Sunday, December 29, 2024
Trang chủNước Việt đẹpTương lai rực rỡ của Phú Quốc

Tương lai rực rỡ của Phú Quốc

Theo quy hoạch mới được phê duyệt, Phú Quốc sẽ trở thành một đô thị biển đảo, trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 sẽ phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo đảm an ninh, quốc phòng. Trong đó, Phú Quốc hướng đến phát triển trở thành một đô thị biển đảo; trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ khu vực và quốc tế…


Ngày 29/2, UBND tỉnh Kiên Giang công bố đồ án Quy hoạch chung TP. Phú Quốc đến năm 2040. Quy hoạch chưa có bản vẽ, thiết kế chi tiết cho từng khu vực. Dưới đây là viễn cảnh phát triển đô thị tương lai của thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam đến năm 2040 được ứng dụng AI ChatGPT sáng tạo ra. Các thực thể do AI tạo ra chỉ mang tính minh họa, không phải là thực tế.

Đảo ngọc Phú Quốc hướng tới tương lai là đô thị biển đảo có sức hấp dẫn, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I; khu kinh tế biển có vị thế đặc biệt và đẳng cấp thế giới.Trong quy hoạch, phân vùng phát triển không gian thành phố Phú Quốc chia thành 13 khu vực phát triển, gồm: Dương Đông, Bãi Trường, Bãi Ông Lang-Cửa Cạn, Bãi Vòng, Bãi Sao, An Thới, Vịnh Đầm, Bãi Khem và Mũi Ông Đội, các khu vực ven biển phía Đông, phía Bắc, phía Tây Bắc, quần đảo Nam An Thới, khu vực đảo Thổ Chu (xã Thổ Châu). Tại khu vực Bãi Trường thuộc xã Dương Tơ trong tương lai có định hướng phát triển tổ chức dải công viên, quảng trường công cộng ven biển và các trục cảnh quan, không gian công cộng kết nối khu vực ven biển và khu vực núi phía Đông.

Phú Quốc cũng phát triển các khu đô thị du lịch hỗn hợp, khu tái định cư, khu trung tâm thể dục thể thao. Phát triển cải tạo, chỉnh trang, mở rộng xây dựng mới khu vực dân cư hiện hữu, một số khu vực địa hình thuận lợi nằm dưới chân các dãy núi.

Khu vực Bãi Vòng có định hướng phát triển khu đô thị du lịch hỗn hợp khai thác hiệu quả không gian ven biển. Phát triển cụm công nghiệp, khu phi thuế quan gắn kết với sân bay quốc tế Phú Quốc và cảng biển Bãi Vòng.

Phú Quốc cũng định hướng xây dựng trường đua ngựa ở khu vực xã Dương Tơ. Quy hoạch cũng chỉ rõ thành phố đảo nghiên cứu phát triển du lịch gắn với các hoạt động thể thao giải trí trên biển.

Ngoài ra, định hướng phát triển trong tương lai sẽ quy hoạch xây dựng trung tâm đô thị gắn với công viên, quảng trường và không gian mở công cộng ven hệ thống rạch, khuyến khích tổ chức khu đô thị gắn với cấu trúc nước, thuận lợi cho thuyền và ca nô tiếp cận.

Khu vực ven biển phía Tây Bắc thuộc xã Gành Dầu và xã Cửa Cạn được định hướng phát triển khu du lịch, các công trình nghỉ dưỡng cao cấp, dịch vụ du lịch chất lượng cao và vui chơi giải trí tổng hợp, sân golf, casino gắn với khu thể thao biển tại Bãi Dài. Cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các khu dân cư hiện hữu và bổ sung chức năng mới tại vị trí đối diện với khu du lịch Vũng Bầu để hỗ trợ cho hoạt động của các khu du lịch.

Đặc biệt, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được định hướng nâng cấp, cải tạo đến năm 2030 đạt công suất 10 triệu hành khách/năm, sau năm 2030 công suất dự kiến đạt 18 triệu hành khách/năm. Cảng biển bao gồm các khu bến Phú Quốc có thể đón cỡ tàu tổng hợp đến 30.000 tấn…

Khung thiên nhiên gồm vườn quốc gia, rừng phòng hộ, các công viên đô thị, công viên chuyên đề và không gian mở được bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, tạo lập không gian cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn cho người dân và du khách đến trải nghiệm.

Giai đoạn đến năm 2040, Phú Quốc sẽ nâng công suất nhà máy nước hồ Cửa Cạn lên 70.000 m3/ngày đêm và xem xét nâng công suất các hồ chứa hiện hữu để đáp ứng yêu cầu cấp nước cho thành phố. Bên cạnh đó cũng xây mới hồ Rạch Tràm, dung tích 03 triệu m3, tại khu vực này xây dựng nhà máy nước hồ Rạch Tràm, công suất dự kiến 15.000 m3/ngày đêm.

Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình thì Phú Quốc đề ra các giải pháp quy hoạch về bảo vệ môi trường. Trong đó, Phú Quốc phát triển hành lang xanh, bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên gắn với du lịch sinh thái, văn hóa-lịch sử trên đảo ngọc.

Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang được thành lập từ 1/2021 là thành phố đảo duy nhất của Việt Nam đến hiện nay, với vị trí nằm biệt lập trong Vịnh Thái Lan. Hòn đảo này không chỉ có 3 bề giáp biển mà còn được biết đến với nhiều bãi biển đẹp và hoang sơ. Chính vì vậy, Phú Quốc đã thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng.

Tháng 11/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Các thành phố: Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển. Trong đó, Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới