Trung Quốc đang trong quá trình huy động hơn 27 tỉ USD cho quỹ chip lớn nhất từ trước đến nay, với mục tiêu thúc đẩy phát triển các công nghệ tiên tiến.
Theo Bloomberg, Quỹ đầu tư Ngành Chip tích hợp quốc gia (NICIIF) đang tích lũy một nguồn vốn từ chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước để rót cho quỹ thứ ba, số tiền này sẽ vượt quá 200 tỉ NDT của quỹ thứ hai.
Được biết đến với cái tên “Quỹ lớn”, công ty được nhà nước hậu thuẫn này đang mở rộng phạm vi hoạt động của mình ngay giữa lúc Mỹ chuẩn bị tăng cường mạnh mẽ các biện pháp hạn chế công nghệ được thiết kế để hạn chế tiến bộ về chip và trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc.
Việc thành lập quỹ thứ ba với quy mô lớn hơn – do Bộ Công nghệ Trung Quốc trực tiếp giám sát – cho thấy nỗ lực tăng cường khai thác thị trường chip bán dẫn lớn nhất thế giới. Huawei Technologies Co. và đối tác Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC) vẫn phải dựa vào công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ để chế tạo một mẫu chip tiên tiến trong năm ngoái.
Bloomberg dẫn một nguồn tin cho hay, phần lớn nguồn vốn cho giai đoạn ba của “Quỹ lớn” dự kiến sẽ đến từ chính quyền địa phương, các tổ chức đầu tư của họ và các doanh nghiệp nhà nước, trong khi chính quyền trung ương sẽ đóng góp một phần nhỏ. Theo nguồn tin, mục tiêu của Bắc Kinh hiện nay là huy động nguồn vốn có giá trị trên khắp đất nước để rót cho các dự án lớn.
Nỗ lực tự chủ về công nghệ của Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh Mỹ kêu gọi các đồng minh bao gồm Hà Lan, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản siết chặt hơn nữa các hạn chế đối với việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ chất bán dẫn và lấp các lỗ hổng trong các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện có. “Quỹ lớn” đóng vai trò then chốt trong nỗ lực thúc đẩy sự tự chủ của Trung Quốc.
Nguồn tin cũng cho hay, chính quyền Thượng Hải và các thành phố khác, Tập đoàn Chengtong Holdings China và Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Nhà nước nằm trong số các nhà đầu tư muốn cam kết chi hàng tỉ NDT cho giai đoạn ba.
Quỹ này sẽ giúp tài trợ cho ba đến bốn nhóm vốn do các đối tác chung khác quản lý theo cơ cấu được gọi là “quỹ của các quỹ” để đa dạng hóa chiến lược đầu tư và tìm nguồn cung ứng giao dịch. Quỹ III cũng sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các công ty địa phương. Hiện các cuộc đàm phán về việc gây quỹ vẫn đang diễn ra và có thể mất vài tháng để hoàn tất.
Theo Bloomberg, “Quỹ lớn” này là phương tiện chính để Trung Quốc cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất chip trong nước. Được thành lập vào năm 2014, nó đã thu hút được khoảng 45 tỉ USD vốn và được hỗ trợ bởi nhiều công ty, bao gồm cả các nhà sản xuất chip địa phương SMIC và Yangtze Memory Technologies Co.
SMIC có trụ sở tại Thượng Hải là nhà sản xuất chip chính cho Huawei. Họ đã chế tạo thành công bộ xử lý 7 nanomet cho mẫu smartphone Mate 60 Pro trong năm 2023, một kỳ tích mà Mỹ từng cho rằng nằm ngoài tầm với của Trung Quốc.
Giai đoạn thứ hai của quỹ, được thành lập vào năm 2019, hiện nắm giữ cổ phần tại 48 công ty chip địa phương.
Các thực thể nhận vốn từ “Quỹ lớn” được coi là có sự xác nhận chính thức từ Bắc Kinh. Điều đó thường giúp mở ra cánh cửa cho các nhà đầu tư tiềm năng khác và giành được nhiều hỗ trợ chính sách hơn. Tuy nhiên, quỹ này chủ yếu hoạt động ở hậu trường và giữ kín các tiêu chuẩn đầu tư.
T.P