Các quan chức Trung Quốc có xu hướng áp dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) và robot để không phải viết tay hàng núi tài liệu.
Các quan chức Trung Quốc am hiểu công nghệ ngày càng tăng cường sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ robot để xử lý nhiệm vụ viết tay hàng núi giấy tờ, bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế thủ tục rườm rà đối với các quan chức cấp cơ sở.
Trung Quốc chưa đưa ra các quy tắc cụ thể về việc sử dụng AI hoặc công nghệ robot để viết báo cáo cho chính quyền. Tuy nhiên, nhiều luật hiện hành và quy định AI của Quốc vụ viện Trung Quốc (chính phủ) đã nhấn mạnh cách tiếp cận khá thận trọng đối với việc sử dụng AI trong các chức năng hành chính.
Một số quan chức Trung Quốc dù cho phép cấp dưới dùng thử công nghệ này để xử lý các nhiệm vụ thường ngày, nhưng họ cũng vạch rõ những giới hạn đối với một số công việc.
Một quan chức họ Thiên trong chính quyền tỉnh Chiết Giang cho biết: “Điều này khá phổ biến đối với những nhân viên trẻ, am hiểu về công nghệ thông tin. Tôi thấy một số người trong số họ sử dụng công cụ AI trên màn hình. Tôi đồng ý và cho họ cơ hội dùng thử, miễn là bản viết có thể chấp nhận được”.
Hiện có hàng chục công cụ viết tài liệu chính thức bằng AI dành cho hàng triệu quan chức Trung Quốc. Hai trong số những ứng dụng phổ biến nhất là Miaobi của Tân Hoa xã và Xinghuo của iFlyTek.
Tuy nhiên, việc sử dụng AI có nhiều điểm hạn chế. Một công chức họ Trần thuộc chính quyền thành phố Bắc Kinh cho biết các công cụ AI không tích hợp các chính sách và chỉ thị mới nhất, do đó chúng không mang lại hiệu quả khả quan.
“Vấn đề chính là AI được đào tạo dựa trên các mẫu văn bản trước đây, vì vậy chúng chắc chắn hơi lỗi thời. Đồng thời, tôi thấy nó chỉ tạo ra những bài viết chung chung. Nếu bạn muốn bài phát biểu của cấp trên có điểm nhấn, bạn không thể sử dụng AI”, quan chức này phát biểu thêm.
Ông Thiên cũng quan sát thấy những vấn đề tương tự. Ông cho biết AI có khả năng xử lý tốt nhất các công việc lặp đi lặp lại. Chẳng hạn, AI có thể giúp sao chép nhiều phiên bản của một báo cáo và gửi tới nhiều nhóm thanh tra từ các cơ quan chính phủ và đảng bộ trung ương, tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, công nghệ này cũng đang được sử dụng để chuẩn bị các báo cáo học tập. Ông Trần cho hay: “Những người viết chữ xấu có xu hướng sử dụng các công nghệ như vậy vì họ sợ lãnh đạo cho rằng họ cẩu thả. Trong các công việc nhà nước, chữ viết đẹp rất quan trọng vì người Trung Quốc tin rằng nó thể hiện tính cách con người”.
Tuy nhiên, sự đồng nhất về phông chữ và sự cải thiện đột ngột về chất lượng chữ viết tay đã khiến một số người bị cấp trên phát hiện. Để giải quyết, một số robot viết tay cao cấp được dạy để bắt chước chữ viết của chủ sở hữu bằng cách phân tích các bức ảnh về tài liệu của họ.
Nhưng điều này cũng bộc lộ sự không hoàn hảo của các giải pháp công nghệ. “Điều này sẽ phá hỏng mục đích của những người muốn robot thể hiện chữ viết đẹp hơn. Không có gì là hoàn hảo trong cuộc sống, kể cả AI và robot”, ông Trần nói.
T.P