Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChuyện buồn Bãi Cỏ Mây

Chuyện buồn Bãi Cỏ Mây

Bãi Cỏ Mây – một rạn vòng thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – gần đây trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế. Philippines và Trung Quốc liên tục có những hành động căng thẳng về tranh chấp ở đây.

Nói “chuyện buồn” là vì Bãi Cỏ Mây là đứa con có tới bốn bà mẹ. Đó là Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và Đài Loan. Mỗi khi có sự cố ở nơi này thì bốn bà mẹ cùng lên tiếng. Mới nhất, hôm 9/3 vừa rồi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ quan điểm của Hà Nội: “Việt Nam rất quan ngại về căng thẳng gần đây ở Biển Đông, có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”.

Hiện tại Philippines đang chiếm đóng Bãi Cỏ Mây. Thật ra thì họ đang có được một cái xác con tàu đắm – tàu BRP Sierra Madre, mắc cạn tại đây từ năm 1999. Cái xác ấy đang han rỉ, vỡ vụn từng ngày, nhưng vẫn được dùng làm nơi đóng quân, nơi tích trữ lương thực, nơi cất giữ vũ khí, khí tài của hải quân Philippines. Chuyện quân sự, chuyện chủ quyền mà nghe như chuyện hài. Không hiểu khi cái xác tàu vỡ vụn tan vào sóng Biển Đông thì liệu Manila còn đủ cơ sở để nói rằng Bãi này là của họ?

Trở lại với vấn đề nóng rực. Hôm 12/3, Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Philippines, rằng Manila đã nhận được một số đề xuất của Trung Quốc liên quan đến các vấn đề hàng hải ở Biển Đông. Manila cho rằng, trong đó là những đề xuất không thể chấp nhận vì nó đi ngược với luật pháp quốc tế; đi ngược lại lợi ích quốc gia của quốc đảo Đông Nam Á này.

Trong số các đề xuất từ Trung Quốc, Philippines cho rằng, có một nội dung Bắc Kinh “khăng khăng thực hiện những hành động được coi là chấp nhận hoặc thừa nhận quyền kiểm soát và quản lý của Trung Quốc đối với Bãi Cỏ Mây”. Đề xuất như vậy là nhắm mắt làm ngơ trước thực tế, là vi phạm hiến pháp và luật pháp quốc tế.

Có tin tiết lộ rằng, Bắc Kinh đã gửi các đề xuất nhằm “bình thường hóa tình hình tại những khu vực tranh chấp ở Biển Đông” nhưng đã “không nhận được phản hồi” từ phía Chính phủ Philippines. Manila đã phản pháo, rằng họ “không hề phớt lờ các đề xuất” của Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Philippines đang tiếp cận những cuộc đàm phán bí mật này với sự chân thành và niềm tin cao nhất và lấy làm ngạc nhiên trước việc Trung Quốc tiết lộ các thông tin nhạy cảm của những cuộc thảo luận song phương.

Tờ Manila Times đưa tin, trước đó Trung Quốc đã đưa ra 11 tài liệu đề xuất về cách thức để quản lý Bãi Cỏ Mây và các vấn đề đánh bắt cá ở Bãi cạn Scarborough.

Vừa đánh vừa đàm là cách giữ thế chủ động của nước lớn. Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông. Hôm 5/3, một tàu hải cảnh Trung Quốc va chạm mạnh với tàu tuần duyên Philippines và phun vòi rồng vào tàu tiếp tế Philippines khi Manila đang tiếp tế cho quân nhân của họ trên chiếc tàu đắm.

Đối phó với chiến thuật đánh đàm của Bắc Kinh, Manila có “bài” gì? Chúng ta đều biết, căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông đã diễn ra hàng chục năm nay. Và theo các nhà phân tích, Philippines đang thay đổi chiến thuật, rõ nhất là việc dùng truyền thông để tố cáo hành vi của Trung Quốc.

Cụ thể, từ năm 2023 đã có những sự thay đổi lớn trong đối sách của Manila, đó là chiến dịch “minh bạch hóa sự quyết đoán”. Có nhà bình luận đã nhận xét về các hành động cung cấp các hình ảnh và clip công khai và kịp thời cho báo chí quốc tế của Manila trước các hành động hung hăng của Trung Quốc: Việc này giống như “rọi sáng” vào các hoạt động vùng xám của Trung Quốc”.

Nhân chuyện nóng lên ở Bãi Cỏ Mây, quý vị có thể thấy rõ một điều, Biển Đông chưa thể yên ả như nhận xét có phần lạc quan tếu của một số người. Căng thẳng không chỉ liên quan giữa Philippines và Trung Quốc, mà nhiều quốc gia trong khu vực đang là nạn nhân trước hành động bành trướng của Trung Quốc.

Nghĩ đủ mưu kế, nước nào cũng tìm cách bảo vệ “chân lý” của mình. Việc Philippines tiếp tế cho tàu Sierra Madre không chỉ là lương thực, thực phẩm và nước uống để nuôi sống các quân nhân. Thật ra, mục tiêu lớn nhất của Manila là tìm mọi cách kéo dài sự sống của con tàu đắm, bởi ngày tàn của con tàu đã cận kề.

Khi con tàu tan vào bọt sóng Biển Đông có nghĩa là không còn sự hiện diện của Philippines thông qua các binh sĩ. Vì thế mà Manila phải bằng mọi cách cố thủ.

Trong khi đó, Trung Quốc cố tìm mọi cách ngăn cản. Nếu như họ ngăn cản được việc tiếp tế cho con tàu tại đây thì Philippines sẽ mất trắng. Một khi Bắc Kinh nẫng tay trên Bãi Cỏ Mây thì có thể đây sẽ là con cờ domino dẫn tới hàng loạt thay đổi trong khu vực.

Vì thế, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, kể cả vùng lãnh thổ Đài Loan phải chủ động đối phó tình hình. Nếu Trung Quốc thành công ở Bãi Cỏ Mây, họ sẽ tiếp tục có những động thái tương tự với các thực thể mà Việt Nam đang nắm chủ quyền ở Trường Sa.

Bãi Cỏ Mây căng thẳng không chỉ là chuyện riêng của Trung Quốc và Philippines.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới