể thanh toán bằng USD, ngắt kết nối với SWIFT, trừng phạt đối với tàu chở dầu của chúng tôi, hạn chế đối với máy bay – những lệnh trừng phạt trong mọi thứ, ở mọi nơi. Số lượng các biện pháp trừng phạt áp đặt để chống Nga là lớn nhất trong tất cả các loại trừng phạt đang thi hành trên thế giới. Nhưng chúng tôi đã trở thành nền kinh tế dẫn đầu châu Âu chính trong thời gian này.

Các công cụ mà Hoa Kỳ đang dùng không có tác dụng. Cần phải suy nghĩ xem nên làm gì. Nếu nhận thức này đến với giới tinh hoa cầm quyền, thì đúng vậy, khi đó nhân vật số 1 của Nhà nước sẽ hành động đoán trước những gì cử tri và những cộng sự đưa ra quyết định ở các cấp khác nhau trông đợi ở nhà lãnh đạo. Khi đó, có thể thay đổi gì đó.

Còn nữa …

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới