“Về các tranh chấp trên biển, Trung Quốc luôn duy trì mức độ kiềm chế cao. Nhưng tất nhiên, chúng tôi không cho phép thiện chí của mình bị lạm dụng và chúng tôi không chấp nhận sự bóp méo hoặc cố tình vi phạm luật biển”.
Trên đây là tuyên bố của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ngày 7/3.
Đương lúc cùng các yếu nhân của Trung Nam Hải bận rộn cho việc tham dự kỳ họp quốc hội khóa 14, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh – sự kiện chính trị được coi là quan trọng nhất trong năm nay – “cáo già” ngoại giao họ Vương vẫn phải “trích” thời gian ra để lên tiếng, thì chắc là có chuyện?
Có chuyện thật. Đó là vụ va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu tuần duyên Philippines, xảy ra vào ngày 5/3, tại khu vực bãi cạn Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện Philippines đang kiểm soát), khi tàu Philippines tiếp tế cho nhóm quân nhân trên con tàu mắc cạn BRP Sierra Madre. Liên quan con tàu này, “mắc cạn” chỉ là cách nói; còn trong thực tế, sau khi mua giá “sát vụn” từ Hải quân Mỹ, Philippines đã chủ động đưa tàu vào Bãi Cỏ Mây để nó “mắc cạn” một cách cố ý, biến thành một “cột mốc” khẳng định chủ quyền đối với bãi cạn này.
Kể như Philippines cũng cao mưu và cao tay. Nhưng “cao” tới đâu cũng khó qua được cái nhìn đa nghi Trung Quốc. Bắc Kinh thừa biết Manila định làm gì; và họ luôn xem BRP Sierra Madre như một “cái gai” vướng víu, cần phải nhổ bỏ.
Hành hung một cách côn đồ thì Trung Quốc vẫn làm. Nhưng trường hợp này, thì Trung Nam Hải thận trọng cân nhắc, chứ hoàn toàn chằng phải do thiện chí. Nếu thiện chí và chân thành, ông Vương Nghị đã chẳng ném về Manila những lời lẽ trịch thượng, ngạo mạn trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp quốc hội 14, ngày 5/3 nêu trên. Thêm nữa, “con giun xéo mãi cũng phải quằn”, đô đốc Hải quân Philippines là ông Trinidad đã khẳng định: cùng bãi cạn Scarborough, con tàu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây “là những lằn ranh đỏ đối với lực lượng vũ trang Philippines”. Vậy thì, sẵn quả đắng 12 năm mất Scaborough vào tay Trung Quốc, lần này, vì một vụ va chạm với tàu tuần duyên Philippines mà nổ súng, chưa biết chừng Manila bùng nổ như thùng thuốc súng âm ỉ lâu nay cũng nên? Thế nên, Bắc Kinh mới chơi một nước cờ hơi “tiểu nhân, là “bỏ đói” nhóm quân nhân đồn trú Philippines trên tàu BRP Sierra Madre, thông qua việc chặn đường tiếp tế hậu cần.
Chẳng phải một lần, nhiều lần rồi, cứ mỗi bận Philippines cho tàu tiếp “gạo”, là Trung Quốc cho tàu hải cảnh ngăn chặn, gây khó dễ. Cuối cùng, “gạo” rồi cũng tới được nhóm binh sĩ đồn trú trên tàu BRP Sierra Madre. Chỉ tức là khi đó, phía Philippines mệt nhoài do bị Trung Quốc hành hạ.
Đó chưa phải là tất cả. Gây hấn với Philippines đã đành, với bằng nước cờ này, Trung Quốc còn nhằm tới Mỹ. Chẳng nói ai cũng biết, trong câu chuyện Biển Đông hiện nay, ngoài việc coi các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia bướng bỉnh mà không biết lượng sức, kẻ khó chịu bậc nhất trong con mắt Trung Quốc là Mỹ. Từng ngãng ra, mươi năm nay, Washington bỗng quay trở lại Biển Đông, coi đó như một phần nằm trong chiến lược Châu Á – Thái Bình Dương vậy. Và chẳng khó, Mỹ nhìn thấy ngay: Trung Quốc chính là thách thức lớn nhất. Thậm chí, chính siêu cường mới nổi này còn muốn soán ngôi vị siêu cường số 1 của Mỹ.
Thế nên, một cuộc cạnh tranh chẳng phải ngấm ngầm mà công khai đã và đang diễn ra giữa hai con rồng – con nào cũng muốn làm chúa…Biển Đông. Càng gần đây, Mỹ càng đi những nước cờ táo bạo, và thành công, trong đó, đáng kể nhất là nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức cao nhất với Việt Nam cuối năm 2023 vừa qua khiến Trung Quốc hẳn là hậm hực mà không làm gì được.
Còn với Philippines thì nhất rồi: Mỹ quá thành công. Từ chỗ Manila đang bám lấy Bắc Kinh, Washington đã “hút” được Philippines trở lại quỹ đạo như một đồng minh thực sự và trung thành. Gặt hái đáng kể gần đây nhất là Manila cho Washington được sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự (nâng tổng số căn cứ được sử dụng lên thành 9) trên lãnh thổ, trong đó, có căn cứ rất quan trọng với Mỹ trong trường hợp Đài Loan bị Trung Quốc tấn công, thu hồi bằng vũ lực.
Cùng với nhừng lời động viên và cam kết “sát cánh”, thời gian qua, Mỹ và Philippines liên tục có những cuộc tập trận quy mô trên Biển Đông. Những cuộc tập trận đó, ngoài nâng cao năng lực tác chiến và phối hợp trên biển của quân đội hai nước, còn có ý nghĩa gì, nếu không phải là bắn thông điệp tới Bắc Kinh rằng: Đừng nghĩ là chỉ Mỹ mới quan ngại những tình huống quân sự vượt tầm kiểm soát. Ngược lại, đó nên là điều bên nào cũng phải đề phòng. Thế nên, Trung Quốc hãy thận trọng trước khi bước vào “lằn ranh đỏ”. Vượt “lằn ranh đỏ”, thành to chuyện đấy!
“Lằn ranh đỏ” – cụm từ nghe quen quen trước đây, bỗng trở lại khi diễn ra vụ va chạm ngày 5/3 giữa Philippines và Trung Quốc. Nhưng nó cụ thể là thế nào? Hay nói khác, tới mức nào thì mới chạm vào lằn ranh đỏ trong các diễn biến tại bãi Cỏ Mây? Ngăn chặn tiếp tế cho binh lính đồn trú tại con tàu mắc cạn – không là chạm “lằn ranh đỏ” sao? Thì đấy, Trung Quốc ngăn nhiều, mọi chuyện cũng chỉ đến thế. Chạy cắt ngang mặt, gây ra các vụ “suýt va chạm” tàu Philippines, Trung Quốc cũng từng, vậy mà Philippines và cả Mỹ nữa, sau chút hùng hổ nhất thời, lại chùng xuống.
Có thể chính thế, Trung Quốc muốn làm một phép thử cụ thể hơn, bằng một vụ tấn công vào đội tàu gồm hai tàu tiếp tế và hai tàu hộ tống của Philippines đang tiếp cận và làm nhiệm vụ tiếp tế bãi Cỏ Mây ngày 5/3 vừa qua vậy. Và sự việc đã khiến con tàu số hiệu MRRV-4407 của Philippines bị hư hại, 4 thuyền viên bị thương.
Philippines thì đã gào lên cáo buộc Trung Quốc mấy hôm nay. Nhưng với Trung Quốc, ngoài phản ứng trịch thượng nêu trên của ông Vương Nghị dành cho Manila, cái chính, điều mà họ muốn “đo” là phản ứng của Mỹ kia. Tới thời điểm này, Washington dường như vẫn đang tính, chưa lên tiếng và động thủ. Nói mà không làm thì khác gì chọn cách phản ứng yếm thế. Được đà, có thể sắp tới, Trung Quốc sẽ hung hăng hơn cho mà xem.
T.V