Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMuộn còn hơn không

Muộn còn hơn không

Ngày 7/3, các nhà lập pháp Mỹ đã đề xuất một dự luật cấm TikTok – nền tảng truyền thông xã hội nổi tiếng của Trung Quốc – ở nước này, trừ khi ứng dụng phải cắt đứt quan hệ với công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc trong vòng 180 ngày.

Dự luật có tên “Bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng được kiểm soát bởi đối thủ nước ngoài” thông qua với 50 phiếu thuận – tức 100% – của các nghị sĩ trong Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện.

Không phải tới thời điểm này, câu chuyện cấm TikTok mới được đề xuất. Trước đó, nó từng được nêu ra từ cách đây 4 năm, thời ông Trump còn “ngự” trong Nhà trắng. Cuối tháng 7/2020, ông Donald Trump từng nói, ông có thể sử dụng thẩm quyền kinh tế khẩn cấp hoặc ký sắc lệnh hành pháp để cấm ứng dụng TikTok ngay từ 1/8, vì những lo ngại liên quan an ninh quốc gia, và sợ rằng dữ liệu nhạy cảm của Mỹ có thể được thu thập và chuyển giao cho Trung Quốc…

Thông báo trên của Trump được đưa ra vài giờ sau khi các báo cáo cho biết, Microsoft đang đàm phán để mua lại TikTok từ công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh. Công ty sở hữu TikTok tại Mỹ đương nhiên phản đối. Họ cáo buộc ông Trump như một người ăn nói hồ đồ, hành xử tùy tiện. Đồng thời, bằng sự ranh mãnh của một công ty công nghệ – truyền thông, TikTok tìm mọi cách kích động dư luận chống lại quan điểm của ông Trump để nó không thành sự thật với việc dựa vào 800 triệu người dân Mỹ đang là khách hàng.

Không được cả, nhưng cũng không ngã về không. Nhiều người Mỹ sử dụng nền tảng mạng xã hội TikTok đã phản đối ông Trump, coi tuyên ngôn của ông như một bằng chứng cho thấy, ông không chỉ là tổng thống tính khí thất thường, hành xử tùy tiện, mà còn chà đạp quyền tự do ngôn luận. Ngôn luận là thứ nhân quyền bậc cao nhất. “Xứ sở tự do” như Mỹ mà vi phạm nhân quyền thì chẳng còn thể thống gì. Thậm chí, cả CNN – hãng truyền thông khổng lồ của Mỹ – cũng lên tiếng “bênh” TikTok bằng cách dẫn lời các chuyên gia bảo mật cho rằng rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn từ TikTok chỉ là lý thuyết; chẳng có bằng chứng nào cho thấy dữ liệu người dùng phần mềm này bị tình báo Bắc Kinh sử dụng…

Ngón đòn hiểm trên có lẽ, đã khiến ông Trump thiếu tự tin và chùng xuống. Kết quả, không hẳn thua cuộc, nhưng ông Trump cũng không thể triển khai quan điểm của mình thành một quyết định thực thi toàn nước Mỹ. Thay vào đó, ít lâu sau, chính quyền của ông mới ban hành ba lệnh cấm các doanh nghiệp Mỹ giao dịch với TikTok và WeChat – một ứng dụng mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc.

Tiếc là vào năm 2021, sau khi chiến thắng ông Trump trong cuộc chạy đua và Nhà trắng, ông Biden đã ban hành sắc lệnh thu hồi lệnh cấm ứng dụng TikTok và WeChat, dù vẫn kèm theo yêu cầu xem xét hoạt động thu thập dữ liệu của các ứng dụng do nước ngoài sở hữu, trong đó có hai ứng dụng trên.

Có lẽ yêu cầu “kèm theo” nêu trên đã “cứu” nước Mỹ. Hai năm sau, trước những diễn biến phức tạp, đáng lo ngại, Nhà Trắng phải đã ra “tối hậu thư” 30 ngày để các cơ quan chính phủ xóa ứng dụng TikTok trên mọi thiết bị và hệ thống liên bang, “Nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu, toàn bộ cơ quan liên bang Mỹ” – như thông báo của Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) Mỹ, ngày 27/2/2023. Trước đó, một số cơ quan liên bang quan trọng, như Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa Mỹ…, đã áp dụng hạn chế với TikTok.

Tới lúc đó, người dân Mỹ, ngay cả những người trước đó từng phản đối quan điểm cấm TikTok của ông Trump và cáo buộc ông đủ điều, cũng thấy, hóa ra, dẫu có tính khí thất thường, thì vẫn có những lúc nhất thời, ông Trump tỉnh táo, có những tầm nhìn “vượt thời gian”.

Đặc biệt, trước một đối thủ như Trung Quốc, sự tỉnh táo của ông Trump hầu như là bản năng. Bằng chứng là, tiếp theo “tối hậu thư” của OMB chậm hơn ông Trump những 2 năm, thêm gần hai năm nữa, mới có thêm một dự luật cấm TikTok được đề xuất. Và, tới ngày 14/4, các nhà lập pháp tại bang Montana (Mỹ) đã “nổ phát súng đầu” bỏ phiếu thông qua luật cấm sử dụng ứng dụng TikTok tại bang này trên mọi thiết bị cá nhân trong toàn khu vực, từ đầu năm 2024, kéo theo một nửa số bang ban hành luật đó, tính tới thời điểm này.

Cho dù dự luật còn phải “vòng vèo” mươi bước nữa, và phải được lưỡng viện đồng ý mới có thể đặt trên bàn làm việc của tổng thống, nhưng ông Biden, trong cuộc nói chuyện với phóng viên tại quận Prince George, Maryland ngày 8/3, đã khẳng định: “Nếu quốc hội thông qua, tôi sẽ ký”.

Việc ông Biden thể hiện sự sốt sắng một cách muộn mằn, cũng như trước đó ông từng thu hồi lệnh cấm ứng dụng TikTok và WeChat của người tiền nhiệm, càng chứng tỏ ông Trump từng “hơn đứt” ông Biden về sự tỉnh táo và bản lĩnh trong câu chuyện cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc. Có điều, trước một đối thủ khó chịu và tham vọng như Trung Quốc, hành xử của Nhà trắng, của ông Biden lúc này muộn còn hơn không.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới